Nguyên nhân tử vong của cựu Thủ tướng Nhật Bản và lỗ hổng an ninh để tiếp cận ông Abe ở cự ly gần
Chiều tối 8/7, Bệnh viện Đại học Y Nara, Nhật Bản đã xác nhận, cựu Thủ tướng nước này, ông Abe Shinzo, đã qua đời vào lúc 17h03 cùng ngày (giờ địa phương) do bị mất máu
Cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo bị bắn đã bị bắn từ phía sau trong lúc vận động tranh cử cho một ứng cử viên của đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền ở thành phố Nara, phía Tây Nhật Bản, vào trưa 8/7.
Đài Phát thanh – Truyền hình công cộng Nhật Bản (HK) dẫn lời giáo sư Hidetada Fukushima, bác sĩ của Bệnh viện Đại học Y Nara, tại cuộc họp báo cho biết, ông Abe được chuyển tới bệnh viện này vào lúc 12h20 ngày 8/7 mà không có dấu hiệu của sự sống. Chính trị gia này đã qua đời vào lúc 17h03 cùng ngày.
Cựu Thủ tướng Abe Shinzo ngã xuống sau những phát súng định mệnh. (Ảnh: AP)
Giáo sư Hidetada Fukushima cho biết: ‘Khi cựu Thủ tướng Abe được đưa vào viện, ông đã không còn dấu hiệu sinh tồn do các tổn thương ở mạch máu chính và tim. Bệnh viện chúng tôi đã nỗ lực hết sức để cấp cứu cho cựu Thủ tướng. Chúng tôi đã tiến hành truyền máu và cố gắng cầm máu nhưng rất tiếc ông đã không qua khỏi’.
Theo bác sĩ Fukushima, ông Abe có 2 vết thương do súng bắn ở cổ và bị vỡ mạch máu tim. Các nhân viên y tế không thể cầm máu cho ông Abe. Vì thế, nguyên nhân tử vong dường như là do mất máu.
Trực thăng y tế chuyển cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đến bệnh viện tỉnh Nara, ngày 8/7. (Ảnh: AP)
Sau khi xảy ra vụ tấn công, cảnh sát Nhật Bản đã bắt giữ một nghi phạm và thu giữ một khẩu súng ngay tại hiện trường. Nghi phạm này tên là Tetsuya Yamagami, năm nay 41 tuổi, từng phục vụ cho Lực lượng Phòng Nhật Bản trong ba năm và hiện đang cư trú tại thành phố Nara.
Trong quá trình thẩm vấn, nghi phạm Yamagami đã khai với các nhân viên điều tra rằng ông ta không hài lòng với cựu Thủ tướng Abe và có ý định sát hại chính trị gia này.
Các kênh truyền thông Nhật Bản đưa tin, nghi phạm ám sát cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo chỉ đứng cách ông khoảng 3 m khi vụ ám sát xảy ra. Việc ông Abe bị bắn từ cự ly gần đã làm dấy lên câu hỏi về khả năng bảo vệ các nhân vật cấp cao trong những cuộc vận động chính trị ở Nhật Bản.
Khống chế hung thủ Tetsuya Yamagam tại hiện trường. (Ảnh: AP)
Theo hình ảnh được hãng tin Reuters đăng tải về khung cảnh hiện trường trước thời điểm ông Abe bị bắn, cuộc vận động chính trị của ông diễn ra tại một ngã ba đông người qua lại. Ông Abe đứng trên bục, quay lưng lại với làn đường đang có xe cộ lưu thông.
Nghi phạm Tetsuya Yamagami, 41 tuổi, đeo kính và túi quai đeo chéo, đứng ở góc phố trong suốt phần đầu của bài phát biểu. Hắn di chuyển đến sau lưng ông Abe, đứng ở cự ly gần và nổ súng. Đối tượng bị cảnh sát khống chế ngay sau đó.
Kênh truyền hình Nippon của Nhật Bản dẫn lời cảnh sát Nara cho biết, tại buổi vận động, ông Abe đã được bảo vệ bởi một cảnh sát chuyên trách có vũ trang đến từ Tokyo và một số cảnh sát địa phương khác. Nhiều chuyên gia an ninh cho rằng, lực lượng bảo vệ ông Abe quá mỏng.
