Nguy hại tội phạm trộm cắp thiết bị trạm biến áp
Có đến hàng chục vụ trộm cắp thiết bị trạm biến áp xảy ra ở nhiều quận, huyện trên địa bàn Hà Nội, tính từ năm 2013 đến nay. Ngành điện thất thoát vật tư; các hộ sản xuất, kinh doanh và người dân có nguy cơ bị hỏng thiết bị điện, cùng những thiệt hại không đo đếm được do hoạt động của loại tội phạm này gây ra.
Tang vật và công cụ cắt, chặt dây trung tính bị thu giữ
Chung nỗi bức xúc
Tìm đến Công ty Điện lực Thanh Trì, hỏi chuyện ông Vũ Hữu Trung – cán bộ phụ trách an toàn của Điện lực, về tình trạng mất trộm thiết bị điện; ông Trung bộc bạch: “Trong thời gian khá dài, hàng loạt dây trung tính tại các trạm biến áp trên địa bàn huyện bị kẻ gian cắt, phá. Có trạm vừa thay thế được vài hôm, đến khi công nhân đi kiểm tra, đã phát hiện bị cắt. Rất may công tác kiểm tra được chúng tôi tiến hành thường xuyên, nên hậu quả chưa xảy ra”. Nỗi bức xúc của ông Trung và Công ty Điện lực Thanh Trì chính là 15 vụ kẻ gian cắt trộm dây trung tính tại 15 trạm biến áp ở các xã Ngũ Hiệp, Thanh Liệt, Tả Thanh Oai, khu chợ thị trấn Văn Điển…
Số vụ thiệt hại mà đại diện Công ty Điện lực Hai Bà Trưng cung cấp cho chúng tôi lớn gấp nhiều lần tại huyện Thanh Trì. Từ tháng 12-2013 đến nay, có trên dưới 40 lượt trạm biến áp tại địa bàn Hai Bà Trưng bị kẻ gian xâm phạm, cắt trộm dây trung tính. Ông Vũ Văn Dũng – Phó phòng Kỹ thuật an toàn Công ty Điện lực Hai Bà Trưng chia sẻ: “Đa phần các vụ mất trộm thiết bị điện, chúng tôi không nắm được chính xác thời gian xảy ra, mà chỉ phát hiện trong quá trình đi kiểm tra hoạt động của các trạm biến áp. Toàn bộ các trạm biến áp bị kẻ gian lấy trộm thiết bị đều xảy ra ở khu dân cư, nhưng qua rà soát, hỏi tình hình người dân, hầu như không ai nắm bắt được về đối tượng nghi vấn”. Bức xúc trước hiện tượng trộm cắp nêu trên, Công ty Điện lực Hai Bà Trưng đã phải đầu tư, lắp đặt hệ thống báo động tại một số trạm biến áp.
Một địa bàn khác mà chúng tôi ghi nhận có số thiệt hại vật tư lớn, là quận Long Biên. Từ tháng 9-2012 đến 3-2014, riêng tại khu đô thị Việt Hưng xảy ra 7 vụ mất trộm thiết bị điện tại các trạm biến áp, với thiệt hại lên đến hàng trăm triệu đồng. Trong tháng 5 vừa qua, ngoài trạm biến áp, ghi nhận đã xảy ra thêm 1 vụ cắt trộm thiết bị chiếu sáng ở cầu Vĩnh Tuy. Cả trăm mét dây cáp đã bị kẻ gian chặt, cắt lấy đi. Chính những đơn vị quản lý hạ tầng, vật tư này phải lo chi phí thay thế mới.
Video đang HOT
Một trạm biến áp ở quận Long Biên từng bị kẻ gian trộm thiết bị
Thủ phạm “có nghề”?
Phần lớn các trạm biến áp bị kẻ gian trộm thiết bị điện đều đang hoạt động bình thường, cung cấp điện cho các hộ dân, doanh nghiệp. Câu hỏi đặt ra là: phải chăng, đối tượng gây án có sự móc nối “tay trong”, hoặc chí ít phải hiểu biết về lĩnh vực an toàn điện? Thực tế từ 1 vụ việc vừa được CAQ Thanh Xuân phối hợp với Công ty Điện lực tại địa bàn “giải mã” lại không hề như vậy.
