Nguyễn Quốc Thước – vị tướng hết lòng vì xã tắc
Trên nghị trường, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nổi tiếng là người vì dân nói thẳng. Ông luôn bảo vệ quyền lợi của những người nông dân – tầng lớp đã có những hi sinh, đóng góp lớn lao trong hai cuộc chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Vị tướng trên chiến trường
Tướng Nguyễn Quốc Thước (sinh năm 1926 tại Nghi Lộc, Nghệ An) trong một gia đình thuần nông. Từ bé gia đình cố gắng cho ông đi học. Năm 1944, ông là một trong ít người ở Nghi Lộc có bằng tốt nghiệp lớp 7. Cách mạng thành công, ông tham gia và được kết nạp Đảng vào năm 1947. Như các bạn bè cùng lứa, ông Thước gia nhập quân đội năm 1949 và được phân về Trung đoàn 101, Sư đoàn 325 hoạt động tại Trị Thiên.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước tại 1 buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: I.T
Năm 1952, ông được điều sang Lào, cùng giúp nước bạn chống lại thực dân Pháp trong cuộc chiến đấu giành độc lập. Nhớ lại một trận đánh tại Lào, ông kể với phóng viên: “Đơn vị tôi bí mật tập kích 1 đại đội lính Pháp. Trong đêm tối, dưới làn đạn của ta quân địch bỏ chạy tứ tung. Có nhiều tên sợ quá chui vào bụi cây nằm im thin thít. Sáng hôm sau, vì là người biết tiếng Pháp nên cấp trên giao cho tôi gọi hàng. Tôi kiếm một loa bằng mo cau rồi hướng về phía các bụi cây rậm rạp, gọi bằng tiếng Pháp: “Đầu hàng thì sống. Yêu cầu tất cả ra hàng”. Nghe tiếng loa, một lúc sau hàng chục lính Pháp lốc nhốc chui khỏi bụi rậm”- người lính già khà khà kể.
Có thể nói nơi nào gian khổ là ông có mặt. Năm 1979, Tướng Thước và Quân đoàn 3 tham chiến tại chiến trường K (Campuchia), rồi sau đó được Bộ điều động gấp lên biên giới phía Bắc. Hết chiến tranh biên giới phía Bắc, tới tận năm 1996 ông được đưa về làm Tư lệnh Quân khu 4.
Ông kể, khi về nhận nhiệm vụ Tư lệnh, rất nhiều người quen, anh em gửi con em làm trong văn phòng để nhờ vả. “Mình kiểm tra, ai là con em họ hàng người quen thì yêu cầu chuyển sang đơn vị khác, tránh trước mọi dị nghị”- Tướng Thước nói. Ông cũng nhắc lại quan niệm của ông: “Có ba thứ đồng: Đồng chí, đồng hương, đồng đội, trong đó đồng chí nhiều khi là chưa chắc là “đồng chí” vì nhiều người nói một đằng làm một nẻo. Còn đồng hương thì không quên. Đồng đội thì phải giúp đỡ.
Vì thế vào ngày 27.7 hàng năm, ông lại tới nghĩa trang Trường Sơn thắp hương cho các liệt sĩ Quân đoàn 3. Ông bảo: “Ở đó có 8.000 người lính của tôi yên nghỉ”.
Ông cũng thường xuyên tìm cách giúp đỡ các bạn bè đồng đội là thương binh nay nay có cuộc sống khó khăn. Năm 2017, khi tuổi đã hơn 90, ông ra thăm an hem chiến sĩ đang bảo vệ quần đảo Trường Sa. Anh em chiến sĩ nhìn ông cảm động rưng rưng, nói: “Thưa bác, bác cứ yên tâm. Nếu còn người, sẽ còn biển”.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước trả lời, chắc như một lời khẳng định: “Không có chữ Nếu, phải còn người còn biển các cháu ạ”. Rồi ông ôm hôn, động viên từng chiến sĩ trên đảo.
Video đang HOT
Và “người lính” trên nghị trường
Bản lĩnh của người lính ngoài chiến trường đã được ông phát huy mạnh mẽ trên nghị trường Quốc hội. Vẫn là lối nói thẳng thắn, sự cương nghị và đầy tinh thần trách nhiệm. Một đại biểu Quốc hội như Tướng Thước luôn là người châm ngòi cho những phiên chất vấn quyết liệt nhưng chân thành, thẳng thắn. Với ông, ăn cơm của dân, mặc áo của dân mà không làm hết trách nhiệm với dân tức là… ăn gian, ăn quỵt.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước đọc sách khi nghỉ trưa. Về hưu, Tướng Thước vẫn là nhân vật gây ấn tượng mạnh mẽ với những phát biểu gây nóng nghị trường về những vấn đề bức xúc xã hội Việt Nam.
