Nguy cơ xâm lăng văn hoá Hàn vào Việt Nam
“Về mặt trình độ nghệ thuật, chúng ta có thể làm được như Hàn Quốc”, cục trưởng cục NT biểu diễn khẳng định trong cuộc phỏng vấn.
Từ trường hợp Thái Lan – Lào
Trong cuộc gặp gỡ với Cục trưởng Cục nghệ thuật biểu diễn Lào – một người đàn ông rất thành thạo tiếng Việt, ông Vương Duy Biên, Cục trưởng Cục nghệ thuật biểu diễn Việt Nam đã chia sẻ những mối lo lắng trước nguy cơ văn hóa bị xâm thực tại Việt Nam cũng như ở Lào hiện nay.
Nếu như Việt Nam đang đối mặt với sự xâm lăng của làn sóng Hallyu trên các phương diện giải trí, nghe nhìn thì với Lào, là cơn sóng băng đĩa từ nước Thái Lan láng giềng đang tràn ngập.
Kao JiraYu – một ngôi sao thần tượng của Thái Lan hiện nay
Ông Xayxavat Singnamvong đã chia sẻ với giọng nói đầy lo lắng: “ Băng đĩa, bài hát, phim ảnh từ Thái Lan đổ sang Lào. Người Lào không hiểu được sự nguy hiểm này, chỉ sửa một chút rồi mang đi bán. Lẽ ra người Thái phải bảo vệ bản quyền của họ, nhưng họ không làm thế, cốt để có thị trường. Họ lôi cuốn chúng tôi làm theo văn hóa của họ. Điều này rất nguy hiểm, chúng tôi không biết làm thế nào.
Vì có đường biên giới dài tiếp giáp (gần 2.000km – PV), nên phong tục tập quán, lời ăn tiếng nói, phía chúng tôi và Thái Lan cũng gần giống nhau. Họ lại được trang bị kĩ thuật và công nghệ mới, nên các phương tiện, hình thức nghe nhìn rất phát triển. Không chỉ ở băng đĩa, họ còn có TV phát liên tục. Có 5-6 kênh Thái Lan trên truyền hình của chúng tôi.
Văn hóa của họ không chỉ xuất hiện ở quanh biên giới mà giờ đây vào ngay phòng ngủ của chúng tôi rồi. Chúng tôi cũng không biết làm thế nào, mong học hỏi từ các bạn.”
Nhìn từ phía Việt Nam, ông Vương Duy Biên cho biết: “Đường biên giới giữa Lào và Thái Lan rất dài, có ảnh hưởng mạnh đến văn hóa dân tộc, vì vậy việc giữ gìn bản sắc và quản lý biểu diễn rất quan trọng.
Cả Lào và VN đều là những nước nhỏ, chúng ta đều có nguy cơ bị xâm lăng văn hóa, vì vậy phải nương tựa vào nhau. Hiện nay tuy còn có những khó khăn trong công tác quản lý nghệ thuật biểu diễn, nhưng Việt Nam vẫn sẽ giúp đỡ các bạn, dựa trên nguyện vọng của các bạn và những điều chúng tôi có thể đáp ứng.
Không chỉ về phương diện chuyên môn: xiếc tạp kĩ, múa rối, cải lương, ca múa nhạc… chúng ta còn phải giúp đỡ và hợp tác lẫn nhau trên phương diện quản lý. Sắp tới chúng tôi hoàn thành nghị định về tổ chức biểu diễn, trình Quốc hội thông qua sau đó sẵn sàng cung cấp để các bạn tham khảo để điều chỉnh phù hợp cho các bạn”.
Ông cũng nhìn nhận: “Việt Nam là 1 quốc gia mới hội nhập thế giới, nên chúng tôi cũng mới xây một loạt điều luật mới để điều hành đất nước. Để điều hành tốt 1 quốc gia phải từ 600-700 bộ luật. Hiện nay chúng tôi mới chỉ có rất ít, phải cần nhiều thời gian để xây dựng thêm.”
Video đang HOT
VN học gì từ chính sự xâm lăng văn hóa của Hàn?
Trả lời phỏng vấn của phóng viên về việc Cục đã nhận ra khả năng bị xâm thực văn hóa của nước ta trong bối cảnh hiện tại, ông Vương Duy Biên cho hay: “Đây là tình trạng chung của những nước nhỏ như chúng ta trong bối cảnh hội nhập với thế giới. Việc bảo tồn và giữ được bản sắc văn hóa trở nên rất quan trọng. Giữ được bản sắc văn hóa là giữ được tự cường của dân tộc.