Ông Nguyễn Minh Phương – Giám đốc Công ty Điện lực Thanh Xuân cho biết, trong thời gian đầu năm 2014, địa bàn quận xảy ra hàng loạt vụ cắt trộm dây trung tính ở các trạm biến áp. Hiện tượng này lập tức được trao đổi với CAQ Thanh Xuân; và sau nhiều ngày đêm mật phục, trung tuần tháng 4, CAQ Thanh Xuân đã bắt được đối tượng trộm cắp là Hoàng Văn Hướng, 26 tuổi, quê quán huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang, hiện thuê trọ tại xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì (Hà Nội). Hướng bị bắt quả tang khi đang dùng xe máy vận chuyển một số đoạn cáp điện trên dọc bờ sông Tô Lịch, địa phận phường Khương Đình. Đây là thiết bị điện Hướng cắt trộm cách đó ít phút tại 3 trạm biến áp thuộc địa bàn phường Khương Đình. Khám xét khẩn cấp nơi thuê trọ của Hướng, cơ quan công an thu thêm 1 kìm điện, 1 cuộn dây đồng là tang vật 1 vụ trộm khác do Hướng gây ra, chưa kịp mang đi tiêu thụ. Quá trình đấu tranh, tên trộm khai từ đầu năm 2014 đến khi bị bắt đã gây ra 42 vụ cắt trộm dây điện tại các quận Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Hà Đông và huyện Thanh Trì.
Từ sau khi Hoàng Văn Hướng bị bắt, hiện tượng mất trộm dây trung tính “im ắng” hẳn ở nhiều địa bàn. Trao đổi với CAQ Thanh Xuân, chúng tôi nắm được thông tin khá bất ngờ: Hoàng Văn Hướng không có nhiều kiến thức về điện. Phát hiện đặc điểm của các đoạn dây trung tính ở các trạm biến áp đều là dây đồng và lộ thiên, Hướng đã lên kế hoạch cắt trộm. Công cụ gây án của Hướng chỉ là… bút thử điện và dao, kìm. Sau khi dùng bút thử điện thấy an toàn, Hướng sẽ ra tay.
Lời khai của Hoàng Văn Hướng đã cho thấy sơ hở trong công tác bảo vệ tài sản từ phía “nhà điện”, cũng như sự cần thiết phải nâng cao ý thức phòng ngừa, tăng cường công tác phòng ngừa ở nhiều địa bàn. Khi dây trung tính bị chặt, cắt, nguồn điện không bị gián đoạn ngay. Nhưng trong trường hợp lưới điện gặp sự cố, đúng ở trạm biến áp bị cắt dây trung tính, tính chất nguy hại sẽ tăng gấp bội. Máy biến áp và các thiết bị trong trạm bị đe dọa, từ đó dẫn đến nguy cơ cháy hỏng hàng loạt các thiết bị điện của người dân, doanh nghiệp thuộc lưới điện mà trạm biến áp cung cấp.
Theo ANTD
Nữ giám đốc kéo chồng đi... tù
Thành lập doanh nghiệp để kinh doanh vật tư nông nghiệp, song nữ giám đốc rất "máu me" làm giàu từ bất động sản. Khi liên tục bị thua lỗ, chị ta đã dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt nhiều tỷ đồng.
Vũ Thị Loan cùng chồng nhận án phạt thích đáng
về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Ngân hàng cũng "dính cước"
Hôm qua (21-2), Vũ Thị Loan và chồng là Hà Trung Hiếu (đều SN 1980, trú ở thôn Đoài, xã Nam Hồng, Đông Anh) cùng bị đưa ra Tòa án Hà Nội để xét xử về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Bị hại của nữ Giám đốc Công ty TNHH Vận tải và vật tư nông nghiệp cùng chồng chị ta là hai cá nhân và một tổ chức tín dụng.
Nội dung vụ án thể hiện, ngày 22-6-2010, vợ chồng Loan ký hợp đồng chuyển nhượng cho anh Lại Văn Hưng (trú ở xã Vân Nội, Đông Anh) mảnh đất 92m2, tại xã Nam Hồng, huyện Đông Anh với giá 1,5 tỷ đồng. Sau khi ký hợp đồng nhận chuyển nhượng, giao tiền, anh Hưng không làm thủ tục sang tên và vẫn để cho vợ chồng Loan cầm giữ "sổ đỏ".
Lợi dụng điều đó, tháng 1-2011, Loan dùng chính mảnh đất đã bán cho anh Hưng và "sổ đỏ" tương ứng để thế chấp vay của anh Vương Văn Tuyến (ở Cầu Giấy) 2 tỷ đồng. Sau đó, Loan tiếp tục ký hợp đồng chuyển nhượng mảnh đất nêu trên cho anh Tuyến, đồng thời giao hẹn khi nào trả tiền xong mới lấy lại "sổ đỏ" và hủy bỏ hợp đồng. Mặc dù vậy, chỉ 2 tháng sau khi được trả trước 800 triệu đồng, anh Tuyến đã giao lại "sổ đỏ" cho vợ chồng Loan. Dựa vào "bảo bối" ấy, Loan và chồng thuyết phục mẹ chồng đứng tên vay của Ngân hàng TMCP Dầu khí toàn cầu 1,4 tỷ đồng với tài sản bảo đảm là mảnh đất 92m2 và "sổ đỏ" đã bán cho anh Hưng. Giữa năm 2011, Ngân hàng TMCP Dầu khí toàn cầu đã giải ngân cho mẹ chồng Loan đủ số tiền xin vay. Tuy nhiên, thực tế số tiền 1,4 tỷ đồng vay của ngân hàng Loan chiếm hưởng hết.
