Nguyên Chủ tịch HĐQT ngân hàng MHB “đẩy” tội cho cấp dưới
Bị cáo Huỳnh Nam Dũng cho rằng việc mua bán trái phiếu là trách nhiệm của bà Lữ Thị Thanh Bình và ông Nguyễn Phước Hòa. Tuy nhiên, những bị cáo này khẳng định làm theo chỉ đạo của Huỳnh Nam Dũng.
Ngày 4/7, TAND TPHCM tiếp tục xét xử vụ án gây thiệt hại 450 tỉ đồng xảy ra tại ngân hàng thương mại cổ phần phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB).
Mở đầu phần xét hỏi, bị cáo Huỳnh Nam Dũng cho rằng cáo trạng truy tố không đúng. Lời khai của các bị cáo nguyên là cấp dưới của ông không có cơ sở, không đúng sự thật khách quan.
Bị cáo Huỳnh Nam Dũng cho rằng việc mua bán trái phiếu là trách nhiệm của bà Lữ Thị Thanh Bình và ông Nguyễn Phước Hòa. Bị cáo khai nhận HĐQT ngân hàng không ban hành văn bản chỉ đạo. Cá nhân bị cáo không có chủ trương tự kinh doanh trái phiếu. Thêm nữa, điều lệ hoạt động thể hiện rõ giám đốc công ty là người có thẩm quyền và trách nhiệm cao nhất đối với tất cả hoạt động. Với vai trò Chủ tịch HĐQT, bị cáo Dũng chỉ tham gia…họp.
Bị cáo Huỳnh Nam Dũng “đẩy” tội cho cấp dưới.
Ông này cũng nói rằng không có bằng chứng chứng minh ông nhận được thù lao 460 triệu đồng như cáo trạng nêu và các báo cáo tài chính không thể hiện điều này.
Tuy nhiên, bị cáo Lữ Thị Thanh Bình ( nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần chứng khoán Ngân hàng phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long – MHBS) khai, năm 2008 MHB bắt đầu rơi vào tình trạng làm ăn không hiệu quả, thua lỗ. Với quyết tâm không để lỗ trên sổ sách, bị cáo Huỳnh Nam Dũng chỉ đạo HĐQT ra nghị quyết phát hành trái phiếu.
Đến năm 2013, bị cáo Dũng chỉ đạo MHBS bán trái phiếu, số tiền sau khi mua bán trái phiếu còn dư đem gửi chính các chi nhánh của MHB để hưởng lãi. Thời gian sau, Sở giao dịch MHB đã chuyển tiền cho MHBS mua lại 2,1 triệu trái phiếu đã bán cho đối tác. Việc chuyển tiền, nhận tiền như thế nào bà Bình không biết. Nguyên Tổng giám đốc MHBS không thể giải thích vì sao công ty để xảy ra lỗ 410 tỉ đồng, có thể do quá trình mua bán, kinh doanh trái phiếu.
Video đang HOT
Về việc này, tòa chất vấn Trương Thanh Liêm (nguyên Phó giám đốc Phân tích đầu tư) vì bị cáo biết tường tận việc mua bán, thu hồi trái phiếu giữa MHBS với đối tác. Theo bị cáo Liêm, lãnh đạo MHB đã chỉ đạo xây dựng công bố thông tin để phát hành trái phiếu ra bên ngoài. Sau khi bán, lãnh đạo MHB tiếp tục chỉ đạo rằng MHBS được quyền mua lại trái phiếu đã bán trước đó nhưng phải gặp gỡ, đàm phán với đối tác. Thực hiện chỉ đạo, bị cáo Liêm đã sử dụng nguồn tiền của MHBS để mua lại trái phiếu theo nguyên tắc trên. Ngoài ra, bị cáo cũng thừa nhận chỉ thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên, còn nguồn tiền lấy từ đâu để mua lại trái phiếu thì hoàn toàn không biết.
Đây là lần thứ 2 tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Trả lời HĐXX, Nguyễn Phước Hòa (nguyên Tổng giám đốc MHB) thừa nhận mình có tội và chỉ mong tòa xem xét giảm nhẹ khi lượng hình. Theo bị cáo, việc dùng gần 5.000 tỉ đồng của MHB để mua trái phiếu Chính phủ nhưng không mua được đã là sai phạm quá lớn. Thứ hai, khi MHBS nhận tiền từ MHB đã không sử dụng đúng mục đích cũng là hành vi trái pháp luật.
Lý giải việc MHB khẩn trương thu hồi số cổ phiếu đã phát hành trước đó cho đối tác, bị cáo Hòa cho biết, sau khi Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên quyền trưởng phòng giao dịch VietinBank chi nhánh Điện Biên Phủ, TPHCM) bị khởi tố, MHB đã họp khẩn cấp về việc phải thu hồi số trái phiếu này, tránh gây ảnh hưởng đến đối tác của MHB. Việc mua bán, thu hồi trái phiếu được bị cáo Trần Mỹ Linh (nguyên kế toán trưởng MHB) gửi email cho Hòa và tất cả thành viên lãnh đạo MHB.