Nhóm Super Junior biểu diễn tại Hà Nội vào tháng 3/2012 – Ảnh: Nguyễn Hoàng
Từ những hoạt động biểu diễn thời gian gần đây, có thể thấy giới trẻ đang thần tượng các ngôi sao giải trí Hàn Quốc cũng như các ngôi sao nước ngoài quá nhiều. Tôi thấy nên cân nhắc thời lượng chiếu phim, ca nhạc của nước ngoài trên truyền hình, đưa thêm phim Việt Nam, các loại hình nghệ thuật của Việt Nam. Giới trẻ trước hết phải trân trọng văn hóa của nước mình, tự hào với truyền thống của nước mình. Hội nhập giao lưu, tiếp nhận, học hỏi văn hóa của nước ngoài là cần thiết nhưng không có nghĩa là lấy giá trị đó lấp lên văn hóa của mình”.
Làm sao để truyền thống có thể gặp gỡ được giới trẻ là một điều không dễ. Trả lời câu hỏi này, ông chia sẻ: “Tôi cho rằng ý thức và hành động của ta phải hết sức đồng bộ. Trước hết hoạt động biểu diễn phải lành mạnh, trang phục biểu diễn không nhố nhăng, phản cảm. Tác phẩm ca nhạc như thế nào để có nét truyền thống phim ảnh, nghệ thuật cũng phải làm sao để giới thiệu được đến với lớp trẻ, để chúng yêu thích. Nghệ thuật truyền thống không phải cái nào cũng dễ hấp dẫn, nhưng phải tìm cách làm thế nào để cho lớp trẻ thấy rằng “À, nó cũng hay”.
Đó là trách nhiệm của những người làm nghệ thuật. Họ phải chứng minh cho lớp trẻ thấy là nghệ thuật truyền thống hay, hấp dẫn… Ở đây có 2 mặt: 1 mặt giữ cái nguyên gốc, mặt khác phải đưa nó tiếp cận xã hội, phát triển cùng xã hội. Rối nước, cải lương hay tuồng cách đây 100 năm có thể khác, nhưng để nó sống được và đồng cảm được với xã hội thì phải có những kênh mới tiếp cận với xã hội, tiếp cận giới trẻ. Những nhà nghệ thuật, những đơn vị nghệ thuật phải làm được điều đó”.
Nhóm hâm mộ trong buổi biểu diễn – Ảnh: Nguyễn Hoàng
“Chúng ta có thể học gì từ chính sự xâm lăng văn hóa Hàn Quốc vào Việt Nam?”, ông Vương Duy Biên cho biết: “Thực ra điều kiện kinh tế của Hàn Quốc hơn ta rất nhiều. Họ có các tập đoàn lớn đứng sau tài trợ cho các hoạt động văn hóa và biểu diễn. Họ đầu tư xuất khẩu văn hóa”. Tuy nhiên ông khẳng định: “Về mặt trình độ nghệ thuật chúng ta có thể làm được như họ”.
Hàn Quốc – Nhật Bản và bài học đắt giá mang tên “phục quốc”
Lùi lại 1 tháng trước, trong một buổi luận đàm mang tên “Văn hóa phục quốc” vào cuối tháng 3 tại Hà Nội, ông Oriza Hirata- một nhà văn hóa, tư tưởng của Nhật Bản đã chia sẻ hết sức chân thành với Việt Nam về cái gọi là “vết xe đổ” của Nhật Bản sau thời kì buộc phải tập trung tái thiết kinh tế bởi các thảm họa thiên tai như động đất, sóng thần … và bỏ quên văn hóa. Ông thừa nhận, Hàn Quốc đã quan sát, rút kinh nghiệm và tránh được sai lầm này từ Nhật Bản.
Ông đưa ra ví dụ về hiệu quả du lịch và sự bền vững trong cộng đồng của 2 thành phố Nhật: Furano và Ashibetsu trong thập niên 90. Từng được đầu tư 10 tỷ yên với định hướng phát triển du lịch và xây dựng các công trình khổng lồ như tượng Phật lớn, khu resort… nhưng khi bong bóng nền kinh tế vỡ, sự thiếu vắng bản sắc của Ashibetsu cũng chính là nguyên nhân khiến thành phố này không thể thu hút được khách du lịch. Trong khi đó, chỉ từ vài ruộng hoa lavender còn sót lại sau khi từng bị các nhà máy xâm lấn trong những năm 80, thành phố Furano cách đó 24km lại trở thành điểm du lịch sáng giá.
Thành phố Furano nay đã trở thành điểm du lịch nổi tiếng của Nhật Bản
Trong sự chia sẻ ý tưởng với Việt Nam, Oriza đã viện dẫn tư tưởng của những nhà viết kịch trước đó của Nhật Bản, những người đã cho rằng phải giữ vững văn hóa từ làng xã. Mỗi một ngôi làng đều trở thành trung tâm của thế giới thì là một điều tuyệt vời. Người dân không phải hướng về các thủ đô, các thành phố lớn nữa, mà họ có thể có những quảng trường, trung tâm văn hóa của riêng mình.