Người dân Nhật Bản đau đớn và bàng hoàng trước sự ra đi đột ngột của ông Abe. (Ảnh: AP)
Ông Koichi Ito, chuyên gia an ninh bảo vệ các nhân vật cấp cao, nói: ‘Ông ấy cần được bảo vệ từ mọi hướng. Nếu an ninh không được đảm bảo 100% thì không có tác dụng gì.
Ông Masazumi Nakajima, cựu thám tử tại Nhật Bản, nhận định: ‘Bất cứ ai cũng có thể bắn trúng ông ấy từ khoảng cách đó. Tôi nghĩ rằng an ninh đã quá mỏng’.
Tại cuộc họp nội các ngay trong ngày 8/7, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã chỉ thị thực hiện các biện pháp tăng cường đảm bảo an toàn cho cuộc bầu cử Thượng viện sắp tới. Các biện pháp mới được kỳ vọng sẽ giúp ngăn chặn nguy cơ tái diễn của các vụ tấn công tương tự khi chỉ còn 2 ngày nữa cử tri Nhật Bản sẽ đi bỏ phiếu để bầu các thành viên mới cho Thượng viện.
Xe tang chở di hài của cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe rời bệnh viện ở tỉnh Nara, ngày 9/7. (Ảnh: AP)
Cảnh sát Nhật Bản cho biết vẫn đang nỗ lực làm rõ động cơ gây án của đối tượng đã nổ súng vào cựu Thủ tướng Abe Shinzo. Cảnh sát khám xét căn hộ của đối tượng và tìm thấy nhiều vũ khí tự chế khác.
Đối tượng Yamagami từng làm việc tại một nhà máy nhưng đã nghỉ việc vào tháng 5 vừa qua. Đối tượng này hiện đang cư trú tại thành phố Nara.
Ông Kazuhisa Yamamura, cảnh sát tỉnh Nara, thông tin: ‘Chúng tôi đã khám xét căn hộ của nghi phạm và thu giữ thêm một vài thứ có vẻ như là những khẩu súng ngắn tự chế. Qua điều tra ban đầu, nghi phạm đã thừa nhận hành vi của mình’.
Thế giới sẽ còn nói rất lâu về Shinzo Abe
Tầm ảnh hưởng của Shinzo Abe đã vượt quá hai nhiệm kỳ thủ tướng của ông. Sau ngày hôm nay, di sản đó sẽ kéo dài hơn cả cuộc đời Abe.
Di sản của Shinzo Abe, người giữ nhiệm kỳ thủ tướng lâu nhất ở chính trường Nhật Bản, quá đồ sộ và phức tạp để có thể viết trong 7 tiếng.
Nhưng 7 tiếng là thời gian từ lúc ông trúng hai phát đạn đến khi tử vong. Cựu thủ tướng Nhật Bản đã qua đời ngày 8/7 sau khi bị bắn và mất máu quá nhiều.
Ở tuổi 67 và không còn giữ một vị trí chính thức trong chính phủ Nhật Bản, Shinzo Abe vẫn phủ bóng lên đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, cũng như những di sản của ông trong hai nhiệm kỳ thủ tướng vẫn tiếp tục định hình Nhật Bản và cả khu vực.
Trong nước, ông Abe lãnh đạo nước Nhật trải qua thời kỳ suy thoái, dù với một kết quả vẫn còn gây tranh cãi. Tại khu vực, ông đặt nền móng đầu tiên cho khuôn khổ hợp tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, khái niệm mà 10 năm sau đó đã trở nên quan trọng cấp thiết. Đối với Hàn Quốc, Abe lại là người phủ nhận quá khứ đen tối của lính Nhật tại bán đảo Triều Tiên.
Thế giới và nước Nhật sẽ nhớ về Shinzo Abe theo những cách rất khác nhau. Dù vậy, ít ai có thể phủ nhận việc ông là thủ tướng Nhật có ảnh hưởng nhất.
Jeffrey Hall, một chuyên gia chính trị Nhật Bản thuộc Đại học Nghiên cứu Quốc tế Kanda, gọi ông Abe là một trong thủ tướng thành công nhất của nước Nhật thời hậu chiến, nhận định dựa trên việc vị cựu thủ tướng đã nhiều lần dẫn dắt đảng Dân chủ Tự do (LDP) trung hữu tới chiến thắng.
