Nguyễn Cường: ‘Dữ dội là sự khác biệt của tôi’
Nguyễn Cường tự ví mình như rượu, đựng cốc nào chất vẫn không thay đổi, Tây Nguyên hay Hòa Bình, núi rừng hay sông nước vẫn chỉ một tâm hồn đó.
Nhạc sĩ Nguyễn Cường. Ảnh: Quang Đức
- Cả giáo sư Chu Minh và nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu đều cho rằng tác phẩm mới “Đà giang đại hợp xướng” của ông đang quá dương tính và cần phải nhẹ nhàng, âm tính hơn thông qua việc bổ sung tiếng cồng chiêng, tiếng then hoặc có thể là thanh âm của thiếu nhi. Ông nghĩ sao?
- Giáo sư Chu Minh là thầy của rất nhiều nhạc sĩ, trong đó có tôi. Tôi thấy góp ý của thầy Chu Minh và Nguyễn Thị Minh Châu rất đúng nhưng cũng đúng như Dương Thụ nói, đôi khi sự dữ dội lại chính là sự khác biệt của tôi so với những người khác. Huống hồ, sông Đà, như mọi người biết là một dòng sông hùng tráng và dữ dội.
- Nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu cũng cho rằng sử dụng “sông Đà” sẽ thích hợp hơn “Đà giang” vì cả 5 chữ trong tên hợp xướng của ông đều là tiếng Hán Việt. Nhiều người cùng đồng ý với quan điểm này, ông có định đổi tên cho tác phẩm?
- Mọi người nhận xét cũng có cái lý của mọi người. Trong tác phẩm tôi cũng sử dụng rất nhiều từ “sông Đà” chứ không phải tất cả đều dùng là “Đà giang”. Nhưng cá nhân tôi lại thích “Đà giang” cho tựa đề hơn. Thực chất đây là từ Hán Việt đã được Việt hóa rồi và không còn xa lạ với mọi người.
Tôi thấy thú vị khi tác phẩm của mình vừa sử dụng từ “sông Đà” lẫn từ “Đà giang”. Ngoài ra, từ “Đà giang” còn cho tôi cảm giác của sự xa xăm, ma mị, thêm một chút khó hiểu và huyền bí. Thời tuổi trẻ, tôi đã biết đến các tác phẩm hợp xướng và với nhan đề này, tôi như sống lại cảm giác mơ hồ của tuổi trẻ.
- Viết hợp xướng vốn không đơn giản huống hố Nguyễn Cường lại được xem là một nhạc sĩ gắn bó với vùng đất Tây Nguyên. Ông có gặp áp lực gì không khi bắt tay vào việc sáng tác một tác phẩm về sông Đà – Hòa Bình?
- Càng áp lực tôi càng thích. Áp lực giúp tôi biết được mình vượt qua như thế nào. Nhưng áp lực ở đây không phải là áp lực cho một sáng tác về vùng đất khác mà áp lực nằm ở tầm cỡ của một tác phẩm đại hợp xướng. Thú thực lúc đầu tôi cũng định viết một vài ca khúc nhưng sau khi đi khắp Hòa Bình, tôi thấy một tác phẩm đại hợp xướng mới đủ để khắc họa.
Video đang HOT
Còn Tây Nguyên hay Hòa Bình thì vẫn chỉ có một Nguyễn Cường, núi rừng hay sông nước thì cũng chỉ có một tâm hồn đó, Tây Nguyên hay Tây Bắc cũng chỉ một con người đó. Tôi ví mình như rượu dù có đựng vào cốc nào thì chất rượu vẫn không hề thay đổi.
- Ông mất hơn một năm từ 2/2015 đến 6/2016 để hoàn thành “Đà giang đại hợp xướng”. Ông có thể chia sẻ công việc cụ thể của hơn một năm đó?
- Tôi phải đi thực địa và đọc sách, thậm chí phải đọc rất nhiều thì mới có thể viết lên tác phẩm này. Tôi đọc từ Đẻ Đất Đẻ Nước đến Người Việt người Mường để hiểu văn hóa Hòa Bình. Suốt hơn một năm, tôi chỉ tập trung cho tác phẩm mà không làm công việc bên lề nào khác. Nhờ quá trình đó, tôi nhận ra rất nhiều, tôi gọi hành trình của mình là tìm về với nguồn cội của người Việt.
Nhạc sĩ Nguyễn Cường luôn gây ấn tượng với phong cách trẻ trung. Ảnh: Quang Đức
- Nhiều người gọi ông là nhạc sĩ tiền tỷ vì trước đó doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ đặt hàng với chi phí hơn 1 tỷ đồng cho “Đại bàng giọt nắng”, sau đó là tỉnh Gia Lai đặt ông viết hợp xướng “Mặt trời trên đỉnh Chư H’Drông” với số tiền gần 3 tỷ đồng. Còn tác phẩm cho sông Đà lần này thì sao?
