Nguyên phó giám đốc Agribank Trà Vinh bị bắt
Bị cho là duyệt cho doanh nghiệp vay 100 tỷ đồng sai quy định khiến Agribank Trà Vinh không thể đòi, ông Trực cùng 2 thuộc cấp vướng lao lý.
Ảnh minh họa
Ngày 28/9, Công an tỉnh Trà Vinh bắt giam ông Nguyễn Văn Trực, nguyên phó giám đốc Agribank Trà Vinh và 2 thuộc cấp Nguyễn Quốc Hoàn, Cao Văn Phong (nguyên trưởng, phó Phòng tín dụng) để điều tra hành vi Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Ngay sau đó, nhà riêng của 3 bị can tại TP Trà Vinh và huyện Châu Thành bị khám xét, thu giữ nhiều tài liệu phục vụ công tác điều tra.
Người phát ngôn Công an tỉnh Trà Vinh cho biết, tháng 3/2011, ông Trực là Phó giám đốc Agribank Trà Vinh nhưng toàn quyền quyết định mọi việc tại chi nhánh do đơn vị khuyết giám đốc. Ông Hoàn và ông Phong phụ trách thủ tục, hợp đồng trình ông Trực duyệt cho Công ty cổ phần Aquafeed Cửu Long ở khu công nghiệp Long Đức (TP Trà Vinh) vay 100 tỷ đồng.
Video đang HOT
Các bị can trên được cho là đã thiếu kiểm tra chứng từ, báo cáo tài chính và tài sản thế chấp dù số tiền giải ngân cho vay rất lớn. Hậu quả là Aquafeed Cửu Long mất khả năng chi trả vì nợ nần chồng chất. Để che giấu sai phạm, ông Trực bị tình nghi cùng thuộc cấp làm giả hồ sơ thu chi để kéo dài thời gian cho Aquafeed Cửu Long trả nợ.
Liên quan đến vụ án, 3 tháng trước, Công an tỉnh Trà Vinh phối hợp cùng Bộ Công an bắt giam ông Nguyễn Hữu Lộc – nguyên chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Thủy sản Việt Nam (Seaprodex) cùng ông Trần Vũ Dũng – nguyên giám đốc Công ty cổ phần Biển Tây (công ty con của Seaprodex tại TP HCM) về hành vi Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo hồ sơ, đầu năm 2011, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn thành lập Seaprodex từ sự hợp nhất 3 doanh nghiệp nhà nước là Tổng công ty Thủy sản Việt Nam, Tổng công ty hải sản Biển Đông và Tổng công ty thủy sản Hạ Long. Đầu năm 2012, ông Lộc giữ chức Chủ tịch HĐTV Seaprodex sau nhiều năm nắm quyền tại Tổng công ty hải sản Biển Đông và Công ty cổ phần Aquafeed Cửu Long.
Tại Công ty Biển Đông, ông Lộc được cho là đã tự ý giảm tỷ lệ vốn Nhà nước từ 59% xuống còn 46% dẫn đến Nhà nước mất quyền chi phối tại công ty và làm mất vốn 150 tỷ đồng. Ngoài ra, cựu Chủ tịch 55 tuổi này và ông Dũng còn bị cho là chỉ đạo thuộc cấp lập báo cáo tài chính khống và thủ tục chứng nhận góp vốn khống của các cổ đông nhằm tạo lòng tin để Agribank Trà Vinh cho vay 100 tỷ đồng.
Trao đổi với VnExpress, ông Giang Văn Dũng, Giám đốc Agribank Trà Vinh cho biết, những ngày qua hoạt động tín dụng tại đơn vị diễn ra bình thường. Ông Dũng được Agribank rút từ Cần Thơ sang Trà Vinh điều hành chi nhánh hơn 1 tháng nay, từ khi ông Trực bị đình chỉ công tác.
