Nguyên Phó giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt: Chi xong là xoá dấu luôn
10 giờ 15 phút sáng nay 26.10, Tòa bước sang phần thẩm vấn 6 bị cáo nguyên là quan chức ngành đường sắt Việt Nam.
Bị cáo Bằng tại phiên tòa sáng nay
Phần thẩm vấn bắt đầu với bị cáo Phạm Hải Bằng (Nguyên Phó giám đốc Ban quản lý các dự án đường sắt, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam). Theo lời khai, tuyến đường sắt đô thị dài 28 km từ Yên Viên đến Ngọc Hồi (Hà Nội) có tổng giá trị hợp đồng tuyến 01 vào khoảng 320 tỉ đồng. Phương thức thanh toán định kỳ hàng tháng sẽ được giải ngân sau khi nhà thầu tư vấn công bố. Khoảng 2 tháng một lần sẽ thanh toán.
Ngay sau khi dự án triển khai, chủ đầu tư và nhà thầu dự đoán có những khó khăn, có những cái vượt quá thẩm quyền của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Khi có những phát sinh sẽ báo cáo cấp trên để bổ sung. Chính vì vậy, đã có phụ lục hợp đồng 01 và đã được phía Nhật Bản – JICA, Bộ Tài chính thẩm định, điều chỉnh giá trị tăng thêm gần 8% so với giá trị hợp đồng (tương ứng với hơn 84 tỉ đồng).
“Về nguyên tắc khi ký hợp đồng, chi phí do ai chi trả?”, Chủ tọa hỏi. Bị cáo Bằng khai: Ban quản lý các dự án đường sắt (RPMU) không phải trả. “Vậy tại sao JTC đưa khoản tiền trên? Ban quản lý có đề nghị đưa tiền không?”, Chủ tọa hỏi tiếp. “Không”, bị cáo Bằng trả lời.
Video đang HOT
“Bị cáo là người thực hiện dự án, có bàn nội dung lớn về triển khai. Trong quá trình làm việc với JTC, có bàn đến các khó khăn. Nhà tư vấn trình bày trước, cho rằng sẽ đảm bảo các nội dung từ trước. Riêng về các thủ tục tại Việt Nam họ không rõ”, bị có Bằng khai.
Chủ tọa ngắt lời và hỏi tiếp “tại sao trong hợp đồng không đưa các nội dung tiên lượng những khó khăn”. Bị cáo Bằng khai: “Đã có trong hợp đồng”. Chủ tọa cho rằng, vậy thì phải lấy tiền trong hợp đồng chứ không phải khoản bên ngoài. Tại sao trong các buổi thương thảo không nêu trong hợp đồng về những khó khăn mà bị cáo lại lấy tiền ngoài hợp đồng. Bị cáo khai có uỷ quyền cho Phạm Quang Duy.
Bị cáo này còn khai, số tiền 11 tỉ đồng không phải phục vụ cho Ban quản lý các dự án đường sắt nên không nhập vào sổ kế toán, giấy tờ. “Chi tiêu trên không phải trong hệ thống Nhà nước quy định nên đã không lưu lại trong sổ sách. Mỗi lần chi xong lại xoá đi”, bị cáo Bằng khai.
“Có bao giờ bị cáo chủ động đặt vấn đề JTC phải hỗ trợ tiền không?”, Chủ tọa truy tiếp. “Không ạ, chỉ nêu trong các cuộc họp với phía nhà thầu chứ không đề nghị riêng lẻ”, Bằng khai.
Cũng tại phiên sơ thẩm, bị cáo Bằng khai chỉ nhớ tương đối toàn bộ số tiền là khoảng 11 tỉ đồng, chứ không nhớ chính xác bao nhiêu, chỉ nhớ dùng vào các khoản chi tiêu bị cáo đã khai tại cơ quan điều tra.
Trả lời câu hỏi của vị Chủ tọa “Bị cáo nhận thức gì về khoản tiền đã nhận?”, bị cáo Bằng khai: “Đây là khoản tiền tư vấn, lẽ ra họ phải thực hiện trong quá trình triển khai tư vấn. Do JTC không hiểu nên bị cáo đã thay mặt sử dụng và chi tiêu. Lẽ ra JTC phải chi nhưng Ban quản lý đã chi hộ cho họ”.