- Tác phẩm như thế này thì phải tiền tỷ nhưng không phải tiền tỷ vào túi tôi. Đến thời điểm hiện tại, tôi chưa nhận đồng nào cho riêng mình trong tác phẩm Đà giang đại hợp xướng. Số tiền của nhà tài trợ là dành cho thu âm, thu hình và dàn dựng tác phẩm. Tất cả tiền là để dồn cho dàn nhạc, cho phối khí. Một tác phẩm cần đến 400 người hát thì phải cần kinh phí lớn.
Mọi người thường nghĩ không đúng về từ đặt hàng. Làm văn hóa bây giờ phải có tài trợ chứ. Ở Nhật họ có thuật ngữ “doanh nhân đại nghĩa”. Tôi nghĩ doanh nhân là phải tài trợ cho văn hóa, nghệ thuật, không phải chuyện gì cũng nghĩ đến doanh thu được mà phải nghĩ đến việc sự phát triển của văn hóa.
- Không quan trọng việc công xá vậy tại sao ông không sáng tác thường xuyên mà vẫn phụ thuộc vào những đơn đặt hàng?
- Vì tôi không còn là chàng trai 17, 18 tuổi thấy một cô gái nở nụ cười đi ngang qua cũng sáng tác ngay được một bài hát. Bây giờ phải có đơn đặt hàng vì nó thể hiện sự trân trọng với mình. Ngoài ra, việc đặt hàng còn biểu hiện giá trị của người sáng tạo.
Nhưng đặt hàng không có nghĩa là bắt tôi viết thế này, bắt tôi viết thế kia. Tôi vẫn luôn được tự do trong xúc cảm của mình và muốn viết thế nào thì viết như bài Đà giang đại hợp xướng, không ai bảo tôi là phải viết thế nào vì tôi toàn quyền quyết định. Thế nên đừng nghĩ đặt hàng chỉ là tiền.
- Sau đại hợp xướng về sự dữ dội của sông Đà, ông có đang ấp ủ viết một hợp xướng về vùng đất nào đó không?
- Tôi luôn có suy nghĩ muốn viết một hợp xướng về biển và nếu có người tài trợ, tôi sẽ làm vì dựng một tác phẩm hợp xướng cần phải có kinh phí. Không bao giờ là quá muộn, do vậy, tôi nghĩ chúng ta cần phải quan tâm đến biển hơn nữa. Mỗi lần đứng trước biển tôi muốn hét, muốn gào lên và cảm thấy yêu quê hương, đất nước hơn bao giờ hết. Biển cho ta nhiều thứ lắm và hơn cả, nhờ biển mà người Việt có một tâm hồn đại dương.
Trước câu hỏi nhiều nhạc sĩ cùng thời thường khắt khe với người trẻ còn Nguyễn Cường thì khác, thậm chí không ngại bênh vực người trẻ. Ông bảo: “Vì tôi từng qua tuổi trẻ và cũng đã từng bị một nhạc sĩ lớn tuổi chỉ vào mặt mà nói rằng “thiếu gì người mà phải mời Nguyễn Cường” cách đây mấy chục năm. Người ta thường bảo “kính già yêu trẻ” còn tôi lại muốn nói “kính trẻ thương già”. Không phải cứ trẻ là mình bênh nhưng cái gì cũng cần phải phân tích đúng sai, phải trái và không thể quy chụp người trẻ một cách vô lý được”.
Theo Zing
Nguyễn Cường: Lương Minh xứng đáng được tặng huân chương
Tối 28/2, giới nghệ sĩ và công chúng bất ngờ trước tin nhạc sĩ Lương Minh đột ngột ra đi ở tuổi 49 khi đang ở TP HCM để chỉ đạo thực hiện đêm live show chương trình The Remix.
Nhạc sĩ Lương Minh (thứ hai bên phải) trong Ban nhạc Hoa Sữa thời kỳ mới thành lập (ảnh do nhạc sĩ Huyền Thanh cung cấp).
Đưa nhiều tên tuổi từ "bóng tối" ra "ánh sáng"
Nhạc sĩ Nguyễn Cường nói rằng, ông biết Lương Minh từ khi là sinh viên Nhạc viện Hà Nội. Sau này, ông và nhạc sĩ Lương Minh nhiều lần làm việc cùng nhau, nhất là khi sân chơi Bài hát Việt của Đài Truyền hình Việt Nam được tổ chức (nhạc sĩ Nguyễn Cường là thành viên Hội đồng thẩm định, còn nhạc sĩ Lương Minh là người sáng lập và sản xuất sân chơi này, cùng với nhạc sĩ Dương Thụ - PV). Vốn là người khen chê rất thận trọng, nhưng khi nói về đồng nghiệp vừa ra đi, nhạc sĩ Nguyễn Cường đã không tiếc lời: "Từ trước đến nay, mỗi khi có nghệ sĩ nào đó ra đi thì người ta hay dành những lời hoa mỹ mà nhiều khi nó mang tính nói cho đẹp lòng người đã mất... Nhưng đối với Lương Minh thì thực sự là một mất mát lớn, bởi có rất nhiều chương trình anh đang thực hiện mà giờ không có anh, đó sẽ là một khoảng trống lớn chưa có người thay thế".
