Nguyên nhân dự án đường sắt trên cao gặp sự cố, gây chết người
Bước đầu, cơ quan công an xác định có vấn đề đứt mối hàn tai quang (giá đỡ bó thép khi cẩu lên).
Công an Hà Nội cho biết nạn nhân Nguyễn Như Ngọc tử nạn là cán bộ Công an huyện Gia Lâm, đang đi học tại Học viện An ninh Nhân dân.
Trong ngày, cơ quan công an đã tiến hành pháp y nạn nhân, sau đó làm thủ tục cho gia đình đưa về để làm tang lễ.
Thừa nhận lỗi của đơn vị thi công
Ngay sau khi xảy ra vụ tai nạn lao động tại khu vực thi công xây dựng Nhà ga Thanh Xuân III đường Trần Phú, quận Hà Đông, Hà Nội, thuộc Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông, các đơn vị nghiệp vụ công an đã vào cuộc điều tra vụ việc.
Hiện trường vụ tại nạn – Ảnh: Nhất Nam.
Vụ rơi sắt này được cơ quan công an xác định là một vụ tai nạn lao động gây hậu quả nghiêm trọng, hiện đang do Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội phối hợp với Công an quận Hà Đông tiến hành điều tra.
Cơ quan công an đã đưa toàn bộ các công nhân, lái cẩu và người chịu trách nhiệm tại công trường về trụ sở để thẩm vấn.
Các vấn đề về việc bó thép khi đưa lên cẩu, an toàn của cẩu như dây cáp, các mối hàn đều được làm rõ.
Video đang HOT
Bên cạnh đó, cơ quan công an còn xem xét trách nhiệm khi tiến hành cẩu thép trong khu vực công trường nhưng không thực hiện phân luồng hoặc cấm đường tạm thời để đảm bảo an toàn giao thông.
Bước đầu, cơ quan công an xác định có vấn đề đứt mối hàn tai quang (giá đỡ bó thép khi cẩu lên) dẫn đến việc 3 thanh sắt lao ra đường, rơi vào người đi đường, gây tai nạn.
Chiều cùng ngày, trao đổi với báo chí, ông Cấn Hồng Lai, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 1, thừa nhận có lỗi của đơn vị thi công trong vụ việc này nên mới xảy ra tai nạn.
Ông Lai cho biết cơ quan chức năng đã khám nghiệm hiện trường nhưng chưa có kết luận cuối cùng.
Thông tin ông Lai nắm được từ cán bộ có trách nhiệm của mình thì vụ tai nạn xảy ra do đứt mối hàn liên kết con treo của giá đỡ bó thép khi cẩu thép lên cao.
Theo đó, bó thép được đặt trong một giá đỡ để cẩu lên khu vực trên cao. Quá trình cẩu, bó thép và giá đỡ đã có va chạm với đà giáo của công trình khiến bị bung mối hàn liên kết và 3 thanh thép bật ra, lao ra đường.
Ông Lai khẳng định khi cẩu thép lên, toàn bộ đều nằm trong khu vực công trường, có quây tôn và chỉ khi có sự cố va chạm với đà giáo, số thanh thép này mới bị lao ra khỏi khu vực công trường.
Đối với cẩu và các thiết bị trên công trường, ông Lai cho biết vẫn trong thời hạn kiểm định đảm bảo an toàn.
Đơn vị tư vấn đã có sơ suất
Trả lời về việc thi công công trình cả ngày và đêm, thậm chí vào giờ cao điểm nhưng không có biện pháp cảnh báo giao thông, không thực hiện việc cấm đường tạm thời đã dẫn đến vụ tai nạn này, ông Cấn Hồng Lai thừa nhận khi trình biện pháp thi công thì đơn vị tư vấn đã có sơ suất không có các giải pháp này vì tuyến đường này là điểm nóng giao thông, muốn chặn đường phải có sự hỗ trợ của CSGT.
Về trách nhiệm, ngoài việc cơ quan chức năng sẽ làm rõ và xử lý, ông Cấn Hồng Lai cũng khẳng định ở đây trách nhiệm trước tiên thuộc về đơn vị thi công. Tổng công ty sẽ xác định, kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân vi phạm căn cứ trên hồ sơ quy định về tổ chức thi công công trình.
Cũng trong những ngày qua, có thông tin về việc các đơn vị thi công tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông đã để xảy ra tình trạng vôi vữa bê tông rơi xuống đường, ảnh hưởng đến người đi đường, ông Lai cho biết đã kiểm tra và khẳng định không phải đơn vị của mình.
Ngày 6/11, Cienco1 đã hỗ trợ gia đình nạn nhân tử vong trước mắt 100 triệu đồng để làm các thủ tục mai táng. Đối với các gia đình nạn nhân bị thương hỗ trợ trước mắt 50 triệu đồng và chăm lo thuốc men, chi phí khám chữa bệnh.
Theo Tuổi Trẻ
Tai nạn chết người ở đường sắt trên cao: Ai chịu trách nhiệm?
- Vụ tai nạn ở dự án đường sắt trên cao tuyến Cát Linh- Hà Đông, Hà Nội khiến 1 người tử vong tại chỗ và 3 người khác bị thương nặng đã đặt ra vấn đề trách nhiệm sẽ thuộc về cá nhân, đơn vị nào?
