Nguyên mẫu ’siêu lừa’ trong bộ phim Netflix được thả khỏi trại giam Mỹ
Anna Sorokin, người có thủ đoạn lừa đảo ngoạn mục giới tài chính của New York và truyền cảm hứng cho một loạt phim ăn khách của Netflix, đã được thả vào thứ Sáu (7/10) từ một trung tâm giam giữ người nhập cư, nhưng vẫn phải đối mặt với lệnh trục xuất khỏi Mỹ.
Sorokin, người đã sử dụng tên Anna Delvey khi lừa đảo hơn 1/4 triệu đô la từ khách sạn, ngân hàng và bạn bè, đã được thả tự do có điều kiện, theo một phát ngôn viên của Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ (ICE).
Anna Sorokin, hay còn được gọi là Anna Delvey, đã được thả khỏi một cơ sở giam giữ ở bang New York. Ảnh: AFP
Cô nàng 30 tuổi mang quốc tịch Đức này đã được thả vào tháng 2 năm 2021 vì có hành vi tốt sau khi chấp hành một phần bản án từ 4 đến 12 năm tù, nhưng rồi bị bắt lại vào tháng sau do quá hạn visa.
Theo truyền thông Mỹ, Sorokin sẽ bị giam tại nhà riêng ở thành phố New York trong một thời gian và sẽ phải đeo vòng tay điện tử cũng như bị cấm sử dụng mạng xã hội. Sorokin đã dành 18 tháng qua để chống lại lệnh trục xuất trở lại Đức, khi nộp một loạt các kháng cáo.
Sinh ra gần Moscow, Sorokin là con gái của một tài xế xe tải người Nga di cư sang Đức. Cô này lấy tên là Anna Delvey và đóng vai người thừa kế khối tài sản trị giá 60 triệu đô la Mỹ để mở ra cánh cửa cho xã hội thượng lưu New York, sau khi đến tham dự Tuần lễ thời trang năm 2013.
Sorokin đã sử dụng khả năng của mình để thêu dệt những lời nói dối khéo léo để có được khoản vay hàng chục nghìn đô la, đi du lịch miễn phí bằng máy bay tư nhân và sống trong các khách sạn siêu sang ở Manhattan.
Bị bắt vào năm 2017 và bị kết án hai năm sau đó, vụ việc cô đã truyền cảm hứng cho nhà sản xuất truyền hình Shonda Rhimes (Grey’s Anatomy, Scandal) cho ra đời loạt phim mini ăn khách của Netflix mang tựa đề ‘Inventing Anna’, với Julia Garner trong vai chính.
Nhân vật có thật trong phim về tiểu thư lừa đảo 'Inventing Anna'
Ê-kíp sản xuất "Inventing Anna" đã đẩy mạnh tình tiết hư cấu, nhưng vẫn cung cấp được một số tuyến nhân vật có thật trong câu chuyện về Anna Sorokin.
Inventing Anna được xây dựng từ câu chuyện có thật của một phụ nữ tên Anna Sorokin - người đã giả danh con gái tài phiệt để lừa đảo hàng trăm nghìn USD. Toàn bộ hành trình lừa đảo được kể lại trong bài báo của Jessica Pressler trên New York Magazine vào năm 2018.
Tuy nhiên, trong phim, không phải chi tiết nào cũng là thật. Series có 9 tập, mở đầu mỗi tập đều xuất hiện một dòng thông báo từ nhà sản xuất: "Tác phẩm là câu chuyện hoàn toàn có thật, ngoại trừ những phần hư cấu".
Video đang HOT
Inventing Anna bị chỉ trích vì gia tăng tình tiết hư cấu và lãng mạn hóa một vụ lừa đảo nghiêm trọng, nhưng lại gây hứng thú khi nhắc đến những câu chuyện và mối quan hệ có thật, điển hình như mối quan hệ giữa Anna Sorokin và các tay lừa đảo khác.
Inventing Anna dựa trên vụ án lừa đảo có thật của Anna Sorokin. Ảnh: Netflix.
Lừa đảo một chuyến bay tư nhân giá 35.000 USD
Anna Sorokin - nguyên mẫu nhân vật - là phụ nữ người Nga, lớn lên ở Đức. Cô lấy tên giả Anna Delvey, cố gắng tham gia vào giới thượng lưu ở New York và lừa những người xung quanh rằng mình là con gái gia đình tài phiệt ở Đức. Dưới chiêu bài bắt đầu xây dựng một câu lạc bộ nghệ thuật tư nhân, Anna Sorokin đã kêu gọi các tay chơi giàu có đầu tư cho Quỹ Anna Delvey của mình.