Duy Khang
Theo VNE
Kháng nghị tăng án vụ "quan huyện" cấu kết nữ đại gia "ăn đất" ở Hóc Môn
Vụ án "quan huyện" và nữ đại gia cấu kết cùng một dàn ê kíp trực thuộc "ăn đất" vẫn chưa đến hồi kết khi VKSND TPHCM đã kháng nghị yêu cầu tòa phúc thẩm tăng mức hình phạt đối với 5/10 bị cáo.
VKSND TPHCM vừa ký quyết định kháng nghị bản án sơ thẩm vừa được tuyên vào ngày 28/8 của TAND TPHCM đối với vụ án tham nhũng đất đai xảy ra ở huyện Hóc Môn dưới thời kỳ của chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Khỏe.
Theo đó, cho rằng bản án sơ thẩm đã tuyên mức án quá nhẹ, không phù hợp với tính chất, mức độ và hành vi phạm tội của các bị cáo, VKSND TPHCM kháng nghị yêu cầu tòa phúc thẩm TAND tối cao xét xử theo hướng tăng nặng hình phạt đối với 5/10 bị cáo.
Đó là các bị cáo: Nguyễn Văn Khỏe (SN 1954, nguyên chủ tịch huyện Hóc Môn), Trần Thị Hà (SN 1967), Hà Văn Hòa (SN 1954, chồng Hà, nguyên Giám đốc và Phó giám đốc Công ty Thành Phát), Nguyễn Văn Dò (SN 1949, nguyên cán bộ địa chính xã Đông Thạnh) và Nguyễn Công Định (nhân viên tín dụng Agribank chi nhánh Chợ Lớn).
Nguyên chủ tịch UBND huyện Hóc Môn, con "át chủ bài" của vụ án tham nhũng đất đai này
Trước đó, sau 8 ngày xét xử, chiều 28/8, TAND đã tuyên mức án khá nhẹ, dưới mức đề nghị của VKS đối với các bị cáo và dưới mức thấp nhất của khung hình phạt liền kề.
Trong đó, bị cáo Nguyễn Văn Khỏe bị đề nghị 27 đến 30 năm tù nhưng HĐXX chỉ tuyên 18 năm tù về 3 tội danh: nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi.
Dù bị đề nghị tù chung thân nhưng Trần Thị Hà và Hà Văn Hòa chỉ bị tuyên phạt 30 năm và 20 năm tù về tội lừa đảo và đưa hối lộ. Nguyễn Văn Dò bị 3 năm tù treo dù bị đề nghị tuyên 5-6 năm tù; còn bị cáo Nguyễn Công Định bị đề nghị 7-8 năm tù nhưng HĐXX chỉ tuyên 5 năm 15 ngày tù bằng với thời gian tạm giam.
Theo bản án sơ thẩm, năm 2002, Hà - Hòa lập ra công ty Thành Phát. Tuy không có năng lực tài chính và khả năng kinh doanh nhưng vợ chồng Hà vẫn làm đơn xin lập dự án khu dân cư và khu công nghiệp tại xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn.
Sau khi có quyết định giao đất, vợ chồng Hà đã làm hồ sơ vay ngân hàng rồi chiếm đoạt số tiền 18 tỉ đồng và 3.000 lượng vàng. Để những dự án trên giấy của Hà được phê duyệt, Hà đã đưa hối lộ cho các quan chức xã Đông Thạnh và huyện Hóc Môn tổng cộng 1,8 tỉ đồng cùng 5.000 USD, Hòa đưa hối lộ 600 triệu đồng.
Công Quang
Theo Dantri
Phó Giám đốc công ty nhà nước vay tiền đầu tư cho... công ty nhà Lợi dụng chức vụ được giao phó, ông Nguyễn Duy Xuyên đã vay gần 50 tỷ đồng của 2 ngân hàng, sau đó sử dụng trên 28 tỷ đồng đầu tư về công ty gia đình mình. Chiều 4/9, Văn phòng Cơ quan CSĐT (PC44) - CATP Hà Nội đã thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Nguyễn...