Nguyên nhân khiến hơn 6.000 người đánh nhau, nhập viện dịp Tết
Các chuyên gia phân tích nguyên nhân dẫn đến có số báo động hơn 6000 người nhập viện vì đánh nhau trong dịp Tết Nguyên đấn Ất Mùi.
Nhìn vào con số hơn 6.200 lượt người nhập viện, 15 người tử vong vì đánh nhau trong dịp Tết Ất Mùi, ông Nguyễn Văn Tiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng rất đáng báo động về tình trạng bạo lực ngày càng gia tăng trong xã hội. Con số này là không bình thường khi xảy ra trong ngày Tết, dịp mà người ta cần nghỉ ngơi vui vẻ với nhau.
Ông Tiên phân tích, tình trạng trên dẫn đến hậu quả xã hội rất lớn: nhiều người mất mạng, sức khỏe bị ảnh hưởng lâu dài, thêm gánh nặng cho ngành y, gây tốn kém cho gia đình, xã hội. Khi số người nhập viện vì đánh nhau được công khai trên báo chí, người nước ngoài sẽ nhìn vào người Việt với con mắt rất khác.
“Ủy ban rất hoan nghênh khi lần đầu tiên Bộ Y tế công khai số người nhập viện vì đánh nhau. Những năm trước đây, chúng ta không có thông tin về vấn đề này, các số liệu của Bộ Công an rất ít, bởi nếu có xảy ra ẩu đả thì hai bên cũng có thể tự dàn xếp”, đại biểu Tiên nói.
Ứng xử kém, không có kỹ năng trong giải quyết mâu thuẩn dẫn đến nhiều vụ xô xát. Ảnh: T.L.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội cho rằng, nguyên nhân trực tiếp của tình trạng trên là lạm dụng rượu bia trong ngày Tết. Người Việt quan niệm rằng, đến nhà phải cụng một ly, nâng một chén rượu thì mới gọi là chúc mừng năm mới. Ngày Tết mà gặp chuyện cự cãi, đánh nhau thì xui xẻo, nhưng khi có yếu tố rượu bia rồi thì họ khó mà kiềm chế được.
“Có một sự thật là ở nước ngoài, giá rượu bia rất cao còn giá sữa thì thấp. Nhưng ở Việt Nam thì ngược lại, thứ độc hại như thuốc lá, rượu bia lại rẻ, còn sữa thì rất đắt. Việc bán rượu bia với giá rẻ cùng quan niệm ngày Tết phải ăn uống thả phanh khiến Việt Nam trở thành một trong những quốc gia uống rượu bia nhiều nhất trên thế giới”, ông nói.
Đại biểu này phân tích, ngoài lý do trên thì cơ chế thị trường khiến con người quay cuồng trong công việc, mải lo kiếm sống dẫn đến các mối quan hệ xã hội, đạo đức lễ nghĩa ngày càng lỏng lẻo. Các gia đình mang con đến trường rồi phó thác cho thầy cô, cho rằng đó là trách nhiệm của nhà trường mà không nhận thức được rằng gia đình mới là môi trường quan trọng định hình nhân cách, thói quen, hành vi ứng xử của con người.
Video đang HOT
Cùng chung quan điểm rượu bia là nguyên nhân gia tăng bạo lực, TS Khuất Thu Hồng, Viện nghiên cứu phát triển xã hội nhấn mạnh: “Việc đánh nhau, cư xử mang nặng yếu tố bạo lực, bỏ qua cách ứng xử nhường nhịn, hòa nhã của người Việt Nam cũng phản ánh đạo đức xã hội đang có vấn đề. Con số trên cho thấy có một bộ phận người Việt ứng xử kém, không có kỹ năng xử lý tình huống, nhất là thanh thiếu niên. Nhiều khi chỉ là những va chạm nhỏ nhưng người ta cũng đẩy lên đến xung đột dẫn đến bạo lực”.
Theo bà Hồng, thói sĩ diện, quan niệm sai lầm về người đàn ông chân chính khiến nhiều người giải quyết mâu thuẫn không phải bằng cách hòa giải mà dùng nắm đấm. Họ không hiểu một người đàn ông thực sự phải là người khéo léo giải quyết vấn đề, nhường nhịn, tránh xung đột. Rất nhiều người dễ dàng bùng nổ, sử dụng bạo lực để thể hiện nam tính.
