Nguy hiểm rình rập từ xe quá đát đưa đón học sinh
Phụ huynh bận đi làm không có thời gian đưa đón con đến trường, về nhà, muốn con được an toàn trong thời tiết mưa bão và thời gian… là mong muốn của hầu hết phụ huynh, nên dịch vụ xe đưa đón học sinh tiểu học, trung học cơ sở ra đời ngày nay rất phổ biến tại nhiều nơi như: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Đà Lạt, Bắc Giang, Đồng Nai, Cần Thơ…Và cũng từ rất lâu, vấn đề an toàn với loại xe đưa rước học sinh cũng bỏ ngỏ…
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, tính đến 31/12/2014 toàn quốc sẽ có 16.488 xe ôtô hết niên hạn sử dụng theo Nghị định 95/2009/NĐ-CP ngày 30/10/2009 của Chính phủ quy định về niên hạn sử dụng đối với các loại xe ôtô chở hàng và ôtô chở người, trong đó có 3.388 xe chở người, 13.033 xe chở hàng và 67 xe khách chuyển đổi công năng.
Cục Đăng kiểm Việt Nam đã gửi danh sách các phương tiện tới Cục CSGT Đường bộ- Đường sắt-Bộ Công an để phối hợp kiểm soát, xử lý các trường hợp xe đã hết hạn sử dụng đang lưu thông. Được biết, theo quy định hiện hành, niên hạn sử dụng đối với xe ôtô chở hàng là không quá 25 năm, xe chở người không quá 20 năm, còn đối với xe ôtô chuyển đổi công năng từ các loại xe khác thành xe ôtô chở người trước ngày 1/1/2002 không quá 17 năm. Thời điểm tính niên hạn sử dụng được tính bắt đầu từ năm sản xuất xe.
Theo Trung tâm Quản lý và điều hành VTHK công cộng TP Hồ Chí Minh, trong số 55 trường từ tiểu học đến THPT tổ chức xe đưa rước thì có đến 33 trường dùng loại xe có thùng hở, phần lớn là xe của các HTX chuyển đổi xe lam ba bánh thành xe bốn bánh.
Video đang HOT
Theo ông Lê Tân Long- một xã viên HTX vận tải đưa rước học sinh tại quận 10 cho biết: Loại xe thùng hở là xe tải cải tạo thành xe chở khách nên giá thành thấp chỉ 120-130 triệu đồng/chiếc, còn xe thùng kín 12 chỗ giá đến 400-500 triệu đồng. Hợp đồng tháng mỗi học sinh loại xe thùng hở là 80.000-120.000 đồng/tháng, xe thùng kín 200.000 -220.000 đ/tháng.
Do đó, nhiều gia đình đã chọn cho con đi học bằng xe thùng hở. Hơn nữa, trong các hẻm nhỏ xe thùng hở dễ luồn lách đưa rước tận nhà, không gây ách tắc giao thông. Với hiện trạng giao thông của TP hiện nay, loại xe đưa rước học sinh này vẫn còn đất sống nếu chưa hết đát quá niên hạn sử dụng.
Cảnh nhồi nhét học sinh với xe đưa rước nhiều nơi.
Mới đây, vào chiều 12/9, Thượng tá Hồ Văn Thư, Phó Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết, lực lượng Công an phối hợp với Thanh tra giao thông rà soát, kiểm tra tất cả các xe khách đưa đón học sinh. Trường hợp nào vi phạm, có nguy cơ gây mất an toàn cho học sinh thì xử lý nghiêm, đề xuất cơ quan chức năng đình chỉ lưu thông.
