Nguyên Phó Tổng giám đốc BIDV nằng nặc kêu oan
Với sự “đỡ lưng” của 4 luật sư tại phiên toà nên ngày thứ hai xét xử vào hôm qua (28-5), Đoàn Tiến Dũng – nguyên Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam ( BIDV) “được dịp” phản bác lại quan điểm cáo buộc phạm tội.
Nguyên Phó Tổng giám đốc BIDV Việt Nam tại toà
“Bị cáo không phạm tội như VKS truy tố. Vì thế bị cáo đề nghị HĐXX minh oan cho bị cáo”. Đây là lời nói sau cùng của Đoàn Tiến Dũng, trước khi toà quyết định nghỉ nghị án.
Đề cập đường lối xử lý “thầy – trò” nguyên Phó Tổng giám đốc BIDV Việt Nam, đại diện VKSND TP Hà Nội khẳng định hành vi của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng khi đã xâm phạm đến hoạt động đúng đắn, bình thường của cơ quan Nhà nước, gây bất bình trong dư luận. Với nhận định này, đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt Đoàn Tiến Dũng từ 15 – 16 năm tù giam về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”. Cùng tội danh, Trần Thị Thanh Bình – nguyên Phó Giám đốc BIDV Hải Phòng cũng bị đề nghị xử phạt từ 13 – 14 năm tù. Mức án đề nghị này thấp hơn hẳn khung hình phạt quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 283-BLHS (phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân).
Quá trình xét hỏi, Đoàn Tiến Dũng thừa nhận việc chỉ đạo thuộc cấp Trần Thị Thanh Bình nhận 4 tỷ đồng “lót tay” của ông Hoàng Văn Khánh – Giám đốc Công ty TNHH V.K (gọi tắt là Công ty V.K) thông qua 2 tài khoản cá nhân là người quen của Bình. Tuy nhiên, Đoàn Tiến Dũng cho rằng việc ông Khánh biếu số tiền đó là hoàn toàn tự nguyện do trước đây bị cáo từng giúp đỡ ông này một cách “vô tư” trong hai hợp đồng vay hơn 45 tỷ đồng và “biếu thưởng” sau khi giới thiệu để Công ty V.K bán kho bãi container cho Công ty Dầu khí ANPHA Hải Phòng. Đối với 1 tỷ đồng bị bắt quả tang tại một quán phở trên phố Giảng Võ vào ngày 2-2-2010, Dũng cho rằng bị ông Khánh “gắp lửa bỏ tay người”.
Để chứng minh cho sự trong sạch của mình, nguyên Phó Tổng giám đốc BIBV Việt Nam nằng nặc đề nghị HĐXX triệu tập bằng được ông Khánh đến toà để đối chất… Tương tự như “sếp”, Trần Thị Thanh Bình cũng một mực kêu oan với lý do không hề biết ông Khánh và càng không biết tiền mà Đoàn Tiến Dũng nhận của Công ty V.K là tiền gì. Trần tình trước toà, bị cáo này bảo rằng là cấp dưới lại được Đoàn Tiến Dũng “cất nhắc” nên khi “sếp” nhờ đứng ra nhận tiền hộ, bị cáo không thể không giúp đỡ. “Bất kỳ ai ở trong trường hợp của bị cáo cũng sẽ làm vậy” – nguyên Phó Giám đốc BIDV Hải Phòng phân trần.
Video đang HOT
Bào chữa cho Đoàn Tiến Dũng, cả 4 luật sư đều đồng loạt phản bác quan điểm truy tố của VKS. Căn cứ mà các luật sư đưa ra đó là Đoàn Tiến Dũng không hề có bất kỳ một hành động nào ép buộc ông Khánh phải “chung chi” thì mới được bán tài sản đang thế chấp tại ngân hàng và mới được giải ngân.
Tất cả các lần nhận tiền và giải ngân của Công ty V.K đều rất “thông đồng bén giọt”, minh bạch và hoàn toàn phù hợp với quy định của ngân hàng cũng như Luật Doanh nghiệp. Các luật sư cũng cho rằng ngay cả trường hợp nếu Đoàn Tiến Dũng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để gây ảnh hưởng nhằm trục lợi thì người bị gây ảnh hưởng phải là con người cụ thể chứ không phải pháp nhân – BIDV Hải Phòng.
Một trong 4 luật sư bào chữa cho Đoàn Tiến Dũng kết luận, việc bị cáo nhận 4 tỷ đồng của Công ty V.K chỉ dừng ở vi phạm về mặt đạo đức đối với cán bộ, công chức chứ không vi phạm pháp luật. Riêng với khoản tiền 1 tỷ đồng bị bắt quả tang thì không có giá trị chứng minh tội phạm vì nó được ai đó “đạo diễn”, không khách quan. Liên quan đến khoản tiền Đoàn Tiến Dũng trục lợi, luật sư bào chữa cho bị cáo khẳng định không thể trả lại cho Công ty V.K được mà phải tịch thu sung công quỹ vì đây là tiền phạm pháp. Còn nếu các cơ quan tố tụng trả lại cho Công ty V.K thì rõ ràng việc quy kết Đoàn Tiến Dũng phạm tội như truy tố là không thoả đáng. Luật sư bào chữa cho Trần Thị Thanh Bình thì phân tích, bị cáo này không đồng phạm với Đoàn Tiến Dũng vì thực tế Bình không bàn bạc gì với “sếp” và cũng không được hưởng lợi gì từ việc nhận tiền “lót tay”.
