Nguyễn Đức Nghĩa không phạm tội ‘giết người man rợ’?
Với việc Nguyễn Đức Nghĩa kháng cáo toàn bộ bản án, nhiều người tỏ ra khá bất ngờ, kể cả bố của nạn nhân Nguyễn Phương Linh cũng như luật sư Nguyễn Anh Thơm, người bào chữa cho bị can trong phiên tòa sơ thẩm.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia tâm lý và các điều tra viên thì việc kẻ tử tù như Nghĩa kháng án là điều hoàn toàn rất bình thường.
Không kháng cáo mới là bất thường
Thầy Đào Xuân Hội, giảng viên bộ môn Luật, trường Đại học Lao động – Xã hội cho biết: Gần như 100% bị cáo có tâm lý chung là đều sẽ kháng cáo, kể cả dân sự. Khi mọi cố gắng đều không có lợi về phía họ, họ sẽ kháng cáo để thủ tục ngày càng kéo dài, họ sẽ càng có cơ hội để sống lâu hơn.
Xem xét lại mọi hành vi giết người và phi tang của bị cáo Nguyễn Đức Nghĩa, thầy Đào Xuân Hội cho rằng tất cả đều diễn biến theo tâm lý hoàn toàn bình thường của một người bình thường.
Thầy Đào Xuân Hội, giảng viên bộ môn Luật, trường Đại học Lao động – Xã hội: Việc tử tù Nghĩa kháng cáo là tâm lý hoàn toàn bình thường của một con người rất đỗi bình thường.
Xung quanh vụ “ xác chết không đầu”, nhiều người lên tiếng tỏ thái độ phẫn nộ về tội ác không thể dung thứ. Tuy nhiên, theo thầy Đào Xuân Hội: Có một sự thật mà người ta ít khi thừa nhận hoặc nhắc tới đó là: Bất kể người nào cũng có thể trở thành tội phạm. Trong mỗi con người đều luôn luôn tồn tại hai mặt: Thiện và ác.
Trong hoàn cảnh bình thường, con người ta biết cách kiềm chế vì suy xét được cái được và mất. Tuy nhiên, trong một hoàn cảnh nào đó, ở một khoảnh khắc nào đó, trong lúc tức giận hoặc do ngoại cảnh tác động, người ta có thể dẫn tới hành vi tội lỗi. Tùy vào từng hoàn cảnh, từng điều kiện sẽ có những động cơ khác nhau, cần phải xem xét một cách khá toàn diện.
Trong vụ án này, dù sao Linh cũng đã chết, không thể trở thành nhân chứng để nêu rõ động cơ hành vi tội ác của Nghĩa. Nghĩa có thể tìm ra lý do để bao biện cho tội ác giết người của mình.
Theo diễn biễn tâm lý tội phạm, thầy Hội giải thích cho hành động của Nghĩa như sau: Sau hành vi giết người, trừ những người có máu lạnh, còn hầu hết đều có tâm trạng hoảng hốt, lo sợ và muốn che đậy tội lỗi. Và muốn che đậy tội lỗi thì phải phi tang. Đó là lý do tại sao Nguyễn Đức Nghĩa đã cắt vân tay, chặt đầu, vứt xác nạn nhân nhằm làm mất dấu điều tra của lực lượng cảnh sát.
Với mỗi hành vi, con người ta đều có nhiều lựa chọn. Nguyễn Đức Nghĩa đã lựa chọn hành vi che giấu tội lỗi một cách dã man, hết từ sai lầm này tới sai lầm khác. Và khi mọi tội lỗi bị phanh phui, không còn đường chối cãi, Nghĩa khoanh tay nhận lỗi, mong nhận được sự khoan hồng của luật pháp. Khi luật pháp không đứng về phía Nghĩa, Nghĩa sẽ lại tìm mọi cách để tự cứu mình.
“Việc kháng án là quyền của bị can theo quy định của pháp luật và là điều mà ai ở trong hoàn cảnh đó cũng sẽ làm, không riêng gì Nghĩa” – Đó là điều thầy Đào Xuân Hội khẳng định khi nghe tin Nghĩa kháng cáo.
