Nguy hiểm do hít phải khí CO
Hiện nay, không khí lạnh tiếp tục tăng cường ở miền Bắc và miền Trung nên nhiều gia đình sử dụng bếp than tổ ong để sưởi ấm. Nhưng do cách thức sử dụng chưa đúng, để bếp than trong phòng kín và ngủ quên đã bị ngộ độc khí CO, thậm chí là tử vong như 4 trường hợp ở Hà Tĩnh mới đây. Báo SK&ĐS xin giới thiệu bài viết về mối nguy hiểm do khí độc CO gây ra để giúp độc giả có thêm thông tin, tránh được những hậu quả đáng tiếc.
Khí độc CO rất nguy hiểm
Khí CO là một loại khí không màu, không mùi, không vị nên rất khó nhận biết. Khí CO nặng hơn không khí nên chúng thường lắng đọng ở nơi sát mặt đất, đáy các hố sâu. Trong tự nhiên khí CO thường lắng đọng ở các hố cạn, kín gió như: trong các giếng cạn, các loại bể chứa, téc đựng nước thành cao nắp kín để khô lâu ngày. Trong sinh hoạt, khí CO được sinh ra khi đốt cháy không hoàn toàn các loại nhiên liệu như: gas, than, củi, xăng, dầu… nhất là khi nhiên liệu được đốt trong điều kiện thiếu không khí, thiếu ôxy.
Đốt bếp củi hay bếp than trong nhà đóng kín cửa rất nguy hiểm vì dễ ngộ độc khí CO.
Khi một người hít phải khí CO vào phổi, khí CO sẽ vào máu kết hợp với sắc tố hồng cầu (hemoglobin), tạo ra chất carboxyhemoglobin (HbCO), đẩy dưỡng khí là khí ôxy ra khỏi hồng cầu. Do khí CO có ái lực mạnh gấp 200 lần so với ôxy trong sắc tố hồng cầu, nên khí ôxy bị loại hết ra ngoài, dẫn tới cơ thể bị thiếu ôxy gây chết ngạt rất nhanh.
Video đang HOT
Ngày 27/12, vợ chồng anh Nguyễn Văn Bình, SN 1976 và chị Trần Thị Tám, SN 1978, trú tại xóm Tây Sơn, xã Bắc Sơn, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh gặp nạn do sưởi ấm bằng than trong phòng kín. Người vợ đã tử nạn, còn người chồng được đưa đi cấp cứu kịp thời và đã qua cơn nguy kịch. Như vậy, đây là vụ ngạt khí thứ hai do sưởi ấm bằng than chỉ trong vòng 3 ngày qua tại Hà Tĩnh và là nạn nhân thứ tư tử vong. Trước đó, ngày 26/12, tại xóm Hương Đình, xã Quang Lộc, huyện Can Lộc cũng xảy ra vụ việc tương tự khiến 3 người trong một gia đình tử vong. Cả 3 người khi được phát hiện đã chết ngạt do đêm ngủ đã sưởi than trong phòng kín.
Như vậy khí CO là một khí rất độc, chúng có thể gây chết người chỉ trong vòng vài giây. Những người dễ bị ngộ độc khí CO là những người vì công việc hoặc vô tình trong sinh hoạt ở trong các trường hợp: xuống giếng cạn (dọn vệ sinh chẳng hạn), vào bể chứa nước mắm hay téc chứa nước đã để khô lâu ngày, đốt bếp than tổ ong hay than củi, hoặc bếp gas ở trong nhà đóng kín cửa, để động cơ xe máy nổ trong phòng, lái xe hơi khi đã vào gara quên tắt máy và đóng cửa lại…
Dấu hiệu bị nhiễm độc khí CO
Do khí CO là một chất không thể nhìn thấy, không thể ngửi được và không thể nếm được, cho nên rất khó nhận biết khi nào bị tiếp nhiễm hay bị ngộ độc khí CO. Bởi vậy cần nắm vững các triệu chứng nhiễm độc khí CO như sau: tùy mức độ hít phải khí CO ít hay nhiều, nạn nhân có những triệu chứng khác nhau. Nếu ngộ độc nhẹ, nạn nhân thấy: đau đầu nhẹ, thở dốc, hơi buồn nôn, các triệu chứng có thể ảnh hưởng tới sức khỏe trong thời gian dài.