Trước đó, trên QL1A tại huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi), lực lượng CSGT đã phát hiện xe khách “quá đát” do tài xế Nguyễn Đức Sinh (quê xã Phổ Châu, huyện Đức Phổ) điều khiển là loại xe khách 50 chỗ đã hết hạn sử dụng được cải hoán, tháo bớt ghế chở gần 100 học sinh mỗi lượt đến trường về nhà. Trong lúc các phụ huynh kỳ vọng, gửi gắm con em mình an tâm đến trường, về nhà thì họ không thể biết rằng, quá nhiều nguy cơ tiềm ẩn, mất an toàn từ loại xe “quá đát” này đang đe dọa sinh mạng các em học sinh.
Tại Trường THCS Triệu Thị Trinh quận 10, TP Hồ Chí Minh, nơi được đánh giá cao về mô hình đưa rước học sinh an toàn, thế nhưng nhìn chiếc xe chở hơn chục học sinh thuộc thế hệ “lão xe” thập niên 70-80. Nhiều nơi tại khu vực ngoại thành và tỉnh các loại xe tự chế, xe ngựa, xe lôi kéo…chở hàng chục học sinh mỗi ngày bất chấp nguy hiểm, TNGT rình rập.
Việc tổ chức đưa đón học sinh bằng phương tiện ôtô công cộng chưa trở thành phổ biến. Do đó tại TP Hồ Chí Minh có rất nhiều hình thức, dịch vụ đưa đón học sinh ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu rất lớn của phụ huynh về việc đưa con em đến trường và đón về nhà vừa đảm bảo điều kiện túi tiền vừa an toàn nhất. Không có điều kiện đưa đón học sinh, có người thuê xe ôm tháng, taxi tháng, có người chọn xe dịch vụ đưa rước của trường, có người chọn xe buýt trợ giá…
Trong khu vực nội thành, việc đưa đón học sinh bằng bất cứ phương tiện nào cũng đều lo tập trung nạn kẹt xe, trễ giờ. Với khu vực ngoại thành xa xôi như huyện Cần Giờ, Củ Chi và các tỉnh, vấn đề an toàn lưu thông và chất lượng xe, đạo đức người lái xe luôn luôn là mối bận tâm hàng đầu của phụ huynh. Nhưng sự chọn lựa của phụ huynh chủ yếu là giá cả phù hợp.
Tại Biên Hòa, nhiều người đã quen với chiếc xe Asia đời 1993 loại 25 chỗ sáng, trưa, chiều nào cũng đưa 50 học sinh đến trường tiểu học ở phường Trảng Dài, rồi đón công nhân tới Công ty Changsin ở xã Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu). Ai cũng biết, nhiều xe “quá đát” không chở khách được nữa nên núp bóng đưa rước học sinh.
Chủ xe cơi nới, tháo ghế, kê tạm tăng số lượng học sinh lên gấp đôi số lượng cho phép. Do vậy, tình trạng các em bị nhồi nhét xảy ra thường xuyên. Một phụ huynh cho biết: “Cả hai vợ chồng đều đi làm công nhân nên không có thời gian để đưa đón con. Chúng tôi đành nhờ xe dịch vụ, mỗi tháng trả 150 ngàn đồng để con được đưa đón mỗi ngày hai lượt”.
Loại xe đưa rước học sinh “quá đát” đa phần là dịch vụ tự phát, có sự thỏa thuận về giá cả giữa gia đình và chủ xe, hoạt động này phát triển nhiều do hoạt động vận tải công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội. Hơn nữa, hàng năm ngân sách đã chi hàng ngàn tỷ đồng cho việc trợ giá xe buýt, trong đó hàng chục tỷ cho trợ gái xe buýt đưa rước học sinh nhưng đã xuất hiện việc “xà xẻo” khiến dư luận TP Hồ Chí Minh rất bất bình.
Để đảm bào an toàn cho học sinh trên mỗi chuyến xe đưa rước đến trường, về nhà, cơ quan quản lý cần siết chặt hơn các hoạt động kiểm tra, đăng kiểm, quy định nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông, đảm bảo an toàn và tốt nhất cho học sinh
Theo Công An Nhân Dân