Nguyên nhân người dân TPHCM phản ứng với trạm BOT Phú Hữu
“ Gia đình tôi đặt taxi, tài xế đến đường Nguyễn Thị Tư, thấy trạm thu phí liền gọi điện thoại báo gia đình trả thêm phí BOT mới vào đón, nếu không sẽ hủy chuyến”, bà Lê Thị Nhung kể.
Vừa đưa vào vận hành, trạm BOT Phú Hữu trên đường Nguyễn Thị Tư, phường Phú Hữu (TP Thủ Đức), vấp phải phản ứng của người dân địa phương. Một số người cho rằng, việc áp dụng thu phí cả taxi qua lại khu vực khiến họ tốn thêm phí khi sử dụng dịch vụ này.
Chỉ sử dụng 200m đường vẫn nộp phí
Bà Lê Thị Nhung (67 tuổi, ngụ khu phố 6, phường Phú Hữu) có nhà cách trạm thu phí khoảng 200m. Ô tô muốn vào nhà bà, phải đi quãng đường khoảng 200m thuộc diện thu phí.
Trước đây, mỗi lần bà đặt taxi đón cháu từ trường về nhà chỉ tốn 50.000 đồng; thì nay, bà phải trả thêm 28.000 đồng phí cầu đường cho taxi ra vào khu dân cư (14.000 đồng/lượt).
Bà Nhung cho biết hiện người dân địa phương phải trả thêm 28.000 đồng phí BOT khi đặt taxi (Ảnh: Thư Trần).
Bà Nhung cho rằng đường Nguyễn Thị Tư nâng cấp đoạn từ Nguyễn Duy Trinh vào Khu công nghiệp Phú Hữu dài 2,6km, taxi ra vào khu dân cư, đi trên đường này khoảng 200m. Mỗi lượt sử dụng taxi, người dân phải đóng phí BOT hai chiều là vô lý. Bà và mọi người tại khu dân cư không đồng tình khoản thu này.
“Nhiều lúc, gia đình tôi đặt taxi để đi công việc. Tài xế đến đường Nguyễn Thị Tư, thấy trạm thu phí liền gọi điện thoại báo gia đình trả thêm phí BOT mới vào đón, nếu không sẽ hủy chuyến. Người thân ở xa lái ô tô cá nhân đến thăm gia đình cũng phải đóng phí BOT 2 lần cho quãng đường 200m, thật sự rất phiền”, bà Nhung nói.
Bà Nhung đề xuất cơ quan chức năng chỉ thu phí các loại xe tải, xe đầu kéo chở hàng ra vào Khu công nghiệp Phú Hữu. Các loại ô tô cá nhân, taxi phục vụ đời sống người dân nên được miễn khoản thu này.
Trạm thu phí Phú Hữu mỗi ngày có hàng nghìn lượt xe tải, xe đầu kéo container ra vào cảng chở hàng (Ảnh: An Huy).
Video đang HOT
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Sĩ Dũng (64 tuổi, ngụ địa phương) cho biết, việc thu phí đối với các loại xe tải, container chở hàng ra vào Khu công nghiệp Phú Hữu là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, các loại xe cá nhân, taxi vào khu dân cư chỉ sử dụng đoạn đường 200m mà phải đóng phí sử dụng cầu đường là vô lý.
“Tôi mong các ngành chức năng xem xét để có cách điều chỉnh phù hợp”, ông Dũng nói.
Ghi nhận thực tế 10 ngày để điều chỉnh
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, sau ngày đầu vận hành trạm BOT Phú Hữu, người dân địa phương không còn tập trung đông tại khu vực để phản đối.
Đường Nguyễn Thị Tư dẫn vào cụm Khu công nghiệp Phú Hữu được nâng cấp rộng rãi, nhưng nhiều đoạn vẫn bị ngập nước khi mưa. Mặt đường được trải bê tông. Mỗi ngày, tuyến đường này có hàng nghìn lượt xe tải, xe đầu kéo ra vào khu vực chở hàng.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, Phó giám đốc Sở GTVT TPHCM Bùi Hòa An cho biết, hợp đồng giữa UBND TPHCM với Công ty CP Xi măng Vicem Hà Tiên thực hiện dự án BOT Phú Hữu đã được HĐND TPHCM thông qua. Hiện tại, mức giá thu phí của BOT Phú Hữu dựa theo các thông tư và quyết định đã ban hành của UBND TPHCM.
Ông An khẳng định, đối tượng thu phí tại trạm BOT này là đúng; tuy nhiên, những ngày đầu hoạt động sẽ khó tránh khỏi sự chưa đồng thuận của số đông. Mặt khác, thực tế có những trường hợp thu phí chưa chuẩn.