Nhiễm độc khí CO mức độ trung bình, nạn nhân thấy: đau đầu dữ dội, chóng mặt, buồn nôn, đau quặn bụng, tiêu chảy, bị tê nhiều nơi trên cơ thể, ngất, thậm chí có thể tử vong nếu mức độ ngộ độc này kéo dài. Trường hợp nạn nhân bị nhiễm độc nồng độ CO tăng dần thì biểu hiện cũng trầm trọng tăng lên: nếu lượng HbCO tăng cao từ 10-20% sẽ gây nhức đầu, ói mửa và khó thở; nồng độ HbCO lên cao 30-40% thì nhức đầu dữ dội, nhịp tim nhanh, có thể bất tỉnh; lúc lượng CO trên 40% thì hơi thở sẽ dồn dập, nghẹt cứng, hoặc ngưng thở, khi đó nạn nhân sẽ co giật, bất tỉnh, tổn thương não vĩnh viễn, tim ngưng đập và tử vong. Đặc biệt cần nhớ rằng: dù lượng HbCO thấp khoảng 0,05% trong máu nhưng nếu hít phải khí CO kéo dài trên 30 phút cũng có thể gây tử vong.
Thái độ xử trí khi bị nhiễm độc khí CO
Nếu bản thân bạn hoặc người thân của bạn được phát hiện có các triệu chứng có thể là do ngộ độc khí CO thì lập tức phải: ra chỗ thoáng khí để thở không khí trong lành ngay tức thì; mở toang tất cả các cửa chính và cửa sổ; tắt bếp gas, khóa bình gas hay tắt ngay các lò đang đốt nhiên liệu. Nếu nghi ngờ bị nhiễm CO đang xảy ra thì trước tiên phải di chuyển tất cả nạn nhân ra khỏi phòng ô nhiễm khí độc ngay tức khắc và đến chỗ thoáng khí để hít thở. Nếu bị nhiễm nhẹ hay ngộ độc ít, chỉ cần vài phút hít thở không khí trong lành là khỏi ngay. Thực hiện hô hấp nhân tạo, hà hơi thổi ngạt, nếu nạn nhân thở yếu hoặc ngừng thở, sau đó chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất hoặc gọi xe cấp cứu trong khi vẫn làm hô hấp nhân tạo.
Biện pháp phòng tránh ngộ độc khí CO
Mọi người cần thực hiện các biện pháp để phòng tránh ngộ độc khí CO như sau: không tự ý một mình xuống các giếng cạn, các hố sâu kín gió, các hồ chứa, bể chứa, phuy, téc đã để khô lâu ngày. Nếu do công việc phải xuống những nơi đó thì cần làm các biện pháp thông khí trước khi xuống như: dùng quạt điện để quạt không khí xuống đáy các nơi này vài chục phút. Khi xuống thử cần có người bảo vệ, hỗ trợ, sẵn sàng làm thông khí hoặc đưa nạn nhân ra khỏi nơi nguy hiểm.
Tuyệt đối không sử dụng các loại bếp đốt than, củi, khí gas hoặc các động cơ sử dụng xăng dầu, khí gas trong các khu vực thiếu không khí như trong phòng, bếp, nhà tắm… đóng kín cửa. Các phòng, bếp có sử dụng các bếp đốt nhiên liệu cần có hệ thống thông khí đầy đủ như quạt hút khí, ống khói, mở cửa… Không bao giờ để xe hơi nổ máy trong gara kể cả khi mở cửa gara. Không chạy máy phát điện trong nhà, trong gara hay ở tầng hầm nhà. Không để máy phát điện phía ngoài nhà gần cửa sổ và cửa chính đang mở. Không bao giờ đốt than trong nhà, trong phòng, trong bếp đóng kín cửa. Không dùng khí đốt, than, củi, lò nướng hoặc máy sấy để sưởi ấm trong nhà.