Trao đổi với báo Đời sống và Pháp luật về vấn đề này, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn luật sư TP. HN cho biết: "Việc cẩu để đứt cáp trước tiên cần xem xét lỗi của đơn vị thi công như: Biện pháp an toàn trong thi công đã thực hiện đầy đủ chưa? hệ thống lưới che, dây cáp.... người lái cẩu có bằng cấp đầy đủ không? dây cáp cần giám định xem dây gì? đường kính dây cáp và sức nâng của dây. Từ đó, cơ quan điều tra sẽ xem xét một cách toàn diện sự việc để đưa ra đánh giá xem ai có lỗi, ai có hành vi vi phạm để xử lý và có biện pháp chấn chỉnh kịp thời, kiên quyết không để xảy ra sự cố tương tự trong thi công dự án."
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông thăm hỏi, động viên gia đình nạn nhân bị thiệt mạng.
Trong khi đó, theo Luật sư Phạm Hoài Nam, Đoàn luật sư TP.HCM, trách nhiệm xảy ra vụ tai nạn thương tâm này trước hết thuộc về đơn vị tổ chức thi công, sau đó cũng cần xem xét trách nhiệm liên đới của chủ đầu tư và các cá nhân có liên quan trong quá trình thi công và vận hành cẩu tháp gây tai nạn.
Theo các quy định về an toàn lao động đối với cẩu tháp ra công trường phải được kiểm tra Hồ sơ kỹ thuật cấu vận, đối chiếu mô tả với thực tế, phải tiến hành khám xét toàn bộ; tiếp đó, phải thử tải trọng tĩnh, động. Nếu đạt yêu cầu, thiết bị đó mới được cấp phiếu kết quả kiểm định. Mặt khác, chủ đầu tư cũng phải kiểm tra giám sát, đôn đốc đơn vị thi công sử dụng đúng quy trình về an toàn lao động tại công trình, các công trình xây dựng bắt buộc phải lập hàng rào đúng quy cách, chất lượng, lắp đặt các biển cảnh báo cho người dân chung quanh và người đi đường, nhằm tránh được nguy cơ tai nạn từ trên cao.
"Như vậy, để xảy ra tai nạn gây thương vong cho người đi đường thì đơn vị tổ chức thi công và chủ đầu tư phải chịu phạt vi phạm hành chính, thì họ còn phải chi phí cứu chữa, mai táng bồi thường cho các nạn nhân theo quy định pháp luật. Ngoài ra, các cơ quan tố tụng đều có thể xem xét trách nhiệm hình sự đối với các cá nhân có liên quan đến vụ tai nạn và xử lý họ về "tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" (điều 285 BLHS), "tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính" (điều 99 BLHS), "tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính" (điều 109 BLHS)...", luật sư Nam nêu quan điểm.
Liên quan đến vấn đề trách nhiệm và hình thức xử lý đối với các cá nhân, đơn vị trong việc để xảy ra tai nạn đáng tiếc trên, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn luật sư TP. HN cho rằng: "Trong vụ việc trên cần xác định hai loại trách nhiệm là trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự (bồi thường thiệt hại).
Đối với trách nhiệm hình sự: Sự cố trong thi công gây hậu quả chết người và nhiều người bị thương nêu trên là hâu quả nghiêm trọng. Nếu những người có liên quan có lỗi cố ý hoặc vô ý gây ra hậu quả chết người thì sẽ bị xử lý hình sự về một trong các tội danh quy định trong bộ luật hình sự (như tội vô ý làm chết người, tội vi phạm quy tắc nghề nghiệp...). Nếu những người thi công và điều hành thi công hạng mục công trình đó không có lỗi với hậu quả đã xảy ra. Sự việc xảy ra là tình huống bất khả kháng, ngoài sự kiểm soát ý chí của con người thì mới không xem xét trách nhiệm hình sự.
Đối với trách nhiệm dân sự: Trong vụ việc trên phát sinh quan hệ dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Chủ đầu tư, người gây ra thiệt hại về tính mạng, sức khỏe cho các nạn nhân phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định tại Chương XXI, Bộ luật dân sự năm 2005. Mức bồi thường sẽ căn cứ vào thiệt hại thực tế xảy ra bao gồm các khoản như: Chi phí cứu chữa; chi phí mai táng (với người chết); tiền thu nhập bị mất, bị giảm sút (với người bị thương); Tiền bồi thường tổn thất về tinh thần; Tiền cấp dưỡng cho người thân của nạn nhân bị chết (nếu có). Vụ việc trên sẽ được xác minh làm rõ và xử lý theo pháp luật".
Hiện trường vụ tai nạn.
Như tin tức báo Đời sống và Pháp luật đã đưa, vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 9h30 ngày 6/11, tại đường Trần Phú, Hà Đông, Hà Nội (đoạn đối diện Học viện Y dược cổ truyền Việt Nam).
Thông tin ban đầu, vào thời điểm trên, trong lúc thi công cầu đường sắt trên cao tuyến Cát Linh - Hà Đông, một khối cốt pha bằng sắt của đội thi công Xí nghiệp cầu 17, Tổng Công ty Công trình Giao thông 1 (Cienco 1) rơi xuống do bị đứt dây cẩu.
Vụ tai nạn đã khiến anh Nguyễn Như Ngọc (SN 1981, quê Nghĩa Hưng, Nam Định) tử vong tại chỗ và 3 người khác bị thương được đưa đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.
Sau vụ tai nạn, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đã yêu cầu đình chỉ thi công toàn tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông.
KIỀU HOA
Theo_Đời Sống Pháp Luật
Đình chỉ chỉ huy trưởng công trình làm rơi bó thép chết người Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông yêu cầu đình chỉ công việc đối với Chỉ huy công trường, tư vấn giám sát và công nhân tại công trường nhà ga dự án đường sắt trên cao. Hiện trường vụ rơi thép khiến người đi đường tử vong. Ảnh: Hoàn Nguyễn. Chiều 6/11, sau khi thị sát hiện trường vụ tai nạn tại...