Cây viết Quốc Đạt đã biên lược lại những ý quan trọng trong buổi tọa đàm của ông Oriza Hirata như sau: “Các hoạt động văn hóa chỉ phát sinh cái lợi sau 100-200 năm nữa và nó cần được đầu tư vào các hoạt động trong cả chiều sâu và bề rộng.
Các nhà hoạch định phải đối mặt với 2 hướng là phát triển văn hóa truyền thống trong nước như mặt nền cơ bản và bên cạnh đó là phát triển các văn hóa tiên phong để giao lưu với thế giới. Việc cân đối tỉ lệ giữa 2 hướng này là một vấn đề mà mỗi quốc gia luôn phải đối mặt và tìm ra trong các hoàn cảnh cụ thể.
Thành phố Osaka (Nhật Bản)
Nước Nhật chính là một ví dụ điển hình khi chỉ tập trung vào phát triển kinh tế để trở thành một cường quốc kinh tế đứng thứ 3 thế giới, nhưng các hoạt động văn hóa chỉ bằng 1/5 so với Pháp hay các nước châu Âu khác. Hàn Quốc là láng giềng nước Nhật, phát triển sau Nhật 20 năm và họ đã tìm mọi cách để tránh khỏi vết xe đổ này khi tập trung nguồn lực đầu tư vào văn hóa chứ không tập trung duy nhất vào phát triển kinh tế. Việt Nam đang phát triển trong tương lai và cũng đừng nên đi vào vết xe đổ của Nhật”.
Và lại một lần nữa, câu chuyện phát triển văn hóa của người Hàn Quốc được quay trở lại, lần này được kể bằng chính quan sát của người trong cuộc. “…Cách đây khoảng 20 năm, Hàn Quốc hết sức lo âu trước hình ảnh giới trẻ cuồng theo hip hop của phương Tây. Nam thanh nữ tú đua nhau nhuộm tóc vàng, ăn mặc, đeo trang sức lạ lẫm. Vô số cuộc hội thảo được tổ chức, với những câu hỏi được đặt ra: Phải chăng giới trẻ đang muốn chối bỏ truyền thống? Phải chăng giới trẻ đang muốn rập khuôn theo phương Tây? Liệu lòng yêu nước có bị mai một trong giới trẻ?… Và rồi mọi người cũng nhận ra rằng giới trẻ chọn thần tượng là những ngôi sao phương Tây, một phần là bởi nội lực của làng giải trí Hàn Quốc còn yếu, không đủ sức hấp dẫn giới trẻ. Từ đó, đã có những chính sách đưa ra khuyến khích thay đổi.
Tôi lấy ví dụ như chuyện âm nhạc Hàn Quốc bây giờ, với những người thuộc thế hệ của tôi hoặc lớn hơn thật sự nghe không quen. Đơn giản vì người ta đã thuê cả các nhạc sĩ phương Tây qua dạy cho giới sáng tác nhạc của Hàn, hoặc khuyến khích giới sáng tác đi học từ nước ngoài nhằm tìm ra một hướng đi mới. Họ nghiên cứu làm thế nào để âm nhạc vừa không mất đi tính dân tộc, nhưng cũng phải mang tính toàn cầu. Lời nhạc cũng thay đổi như thế. Tôi biết có nhiều nhạc sĩ Hàn Quốc đã thuê người nước ngoài để tư vấn cho các tác phẩm của mình sao cho thanh niên Hàn cũng mê và thanh niên nước ngoài cũng thích! Và không chỉ âm nhạc, các nhà làm phim, người dạy múa, ca sĩ, các công ty liên quan đến biểu diễn… đã nỗ lực rất lớn để thay đổi. Rõ ràng Hallyu không phải ngẫu nhiên mà có, mà đó là kết quả của một sự nỗ lực thay đổi của từ chính phủ cho đến tất cả các thành phần tham gia làng giải trí…”. Trích bài viết của GS.TS Bae Sang Soo – trưởng khoa tiếng Việt ĐH Ngoại ngữ Busan, Hàn Quốc – trên báo Tuổi trẻ ngày 22/4/2012.
Theo Hồ Hương Giang (Vietnamnet)
Cuộc xâm lược của "kim chi củ cải'
Nếu như nhiều năm trước, "kim chi củ cải" đơn giản là món ăn nghe để biết và để đấy, thì hiện nay, người ta còn thông thạo cách chế biến, cách dùng. Đó là sự xâm thực mạnh mẽ của văn hoá Hàn, đại chúng nhưng cũng rất sâu.
