Nguyên Chủ tịch Gia Lai bị đề nghị kỷ luật vì việc bổ nhiệm người thân
Nhiều vi phạm, khuyết điểm của nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Phạm Thế Dũng được UB Kiểm tra Trung ương chỉ ra như vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, thiếu gương mẫu, đề nghị bổ nhiệm người thân không đủ tiêu chuẩn…
Đây là một nội dung được UB Kiểm tra Trung ương xem xét, kết luận trong kỳ họp thứ 17 của cơ quan này (diễn ra từ ngày 13 tới 16/9/2017).
Về kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng UBND tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ 2011 – 2016, UB Kiểm tra Trung ương cho rằng, cơ quan này đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ; vi phạm Quy chế làm việc của Tỉnh ủy, của Ban cán sự đảng UBND tỉnh và các quy định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo một số hoạt động của UBND tỉnh.
Ban cán sự đảng UBND tỉnh vi phạm quy định về công tác tổ chức cán bộ, đề nghị quy hoạch, bổ nhiệm một số nhân sự không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, không đúng quy định.
Cơ quan này đã buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu trách nhiệm để UBND tỉnh có nhiều vi phạm, khuyết điểm như: Giao đất, cho thuê đất khi chưa có quy hoạch, không tổ chức đấu giá, vi phạm Luật Đất đai, gây thất thu ngân sách nhà nước; Quản lý đầu tư xây dựng một số dự án từ nguồn ngân sách nhà nước vi phạm Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng; Quyết định mở 5 cửa khẩu phụ, lối mở biên giới vi phạm Nghị định của Chính phủ.
Đối với Ban cán sự đảng UBND tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ 2016-2021, UB Kiểm tra Trung ương cũng chỉ rõ việc vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc của Ban cán sự đảng UBND tỉnh; thiếu kiên quyết trong lãnh đạo, chỉ đạo, chấn chỉnh những vi phạm, khuyết điểm của UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016; gia hạn hoạt động cửa khẩu phụ, lối mở biên giới vi phạm quy định của Chính phủ.
Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Phạm Thế Dũng (đứng) và người kế nhiệm (bên phải) điều hành một phiên họp tại địa phương.
Với cá nhân nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Phạm Thế Dũng, UB Kiểm tra Trung ương nhận định, ông Dũng phải chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng UBND tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ 2011-2016.
Nguyên Chủ tịch tỉnh Phạm Thế Dũng cũng vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, Quy chế làm việc của Tỉnh ủy và Quy chế làm việc của Ban cán sự đảng UBND tỉnh trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; vi phạm Quy định số 51 và Quy định số 231 của Ban Bí thư về quan hệ lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh ủy, thành ủy với các đảng đoàn, ban cán sự đảng.
Ông Dũng cũng vi phạm trong chỉ đạo, quyết định giao đất, cho thuê đất không qua đấu giá và quyết định đầu tư các dự án sử dụng ngân sách nhà nước, khai thác mỏ; mở các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới không đúng quy định của Chính phủ.
Video đang HOT
Cơ quan kiểm tra của Đảng cũng xác định nguyên Chủ tịch Gia Lai đã thiếu gương mẫu trong việc đề nghị bổ nhiệm một số người thân không đủ tiêu chuẩn, điều kiện.
Những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng UBND tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ 2011-2016 và của ông Phạm Thế Dũng, theo UB Kiểm tra Trung ương, là nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, đến mức phải thi hành kỷ luật.
UB Kiểm tra Trung ương yêu cầu Ban cán sự đảng UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021 và Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch đương nhiệm UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm sâu sắc.
Kiểm điểm trách nhiệm, đề xuất kỷ luật Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông
Cũng trong kỳ họp thứ 17, UB Kiểm tra Trung ương đã xem xét, kết luận kiểm tra tài chính đảng đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông.
Cụ thể, ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông có một số vi phạm, khuyết điểm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác tài chính đảng; buông lỏng quản lý, không chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc đầu tư, xây dựng Kho lưu trữ của tỉnh, để xảy ra vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong quá trình thực hiện.
UB Kiểm tra Trung ương yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Thường trực Tỉnh ủy Đắk Nông nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc; xem xét, xử lý kỷ luật đảng theo thẩm quyền đối với các cá nhân có vi phạm trong quá trình xây dựng Kho lưu trữ. Tiến hành kiểm điểm trách nhiệm, đề xuất hình thức xử lý theo quy định của Đảng đối với ông Nguyễn Văn Thử, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, báo cáo UB Kiểm tra Trung ương xem xét.
Ngoài ra, UB Kiểm tra Trung ương đã xem xét báo cáo kết quả giám sát đối với Thường trực Tỉnh ủy Lào Cai và một số cá nhân; kiểm tra tài chính đảng đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum; kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật trong Đảng đối với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ Sóc Trăng. Qua kiểm tra, giám sát, UB Kiểm tra Trung ương chỉ ra những ưu điểm, hạn chế, khuyết điểm và yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng rút kinh nghiệm, sớm có biện pháp khắc phục, sửa chữa trong thời gian tới.
Theo Dân Trí
Cán bộ cấp cao bị phát hiện kê "gian" tài sản, thu nhập
Năm 2017, có 7 bị cáo bị tuyên phạt mức án tử hình, tù chung thân về các tội liên quan đến tham nhũng. Các vụ án, vụ việc tham nhũng được phát hiện trong năm gây thiệt hại gần 1.400 tỷ đồng. Có 3 trường hợp vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập bị phát hiện, trong đó có cả cán bộ cấp cao.