Trước sự tranh cãi khá gay gắt giữa luật sư bào chữa cho các bị cáo và đại diện VKS giữ quyền công tố tại phiên xét xử, TAND TP Hà Nội buộc phải quyết định nghỉ nghị án kéo dài và sẽ đưa ra phán quyết vào chiều nay, 29-5.
Theo ANTD
Mở lại phiên xử cựu phó tổng giám đốc BIDV
Sau nhiều lần bị hoãn, ngày 26/5, TAND Hà Nội mở phiên tòa xét xử cựu Phó tổng giám đốc Ngân hàng đầu tư và phát triển Đoàn Tiến Dũng và thuộc cấp Trần Thị Thanh Bình (phó giám đốc chi nhánh Hải Phòng) về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi.
Cách đây gần 2 năm, sau 2 ngày xét xử, sáng 30/9/2010, TAND Hà Nội bất ngờ tuyên bố trả hồ sơ để củng cố chứng cứ về việc cựu phó tổng BIDV ép buộc, gây khó khăn cho doanh nghiệp nhằm được "lại quả" 4 tỷ đồng. Tuy nhiên, cáo trạng công bố hôm nay vẫn giữ nguyên nội dung như trước.
Ông Đoàn Tiến Dũng, nguyên phó tổng BIDV. Ảnh: Nam Anh
VKS cáo buộc, trước khi làm Phó tổng giám đốc BIDV vào tháng 8/2008, ông Dũng là giám đốc BIDV Hải Phòng trong 6 năm. Thời gian này, ông Dũng giải quyết cho Công ty cổ phần dệt may xuất khẩu Hải Phòng và Công ty TNHH VK Hải Phòng do ông Hoàng Văn Khánh làm Tổng giám đốc vay gần 45 tỷ đồng qua 2 hợp đồng tín dụng dài hạn. Tiền được đảm bảo bằng hình thức thế chấp tài sản, trong đó có kho bãi container và tài sản trên đất tại khu vực Đầm Mắm, Hải Phòng.
Đầu năm 2009, 2 công ty gặp khó khăn về tài chính, ông Khánh đề nghị và được BIDV Hải Phòng đồng ý cho chuyển nhượng dự án kho bãi container đang thế chấp.
Bà Trần Thị Thanh Bình. Ảnh: Nam Anh
Qua giới thiệu của ông Dũng và bà Bình, Công ty VK thống nhất chuyển nhượng toàn bộ dự án kho bãi container cho Công ty cổ phần dầu khí Anpha Hải Phòng với giá 57 tỷ đồng.
Trong khi giải ngân số tiền bán tài sản của Công ty VK, ông Dũng nhiều lần yêu cầu Tổng giám đốc Khánh đưa tiền "lót tay" thì mới chỉ đạo ngân hàng cho VK rút tiền. Sau lần chỉ đạo bà Bình nhận 4 tỷ đồng thành công, đầu tháng 2 ông Dũng trực tiếp nhận một tỷ đồng từ ông Khánh tại một quán phở ở Hà Nội và bị công an bắt quả tang.
Công an xác định Anpha Hải Phòng là công ty con của Công ty cổ phần dầu khí Anpha Sài Gòn, trong đó ông Dũng góp cổ phần 20%, bà Bình 10%. Theo bà Bình, việc thành lập Công ty dầu khí Anpha Hải Phòng là để mua lại dự án kho bãi container của Công ty VK.
Theo VKS, ông Dũng đã trục lợi tổng cộng 5 tỷ đồng. Bà Bình khai ông Dũng chỉ đạo khi nhận tiền của doanh nghiệp không được chuyển vào tài khoản của hai người; phải làm cẩn thận, tránh để lộ...
Tại phiên tòa hôm nay, ông Dũng khai ông Khánh tự nguyện chuyển tiền cho mình, chứ không ép buộc. "Tôi nghĩ đã bị Khánh giăng bẫy khi đưa một tỷ đồng tại quán ăn", cựu phó tổng BIDV nói.
Chiều nay, phiên tòa tiếp tục phần thẩm vấn các bị cáo
Theo VNExpress
Vụ án tiêu cực tại Khatoco - Khánh Hòa Ngày 01/09, TAND tỉnh Khánh Hòa đã kết thúc phiên tòa xét xử vụ án tiêu cực xảy ra Công ty TNHH thương mại Khatoco thuộc tổng công ty Khánh Việt (Khatoco). Các bị cáo trong vụ án gồm Đoàn Tư Ái (SN 1949, trú 01/09 - Võ Thị Sáu - Nha Trang) - nguyên phó GĐ công ty thương mại Khatoco, Nguyễn...