“Vấn đề trên chứng tỏ cái gốc của văn hóa, giáo dục trong gia đình, nhà trường, xã hội có vấn đề. Trong nhà trường, thay vì cần phải dạy học sinh kỹ năng ứng xử, ra đường gặp phải va chạm với người khác thì phải xin lỗi thay vì sửng cồ lên, thấy hai người đánh nhau thì phải xử lý thế nào thì lại dạy những thứ giáo điều”, bà Hồng nói và cho rằng thiếu kỹ năng ứng xử, không giải quyết được những mâu thuẫn nhỏ sẽ dẫn đến căng thẳng trong tâm lý. Những vấn đề xã hội như áp lực công việc, sự bất công, phân hóa giàu nghèo cũng gây nên những bức xúc kéo dài cho con người, chỉ chờ cơ hội là bùng nổ.
Chưa từng vướng mắc vào những chuyện cự cãi, đánh nhau, nhưng bà Hồng nhiều lần chứng kiến cách giải quyết bạo lực. Bà kể, từng thấy hai người đi xe máy chẳng may va vào nhau, không ai bị thương nhưng vẫn quẳng xe giữa đường, người này cầm vỏ chai bia xông vào người kia. Những vụ như vậy cách giải quyết rất đơn giản là nếu sai thì xin lỗi, nếu thấy căng thẳng thì cũng nên bỏ qua, không nên tranh cãi to tiếng.
Ông Hoàng Vũ Tú (51 tuổi, trú tại huyện Yên Thành, Nghệ An) bị người anh em đằng thông gia đánh gãy sống mũi khiến mấy ngày Tết phải nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Nghệ An. Ảnh: Hải Bình.
Ứng xử kém không chỉ là nguyên nhân của những vụ đánh nhau mà nhiều lúc còn khiến cho con người hành động mất lý trí, phải chịu hình phạt của pháp luật. Một thẩm phán lâu năm của TAND Hà Nội từng ngồi ghế chủ tọa nhiều phiên tòa hình sự cho biết, hè năm 2014, ông xử một vụ giết người xảy ra đúng vào ngày mùng 2 Tết, nguyên nhân xuất phát từ mâu thuẫn nhỏ nhặt.
Nội dung vụ án thể hiện có nhóm thanh niên đi chơi với nhau, trong lúc cãi nhau một người dùng dép ném bạn mình, nhưng không may trúng cậu bé đi đường. Sau đó, cậu bé này về nhà gọi người thân ra. Bên nhóm kia cũng gọi thêm người rồi lao vào hỗn chiến. Một người bị đâm chết tại chỗ. Hơn 10 bị cáo ra tòa, kẻ đâm chết người đã bị tuyên án tử hình. Điều này cho thấy văn hóa ứng xử của những người trong cuộc quá kém.
Vị thẩm phán này cho rằng, việc cố ý gây thương tích, thậm chí là giết người, cơ bản có hai nguyên nhân. Một là nhận thức của người dân còn hạn chế, từ những việc nhỏ cũng sẵn sàng dẫn đến bạo lực. Hai là ngày Tết đi đâu cũng ăn nhậu, trong người có hơi men thì việc xô xát dẫn đến bạo lực là điều dễ xảy ra. “Cứ để ý xã hội hiện tại, quán xá mọc lên rầm rộ, tuổi teen ngồi la cà nhiều tiếng ở quán cafe, Internet; thanh niên, trung niên thì ngồi quán nhậu; các ông già thì uống rượu rất nhiều. Ngày Tết, đi đâu cũng thấy ăn nhậu”, vị thẩm phán bày tỏ.
Các chuyên gia đều cho rằng biện pháp hữu hiệu để hạn chế tình trạng trên là cần cấm bán rượu bia và giáo dục kỹ năng sống cho lớp thanh thiếu niên. Theo đại biểu Nguyễn Văn Tiên, các biện pháp tuyên truyền chỉ là phụ trợ, còn việc cấm lạm dụng rượu bia cần đưa thành quy định của pháp luật chứ không đơn giản chỉ là quy định riêng của các bộ, ngành. Muốn thực hiện có hiệu quả thì cần cấm hẳn quảng cáo bán rượu bia; phải đánh thuế thật cao và hạn chế việc mở các điểm bán rượu bia.
“Bộ Y tế, Bộ Công Thương phải vào cuộc và đóng vai trò chính trong vấn đề này. Khi Bộ Y tế đề xuất các biện pháp kiểm soát rượu bia để bảo vệ sức khỏe người dân thì Bộ Công Thương nên ủng hộ, chứ không thể giãy nảy lên bảo vệ quyền lợi của Bộ mình. Cần có tầm nhìn xa là việc bảo vệ sức khỏe của người dân quan trọng hơn”, ông nói.