Trước tòa, bị cáo Hòa thẳng thắn nhìn nhận có một phần trách nhiệm trong việc để xảy ra hậu quả như cáo trạng truy tố, bởi đã không có thái độ thẳng thắn, dứt khoát với những hành vi không đúng của lãnh đạo MHB, MHBS.
Trước những lời khai mâu thuẫn, trái ngược nhau không thể làm rõ tại tòa, HĐXX TAND TPHCM đã quyết định trả hồ sơ về cho Viện KSND tối cao yêu cầu điều tra bổ sung.
Xuân Duy
Theo Dantri
Nguyên Chủ tịch HĐQT ngân hàng MHB cùng 16 đồng phạm hầu tòa
Ông Huỳnh Nam Dũng - nguyên Chủ tịch Ngân hàng TMCP Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB), cùng bộ sậu gây thiệt hại cho ngân hàng mình quản lý gần 450 tỉ đồng.
Ngày 3/7, TAND TPHCM mở phiên tòa xét xử vụ án gây thiệt hại 450 tỉ đồng xảy ra tại ngân hàng thương mại cổ phần phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB). Dự kiến phiên tòa này sẽ kéo dài trong vòng 1 tuần.
Phiên tòa này do thẩm phán Vũ Thanh Lâm - Phó chánh tòa hình sự TAND TPHCM, làm chủ tọa phiên tòa và ông Trần Minh Châu làm thẩm phán.
Bị cáo Huỳnh Nam Dũng.
Đến nay đã có 15 luật sư đăng ký tham gia bào chữa cho các bị cáo cũng như bảo vệ quyện và lợi ích hợp pháp cho các bên liên quan.
Nguyên đơn dân sự được xác định là ngân hàng thương mại cổ phần đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV). Ngoài ra, HĐXX cũng triệu tập 17 cá nhân, pháp nhân tới tham dự phiên tòa với tư cách người làm chứng và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.
Theo cáo trạng truy tố của Viện KSND Tối cao, bị can Huỳnh Nam Dũng cùng 16 đồng phạm bị truy tố với 2 tội danh: lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại BIDV và MHB cùng Công ty cổ phần chứng khoán ngân hàng phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long (Công ty MHBS).
Ngoài bị can Huỳnh Nam Dũng còn có các bị can Nguyễn Phước Hòa (nguyên Tổng Giám đốc MHB), Bùi Thanh Hưng (nguyên Phó Tổng giám đốc MHB), Nguyễn Văn Thanh (nguyên Kế toán trưởng MHB), Lữ Thị Thanh Bình (nguyên Tổng giám đốc Công ty MHBS), Đặng Văn Hòa (nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty MHBS)...
Dự kiến phiên tòa kéo dài 1 tuần.
Trong giai đoạn từ năm 2011 - 2014, lợi dụng chức vụ quyền hạn và có động cơ vụ lợi, Huỳnh Nam Dũng và Nguyễn Phước Hòa đã thông qua việc họp Hội đồng quản lý tài sản nợ - tài sản của MHB để thống nhất chủ trương chuyển 4.975 tỉ đồng cho Công ty MHBS với nội dung hợp tác đầu tư trái phiếu Chính phủ.
Tuy nhiên, về thực chất, Lữ Thị Thanh Bình đã sử dụng 3.357 tỉ đồng đem gửi có kỳ hạn ngay tại các chi nhánh trong hệ thống của MHB để hưởng lãi suất hơn 45 tỉ đồng.
Công ty MHBS đã sử dụng 1.558 tỉ đồng để đầu tư trái phiếu, trong đó sử dụng hơn 966 tỉ đồng để ký các hợp tác đầu tư môi giới, mua bán trái phiếu Chính phủ của chính MHB thông qua một số công ty trung gian. Việc môi giới, mua bán trái phiếu quay vòng như trên đã để cho các công ty trung gian và MHBS được hưởng lợi, dẫn đến thiệt hại cho MHB tổng số tiền hơn 349 tỉ đồng.
Ngoài ra, bị can Lữ Thị Thanh Bình trên cương vị là Tổng Giám đốc Công ty MHBS đã có chủ trương mở 3 tài khoản tự doanh để mua bán chứng khoán trái quy định, gây thiệt hại cho MHB hơn 108 tỉ đồng.
Dù MHB bị thiệt hại lớn nhưng ông Dũng được hưởng lợi 460 triệu đồng, các bị can trong công ty MHBS cũng được hưởng lợi hàng trăm triệu đồng.
Xuân Duy
Theo Dantri
5 năm đấu tranh, tham nhũng có chiều hướng thuyên giảm! Đây là đánh giá khái quát được đưa ra về kết quả công tác phòng chống tham nhũng 5 năm qua do Trưởng Ban Nội chính Trung ương báo cáo tại hội nghị toàn quốc về phòng chống tham nhũng khai mạc sáng nay, 25/6. Hội nghị do Ban Chỉ đạo (BCĐ) Trung ương về phòng chống tham nhũng tổ chức khai mạc...