Nguyên nhân hôi miệng và cách điều trị
Hôi miệng thường gặp nhất là do sâu răng và bệnh nướu răng, cũng có khi là biến chứng của một bệnh khác có thể đe dọa tính mạng như tiểu đường, suy thận…
Thức ăn có thể ảnh hưởng đến hơi thở của bạn. Nếu bạn ăn thực phẩm có mùi mạnh, chẳng hạn tỏi hoặc hành tây, mùi này sẽ ảnh hưởng tới hơi thở của bạn. Khi hệ thống tiêu hóa hoạt động, các chất có trong thức ăn sẽ đi vào máu. Các loại dầu cay và hăng có trong tỏi, hành xâm nhập vào phổi gây ra hôi miệng. Đánh răng, ăn bạc hà hoặc sử dụng nước súc miệng giấu được mùi, nhưng sẽ không khử được mùi hoàn toàn cho đến khi các thực phẩm này đã ra khỏi cơ thể.
Ảnh: megaanswers.com.
Thức ăn cũng có thể còn trong miệng nếu bạn không đánh răng hay dùng chỉ nha khoa hàng ngày. Những thức ăn thừa này tích tụ giữa các kẽ răng, tạo điều kiện cho sự phát triển của vi khuẩn trong miệng và gây ra hôi miệng.
Hút và nhai thuốc lá cũng có thể dẫn đến hôi miệng, hơi thở khó chịu. Ngoài mùi của chính nó, thuốc lá còn tích tụ trong răng và làm phát triển vi khuẩn. Hơn nữa, người hút và nhai thuốc lá có nhiều khả năng phát triển các bệnh về lợi, một triệu chứng của bệnh là hơi thở hôi.
Nước bọt giúp làm sạch miệng, rửa sạch thức ăn và vi khuẩn trong miệng. Tuy nhiên, tất cả mọi người đều tiết ra ít nước bọt hơn trong khi ngủ, dẫn đến khô miệng và “hơi thở đáng sợ” vào buổi sáng. Tình trạng còn xấu hơn với những người mở miệng khi ngủ.
Video đang HOT
Khi bị bệnh tiểu đường ketoacidosis, cơ thể không thể phân tách và sử dụng gluco làm nguồn năng lượng đúng cách, vì vậy thay vào đó nó chọn cách tách chất béo trong cơ thể. Trong quá trình này cơ thể đồng thời sản sinh ra xeton. Theo Viện Sức khỏe quốc gia Mỹ, nó có thể gây ra hơi thở có mùi thơm ngọt nếu bệnh không được điều trị và các chất này sẽ tích tụ trong máu và nước tiểu. Mặc dù nghe có vẻ dễ chịu hơn so với hôi miệng, tiểu đường ketoacidosis có thể trở thành một vấn đề nghiêm trọng nếu không được điều trị, bởi xeton độc ở nồng độ cao.
Theo một bài báo được các nhà nghiên cứu Bỉ công bố trên Tạp chíChromatography B, suy gan giai đoạn cuối cũng có thể gây hôi miệng. Còn được gọi là “mui hôi trong bệnh xơ gan”, mùi ngọt, mốc là do dimethyl sulfide, không phải bởi xeton. Nhờ các triệu chứng này, có thể sử dụng phân tích hơi thở để chẩn đoán phát hiện các bệnh lý về gan.
Ngoài ra, những người bị suy thận mãn tính có thể có hơi thở mùi tanh hay như amoniac. Được gọi là “mui hôi urê”, nồng độ urê cao trong nước bọt và phân hủy tiếp theo của nó thành amoniac gây ra tình trạng này.
Các bệnh khác liên quan đến hôi miệng bao gồm viêm xoang, viêm phổi, viêm phế quản, chảy dịch mũi sau và trào ngược axit dạ dày.
Điều trị
Điều trị hôi miệng thường bao gồm tăng cường vệ sinh răng miệng và điều trị các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.
Theo bài tổng quan được công bố trên International Journal of Dental Hygiene, đánh và cạo lưỡi có thể điều trị thành công bệnh hôi miệng do sự phát triển quá mạnh của vi khuẩn trên bề mặt lưỡi.
Uống nhiều nước, nhai hoặc ngậm kẹo cao su không đường cũng có thể giúp ngăn ngừa hôi miệng. Tất cả hoạt động này đều kích thích sản sinh nước bọt, giúp rửa tan cặn thức ăn và vi khuẩn gây mùi hôi.
Theo Trung tâm y tế Mayo, bệnh nướu răng có thể khiến nướu xa khỏi răng, gây ra các khoảng trống mà vi khuẩn có thể phát triển. Đánh răng sạch và sử dụng nước súc miệng có thể bảo vệ các khu vực này và không cho vi khuẩn phát triển.