Hai lần làm thủ tướng
Sinh năm 1954 tại Tokyo, ông Abe Shinzo là điển hình cho mẫu chính trị gia xuất thân từ các "gia tộc chính trị" có truyền thống khuynh đảo chính trường Nhật Bản. Ông ngoại của ông là Nobusuke Kishi, Thủ tướng Nhật Bản giai đoạn 1957-1960, cha ông là Shintaro Abe từng giữ chức ngoại trưởng.
Ông Abe đã tiếp nối truyền thống ấy và được bầu vào nghị viện lần đầu tiên vào năm 1993. Ông trở nên nổi tiếng khắp toàn quốc vì lập trường cứng rắn đối với nước láng giềng Triều Tiên. Truyền thống của gia đình còn ảnh hưởng lên tầm nhìn trọn đời của Abe: cả ông và ông ngoại, cựu Thủ tướng Kishi, đều ôm mộng thay đổi hiến pháp hòa bình của Nhật Bản - bản hiến pháp do Mỹ viết nên.
Trong ảnh, ông Abe (trái) chụp ảnh cùng cha, mẹ và anh trai năm 1957. Ảnh: Getty.
Năm 2006, ông Abe lần đầu ngồi vào chiếc ghế thủ tướng, trở thành thủ tướng trẻ tuổi nhất của Nhật Bản kể từ Thế chiến II. Nhưng sau một năm vấp phải nhiều bê bối, ông Abe từ chức với lý do căn bệnh viêm loét đại tràng.
"Điều tôi lo lắng nhất là vì tôi từ chức, lý tưởng bảo thủ mà chính quyền Abe đã đặt ra sẽ tan biến", ông Abe viết trên tạp chí Bungei Shunju. "Từ nay trở đi, tôi muốn hy sinh bản thân mình với tư cách một nhà lập pháp để khiến chủ nghĩa bảo thủ đích thực cắm rễ tại Nhật Bản".
5 năm sau, năm 2012, chính ông Abe lại là người dẫn dắt đảng LDP trở lại vị thế đứng đầu sau khi để mất quyền lực vào năm 2009. Giai đoạn cầm quyền này của ông Abe đã đạt được nhiều thành công hơn, trong đó cần kể đến chiến lược kinh tế mang thương hiệu của vị thủ tướng để đẩy lùi lạm phát trầm kha và khôi phục tăng trưởng kinh tế.
Hiệu quả của chính sách này, được gọi là Abenomics theo tên vị thủ tướng, đến nay vẫn còn được tranh luận nhưng nó vẫn một phần giúp nền kinh tế nước Nhật thoát khỏi nhiều thập kỷ trì trệ, theo nhà quan sát Nobuko Kobayashi thuộc hãng kiểm toán Ernst & Young, chi nhánh Tokyo.
Tuy nhiên, khủng hoảng kép do đại dịch Covid-19 gây ra đã phá hỏng kế hoạch tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản. Năm 2020, đại dịch khiến Nhật Bản trải qua lần suy giảm kinh tế sâu nhất của nước này.
Ông Abe tại trụ sở của đảng LDP ở Tokyo vào ngày bầu cử 16/12/2012. Ông Abe một lần nữa được Quốc hội bầu làm thủ tướng Nhật Bản. Ảnh: Kyodo.
Cùng năm ấy, ông Abe từ chức cũng với lý do căn bệnh viêm đại tràng. Nhưng ông cũng đã trở thành người nắm giữ vị trí thủ tướng lâu năm nhất của Nhật Bản với hơn 2.800 ngày liên tục lãnh đạo đất nước, vượt qua kỷ lục trước đó của chú ruột Eisaku Sato.
Nhưng không giống những chính khách khác rút lui khỏi chính trường sau khi rời khỏi vị trí quyền lực nhất, ông Abe vẫn xuất hiện trước công chúng. Ngay trước khi bị bắn, ông Abe đang vận động cử tri ủng hộ đảng LDP trong cuộc bầu cử thượng viện sắp tới.
Tham vọng dang dở
Mọi người đều biết giấc mơ lớn của ông Abe: Đưa đất nước Nhật Bản, vốn nằm dưới chiếc ô hạt nhân Mỹ và bị giới hạn trong khuôn khổ bản hiến pháp theo chủ nghĩa hòa bình, trở thành cường quốc quyết đoán hơn và tương tác nhiều hơn với thế giới.