Nghĩa không phạm tội “giết người man rợ”?
Video đang HOT
Theo một điều tra viên (đề nghị giấu tên) có kinh nghiệm trong quá trình điều tra các vụ án hình sự của Bộ Công an, nguyên nhân dẫn tới đơn kháng cáo của thủ phạm Nguyễn Đức Nghĩa như báo chí đưa tin, do tác động của gia đình hay luật sư, điều đó không hoàn toàn hợp lý.
Theo linh cảm nghề nghiệp của điều tra viên này, trong vụ án Nguyễn Đức Nghĩa động cơ cướp tài sản không phải có ngay từ ban đầu. Dĩ nhiên, bản án Nghĩa phải chịu vẫn là “giết người cướp đoạt tài sản” nhưng điều quan trọng ở đây là: Động cơ này xuất hiện trước hay sau, lại là một vấn đề cần làm rõ. Bởi vì thông thường, để cướp tài sản có nhiều cách, không nhất thiết bức bách tới mức phải giết người.
Với một người trẻ, nghiện internet như Nghĩa, mọi thứ trong vụ án diễn ra giống như sự sắp đặt của một bộ phim trinh thám.
“Tội cướp tài sản là đúng, nhưng bảo nó xuất hiện trước hành vi giết người thì tôi không hoàn toàn đồng tình” – điều tra viên này nhận xét. “Suy cho cùng, gia đình Nghĩa cũng thuộc dạng kinh tế khá giả, bản thân Nghĩa cũng thỉnh thoảng kiếm được tiền từ kinh doanh trò chơi game trên mạng. Hoàng Thị Yến rất yêu Nghĩa, cô gái ấy sẵn sàng trao cả chìa khoá nhà của mình cho Nghĩa, thì việc giết người chỉ để cướp 1 xe máy, 1 máy tính xách tay, 1 ĐTDĐ thực sự có đáng không?”.
Cũng theo điều tra viên này: “Đây có lẽ là một trong những điểm mấu chốt để Nguyễn Đức Nghĩa kháng cáo”.
Tranh luận sau phiên tòa xét xử Nguyễn Đức Nghĩa, một số độc giả phản hồi cho rằng: “Đây không phải là hành vi giết người man rợ, mà là che giấu và phi tang dã man. Nếu hiểu rõ hai sự việc thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến bản án”.
Với tư cách là một người điều tra, điều tra viên này cũng cảm thấy có phần nào đó oan ức cho bị cáo khi bị truy tố với cáo trạng “Giết người man rợ”.
Theo ông, từ khi Bộ luật Hình sự 1999 ra đời cho đến nay, chưa có khái niệm chính thống giải thích rõ nghĩa như thế nào là thực hiện tội phạm một cách man rợ. Có chăng là tại Nghị quyết số 04/HĐTP ngày 29/11/1986 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao có nêu: “Thực hiện tội phạm một cách man rợ (như chặt ra nhiều mảnh, móc mắt, moi gan, bằm nát cơ thể nạn nhân) “.
Điều tra viên trên khẳng định: Xã hội phẫn nộ về hành vi của Nghĩa nên qui kết tội “giết người man rợ”. Tuy nhiên, dư luận đã hiểu không đúng cơ sở khoa học, hành vi của Nghĩa là hành vi che giấu tội ác chứ không phải “giết người man rợ”.
Theo điều tra viên này thì cụm từ “giết người man rợ” đúng nghĩa phải hiểu là giết dần, giết mòn, giết đến mức người kia cảm nhận được cái chết đến rất gần, đến từ từ như cắt từng đốt ngón tay, chặt từng cánh tay…
Còn trong vụ án này, Nghĩa giết chết nạn nhân bằng 2 nhát dao, nạn nhân chết rồi Nghĩa mới tiến hành phi tang vật chứng, xác nạn nhân. Ở đây, rõ ràng là khi đã tước đoạt sự sống của người ta rồi, cái hành vi “giết người” đã chấm dứt, cho nên không thể đổ lỗi rằng Nghĩa đã thực hiện hành vi giết người một cách man rợ.