Chẳng thế mà dân gian có câu để nói về 4 vị Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) được dân yêu mến “Nhất Thước, nhì Trân, tam Lân, tứ Quốc” (Nguyễn Quốc Thước – ĐBQH tỉnh Nghệ An các khóa VIII, IX, X; Nguyễn Ngọc Trân – ĐBQH tỉnh An Giang khóa X; ĐB Nguyễn Lân Dũng – ĐBQH các khóa X, XI, XII và ĐB Dương Trung Quốc – ĐBQH tỉnh Đồng Nai các khóa XI, XII, XIII).
Sau này, khi ông Thước không làm ĐBQH thì có “Nhất Ngoạn, nhì Trân, tam Lân, tứ Quốc” (ĐB Đỗ Trọng Ngoạn – ĐBQH tỉnh Bắc Giang – khóa XI)
Ông Thước bảo: Có những vấn đề một số người can ngăn nhưng tôi nói thẳng, tôi là đại biểu của dân nhưng không cho tôi nói thì tôi không phải là đại biểu của dân nữa. Tôi nói theo cái dân cần.
Thế mới thấy, trong con người của vị tướng già này không hề có sự cả nể, mà ông luôn phát huy phẩm chất người lính. Thấy cái sai, cái trì trệ là chỉ có tiến công.
Ông là người thẳng thắn nên ông cũng sẵn sàng ủng hộ những người dám nghĩ dám làm nhưng làm sai thì phải sẵn sàng chịu trách nhiệm. Với ông, Quốc hội là nơi để thể hiện quan điểm, ý kiến của nhân dân, vì vậy rất cần những đóng góp để tạo ra cái chuyển biến, còn chuyện nói để khen, tung hô thì không để làm gì.
Từ những trăn trở, đó, ông bộc bạch, nên chăng Quốc hội cần có sự thay đổi không chỉ về lượng mà cần nâng cao chất lượng và hiệu quả họat động. Chẳng hạn như việc nên chọn những đại biểu chuyên trách, thực chất gắn bó với hoạt động thực tiễn, đại diện chung cho cả nước, hạn chế thành phần đại biểu đang nắm các chực vụ tại địa phương. Có như thế mới thực sự tạo ra diễn đàn để người dân và đại biểu đóng góp ý kiến có chất lượng.
Là ĐBQH, ông không chỉ hoạt động trong nghị trường. Hoạt động của ông bắt đầu từ việc đi tìm hiểu tình hình, nắm tình hình, hiểu tâm tư nguyện vọng của dân. Trên cơ sở đó chọn lọc các vấn đề lớn hơn thì trình ra nghị trường Quốc hội cùng giải quyết.
“Có những vấn đề một số người can ngăn nhưng tôi nói thẳng, tôi là đại biểu của dân, nhưng không cho tôi nói thì tôi không phải là đại biểu của dân nữa. Tôi nói theo cái dân cần”.
Trung tướng
Nguyễn Quốc Thước
Ông nói: “Tôi là một người lính. Rất nhiều đồng đội tôi đã hi sinh xương máu, và những người lính của tôi cũng đã nằm xuống để bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, trong thời bình còn sức lực tôi còn cống hiến và bảo vệ quyền lợi của người dân”.
Đặc biệt ông luôn quan tâm bảo vệ quyền lợi của người nông dân. Ông xem xét kỹ từng chi tiết các điều luật, cái nào bất lợi cho nhà nông thì yêu cầu Quốc hội xem lại và lưu ý sao cho có lợi đối với người nông dân.
Thậm chí, có những lúc ông phát biểu thẳng thắn quá, động chạm quá, có người còn bấm nháy ông, nói nhỏ: “Bác ơi, bác chết chắc rồi”. Nhưng ông vẫn khẳng định “chết làm sao được”.
“Tôi vẫn nói với mọi người theo cách nói của các cụ, rằng “Thương anh em để trong lòng/Việc dân em cứ phép công em làm”. Tôi sống thẳng thắn thế và có lẽ cũng vì thẳng thắn mà cử tri, người dân ưu ái và nhớ tới tôi”- vị tướng già vui vẻ chốt lại câu chuyện.