Đặc biệt, ông cho rằng điều 9, vốn bác bỏ chiến tranh và cấm Nhật Bản có quân đội, là vật cản ngăn Tokyo có vai trò tương xứng với vị thế là cường quốc tại khu vực.
Nhưng bất chấp sức ảnh hưởng chính trị, ông Abe không thể gom được sự ủng hộ đủ mạnh mẽ để tổ chức trưng cầu dân ý về việc sửa đổi bản hiến pháp đóng vai trò nền tảng cho nước Nhật hiện đại.
Dù vậy, chính trong giai đoạn ông Abe nắm quyền, nước Nhật cũng đã chuyển mình mạnh mẽ trên vấn đề an ninh, thông qua đưa ra các cải cách như việc lần đầu cho ra đời chiến lược an ninh quốc gia vào năm 2013, hay việc thông qua đạo luật mở rộng vai trò của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản vào năm 2015.
Ông Abe cùng các học sinh ở thành phố Chiba tham gia cuộc diễn tập thảm họa toàn quốc ngày 1/9/2013. Ảnh: AP.
"Chính quyền thứ hai của ông Abe cũng chứng kiến nước Nhật bắt đầu thể hiện sức mạnh địa kinh tế của mình một cách chiến lược", ông Robert Ward, học giả cấp cao về nghiên cứu an ninh Nhật Bản thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), viết trên Twitter ngày 8/7.
Khái niệm "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở", vốn thường xuyên xuất hiện trong tuyên bố của các nước phương Tây như hiện nay, cũng khó có thể tồn tại nếu không có ông Abe.
"Việc Nhật Bản cứu hiệp định TPP sau khi Mỹ rút lui và việc tái khởi động hiệp định ấy thành CPTPP là một thành tựu đáng nhớ của chính quyền Abe thứ 2", ông Ward nhận định. "Thương mại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ nghèo nàn hơn nếu không có CPTPP".
Và ông Abe cũng là một trong những người sớm nhận ra tác động tới từ sự trỗi dậy của Trung Quốc. Năm 2014, bài phát biểu dẫn đề của ông tại Đối thoại Shangri-La cho thấy tầm nhìn từ sớm của vị cố thủ tướng khi ông kêu gọi "pháp quyền cho tất cả".
Bất chấp một số thất bại như trong chính sách đối ngoại với Nga hay Hàn Quốc, di sản của ông Abe đã khiến Nhật Bản trở thành nguồn ủng hộ không thể thiếu đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ tại vùng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, theo ông Ward.
Vào ngày 8/7, hai tiếng súng lần lượt vang lên giữa một con phố ở tỉnh Nara không chỉ cắt ngang bài phát biểu của ông Abe, nó còn làm thế giới rúng động. Cựu thủ tướng đổ gục, máu loang trên chiếc áo sơ mi. Vài tiếng sau, viễn cảnh mọi người đều lo sợ trở thành sự thật: Ông Abe, 67 tuổi, đã qua đời sau vụ ám sát.
Hai viên đạn từ khẩu súng tự chế trong tay một người đàn ông "bất mãn" đã tước đi mạng sống của ông Abe, người nắm giữ kỷ lục về số ngày giữ chức vụ thủ tướng Nhật Bản. Nhưng thế giới sẽ còn thảo luận về di sản của ông trong khu vực trong một thời gian dài nữa.
Zing từ Nara: Hiện trường nơi cựu Thủ tướng Abe bị bắn.CTV Thanh Hải (từ Nara, Nhật Bản) cho biết hiện trường vụ cựu Thủ tướng Shinzo Abe bị bắn vẫn đang được phong toả, rất đông phóng viên, người dân tập trung theo dõi sự việc.
Chính sách Abenomics và di sản của ông Abe Shinzo với kinh tế Nhật Bản Trên phương diện kinh tế, ông Abe đã để lại dấu ấn đậm nét về chính sách Abenomics (Abe và Ecomomics), là một chính sách tài khoá đóng góp chủ đạo cho việc chống giảm phát. Nó đã giúp Nhật Bản thành công vực dậy nền kinh tế sau hơn hai thập kỷ trì trệ. Theo "Abenomics", ông Abe đã tìm cách đưa...