Nguyên nhân khiến đàn ông sợ lấy vợ
Với nhiều người đàn ông, hôn nhân là một cái bẫy. Nếu không tránh xa, họ sẽ dễ gặp phải nhiều khó khăn.
1. “Kết hôn rồi sẽ sớm phải hối tiếc!”
“Tôi dám cá là rất nhiều người hối tiếc vì đã kết hôn sớm, dù vợ họ là người yêu lâu năm đi chăng nữa. Bởi những gì bạn biết về người ấy chỉ là cá tính chung chung thôi, không thể thấu hiểu hết được mọi suy nghĩ, cảm giác của người sống bên mình.
Thêm vào đó, khi đã kết hôn, vợ bạn cũng có thể thay đổi chóng mặt và bạn cũng không phải ngoại lệ. Từ đó dẫn đến việc hai người hiểu và hợp nhau nhưng vẫn phải đối mặt với tình trạng không tương thích về lối sống, thói quen….
Nhưng vì con cái, vì đã kết hôn, hai người sẽ cố chịu đựng, cố thích ứng với nhau. Nói chung đã kết hôn, mình chẳng còn là chính mình nữa. Hầu như ai đã lấy vợ cũng hối tiếc vì những thay đổi đó. Nhiều người bạn của tôi ước giá như được quay lại, họ sẽ trì hoãn việc cưới xin muộn nhất có thể” – Nguyễn Lộc (35 tuổi), lập trình viên, chia sẻ.
2. “Kết hôn có khả năng “giết chết” chuyện chăn gối”
Theo anh Bùi Xuân Minh (33 tuổi), “chuyện ấy” có thay đổi lớn sau khi kết hôn: “Từ trải nghiệm của mình, tôi thấy hôn nhân ảnh hưởng rất xấu đến chuyện chăn gối. Nếu lúc yêu ai cũng thấy ‘chuyện ấy’ thật thú vị thì khi lấy nhau rồi, nó trở thành một thói quen. Bởi vì sau vài năm chung sống, nhu cầu chăn gối với nửa kia sẽ giảm đi rõ rệt và thậm chí biến mất hẳn. Nguyên nhân vì trăm ngàn thủ phạm khác nhau: chỗ thì cơm áo gạo tiền, chỗ do tuổi tác, chỗ do cảm xúc chi phối…
Video đang HOT
Cứ thế, có nhiều lúc hai vợ chồng sẽ ‘lệch pha’ nhau. Rồi lâu dần những rung cảm gần như không còn tồn tại khi bạn phải tiếp xúc mãi với một người cũ…
Nhưng bi kịch ở chỗ dẫu có chán nản, mất cảm xúc thì đàn ông vẫn phải cố gắng đáp ứng hoặc chiều lòng vợ vì đã trót ràng buộc nhau rồi. Nếu một phút nhất thời muốn tìm cảm giác lạ, lập tức bạn sẽ trở thành tội đồ ngoại tình. Với những người tử tế, hẳn tâm hồn sẽ chẳng thanh thản mà đối mặt với vợ con nếu trót mắc sai lầm.
Trong khi đó cuộc sống có vô vàn những cám dỗ. Và để giữ hình ảnh một ông chồng tốt, chúng tôi buộc phải kiềm chế cảm xúc của mình”.
Đàn ông lo sợ kết hôn sẽ mất tự do (Ảnh minh họa).
3. “Sợ vì tỷ lệ ly hôn ngày càng nhiều”
“Hiện tại số cặp vợ chồng ly hôn ngày càng tăng mạnh. Điều đó chứng tỏ hôn nhân thực sự không tốt đẹp như ngày xưa nữa. Trong cuộc sống ngày nay, cái tôi cá nhân lớn cùng với những thú vui, cám dỗ ngày một nhiều thì chuyện bất đồng quan điểm dẫn tới muốn chia tay nhau là điều quá dễ dàng.