Không chỉ lừa tiền đầu tư, Anna Sorokin còn đề nghị những người bạn giàu có chi trả toàn bộ chi phí ăn ở, du lịch và tiêu xài cho mình với lời hứa sẽ trả lại ngay khi gia đình gửi tiền cho mình. Lý do Sorokin thường sử dụng là lỗi thẻ tín dụng, ngân hàng tại châu Âu có vấn đề trong quy trình giao dịch, thậm chí cô còn làm giả biên lai chuyển tiền.
Việc làm giả biên lai chuyển tiền xảy ra khi Anna Sorokin thuê một chuyến bay tư nhân từ New Jersey đến Omaha (Nebraska, Mỹ). Với lý do đến tham dự hội nghị đầu tư thường niên của doanh nhân Warren Buffett, Sorokin đã đặt một chuyến bay riêng với giá 35.000 USD - theo thông tin trong bài báo của Pressler.
Sorokin thậm chí tạo một biên lai chuyển tiền giả và gửi cho Blade - công ty cung cấp các chuyến bay tư nhân trọn gói, sau đó hứa rằng tiền sẽ chuyển vào tài khoản của công ty sau. Nhưng sự thật là khoản tiền không bao giờ xuất hiện trong tài khoản của Blade.
Phân cảnh Anna Sorokin lừa được một chuyến bay tư nhân giá 35.000 USD. Ảnh: Netflix.
Kathleen McCormack - Giám đốc tài chính của Blade - đã làm chứng trong phiên tòa xét xử Sorokin. Ông cho biết: "Trước đây, chúng tôi vẫn để mọi thứ diễn ra như vậy, và họ đều trả tiền. Chúng tôi quen biết cô ấy (Anna Sorokin) qua vòng tròn quan hệ xã hội, và cảm thấy cô ấy đủ khả năng thanh toán, nên chúng tôi đã đồng ý đặt chuyến bay cho cô ấy".
Việc lừa đảo một chuyến bay tư nhân này được Pressler miêu tả như một vụ đánh cắp máy bay.
Mối quan hệ với Billy McFarland và Martin Shkreli
Billy McFarland là một trong những tay lừa đảo Anna Sorokin quen biết. McFarland là người tạo nên lễ hội âm nhạc lừa đảo Fyre Festival, người này xuất hiện trong tập 4 của series như một cách "thấy sang bắt quàng làm họ" của ê-kíp sản xuất.
Nhân vật Billy McFarland xuất hiện khi đang khoe khoang về ý tưởng thành lập các sự kiện xa xỉ khét tiếng và chỉ dành cho giới siêu giàu. Ê-kíp Inventing Anna mô tả Sorokin và McFarland từng sống chung trong một căn gác xép ở trung tâm New York.
Tuy nhiên, theo Page Six, đây là tình tiết có thật ngoài đời. Sorokin đã sống khoảng 4 tháng (vào năm 2013) tại trụ sở chính công ty thẻ tín dụng Magnises của Billy McFarland, nhưng đơn vị này không còn tồn tại.
Hai kẻ lừa đảo Billy McFarland (trái) và Martin Shkreli (phải) cũng xuất hiện trong bộ phim Inventing Anna. Ảnh: Reuteur.
Sorokin cũng từng giao tiếp với Martin Shkreli - kẻ lừa đảo và đội giá bán thuốc đang ngồi tù. Shkreli (do Will Stephen) xuất hiện trong một cảnh tiệc tùng ở tập 5 Inventing Anna.
"Anna đã giới thiệu Shkreli như một người bạn thân yêu của cô, dù đó thực chất là lần duy nhất hai người gặp nhau", nữ nhà báo Jessica Pressler viết. Shkreli cũng đồng ý nói với Pressler về Anna Sorokin dù đang ngồi tù. "Anna có vẻ là phụ nữ nổi tiếng khắp thành phố, người mà ai cũng biết tên cô ấy. Dù tôi nổi tiếng khắp toàn quốc đấy, nhưng cũng chỉ như một con mọt máy tính khi đứng cạnh cô ấy thôi", Shkreli viết thư từ trong tù.
Rachel Williams giúp cảnh sát bắt giữ Anna Sorokin
Rachel DeLoache Williams là một trong những nạn nhân của Anna Sorokin. Tuy nhiên, Williams còn là người góp phần đưa Sorokin vào tù.
Trong cuốn sách có tên My Friend Anna, Williams đã kể chi tiết về cách Anna Sorokin lừa tiền cô sau chuyến nghỉ mát ở Marok của hai người. Theo đó, Sorokin đã nhờ Williams thanh toán khoản tiền 62.000 USD, và hứa trả lại tiền khi thẻ tín dụng hoạt động của mình hoạt động trở lại.