Đại biểu Tiên cho biết, cách đây 4 năm, Ủy ban Các vấn đề xã hội đã đề nghị Quốc hội ban hành các chính sách về việc hạn chế rượu bia. Hiện nay, Bộ Y tế cũng xây dựng dự thảo Luật Phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia. Theo đại biểu Tiên, năm nào Bộ cũng nên công khai số liệu ca nhập viện do đánh nhau ngày Tết để người dân biết rõ tình hình và có biện pháp phòng tránh.
Còn TS Khuất Thu Hồng thì đề xuất cần dạy kỹ năng sống cho những người ở lứa tuổi vị thành viên, đưa ra hình thức xử phạt thật nặng cho hành vi bạo lực ở nơi công cộng, nhất là ở các lễ hội. Muốn hạn chế việc cư xử với nhau bằng bạo lực thì phải có hệ thống từ giáo dục, truyền thông đến việc răn đe, xử lý.
Theo VTC
Điều tra đối tượng "bế xốc" cụ bà 95 tuổi đẩy ra đường cận Tết
- Tối nay cụ Cúc (95 tuổi) lại tiếp tục nằm chịu rét bên vỉa hè. Cùng với đó nguồn tin từ PV cho biết, Công an đang vào cuộc điều tra việc một số đối tượng bê xốc cụ bà 95 tuổi ra đường.
Chiều tối nay (12/2), trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết: Trong 2 ngày vừa qua, công an quận và công an phường Hàng Trống đã phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan, kiên trì và nỗ lực vận động bà cụ Cúc về nơi tạm trú của quận. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại bà Cúc vẫn chưa đồng ý.
Cụ Cúc 95 tuổi trước nguy cơ ăn Tết trên vỉa hè.
Về thông tin cụ Cúc bị một số đối tượng đẩy ra đường, vị lãnh đạo quận này cho biết, theo hồ sơ ban đầu, ngôi nhà 21 Ấu Triệu đã bị bán cho một người khác. Việc này cơ quan công an đang đề nghị hai bên phải đưa ra tòa án dân sự để giải quyết theo pháp luật.
Đồng thời, vị lãnh đạo Công an quận Hoàn Kiếm cũng cho hay, cơ quan cảnh sát điều tra đã chính thức vào cuộc xác minh, có hay không việc cụ Cúc đã bị một số đối tượng bế xốc ra bên ngoài để khóa cửa lại.
Trước đó trao đổi cùng PV Báo Đời Sống Pháp Luật, Lãnh đạo UBND phường Hàng Trống thông tin đã cùng công an phường thành lập tổ vận động tiếp tục khuyên giải cụ Cúc cùng gia đình về nơi tạm trú.
Gia đình phải lấy đèn sưởi để sưởi ấm cho cụ Cúc trong thời tiết giá lạnh lúc đêm về.
Tối nay thông tin với PV, gia đình cụ Cúc cho biết trước thời tiết lạnh lẽo này, gia đình rất lo lắng cho sức khỏe của cụ. Dù năm nay đã 95 tuổi và mắc nhiều chứng bệnh nhưng cụ Cúc vẫn còn minh mẫn. Mỗi khi nhắc đến việc di nơi ở khỏi căn nhà đã gắn bó nước mắt cụ lại tuôn trào.
Việc cụ Cúc 95 tuổi cùng gia đình bị mất nhà ngay trước thời điểm cận Tết nguyên đán Ất Mùi được cho là có liên quan đến việc vay nợ của thành viên trong gia đình. Hiện sổ đỏ của ngôi nhà đã được sang tên một người khác.
Tuy nhiên, các thành viên gia đình cụ Cúc cho biết, vẫn chưa hiểu rõ tại sao cuốn sổ được sang tên mà không hề hay biết.
Hiện gia đình cụ Cúc có mong muốn được trả số nợ đã vay để chuộc lại ngôi nhà 21 Ấu Triệu - Hàng Trống - Hà Nội.
NHẤT NAM
Theo_Đời Sống Pháp Luật
141 Hà Nội trấn áp tội phạm đường phố dịp cuối năm Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Mùi, đây cũng là thời điểm các loại tội phạm gia tăng hoạt động. Do đó, 15 Tổ công tác 141 của Công an TP Hà Nội đã triển khai công tác với quyết tâm đảm bảo giữ vững tình hình ANTT địa bàn Thủ đô cho cho nhân dân vui Tết....