Theo Danviet
Đồng chí Lê Đức Anh - nhà quân sự tài ba, nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng
Tôi có thời gian cùng công tác và là cấp dưới của đồng chí Lê Đức Anh từ giữa năm 1976 đến tháng 5-1978. Thời kỳ đó, đồng chí Lê Đức Anh là Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 9, tôi là Phó chính ủy kiêm Chủ nhiệm Chính trị quân khu.
Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh và nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cùng các đại biểu tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7-1947 / 27-7-2017). Ảnh: MINH TRƯỜNG
Với tôi, Đại tướng Lê Đức Anh thuộc thế hệ đàn anh. Đồng chí tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1937, được kết nạp Đảng năm 1938 (khi tròn 18 tuổi) và từ năm 1945 tham gia Việt Nam Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam. Hơn 45 năm liên tục phục vụ trong quân đội, đồng chí trải qua hầu hết các chức vụ, từ cán bộ trung đội đến Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Dù ở cương vị nào, đồng chí cũng thể hiện rõ tài năng, trí tuệ, là người chỉ huy, vị tướng có tài cầm quân. Đồng chí từng được phong quân hàm vượt cấp từ đại tá lên trung tướng và là một trong 3 sĩ quan cao cấp của Quân đội ta (cùng các đồng chí Phùng Thế Tài và Đào Văn Trường), khi mang quân hàm đại tá được bổ nhiệm chức vụ Phó tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam.
Đồng chí Lê Đức Anh có mặt ở hầu hết các chiến trường gian khổ, ác liệt nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đồng chí vào miền Nam trên tuyến đường của Đoàn tàu không số, từng được giao làm Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Bộ tư lệnh Miền. Nhiều chiến dịch lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng chí đều tham gia và trực tiếp chỉ huy. Cuối năm 1974, đồng chí Lê Đức Anh được điều động trở lại làm Phó tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam và được thăng quân hàm vượt cấp từ đại tá lên trung tướng. Năm 1975, đồng chí là Phó tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh kiêm Tư lệnh cánh quân Tây Nam-một trong 5 cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn.
Ngày 30-4-1975, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, nhưng ngay sau đó, bè lũ phản động Pol Pot-Ieng Sary liên tiếp gây ra các vụ tấn công vào lãnh thổ nước ta trên tuyến biên giới Tây Nam, tàn sát dã man đồng bào ta. Tháng 7-1978, Quân ủy Trung ương ra Quyết định số 69/QĐ-QUTW về tổ chức Tiền phương Bộ Quốc phòng, có nhiệm vụ chỉ huy, thống nhất mọi hoạt động tác chiến của các quân khu, quân đoàn, lực lượng của các quân chủng, binh chủng ở phía Nam thực hiện nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc ở biên giới Tây Nam. Thời gian này, Trung tướng Lê Đức Anh đảm nhiệm cương vị Tư lệnh Quân khu 7 kiêm Chỉ huy trưởng Tiền phương Bộ Quốc phòng ở mặt trận Tây Nam (Chiến trường K).
Đáp lời kêu gọi giúp đỡ của Mặt trận Đoàn kết cứu nước Campuchia, ngày 7-1-1979, bộ đội ta phối hợp với các lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia tiến hành giải phóng thủ đô Phnom Penh và toàn bộ đất nước Campuchia, giúp nhân dân nước bạn thoát khỏi họa diệt chủng. Để tăng cường giúp bạn Campuchia sau giải phóng, tháng 8-1979, đồng chí Lê Duẩn ký Quyết định số 19 thành lập Ban Phụ trách công tác K (Campuchia), do đồng chí Lê Đức Thọ làm Trưởng ban; đồng chí Lê Đức Anh làm Phó ban thứ nhất. Đồng chí Lê Đức Anh đã nắm chắc và báo cáo chính xác với Trung ương tình hình địch, ta trên chiến trường, âm mưu, thủ đoạn của chúng; đồng thời cùng các đồng chí trong Ban Phụ trách công tác Campuchia bàn các giải pháp giúp bạn bảo vệ thành quả cách mạng, xây dựng, ổn định đời sống nhân dân, phát triển sản xuất. Tháng 2-1980, đồng chí Lê Đức Anh được Bộ Chính trị cử làm Trưởng ban Phụ trách công tác Campuchia.