Khi yêu thì dễ bỏ người này, tìm người khác. Nhưng khi đã kết hôn thì việc chia tay lại là chuyện lớn bởi nó liên quan đến cả con cái, gia đình, họ hàng. Nhưng khổ là chưa chung sống với một người làm sao dám chắc người đó thực sự hợp với mình không?”. Đây là suy nghĩ rất thực tế của Nguyễn Văn Nam (29 tuổi), đang công tác trong ngành dầu khí.
4. “Có thể bị mất tài sản, con cái khi ly hôn”
“Tôi từng chứng kiến người bạn thân của tôi phải ra tòa giải quyết chuyện ly hôn. Sau đó, anh gần như trắng tay vì nhà cửa, vốn liếng, con cái đều phải chia cho người vợ.
Trong khi đó tất cả những thứ ấy dù đứng trên danh nghĩa hai vợ chồng nhưng thực ra anh ta đã phải làm lụng, vay mượn để mua. Thế mà sau khi chia tay, anh ta phải nai lưng ra trả nợ cho những cái không thuộc về mình nữa. Sự mất mát đó quá lớn khiến anh ấy rơi vào tâm trạng đau buồn, trầm cảm suốt một thời gian dài.
Cứ nghĩ đến chuyện đó là tôi thấy sợ lấy vợ. Rõ ràng hôn nhân luôn bảo vệ lợi ích cho phụ nữ và trẻ em. Còn đàn ông là người chịu nhiều thiệt thòi hơn cả” – Trường Nhân (32 tuổi), Củ Chi, TPHCM, tâm sự.
5. “Hôn nhân là hành động giả tạo và không tự nhiên”
Đây là cách nhìn khá lạ của Bùi Lê Dũng (30 tuổi), Hà Nội: “Tình yêu là thứ tình cảm tuyệt vời nảy sinh một cách tự nhiên giữa hai người. Nhưng kết hôn là một chuyện khác. Đành rằng người ta vẫn đến với nhau vì tình yêu nhưng đó chỉ là một trong nhiều yếu tố được đặt lên bàn cân bên cạnh tính nết, gia thế, công việc, tiền tài… Vì những lý do đó, tôi coi hôn nhân là sự giả tạo.
Thêm vào đó, rất nhiều người kết hôn vì đã đến lúc cần lấy vợ, vì gia đình giục giã chứ thực tâm họ chưa muốn. Vậy nên nó cũng là điều không diễn ra theo lẽ tự nhiên.
Tại sao không để cho tình yêu của bạn thăng hoa mà sớm kìm kẹp nó trong hai tiếng vợ chồng với hàng loạt trách nhiệm, nghĩa vụ. Và một khi người trong cuộc không đến với nhau hoàn toàn thoải mái thì làm sao tránh được những chán nản, mâu thuẫn trong quá trình chung sống?”.
6. “Kết hôn đồng nghĩa với việc mất tự do”
“Theo tôi, bước vào ngưỡng cửa hôn nhân nghĩa là sẽ có một bức tường vô hình ngăn cản bạn đến với các quán bar, các chuyến đi phượt, các trận đá bóng… Suy cho cùng, hôn nhân sẽ làm giảm quyền lợi của bạn nhưng tăng gấp đôi (thậm chí là gấp ba khi đã có con) trách nhiệm đối với gia đình.
Có rất nhiều điều khi yêu bạn thấy thoải mái vì được làm cùng người ấy. Nhưng khi đã lấy vợ, bạn thấy khó chịu vì luôn phải chia sẻ quyết định, ý tưởng của mình. Tất cả mọi thứ sẽ phải có sự đồng ý của hai người, nếu không sẽ khó mà tránh khỏi cảnh lục đục…
Đó chỉ là một trong số rất nhiều ví dụ chứng minh hôn nhân đánh cắp sự tự do của bạn. Và với đàn ông chúng tôi, điều này thực sự đáng để cân nhắc kĩ” – Tùng (27 tuổi), chiêm nghiệm.
Theo Xinhxinh