Đánh giá về cách che giấu dã man, tàn bạo này, điều tra viên trên nhấn mạnh: “Đây là hậu quả tất yếu của phim ảnh và báo chí. Đối với trình độ của Nghĩa, không thể hiểu cặn kẽ được quá trình lần ra manh mối, truy tìm hung thủ như thế nào cũng như tìm kiếm tung tích nạn nhân ra sao. Cậu ta biết được những cách phi tang đó đơn giản chỉ qua quá trình xem phim ảnh. Mọi thứ diễn ra giống như sự sắp đặt của một bộ phim trinh thám.
Điều này đã thể hiện rõ trong câu trả lời của Nghĩa với cơ quan công an điều tra: “Vì sao anh lại nghĩ ra cách phi tang xác người yêu cũ dã man đến thế?”. Nghĩa đã lạnh lùng nói: “Vì em xem phim hành động nước ngoài, em nghĩ người ta chỉ nhận diện được tội phạm qua khuôn mặt và dấu vân tay nên em nghĩ mình phải loại bỏ những phần này đi. Sau khi phân xác Linh ra, em bắt đầu nghĩ cách phi tang mỗi thứ một nơi. Lúc vác xác Linh lên tầng 13, em còn tìm cách đi tránh camera ghi hình của toà nhà…”
Sẽ lại có một phiên tòa phúc thẩm được mở ra để xét xử vụ án, niềm đau sẽ dai dẳng hay cái ác sẽ hồi sinh?
Nghĩa kháng cáo đồng nghĩa với việc sẽ có một phiên tòa phúc thẩm được mở ra để xét xử vụ án. Mặc dù quá trình xét xử để đưa ra quyết định cuối cùng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tâm lý chủ quan của hội đồng xét xử cũng như áp lực từ phía dư luận, tuy nhiên điều tra viên trên cũng như nhiều chuyên gia phân tích khác tin rằng: Dù Nghĩa có cố gắng kéo dài thời gian thế nào đi chăng nữa, có lẽ bản án cũng sẽ không thay đổi.
Ham sống, sợ chết – đó là bản năng của con người
Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn (Công ty TNHH tư vấn tâm lý, đào tạo phát triển Cá nhân & Cộng đồng) cho biết: Không có gì đáng ngạc nhiên khi một người sắp chết trỗi dậy khát vọng sống mãnh liệt. Đó là tâm lý của một con người nói chung, không đơn thuần chỉ riêng một tội phạm.
Nguyễn Đức Nghĩa kháng án là điều hết sức bình thường, thậm chí còn vô cùng tỉnh táo. Việc Nghĩa đưa ra lời kháng cáo vào lúc này có thể đã nằm sẵn trong kế hoạch của Nghĩa, mọi việc được diễn ra theo trình tự, có đường đi nước bước rõ ràng.
Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn phân tích: Trong phiên tòa sơ thẩm diễn ra vào ngày 14/7, Nghĩa cúi đầu nhận lỗi, bày tỏ sự ăn năn hối hận, xin tự nhận mức án tử hình đền tội cho những gì Nghĩa đã gây ra, đã phần nào đó xoa dịu sự phẫn nộ, uất ức, căm hận trong lòng quần chúng. Nghĩa đã bật khóc tại tòa: “Với tội ác của tôi, chết cũng không hết tội. Chỉ xin mọi người sau này đừng nghĩ về tôi như một sát thủ máu lạnh, mà hãy nghĩ về tôi như một người bình thường bị vấp ngã trên đường đời”. Với việc sẵn sàng đón nhận cái chết, Nghĩa đã gieo vào lòng xã hội một niềm cảm thông, chia sẻ, ngậm ngùi.