Cũng theo nhạc sĩ Nguyễn Cường, ngay từ khi chơi nhạc trong Ban nhạc Hoa Sữa, nhạc sĩ Lương Minh đã sáng tác ca khúc, sáng tác khí nhạc và nhiều lần biểu diễn ở nước ngoài. Nhạc sĩ Nguyễn Cường nói: "Lương Minh là người có tâm, có tầm và hiểu sâu sắc về âm nhạc. Là con "nhà nòi" - bố là nhạc sĩ Lương Vinh, lại được đào tạo bài bản nên ở Lương Minh thể hiện được sự nhìn xa trông rộng để tìm hướng đi cho nhạc Việt, mà sân chơi Bài hát Việt chính là một trong những dấu ấn thể hiện tầm nhìn của Lương Minh. Đó là chương trình âm nhạc "sang" nhất của VTV. Tầm vóc và sự ảnh hưởng của sân chơi này, cho đến nay, tôi cho là người ta chưa đánh giá được hết đâu. Cùng với nhạc sĩ Dương Thụ, Lương Minh đã tạo ra một sân chơi thuần Việt, mà nếu không có nó, rất nhiều nhạc sĩ trẻ vẫn mãi trong "bóng tối". Những Sa Huỳnh, Lê Cát Trọng Lý, Vũ Cát Tường... và rất nhiều ca khúc hay, chất lượng được "moi" ra từ đây. Nhưng điều quan trọng nữa, cùng với việc "khai sinh" ra chương trình, anh là người cương quyết giữ cho Bài hát Việt được đi đúng hướng và nói không với nhạc thị trường. Có phải là định mệnh không, khi mà chương trình Bài hát Việt không còn nữa (đêm Gala cuối cùng của Bài hát Việt diễn ra vào tháng 1/2016, khép lại 11 năm lên sóng - PV) thì Lương Minh cũng mất".
Với những đóng góp như vậy, nhưng tại sao đến giờ, nhạc sĩ Lương Minh vẫn chưa được phong tặng bất cứ danh hiệu gì? Có một sự thiếu sót nào đó hay bản thân nhạc sĩ không làm đơn đề nghị? Nhạc sĩ Nguyễn Cường cho biết: "Lương Minh không phải là nghệ sĩ biểu diễn trực tiếp. Ở góc độ sáng tác thì các tác phẩm của anh không nổi trội. Vì thế, để phong tặng danh hiệu NSƯT hay NSND thì không đúng. Các đóng góp nổi bật của anh lại chủ yếu ở góc độ sản xuất. Nhưng theo tôi, với những gì mà anh đã cống hiến, hình thức tôn vinh cho Lương Minh là phong tặng Huân chương Lao động, mà phải là hạng Nhất. Những gì anh đã làm cho nền âm nhạc và ở VTV xứng đáng để Lương Minh được ghi nhận như vậy".
Là thành viên của ban nhạc nổi tiếng những năm 1980
Từng có nhiều năm làm Phó ban Văn nghệ của Đài Truyền hình Việt Nam, nhạc sĩ Huyền Thanh chia sẻ, chị biết nhạc sĩ Lương Minh từ khi anh còn hoạt động trong Ban nhạc Hoa Sữa. Chị kể: "Hồi đó, Ban nhạc Hoa Sữa đang rất nổi danh ở miền Bắc và tôi từng cộng tác nhiều với Ban nhạc để sản xuất các chương trình âm nhạc ở Đài Truyền hình Việt Nam. Điều đặc biệt là các thành viên trong Ban nhạc, sau này đều là những người nổi tiếng và thành công trong sự nghiệp, như nhạc sĩ Ngọc Châu, nhạc sĩ Đức Trịnh. Ngoài ra, còn có các nhạc sĩ Vũ Quang Trung, Tạ Ngọc Hưng, Ngọc Khôi, Thăng Long. Sau này, Ban nhạc không còn được như trước là do xu thế sử dụng nhạc điện tử nhiều. Hơn nữa, do các thành viên đều bận rộn với công việc chuyên môn nên việc chơi nhạc vẫn được diễn ra, nhưng không được thường xuyên như trước, chứ không phải là tan rã do bất đồng nhóm như thường thấy ở các ban nhạc. Khi tôi về hưu thì Lương Minh được điều chuyển từ vai trò Trưởng phòng Ca nhạc - tạp kỹ của VTV3 sang làm Phó ban Văn nghệ thay cho vị trí của tôi. Có một kỷ niệm đáng nhớ là tôi và Minh sinh cùng ngày, cùng tháng nhưng hơn kém nhau đúng chẵn 10 năm. Thế nên, mỗi khi đến ngày sinh nhật là hai chị em lại nói: Chúc mừng sinh nhật chúng ta".