Tháng 5-1981, Quân ủy Trung ương ra Nghị quyết số 36 về tổ chức Quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia và thành lập Bộ tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia (Bộ tư lệnh 719), trực thuộc Bộ Quốc phòng, trực tiếp chỉ huy Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam giúp bạn Campuchia. Giai đoạn đó, chúng ta vừa giúp bạn Campuchia, vừa phải chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc; đồng thời toàn quân thực hiện cơ chế mới theo Nghị quyết 07 "Về việc đổi mới, hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với QĐND Việt Nam, sự nghiệp quốc phòng và thực hiện chế độ một người chỉ huy trong quân đội", tức là bỏ chế độ đảng ủy, bỏ chức vụ chính ủy, chính trị viên, thiết lập cơ chế "một người chỉ huy" và "hội đồng công tác chính trị". Lúc này tôi đang là Phó chính ủy kiêm Chủ nhiệm Chính trị Mặt trận 719.
Sau đó, Bộ Chính trị, dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đảng, tổ chức họp tại TP Hồ Chí Minh và triệu tập đồng chí Lê Đức Anh về dự. Tại hội nghị, Thượng tướng Lê Đức Anh đã bàn bạc với tôi đề xuất trước hội nghị: Riêng ở chiến trường Campuchia vì bộ đội ta đang thực hiện nhiệm vụ chiến đấu, giúp bạn truy quét tàn quân Pol Pot, củng cố chính quyền cách mạng, do vậy đề nghị cho phép Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Campuchia vẫn duy trì chế độ đảng ủy. Sau này, trong hồi ký, Đại tướng Lê Đức Anh cũng nhắc lại quan điểm của chúng tôi vào thời điểm đó: "Chúng ta phải nhất quán rằng, một chủ trương quân sự, một hoạt động quân sự không bao giờ là quân sự đơn thuần, mà hoạt động quân sự là hoạt động chính trị, phục vụ mục đích chính trị. Người chỉ huy quân sự là làm chính trị, phục vụ chính trị, phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của tổ chức đảng. Dứt khoát cái đó!".
Và thực tế, đồng chí chủ trì hội nghị Bộ Chính trị hôm đó đã kết luận, đồng ý với ý kiến của đồng chí Lê Đức Anh, bởi đây là một đề xuất đúng đắn, phù hợp với thực tế nhiệm vụ của ta vào thời điểm đó ở Mặt trận 719. Qua đây, thể hiện bản lĩnh, tính quyết đoán, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân của đồng chí Lê Đức Anh.
Đại tướng Lê Đức Anh là một nhà lãnh đạo rất nhạy bén, nhạy cảm trước tình hình mới, có tính quyết đoán, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Ngay sau giải phóng miền Nam, khi đồng chí Lê Đức Anh đảm nhận cương vị Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 9, thời gian này, Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng có chủ trương giảm biên chế đối với quân đội, giải quyết cho đi lao động xuất khẩu, chuyển ngành, phục viên... số lượng lớn cán bộ, chiến sĩ. Nhiều đơn vị trong toàn quân, nhất là ở khu vực phía Nam đã thực hiện chủ trương của trên. Riêng đồng chí Lê Đức Anh rất thận trọng, bởi đồng chí nhận thấy tình hình biên giới Campuchia diễn biến phức tạp, căng thẳng. Đồng chí bàn bạc trong Đảng ủy, Bộ tư lệnh và thống nhất tạm thời chưa thực hiện chủ trương của trên, đồng thời quyết định giữ lại nhiều hạ sĩ quan, chiến sĩ đã qua chiến đấu, có tinh thần dũng cảm, gan dạ, ý thức tổ chức kỷ luật tốt, cùng nhiều cán bộ có năng lực, trình độ, khả năng chỉ huy, đã trải qua chiến đấu. Đặc biệt, đồng chí cho giữ lại những đơn vị có truyền thống đánh giặc, lập công, có nền nếp chính quy tốt và đề nghị thành lập Sư đoàn 330. Và hiệu quả rõ rệt là, khi thực hiện chiến dịch giúp bạn Campuchia đánh đổ lực lượng phản động Pol Pot-Ieng Sari, thì Sư đoàn 330 là một trong những đơn vị chủ lực, thiện chiến, có sức chiến đấu mạnh mẽ, trừng trị thích đáng tội ác của bè lũ phản động Pol Pot, góp phần giúp bạn giải phóng nhiều địa bàn quan trọng. Sau này, cũng từ Sư đoàn 330, nhiều cán bộ đã qua chiến đấu, có kinh nghiệm chiến trường đã được cử đi đào tạo, trở thành những cán bộ cốt cán của địa phương và quân đội; nhiều đồng chí phát triển lên cán bộ cấp tướng, đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo, chỉ huy cao cấp của quân đội...