Hà An
Theo Thanhnien
Bắt tạm giam 4 cựu quan chức đường sắt
Ngày 23.10, TAND TP.Hà Nội cho biết, để phục vụ công tác xét xử, TAND Hà Nội vừa ra lệnh bắt tạm giam 4 bị cáo trong vụ án "hối lộ quan chức đường sắt" xảy ra tại Ban Quản lý các dự án đường sắt (RPMU) thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.
4 bị cáo mới bị bắt tạm giam gồm: Trần Văn Lục, 57 tuổi (cựu Giám đốc RPMU), Trần Quốc Đông, 51 tuổi (cựu Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, cựu Giám đốc RPMU), Nguyễn Văn Hiếu, 53 tuổi (cựu Giám đốc RPMU) và Phạm Quang Duy, 41 tuổi (cựu Phó Giám đốc RPMU).
Trước đó, hai bị cáo trong vụ án "hối lộ quan chức đường sắt" là Phạm Hải Bằng, 46 tuổi (cựu Phó Giám đốc RPMU) và Nguyễn Nam Thái, 38 tuổi (cựu Trưởng phòng thực hiện Dự án 3, thuộc RPMU) đã bị bắt tạm giam.
Theo truy tố, tháng 2.2009, Phạm Hải Bằng khi đó với tư cách là Chủ nhiệm dự án, trong quá trình làm việc với nhà thầu JTC đã đặt vấn đề RPMU gặp nhiều khó khăn về kinh phí. Đại diện của JTC tại VN lúc đó là ông Kiuchi - Giám đốc thực hiện dự án và Sakine - Phó ban Đối ngoại, đã đồng ý hỗ trợ một khoản kinh phí cho RPMU.
Sau đó, Bằng thông báo cho Nguyễn Nam Thái và Phạm Quang Duy biết về khoản hỗ trợ này để thực hiện. Từ tháng 9.2009 đến tháng 2.2014, Bằng chỉ đạo Duy và Thái nhận số tiền khoảng 11 tỷ đồng từ JTC.
Các bị cáo Bằng, Thái và Duy khai, đã sử dụng hết tiền vào các hoạt động liên quan đến dự án như tiếp khách, đối ngoại, tổ chức ký hợp đồng hoặc chi chung cho hoạt động của RPMU như đi nghỉ mát, thưởng dịp lễ tết... Riêng khoản tiền 4,8 tỷ đồng Phạm Hải Bằng quản lý sử dụng chi vào việc đối ngoại, tiếp khách không có sổ sách giấy tờ để chứng minh.
Sau khi bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an bắt giữ vào tháng 5.2014, Bằng đã xin nộp lại khoản tiền để khắc phục hậu quả gồm: 970 triệu đồng tiền mặt, 7.000USD và 2 sổ tiết kiệm gần 1 tỷ đồng mang tên người thân của Bằng.
Các bị cáo: Lục, Đông, Hiếu, Duy biết việc Bằng nhận tiền từ nhà thầu JTC, nhưng đã im lặng để việc phạm tội diễn ra. Ngoài ra các bị cáo này còn nhận từ Bằng quà Tết với "phong bì" từ 30 triệu đến 100 triệu đồng.
Các bị cáo bị truy tố tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Dự kiến phiên tòa xét xử vụ 6 quan chức đường sắt diễn ra từ ngày 26-27.10 tới.
Theo Đoàn Nga (Công Lý)
Sáu cựu quan chức đường sắt hầu tòa vì nhận tiền của nhà thầu JTC Nhật Bản Ngày 26.10, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội sẽ đưa ra xét xử 6 cựu quan chức ngành đường sắt, vì nhận tiền của nhà thầu JTC Nhật Bản. 6 cựu quan chức ngành đường sắt bị xét xử, gồm: Phạm Hải Bằng (46 tuổi, cựu Phó giám đốc Ban Quản lý các dự án Đường sắt - RPMU, thuộc Tổng...