Theo vnmedia
5 bệnh đáng sợ do rượu
Uống quá nhiều rượu sẽ sinh ra các bệnh liên quan đến gan, rối loạn tâm thần và hành vi, thoái hóa hệ thần kinh, nhiễm độc, bệnh dạ dày và bệnh tim. Đó là những bệnh có tỉ lệ tử vong cao.
Tác hại của rượu
Theo nhiều nghiên cứu, chất cồn khi vào cơ thể, nếu vượt quá mức cho phép dù chỉ rất ít cũng sẽ gây ra nhiều tác hại cho sức khoẻ thể chất và tâm thần. Trước tiên, nó tác động trực tiếp đến tâm lý: làm giãn các mạch máu, đặc biệt là các mạch máu bên ngoài. Điều đó lí giải vì sao sau khi dùng đồ uống có cồn chúng ta lại có cảm giác ấm lên.
Sau khi uống rượu, việc điều chỉnh nhiệt lượng tự nhiên của cơ thể không còn hiệu lực nữa, do cồn còn có tác dụng gây mê nên cảm giác lạnh không còn cảm nhận được. Do đó uống rượu trong mùa đông có thể dẫn đến lạnh cóng mà chết.
Chất cồn tác động rất lớn đến bộ não. Cồn cũng ảnh hưởng đến tình dục và khả năng có con. Cồn làm giảm tính tự kiềm chế và vì thế tăng hưng phấn tình dục. Cồn thuộc vào các chất có tác dụng độc hại đến tinh hoàn và tinh trùng.
Nam giới uống rượu trước khi sinh hoạt tình dục chẳng những làm tăng khả năng sảy thai mà còn có thể ảnh hưởng đến việc phát triển của đứa con sinh ra. Người mẹ uống rượu trong thời gian mang thai dễ sinh ra các đứa trẻ có khuyết tật về trí tuệ.
Các bệnh do nghiện rượu
Viêm gan
Viêm gan do rượu là tình trạng viêm và hoại tử tế bào gan kéo dài 1 đến 2 tuần. Triệu chứng gồm: chán ăn, buồn nôn, ói, đau bụng, sốt, vàng da, thỉnh thoảng có rối loạn tâm thần. Bệnh có thể diễn tiến đến xơ gan do rượu qua nhiều năm. Xơ gan do tế bào gan bị tổn thương thường xuyên. Gan nhiễm mỡ là giai đoạn sớm của bệnh gan do rượu, nếu bệnh nhân ngừng uống rượu ở giai đoạn này, bệnh có thể tự khỏi.
Rượu có thể gây tổn thương gan dù uống ít nếu dùng chung với thuốc có chứa acetaminophen. Viêm gan do rượu thường xảy ra ở người nghiện rượu, nhưng nó cũng xảy ra ở người thỉnh thoảng uống rượu. Viêm gan do rượu có thể gây tử vong, đặc biệt nếu bệnh nhân có tổn thương gan trước đó.
Sảng run
Bệnh sảng run chỉ xảy ra ở người nghiện rượu. Đây là biến chứng trầm trọng và thường gặp nhất ở người nghiện rượu. Bệnh này cũng được gọi là "hội chứng cai rượu". Nguyên nhân gây ra sảng run là nhiễm độc hệ thần kinh và rối loạn chuyển hóa do rượu. Bệnh xuất hiện sau khi ngừng uống rượu từ khoảng 12 - 48 giờ với 2 nhóm triệu chứng nổi bật.
Một là rối loạn ý thức kiểu mê sảng: mất năng lực định hướng không gian và thời gian, nhận dạng người thân kém, mất ngủ hoàn toàn hay ngủ chập chờn vật vã với nhiều ác mộng; luôn ở trong tình trạng lo âu, sợ hãi, căng thẳng, nhìn nhưng không thấy; có các ảo giác, ảo thanh... nên hay có các phản ứng tự vệ nguy hiểm cho người xung quanh.