Ngoài thủ đoạn nêu trên, Vũ Thị Loan còn chiếm đoạt của chị Lê Thị Nhung (ở Cầu Giấy) 5,1 tỷ đồng. Khi tiếp cận bị hại này thông qua một cán bộ tín dụng, Loan nói là đang cần tiền để đáo hạn tại Ngân hàng TMCP Dầu khí toàn cầu và cam kết thời hạn vay chỉ kéo dài từ 3 - 5 ngày. Vì thế sau khi kiểm tra thấy Loan đang thế chấp mảnh đất hơn 500m2 để bảo đảm một khoản vay ở ngân hàng, ngày 21-9-2011, chị Nhung đã đồng ý xuất 5,1 tỷ đồng... Kết cục là không chỉ có hai cá nhân mà cả Ngân hàng TMCP Dầu khí toàn cầu cũng bị Loan cho "ăn quả đắng" với tổng số tiền 7,7 tỷ đồng.
Phòng công chứng vô can?
Trước tòa, Vũ Thị Loan đã khai nhận thủ đoạn chiếm đoạt tài sản theo đúng nội dung tài liệu truy tố. Ngoài ra, bị cáo khai nhận thêm trong thời gian trên cũng đã thực hiện những hành vi gian dối để chiếm đoạt của hai cá nhân khác 2,5 tỷ đồng. Vậy nhưng trong quá trình CQĐT mở rộng vụ án, những người này có đơn đề nghị được cùng Loan tự xử lý theo thủ tục dân sự.
Giải thích về việc trong vòng 7 tháng, bị cáo đã cùng chồng 2 lần tới Phòng Công chứng Trung Tâm ở thị trấn Đông Anh ký hai hợp đồng chuyển nhượng mảnh đất 92m2 cho hai người khác nhau, Loan ấp úng: "Có lẽ văn phòng công chứng đã quá tin vào cam kết của bị cáo nên không kiểm tra đối chứng". Về vấn đề này, quá trình điều tra cơ quan công an cũng đã có văn bản đề nghị Sở Tư pháp Hà Nội xác định mức độ liên quan của phòng công chứng và công chứng viên thuộc Phòng Công chứng Trung Tâm vì sao một thửa đất của một người, công chứng viên lại hai lần làm hợp đồng chuyển nhượng cho hai đối tượng khác nhau. Hồi đáp CQĐT, Sở Tư pháp Hà Nội khẳng định: "Trách nhiệm thuộc về các bị can Vũ Thị Loan và Hà Trung Hiếu vì đã không cung cấp các thông tin chính xác, đầy đủ về thửa đất. Đối với các công chứng viên, cần rút kinh nghiệm, thận trọng hơn trong xác minh, tra cứu tài liệu".
Với Hà Trung Hiếu, bị cáo này khai việc Loan thành lập công ty và kinh doanh, rồi vay mượn tiền bạc của mọi người như thế nào anh ta không hề hay biết. Tuy nhiên, bị cáo lại thừa nhận từng cùng vợ ký hợp đồng bán đất cho anh Hưng, nhưng sau đó vẫn tiếp tục ký hợp đồng chuyển nhượng mảnh đất ấy cho người khác và ký vào văn bản đồng ý dùng mảnh đất đã bán để thế chấp cho mẹ đẻ đứng tên vay 1,4 tỷ đồng của Ngân hàng TMCP Dầu khí toàn cầu. Bị cáo Hiếu xác nhận, anh ta biết rõ việc làm này là gian dối và bị pháp luật nghiêm cấm nhưng vì muốn giúp đỡ vợ, để có vốn làm ăn nên ký bừa... Xét thấy hành vi của vợ chồng Vũ Thị Loan phạm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 139-BLHS, HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội đã quyết định tuyên phạt nữ Giám đốc Công ty TNHH Vận tải và vật tư nông nghiệp tù chung thân. Giữ vai trò đồng phạm giúp sức, Hà Trung Hiếu cũng phải lĩnh 15 năm tù giam.
Theo ANTD
Khởi tố "nhà cung cấp" rượu Chivas 18... giả CQĐT CAQ Hai Bà Trưng ngày 29-12 cho biết, đã khởi tố vụ án mua bán hàng giả (rượu Chivas 18), đối với Trần Thị Thanh Hoa (SN 1979), trú tại phường Khương Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội). Trước đó, Hoa bị lực lượng Công an bắt quả tang đang chào bán 6 chai rượu Chivas giả cho một đại lý tạp...