Quá trình công tác, dù ở cương vị nào, đồng chí Lê Đức Anh cũng rất sâu sát, tận tụy trong công việc. Đồng chí đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong lúc tình hình biên giới phía Bắc vẫn còn xảy ra xung đột, đời sống nhân dân và bộ đội hết sức khó khăn, tư tưởng có những diễn biến phức tạp. Đồng chí đã trực tiếp đến thăm, kiểm tra nhiều đơn vị cơ sở. Thấy đời sống của bộ đội còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, thậm chí có biểu hiện phát sinh tư tưởng tiêu cực, đồng chí đã chỉ đạo cấp ủy, chỉ huy các đơn vị tập trung mọi nguồn lực chăm lo đời sống bộ đội, trước hết để anh em có sức khỏe, ổn định tư tưởng, xác định quyết tâm bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc. Cùng với đó, đồng chí dành nhiều thời gian đi thăm hỏi, động viên bộ đội đang làm nhiệm vụ ở Trường Sa, các vùng biển, đảo... nắm chắc tư tưởng cán bộ, chiến sĩ, động viên bộ đội vững vàng tay súng, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Đất nước hòa bình, nhưng Đại tướng Lê Đức Anh luôn trăn trở về đời sống của cán bộ, chiến sĩ quân đội, nhất là các đồng chí từng vào sinh ra tử phục vụ cách mạng, kháng chiến, từng trải qua chiến đấu nhiều hy sinh gian khổ, nhưng cuộc sống vẫn rất khó khăn, nơi ăn chốn ở không ổn định. Trước tình hình đó, đồng chí Lê Đức Anh chủ trương dành một phần đất doanh trại chưa sử dụng, giải quyết nhà ở, đất ở cho cán bộ quân đội, giúp anh em yên tâm công tác, gắn bó, xây dựng đơn vị. Đồng chí cũng trăn trở trước những mất mát, hy sinh to lớn của nhân dân trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là những người mẹ có con trai duy nhất, có nhiều con hy sinh vì cách mạng. Khi trên cương vị Chủ tịch nước, đồng chí Lê Đức Anh đã định hướng cho Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, phối hợp với Bộ Quốc phòng rà soát, xây dựng kế hoạch, đề xuất chủ trương phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng", nhằm tôn vinh, ghi công sự cống hiến của các bà mẹ cho độc lập, tự do của Tổ quốc và giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau.
Đồng chí Lê Đức Anh là nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa trông rộng, nhà chỉ huy quân sự tài ba. Trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và trong hơn 10 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới và làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Campuchia, đồng chí luôn nắm chắc tình hình trong và ngoài nước, tình hình quân đội, nên giải quyết công việc rất quyết đoán, chắc chắn, có lập trường giai cấp rất vững vàng. Trong giai đoạn đầu của thời kỳ đổi mới, đồng chí góp phần quan trọng thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa quan hệ quốc tế, trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, cùng có lợi, đưa Việt Nam từng bước hội nhập quốc tế, mở rộng quan hệ với các nước, nhất là bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ, không ngừng nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Lê Đức Anh có nhiều đóng góp, cống hiến cho cách mạng, cả trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng, phát triển đất nước và mở rộng quan hệ ngoại giao của Việt Nam với các nước. Đồng chí luôn có các quyết định đúng đắn, sáng tạo trong những thời điểm và hoàn cảnh hết sức khó khăn, thể hiện tầm nhìn sâu rộng trong những vấn đề chiến lược của đất nước, của quân đội. Đồng chí luôn sống giản dị, thanh bạch, gần gũi với đồng chí, đồng bào. Đại tướng, Chủ tịch nước Lê Đức Anh là tấm gương mẫu mực về đạo đức, lối sống, về năng lực tư duy, năng lực hành động... để các thế hệ cán bộ, đảng viên học tập, noi theo.
Nguyên Tổng bí thư LÊ KHẢ PHIÊU
Theo qdnd.vn
Chiêm ngưỡng bộ sưu tập kỷ vật thời chiến của chàng trai xứ Quảng 10 năm lăn lộn trong giới sưu tầm đồ cổ, chàng trai xứ Quảng đã sở hữu "bảo tàng" kỷ vật thời chiến đồ sộ khiến nhiều người choáng ngợp. Chàng trai nổi đình nổi đám khắp dải đất miền Trung về sở thích sưu tầm cổ vật ấy là Trần Cảnh Hiền (35 tuổi, trú khối phố 2, phường Vĩnh Điện, thị...