“UBND TPHCM giao Sở GTVT theo dõi vụ việc. Đơn vị sẽ ghi nhận toàn bộ sự việc xảy ra và cần có thời gian để đánh giá một cách tổng thể. Chúng tôi sẽ ghi nhận, tổng hợp, đánh giá một cách toàn diện trong 10 ngày và báo cáo về UBND TPHCM để xem xét, nếu có gì chưa ổn sẽ đề nghị điều chỉnh trong thời gian tới”, ông An cho biết.
Dự án đường nối Nguyễn Duy Trinh vào Khu công nghiệp Phú Hữu có chiều dài 2,6km, được đầu tư 461 tỷ đồng (Ảnh: Thư Trần).
Ngày 17/9, trạm BOT Phú Hữu, TP Thủ Đức, bắt đầu thu phí các phương tiện ra vào cảng Phú Hữu, mức phí 14.000-110.000 đồng/lượt. Việc thu phí nhằm mục đích hoàn vốn dự án đường nối Nguyễn Duy Trinh vào Khu công nghiệp Phú Hữu.
Ngày đầu vận hành, trạm thu phí vấp phải phản ứng của người dân địa phương. Một số người lái ô tô đậu tại trạm gây ùn tắc giao thông, phải nhờ Công an TP Thủ Đức can thiệp và điều tiết giao thông.
Trước đó, Công ty CP Xi măng Vicem Hà Tiên (nhà đầu tư) ra quyết định ban hành mức giá sử dụng đường bộ để hoàn vốn đầu tư dự án BOT xây dựng đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào Khu công nghiệp Phú Hữu.
Từ 1/1/2025 đến 16/9/2025 xe qua trạm sẽ đóng phí cao hơn. Trong đó, vé lượt áp dụng 15.000-120.000 đồng. Vé tháng từ 450.000 đồng đến 3,6 triệu đồng. Vé quý từ 1.215.000 đồng đến 9.720.000 đồng.
Sau giai đoạn trên, mức phí qua trạm tiếp tục được điều chỉnh với giá vé lượt thấp nhất 17.000 đồng, cao nhất 133.000 đồng. Vé tháng 510.000 đồng đến gần 4 triệu đồng; vé quý từ 1.377.000 đồng tới 10.773.000 đồng.
Trạm sẽ miễn, giảm cho một số nhóm phương tiện, gồm: Xe máy và các loại xe chuyên dùng như cứu thương, cứu hỏa, xe cảnh sát… Ngoài ra, ôtô dưới 12 chỗ không kinh doanh của người có hộ khẩu thường trú, tạm trú trên 6 tháng khu vực các đường Nguyễn Thị Tư, Đặng Thanh Hiếu, cũng được miễn phí qua trạm.
Dự án đường nối Nguyễn Duy Trinh vào Khu công nghiệp Phú Hữu được TPHCM ký hợp đồng với nhà đầu tư thực hiện theo hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao) vào năm 2012. Công trình có tổng mức đầu tư khoảng 461 tỷ đồng với quy mô xây tuyến đường dài khoảng 2,6km, rộng 30m.
Vợ chồng nghề chài cứu 2 người trong chiếc ô tô bị lũ cuốn giữa đêm ở Hà Nội
Trong chiếc ô tô con bị cuốn ra vùng nước ngập mênh mông ở huyện Quốc Oai (Hà Nội), 2 thanh niên đồng thanh kêu cứu.
Đoạn video ghi lại cảnh người dân cùng lực lượng chức năng huyện Quốc Oai (Hà Nội) cùng trục vớt chiếc ô tô màu trắng bị chìm sâu trong dòng nước lũ đăng tải ngày 20/9, đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng mạng.
Chiếc ô tô bị lũ cuốn được trục vớt vào ngày 20/9. Ảnh: Nguyen Quyen Quy
Phía sau đó là câu chuyện ấm lòng về hành động nỗ lực cứu người trong lúc nguy nan của cặp vợ chồng làm nghề chài lưới ở xóm Bến Vôi, thôn Cấn Hạ, xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai, Hà Nội.
Trao đổi với PV VietNamNet, anh Nguyễn Văn Hòa (SN 1975, trú tại thôn Cấn Hạ, xã Cấn Hữu) - người đàn ông làng chài cứu người trong đêm vắng đã chia sẻ nhiều hơn về tình huống đặc biệt này.
Vợ chồng anh Hòa làm nghề chài lưới trên sông Tích. Vào khoảng 22h30 ngày 17/9, như thường lệ, anh Hòa và vợ là chị Nguyễn Thị Thọ (SN 1974) chèo thuyền ra sông kéo cá. Đến gần cầu Đông Yên, anh phát hiện ánh đèn hậu của một chiếc ô tô đang sáng lấp ló trên sông.