Hai là các rối loạn về thần kinh: toàn thân run lập cập, nói lắp bắp ngắc ngứ, đi loạng choạng nên rất dễ vấp ngã gây chấn thương sọ não, gãy xương, vỡ tạng... Nặng hơn, có bệnh nhân còn lên cả cơn co giật như động kinh. Tình trạng rối loạn ý thức thường tăng lên về chiều tối.
Ngoài ra, người bị sảng run còn có các rối loạn thần kinh thực vật trầm trọng như ra mồ hôi đầm đìa như tắm ngay cả khi nghỉ ngơi, khát nước, da tái, kém đàn hồi, đái ít, buồn nôn, nôn, đau bụng, đi lỏng, sốt, tim đập nhanh, huyết áp không ổn định... Một số rất ít trường hợp sảng run tự thuyên giảm sau vài ngày. Phần lớn trường hợp nếu không điều trị sẽ tiến triển xấu; các rối loạn ngày càng trầm trọng, khiến người bệnh có nguy cơ tử vong.
Bệnh gút
Lượng cồn nhiều là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh gút. Ban đầu, các chất cồn dư thừa, tích tụ lại sau nhiều lần quá chén sẽ gây ra những trục trặc cho quá trình trao đổi chất và chuyển hoá năng lượng. Sự tích tụ chất này trong các ổ khớp sẽ dẫn đến bệnh gút, hay còn gọi là bệnh thống phong, phá huỷ mạn tính khớp, gây nên các cơn viêm khớp thống phong cấp với các biểu hiện sưng đỏ và đau nhức.
Uống liên tục rượu mạnh sẽ làm gia tăng lượng axít uric trong máu. Bệnh gút nếu để xảy ra biến chứng thì người bệnh khó tránh bị tổn thương thận, có thể gây sỏi thận.
Bệnh tim mạch
Tim cũng có cấu tạo là một loại cơ, mà các loại đồ uống có nồng độ cồn cao làm suy yếu các cơ nên đương nhiên sẽ làm suy yếu tim mạch. Tim sẽ không thể bơm máu đi một cách hiệu quả như bình thường. Nồng độ cồn càng cao, tác động lên tim càng lớn, chúng làm hẹp các mạch máu và tăng áp lực trong máu, buộc tim phải hoạt động mạnh hơn. Ngoài ra chúng còn gây ra chứng rối loạn nhịp tim.
Bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng
Sau khi được đưa vào cơ thể, dạ dày là trạm dừng chân đầu tiên của cồn. Chỉ trong vòng 5 phút, 20% quân số sẽ lập tức xâm nhập vào máu bằng cách trượt đi giữa các tế bào biểu mô sản xuất chất nhày. Tại đây, cồn sẽ làm suy yếu các biểu mô bảo vệ dạ dày, do đó tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm nhiễm, ợ nóng, viêm loét và chảy máu.
Chứng nghiện rượu ngoài ra còn ảnh hưởng đến toàn gia đình. Việc dùng vũ lực đối với người chung sống hay con cái có thể là áp lực rất lớn lên cuộc sống gia đình. Thường hay dẫn đến ly dị. Con cái của những người nghiện rượu sau này thường hay có những kiểu cách, hành vi nhất định và đặc biệt là có nhiều nguy cơ trở thành nghiện hay gắn bó với một người nghiện rượu.
Theo SK&ĐS
Cách sơ cứu một số trường hợp ngộ độc thường gặp Khi gặp những trường hợp bị ngộ độc sắn, ngộ độc thuốc trừ sâu, ngộ độc thuốc paracetamol dùng để hạ sốt giảm đau, ngộ độc thuốc an thần gây ngủ, ngộ độc khí CO (carbon monoxide)... những người xung quanh có thể làm gì để giúp nạn nhân thoát khỏi nguy kịch? Ngộ độc sắn Biểu hiện: nôn nao, nôn ra nhiều...