Mặc dù trước đó Nghĩa khẳng định sẽ không kháng cáo, tuy nhiên, càng gần cái chết, con người ta càng thấy quý sự sống hơn bao giờ hết. Giữa ranh giới mong manh của sự sống và cái chết, con người có sự đấu tranh quyết liệt, thông thường sẽ lựa chọn sự sống. Bị cáo Nguyễn Đức Nghĩa cũng không nằm ngoài qui luật đó. Những ngày cuối cùng ở trại giam, suy đi, tính lại, khát vọng sống trỗi dậy, nỗi niềm trăn trở, ước mong tha thiết được sống lấn át mọi suy nghĩ khác, Nghĩa sẽ tìm mọi cách để kéo dài thời gian để tồn tại.
Theo chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn, từ việc Nghĩa khóc trong phiên tòa sơ thẩm tới việc kháng cáo có thể đều nằm trong kế hoạch có sẵn và vô cùng tỉnh táo
Đặc biệt là với một người rất trẻ như Nguyễn Đức Nghĩa, niềm ham sống càng mãnh liệt hơn, mặt khác tâm lý sẵn sàng đón nhận cái chết như những “đàn anh, đàn chị” lớn tuổi, từng trải khác ở Nghĩa chưa có.
Theo chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn thì đây cũng là một cơ may cho bố mẹ Nghĩa.
Có lẽ tâm lý của Nguyễn Đức Nghĩa bây giờ cũng giống như một người mắc bệnh AIDS, biết mình gần như chắc chắn nắm trong tay cái chết, nhưng còn sống ngày nào là còn hi vọng ngày ấy. Nghĩa vẫn chờ đợi dù là mong manh một sự thay đổi, khoan hồng của luật pháp hay một may mắn dù là nhỏ nhoi, bấu víu vào một ai đó, có thể là luật sư hoặc một người đỡ đần với mong muốn nhẹ tội. “Dù sao, sự sống kéo dài dai dẳng vẫn hơn lạnh lẽo với nắm đất, tro tàn, về với phù du cát bụi” – Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn nói.
Theo VTC
Nỗi ám ảnh của người đàn bà ném con xuống sông Hồng
12 năm trước, dư luận xôn xao, căm phẫn trước hành vi dã man của một người mẹ kế, đang tâm ném con riêng của chồng xuống sông Hồng. Do đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng, người đàn bà này đã may mắn thoát khỏi án tử hình.
Vũ Thị Duyên Quỳnh tại Trại giam số 5, Thanh Hoá (Ảnh: CAND)
Cùng với thời gian và sự cải tạo tốt trong trại giam, Vũ Thị Duyên Quỳnh đã được hưởng sự khoan hồng của pháp luật, từ án tử hình xuống chung thân, rồi 20 năm tù và năm 2010 được ân xá thêm 9 tháng nữa, chỉ còn 7 năm nữa sẽ mãn hạn tù. Nhưng người đàn bà này vẫn không thoát khỏi bản án lương tâm đang ngày đêm dày vò, đeo đẳng như một món nợ không thể nào trả...
So với trước, Quỳnh đã già đi nhiều, đôi má không còn bầu bĩnh nữa. Duy chỉ có đôi mắt nâu vẫn vậy, to tròn, ngơ ngác, làm nao lòng người đối diện. Khó có thể tin được người đàn bà có gương mặt khả ái, thánh thiện như vậy lại gây ra một tội ác khiến tất cả mọi người đều căm phẫn.
Còn nhớ thời điểm năm 1998, khi vụ án Vũ Thị Duyên Quỳnh xảy ra, khó ai có thể tưởng tượng nổi, một người mẹ trẻ vừa mới sinh con chưa đầy 3 tháng lại đang tâm hành động một cách dã man, mất nhân tính như vậy.
Thấy chồng quan tâm chăm sóc đứa con gái riêng 4 tuổi, trong lòng Quỳnh nảy sinh đố kỵ, ghen ghét. Lâu dần, sự ghen tỵ ấy tích tụ thành âm mưu tội ác. Quỳnh bình thản đi xe máy, chở con gái riêng của chồng lên cầu Thăng Long. Đến giữa cầu, cô ta ném đứa bé vô tội xuống sông Hồng đang mùa nước siết rồi lạnh lùng ra về, hòng chiếm trọn tình cảm của người chồng.