Anh vội vàng chèo thuyền lại gần thì phát hiện hai thanh niên đang chật vật bám vào đuôi xe, đồng thanh kêu cứu. Vợ chồng anh áp sát đưa người gặp nạn vào bờ, còn chiếc ô tô chìm sâu dưới làn nước lũ.
"Chiếc thuyền nhỏ quá, đưa cả 2 người lên ngồi thì thuyền chìm mất. Tôi mới bảo một người lên, còn một người bám vào chặt vào mạn thuyền rồi cùng nhau vào bờ. Đoạn đường vào bờ khoảng 60m, may mắn tất cả đều an toàn", anh Hòa kể lại.
Anh Hòa làm nghề chài lưới trên sông Tích, đã thành công cứu người gặp nạn trong đêm. Ảnh: M.Q
Người đàn ông làng chài kể thêm, sau khi được cứu lên bờ, anh thanh niên vẫn rất hoảng loạn. Không quan tâm đến chiếc ô tô chìm trong nước lũ, họ chỉ mong được trở về nhà. Thấy vậy, anh Hòa đã gọi taxi đưa 2 thanh niên về, bản thân thì gọi điện báo cáo sự việc lên UBND xã.
Chia sẻ về hành động cứu người, anh Hòa nói đó là một cơ duyên đặc biệt. "Bình thường, vợ chồng tôi thường đi đánh cá vào lúc 20h. Hôm đó người mệt, tôi mới bảo vợ để hơn 22h hẵng đi, nào ngờ lại có duyên gặp người bị nạn nên cứu được.
Lúc đó, tôi không nghĩ gì nhiều, cũng không sợ nguy hiểm, chỉ nghĩ làm sao đưa được 2 thanh niên ấy vào bờ an toàn. Tôi nghe kể, 2 cậu ấy quê ở Hải Dương, hôm đó có việc ngang qua đây không may cả người và xe bị lũ cuốn", anh chia sẻ.
Vào ngày trở lại xã Cấn Hữu nhờ lực lượng chức năng trục vớt xe ô tô, 2 thanh niên mong muốn được vào thăm nhà và gửi lời cảm ơn đến vợ chồng anh Hòa. Tuy nhiên, nhà anh bị ngập sâu, vợ chồng phải trú ở nơi lánh nạn của xã nên chưa thể tiếp đón.
"Hai thanh niên vẫn hẹn vào ngày nước rút sẽ đến nhà chơi", anh Hòa kể.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND xã Cấn Hữu xác nhận thông tin trên là đúng sự thật. Khoảng 0h ngày 18/9, ông nhận được tin vợ chồng anh Hòa ở xóm Bến Vôi giải cứu thành công 2 thanh niên gặp nạn ở vùng nước ngập.
"Hai thanh niên đó đi từ phía xã Đông Yên sang xã Cấn Hữu. Thấy biển cảnh báo vùng ngập sâu, họ cử một người xuống xe kiểm tra, cảm thấy vẫn có thể đi được nên đánh xe vào. Ô tô chạy thêm khoảng 500m thì bánh xe nổi, họ cố đẩy xe quay lại nhưng không được. Cuối cùng, cả người và xe trôi dạt ra vùng ngập sâu.
Vì không phải dân địa phương nên 2 thanh niên không hiểu rõ tình trạng ngập ở đây, còn phía xã Cấn Hữu đã chốt chặn toàn bộ hướng vào vùng ngập", ông Dũng thông tin.
Nắm được thông tin về hành động cứu người của đôi vợ chồng làm nghề chài lưới, ông Dũng đã báo cáo lên ban phòng chống thiên tai của huyện. Hành động đẹp của họ được ghi nhận.
"Vợ chồng anh Hòa là dân làng chài nên đảm bảo được an toàn trong quá trình làm nghề chài. Phía xã cũng làm báo cáo đề xuất khen thưởng cho hai vợ chồng vì hành động cứu người kịp thời", ông Dũng nói.
Ông Dũng cho biết thêm, chiều 20/9, lực lượng chức năng đã hoàn thành việc trục vớt chiếc xe ô tô.
Bình Phước: Mưa lớn gây hư cầu dân sinh, một người dân mất tích Mưa lớn nhiều ngày qua đã gây hư hỏng hàng loạt cầu dân sinh ở H.Bù Đăng (Bình Phước), cuốn trôi 1 người dân mất tích. Ngày 21.9, lực lượng chức năng H.Bù Đăng (Bình Phước) đang tổ chức tìm kiếm anh Nguyễn Đức Hồ (41 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai) bị nước cuốn trôi mất tích khi đi ngang qua cầu Đắk...