Rachel Williams nhận ra bộ mặt thật của Sorokin và đồng ý hợp tác với chính quyền New York để lập kế hoạch bắt giữ kẻ lừa đảo đội lốt tiểu thư tài phiệt. Williams đã nhắn tin mời Sorokin đi ăn trưa, hẹn tại địa điểm đã có cảnh sát mai phục.
Rachel Williams (trái) tại phiên tòa xét xử tội lừa đảo của Anna Sorokin (phải).
"Tôi có sợ hãi liệu Sorokin phát hiện ra tôi liên quan đến vụ bắt giữ cô ấy không ư? Chắc chắn là có", Williams viết trong cuốn sách My Friend Anna. Cô chia sẻ thêm: "Nhưng tôi muốn cô ta phải tin tôi, như cách tôi đã tin vào những lời dối trá của cô ta".
Tình tiết này xuất hiện ở tập 6 của bộ phim, nhân vật Rachel Williams do Katie Lowes thể hiện. Tuy nhiên, nguyên mẫu Rachel Williams ngoài đời đã bị sốc và khó chịu vì nhiều chi tiết có thật lại bị ê-kíp sản xuất biến tấu theo hướng đồng cảm với tội phạm lừa đảo. "Họ không coi cô ta là kẻ phạm tội đã bị kết án với 8 tội danh, bao gồm tội trộm cắp cấp độ hai và cố gắng thực hiện hành vi trộm cắp cấp độ một, mà xem cô ta là người truyền cảm hứng", Williams bày tỏ sự bức xúc.
Mối quan hệ kỳ lạ với Neffatari Davis
Người luôn sát cánh bên Sorokin trong Inventing Anna là Neffatari Davis, hay được gọi tắt là Neff (Alexis Floyd đóng). Cô là nhà làm phim trẻ phải làm công việc lễ tân chăm sóc khách hàng tại khách sạn để kiếm sống.
Sorokin quen Davis khi sống tại khách sạn 11 Howard ở New York. Thực tế, Sorokin đã sống khoảng gần 50 ngày ở khách sạn trên mà không trả tiền, nhưng cô vẫn được nhân viên phục vụ chu đáo, niềm nở vì từng "boa" cho các nhân viên 100 USD. Trong quá trình làm thân với các nhân viên khách sạn, Anna Sorokin đã quen biết Neff Davis và hứa tài trợ cho dự án phim của Davis.
Pressler tường thuật lại sự việc trên báo: "Sorokin sẽ mang thức ăn hoặc rượu vang trắng xuống ngồi gần bàn làm việc của Neff để trò chuyện. Cô ấy có thể xấu xa một cách kỳ lạ đối với những người giàu có, nhưng đối với Neff, cô không có ác ý nào. Sorokin diễn như thể bản thân là công chúa cổ điển bất chợt bị đưa ra khỏi lâu đài cổ kính ở châu Âu và hiện tại phải đối mặt với thế giới hiện đại".
Anna Sorokin và Neffatari Davis trong một cảnh phim Inventing Anna. Ảnh: Netflix.
Khi Anna Sorokin bị đuổi khỏi khách sạn vì không thể thanh toán 30.000 USD tiền phòng, Neff Davis vẫn hỗ trợ vị tiểu thư giả mạo. Thậm chí, khi Sorokin vào tù, Neff Davis tiếp tục ủng hộ người bạn của mình.
"Anna chưa bao giờ lừa tôi và tôi chưa bao giờ thấy cô ấy làm gì không hợp pháp. Anna là bạn của tôi và sẽ luôn như vậy. Chúng tôi phải tìm hiểu nhau một lần nữa và phát triển những ranh giới lành mạnh. Chúng tôi đã chặn và bỏ chặn lẫn nhau trên mạng, đã cùng khóc và cùng cười. Tôi hiểu rõ cô ấy", Davis nói về Anna Sorokin. Vì mối quan hệ này, truyền thông nước Mỹ gọi Neff Davis là "người bạn duy nhất của Anna Sorokin".
Phim về "rich kid siêu lừa đảo" bị netizen chê thậm tệ: Dài dòng lê thê, không có điểm nhấn, lại còn đạo nhái 1 tác phẩm điện ảnh kinh điển Dẫu vậy Inventing Anna vẫn xếp hạng cao trên Netflix, mặc cho nhiều ý kiến chê trách. Inventing Anna hiện đang là tựa phim thu hút nhiều lượt xem trên Netflix. Lấy cảm hứng từ câu chuyện có thật, series trinh thám này xoay quanh Anna Sorokin/Anna Delvey - một trong những tội phạm có tiếng trong làng giả mạo danh tính. Từ...