Đây là những thông tin đưa ra trong báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng năm 2017 của Chính phủ.
Thêm 2 địa phương trả xe biếu, tặng
Báo cáo về công tác Phòng chống tham nhũng nêu nhận định khái quát, trong năm qua, các biện pháp phòng, chống tham nhũng vẫn được triển khai theo quy định. Số người đã kê khai tài sản, thu nhập năm 2016 là hơn 1,1 triệu người; trong đó có 99,8% bản kê khai đã được công khai, nhưng chỉ có 77 người được xác minh tài sản, thu nhập.
Qua việc xác minh, đã phát hiện và xử lý 3 trường hợp vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập, trong đó có cả cán bộ cao cấp.
Vừa qua, UB Kiểm tra Trung ương kết luận, Thứ trưởng vừa bị miễn nhiệm của Bộ Công Thương - bà Hồ Thị Kim Thoa đã kê khai thu nhập, tài sản không trung thực trong một thời gian dài.
Năm 2017, cả nước thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về kiểm tra, rà soát và chấm dứt ngay tình trạng các bộ, ngành, địa phương nhận xe ô tô do doanh nghiệp biếu tặng, đặc biệt là các doanh nghiệp có các hoạt động kinh doanh trong phạm vi quản lý.
Các cơ quan đã thực hiện việc kiểm soát chặt chẽ các xe ô tô đã tiếp nhận trước đây theo đúng quy định về quản lý tài sản nhà nước và sử dụng đúng chế độ, định mức, tiêu chuẩn. Một số địa phương đã trả lại, không tiếp nhận xe do doanh nghiệp biếu tặng (Cà Mau trả lại 2 xe, TP. Đà Nẵng trả lại 1 xe).
Về kết quả, toàn ngành thanh tra đã triển khai cần 200.000 cuộc thanh tra, phát hiện vi phạm hơn 34.200 tỷ đồng, hơn 5.800 ha đất; kiến nghị thu hồi hơn 19.500 tỷ đồng và trên 5.000 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý hơn 14.700 tỷ đồng, gần 730 ha đất.
Trên cơ sở này, cơ quan thanh tra đã kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính gần 1.600 tập thể và nhiều cá nhân; ban hành trên 118.000 quyết định xử phạt vi phạm hành chính tổ chức, cá nhân với số tiền 3.180 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 83 vụ, 176 đối tượng.
Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước đã ban hành 276 báo cáo kiểm toán, kiến nghị xử lý tài chính hơn 39.700 tỷ đồng.
Kiểm toán Nhà nước đã chuyển cơ quan điều tra Bộ Công an 2 vụ việc, gồm Vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ dầu khí Hoàng Ngân; và vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật của Công ty Cổ phần DAP số 2 - Vinachem thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và một số tổ chức cá nhân có liên quan trong quá trình đầu tư, xây dựng Dự án Nhà máy sản xuất phân bón Diamon phốt phát (DAP) số 2.
145 vụ án về tham nhũng đang trong quá trình điều tra
Về kết quả phát hiện và xử lý tham nhũng, báo cáo do Thanh tra Chính phủ thực hiện cho biết, ngành thanh tra đã phát hiện 47 vụ, 66 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng. Trong đó, phát hiện qua tự kiểm tra nội bộ là 15 vụ, 8 đối tượng; qua công tác thanh tra là 25 vụ, 25 đối tượng; qua giải quyết khiếu nại, tố cáo 7 vụ 33 đối tượng.
Từ tháng 1/10/2016 đến tháng 31/7/2017, các Cơ quan điều tra trong lực lượng công an đã thụ lý điều tra 282 vụ án, 628 bị can phạm tội về tham nhũng.
Cũng trong thời gian này, Viện kiểm sát các cấp đã truy tố 241 vụ, 595 bị can về các tội danh tham nhũng.
Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 300 vụ với 706 bị cáo; đã xét xử sơ thẩm 145 vụ, 328 bị cáo về các tội danh tham nhũng, trong đó tỷ lệ tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chiếm 50%; số bị cáo được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ chiếm 14,6%. Có 7 bị cáo bị tuyên phạt mức án tử hình, tù chung thân (tăng 40% so với cùng kỳ năm 2016).
Các vụ án, vụ việc tham nhũng năm 2017 gây thiệt hại thiệt hại trên 1.350 tỷ đồng, đã thu hồi, kê biên gần 160 tỷ đồng, 314.000 USD và 4 căn nhà, 1 căn hộ chung cư. Tổng cục Thi hành án dân sự đã thụ lý mới 128 vụ việc thuộc nhóm tội tham nhũng.
Tuy đạt được một số kết quả, nhưng Thanh tra Chính phủ nhận định tình hình tham nhũng nhìn chung vẫn diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, tinh vi, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; quản lý, sử dụng đất đai; quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản và đầu tư công.
Công tác phòng chống tham nhũng tại các địa phương còn yếu, chưa đồng đều, vẫn còn những hạn chế, yếu kém, tình trạng nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp vẫn đang là vấn đề gây bức xúc trong xã hội...
P.Thảo
Theo Dantri
Kỷ luật cảnh cáo Phó Chủ tịch huyện làm lộ đề thi công chức Việc thiếu tinh thần trách nhiệm khiến đề thi công chức cấp xã bị lộ gây hậu quả nghiêm trọng, Phó Chủ tịch huyện Krông Năng đã bị hình thức kỷ luật cảnh cáo. Chiều ngày 31/8, UB kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết, đơn vị đã có quyết định kỷ luật cảnh cáo đối với ông Châu Văn Lượm -...