Tội ác của Vũ Thị Duyên Quỳnh quá nhẫn tâm và tàn bạo. Khi phiên toà sơ thẩm diễn ra tại TAND TP Hà Nội, do diện tích phòng xử không đủ để cho tất cả những người quan tâm tham dự, Toà án đã phải mắc loa ra ngoài đường Hai Bà Trưng (Hà Nội) để đông đảo quần chúng được nghe những diễn biến của phiên toà.
Quỳnh kể: hình xăm mang tên người chồng do cô nhờ các bạn ở phòng giam tử hình xăm cho trong thời gian thụ án tại Trại tạm giam Hỏa Lò. Lúc đó, hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm đều tuyên án tử hình đối với Quỳnh, khắc tên chồng để khi chết nhỡ không kịp gọi tên anh ấy.
May mắn cho Quỳnh, đứa con đã trở thành cứu cánh cho cô ta. Trong khi đang chờ thi hành án tử hình, Quỳnh được tha tội chết vì Nghị quyết 32/1999/QH10 của Quốc hội quy định không thi hành án tử hình đối với phụ nữ đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi.
Nhắc đến chồng, Quỳnh lắc đầu cho biết, anh đã lấy vợ khác. Những năm đầu khi thụ án tại trại giam, tháng nào chồng cô cũng lặn lội lên thăm. Năm 2003, lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất, anh đưa cô con gái Thu Trang đến gặp Quỳnh. Khi được hỏi cháu có nhận mẹ không, Quỳnh rơm rớm nước mắt cho biết: Có chị ạ. Chắc bố cháu đã nói trước. Mặc dù đã được xem ảnh con trước đó nhưng lần đầu tiên được ôm con vào lòng, cảm giác thật khó tả. Mọi buồn đau tan biến. Hôm đó, cháu hát cho mẹ nghe 5 bài liền. Em không nhớ cháu đã hát những bài gì, chỉ biết đó là một ngày vui nhất trong thời gian em ở trại... Nhưng thoáng vui chợt tắt ngay trên khuôn mặt của Quỳnh. Từ lần đó, chồng em không đưa cháu lên nữa. Em rất mong được gặp con nhưng không được. Quỳnh khẽ thở dài, nuốt tiếng khóc chực bật ra.
Hơn 12 năm trong trại giam, mức án dài, không được gặp con, chồng lại gửi đơn ly hôn, công việc trong trại cũng thay đổi liên tục khiến Quỳnh rơi vào tâm trạng bi quan, chán nản. Chính lúc ấy, có bàn tay đã kéo Quỳnh dừng lại. Đó chính là Trung tá Đỗ Đình Thi, Trưởng phân trại số 4. Trung tá Thi đã gặp gỡ, phân tích, động viên Quỳnh ổn định tư tưởng. Người đàn bà nổi loạn trong Quỳnh ngủ yên từ đó. Giờ thì Quỳnh đã yên tâm cải tạo với công việc tại đội sản xuất.
Từ khi vào trại giam, nhiều lần Quỳnh đã viết thư cho con gái. Những bức thư không bao giờ dến tay người nhận, bởi viết xong Quỳnh lại xé đi. Khao khát được gặp con, được nhìn thấy con trưởng thành nhưng trong lòng người mẹ vẫn ẩn chứa nỗi sợ hãi có một ngày, đứa con sẽ biết sự thật về mẹ nó.
Đây có lẽ là bản án lương tâm sẽ đeo đẳng suốt đời đối với người đàn bà đã tự tước đi quyền làm mẹ của chính mình.
Theo TTXVN
Đằng sau quyết định kháng cáo của Nguyễn Đức Nghĩa Theo luật sư Ngô Ngọc Thủy, người được gia đình Nghĩa mời tham gia bào chữa cho bị cáo, tại tòa Nghĩa phát biểu không kháng cáo có thể do căng thẳng, bức xúc, suy nghĩ chưa chín chắn. Bất ngờ có đơn kháng án, Nguyễn Đức Nghĩa, sát thủ vụ án "xác chết không đầu" đã làm dư luận hết sức ngạc...