Khánh Vy (Theo livescience)
Dấu hiệu sức khỏe từ răng miệng
Nhiều nghiên cứu cho biết những gì diễn ra ở miệng có thể trực tiếp phản ánh những gì đang xảy ra ở những nơi khác trong cơ thể, từ tim mạch cho đến cả vùng kín.
Ảnh: Shutterstock
Viêm nướu răng. Đây có thể là biểu hiện của một vấn đề về tim. Các loại vi khuẩn trong miệng dễ dàng xâm nhập các mạch máu và gây ra mảng bám. Đây chính là nơi trú ngụ lý tưởng của vi khuẩn, giúp vi khuẩn có cơ hội lưu thông trong toàn bộ cơ thể. Những vi khuẩn này xâm nhập các vết lở loét ở nướu, lợi để vào tim. Chúng bám chặt vào thành mạch khiến cho hệ miễn dịch khó phát hiện để loại bỏ chúng. Nhờ đó, chúng hoành hành và làm tổn thương các mô ở thành mạch. Nhiều trường hợp vi khuẩn còn là nhân tố thúc đẩy sự hình thành các cục máu đông - nguyên nhân cơ bản dẫn đến hiện tượng nhồi máu cơ tim.
Răng có vết nứt. Theo các nha sĩ, răng có nhiều vết nứt là do a xít trong dạ dày trào ngược lên miệng trong lúc ngủ. Khi răng bị ngập trong a xít dạ dày và có độ pH thấp thì men răng bị xói mòn. Để phòng ngừa hội chứng trào ngược dạ dày, nên giảm ăn các chất kích thích như rượu, cà phê, thuốc lá; đồng thời tránh ăn quá no hoặc uống nhiều nước có gas cũng như tránh làm tăng áp lực xoang bụng như mặc áo ngực quá chật.
Hôi miệng. Miệng có mùi hôi được liên hệ đến các vấn đề về dạ dày. Dù bạn đã chăm chỉ đánh răng, dùng chỉ nha khoa và đi khám răng thường xuyên nhưng vẫn bị hôi miệng thì vấn đề này có thể xuất phát từ những trục trặc xảy ra ở dạ dày. Theo Womenshealthmag, nguyên nhân của tình trạng này là do sự phát triển quá mức của vi khuẩn trong dạ dày, tạo thành mùi hôi và đưa lên miệng. Những người bị bệnh gan, thận, hoặc tiểu đường cũng có thể bị hôi miệng do sự cân bằng vi khuẩn trong cơ thể bị phá vỡ, các vi khuẩn gây hại phát triển mạnh hơn vi khuẩn có lợi.
Chảy máu nướu răng. Theo các chuyên gia, khi sự cân bằng nội tiết thay đổi, một hậu quả tất yếu xảy ra là chảy máu nướu răng. Tình trạng này thường gặp nhất ở phụ nữ mang thai và những người đang ở giai đoạn tiền mãn kinh bởi 2 giai đoạn này chính là thời điểm có sự thay đổi lớn của hormone trong cơ thể phụ nữ. Tương tự, trong thời gian kinh nguyệt, chị em nên hạn chế việc khám chữa hay nhổ răng, vì trong những ngày này sự cân bằng hormone thay đổi làm nướu rất nhạy cảm, dễ bị tổn thương.
Miệng đỏ, lưỡi sưng. Nếu các góc của miệng có màu đỏ, có thể là một dấu hiệu của việc thiếu hụt vitamin B. Ngoài ra, khi thấy lưỡi bị sưng hoặc đỏ thì đó là dấu hiệu của thiếu sắt. Ngược lại, lưỡi nhợt nhạt cảnh báo nguy cơ thiếu máu. Tóm lại miệng đỏ, lưỡi sưng là dấu hiệu cho biết cơ thể thiếu hụt một số chất dinh dưỡng cần thiết.
Miệng có vết loét. Khi phát hiện một hay nhiều vết loét màu trắng, sưng to và đau nằm trong miệng kéo dài hơn 3 tuần, hãy nhanh chóng đến bác sĩ kiểm tra. Nhiễm vi rút HPV qua đường miệng đang gia tăng với tốc độ chóng mặt ở phụ nữ trẻ và có thể dẫn đến ung thư miệng. Một nghiên cứu gần đây cho biết chăm sóc sức khỏe răng miệng để phòng ngừa việc lây lan vi rút HPV là một trong những cách ngăn ngừa ung thư hiệu quả.
Hạ Yên
Theo TNO
7 loại bệnh về lưỡi thường gặp Lưỡi có thể mắc các bệnh như: viêm lưỡi bản đồ, ung thư lưỡi, viêm lưỡi di trú... 1. Viêm lưỡi bệnh lý Viêm lưỡi do nhiễm khuẩn, nấm, mẫn cảm có thể là bệnh nguyên phát của lưỡi hoặc triệu chứng của một bệnh khác như cơ thể thiếu vitamin, đặc biệt là vitamin nhóm B, thiếu vitamin PP, thiếu máu ác...