Nhạc sĩ Huyền Thanh cho biết thêm: "Lương Minh có xuất phát điểm là nghệ sĩ guitar bass. Sau này, anh học sáng tác và có nhiều ca khúc, nhưng để được biết đến thì dấu ấn của anh chính là ở vai trò tổ chức và thực hiện chương trình. Điều này cũng khiến nhạc sĩ Lương Minh khó được ghi nhận ở các danh hiệu như các đồng nghiệp nhưng tôi nghĩ, điều đó cũng không quan trọng bằng việc anh được ghi nhận trong giới chuyên môn. Rất nhiều ca sĩ, nhạc sĩ và các tác phẩm mới được phát hiện là nhờ công của Lương Minh. Với một đời làm nghề, dù phải kết thúc chặng đường ấy khá sớm, như thế cũng đủ hạnh phúc rồi".
Nhạc sĩ Lương Minh là tác giả của nhiều ca khúc như: Hãy mãi là em nhé,Trao em trọn tình yêu, Câu ru chiều, Mùa thu, Chiếc lá, Lời ru năm 2000... Anh cũng là tác giả của nhiều tác phẩm khí nhạc, trong đó có giao hưởng "Con sóng" được chọn biểu diễn tại Festival âm nhạc châu Á ở Philippines năm 1994. Lễ tang của nhạc sĩ Lương Minh sẽ diễn ra từ 9 - 11h ngày 4/3 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc Phòng (số 5 Trần Thánh Tông, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Nhạc sĩ Lương Minh.
Hay tin nhạc sĩ Lương Minh qua đời, đạo diễn Nguyễn Việt Thanh đã có những chia sẻ xúc động trên trang cá nhân của mình: "... Sáng nay thức dậy, nhận được tin nhắn mà em không thể thở nổi. Một ngày quá dài với những hụt hẫng, tiếc nuối và thực sự không thể diễn tả được cảm xúc. Rồi 3 giờ đồng hồ ngồi trên máy bay về Việt Nam, em chỉ nghĩ đến anh - người bạn thân thiết của 2 vợ chồng em (...). Em đọc lại toàn bộ những tin nhắn gần đây của hai anh em mình, hoá ra chỉ toàn là những tin nhắn em mách tội chồng em, rồi anh lại là người giải tỏa xoa dịu (...).
Lần cuối cùng gặp anh là dịp Tết Dương lịch vừa rồi. Mấy gia đình kéo nhau đi Lào Cai, Sapa. Các anh ngồi nhậu suốt đêm trong cái lạnh 2 - 3 độ, em ôm cái laptop ngồi bên cạnh làm kịch bản show Khánh Ly. Lâu lâu anh lại chỉ vài điều, lâu lâu lại dí dỏm hài hước vài câu. Đêm cứ thế ngắn lại. Em vẫn cứ nghĩ người tốt và tràn đầy năng lượng sống như anh, người nhân văn, sâu sắc và cực kì trách nhiệm với nghề, với công việc... Một người luôn yêu thương và đề cao giá trị gia đình như anh... Ông trời phải cho lại anh cái kết hạnh phúc chứ? Thương anh. Thương chị Mai Anh và hai cháu. Cầu mong gia đình vững vàng vượt qua cơn bão tố khốc liệt này. Tất cả những người bạn của anh đã và đang có mặt bên anh, bên gia đình của anh. Anh yên tâm lên đường anh nhé. Những người bạn của anh sẽ thay anh chăm sóc chị và hai cháu, cả mẹ già của anh nữa. Anh an tâm anh nhé! Vợ chồng em sẽ rất rất nhớ anh".
Theo Minh Nhật/Báo Gia đình & Xã hội
Học hát nhạc thính phòng, ra mắt abum dân ca Giải nhì dòng thính phòng của Sao Mai 2013 - Đinh Trang ra mắt abum đầu tay có tên "Bến xưa" mang đậm chất dân ca xứ Nghệ dù cô theo học dòng nhạc thính phòng, cổ điển. Nữ ca sĩ cho biết quá trình thực hiện album đạt mức ngắn kỷ lục tại Việt Nam. Đĩa nhạc Bến xưa chỉ mất khoảng...