Làn sóng Hàn Hallyu được ví với nhóm nhạc huyền thoại The Beatles hồi những năm 60 của thế kỷ trước.Khi nhóm The Beatles tấn công Hoa Kỳ trong những năm 1960, họ đã khởi động một cuộc chiến được gọi là "Cuộc xâm lược của Anh", với việc người người nghe Beatles, nhà nhà nghe Beatles. Ở châu Á cuộc xâm lược tương tự như vậy chính là làn sóng Hàn Quốc - Hallyu. Bắt đầu từ cuối những năm 1990, bằng những bộ phim truyền hình, âm nhạc, phim ảnh và văn hóa, Hallyu đã đưa châu Á vào một cơn bão lớn.
Khởi đầu là các bộ phim truyền hình mà lúc ban đầu còn bị hạn chế tại châu Á, làn sóng Hallyu đã làm cho cả châu Á phải quay cuồng với những vai diễn đầy bi kịch và những bộ phim đẫm nước mắt. Đến bây giờ, làn sóng Hàn Quốc Hallyu đang bước sang giai đoạn thứ hai, và lần này dẫn đầu là các nhóm nhạc hàng đầu Hàn Quốc. Thậm chí, họ không chỉ giới hạn sự có mặt tại thị trường châu Á, mà còn lan sang cả châu Âu và đang tìm cách bước chân vào thị trường đầy thèm muốn của nước Mỹ.
Một trong những nhóm nhạc Hàn đang phổ biến ở Mỹ là nhóm nhạc nữ Wonder Girls với bài hit "Nobody" đã lọt vào vị trí 76 trên bảng xếp hạng Billboard tháng 10/2009. Ngày 07/01/2010, ban nhạc được mời diễn mở màn cho một buổi hòa nhạc kỷ niệm 40 năm Trái đất, Gió và Lửa tại Las Vegas (40th anniversary of Earth, Wind and Fire). Buổi biểu diễn với sự có mặt của các ban nhạc lừng danh trên thế giới, và của các nghệ sĩ lớn, trong đó có cả Stevie Wonder.
Sau khi chương trình, Noel Lee - chủ tịch của Monster, công ty sản xuất dây cáp và tai nghe, chủ nhà của sự kiện này - cho biết, Wonder Girls đã "đưa văn hóa pop châu Á lên bản đồ âm nhạc thế giới".
Một nghệ sĩ Hàn Quốc khác cũng đã thành công ở phương Tây là Tae Yang, một thành viên của nhóm nhạc Big Bang. Album "Solar" của anh đã giữ vị trí số 1 trên bảng xếp hạng doanh số bán hàng iTunes R & B tại Canada và giữ vị trí số 2 tại Mỹ vào đầu năm 2010, một vị trí quán quân đầu tiên của một ca sĩ Hàn Quốc. Thành công của Tae Yang thậm chí còn ấn tượng hơn bởi vì tất cả các bài hát trong album đều bằng tiếng Hàn và những đối thủ cạnh tranh của anh gồm những tên tuổi hàng đầu trong thế giới pop như Usher và Ne-Yo. Đây là lần đầu tiên có một ca sĩ Hàn Quốc đã đứng đầu bảng xếp hạng tại Bắc Mỹ.
Sự phổ biến của Tae Yang đã được khuếch đại thêm khi hai ca sĩ và và b-boys người Canada tên là J. Reyez và Tommy C. đã trở thành hiện tượng trên trang YouTube khi cover lại bài hát "Wedding Dress" của Tae Yang.
Tae Yang càng nổi vì hai ca sỹ Canada cover ca khúc của anh
Một ban nhạc cũng đã thành công trong thị trường Bắc Mỹ là nhóm nhạc nữ 9 thành viên: SNSD. Khi nhóm nhạc tham gia vào một sự kiện được câu lạc bộ fan hâm mộ Soshified (từ viết tắt của SNSD trong tiếng Hàn là Shoshi ghép với từ tiếng Anh là "satisfied") tổ chức vào ngày 08/01 tại Los Angeles, thì tại đây có sự hiện diện của 500 đại diện từ 120.000 thành viên trên toàn thế giới.
Một thành viên fan club nói: "Tôi đã bắt đầu học tiếng Hàn Quốc vì tình yêu của tôi dành cho K-pop. Thật khó khi thấy những người thuộc mọi lứa tuổi lại cùng nhau tận hưởng một thể loại âm nhạc duy nhất, nhưng K-pop dường như không có giới hạn đó".
Song Gi-cheol, một nhà phê bình văn hóa pop Hàn Quốc, người đã nghiên cứu hiện tượng Hallyu này, cho biết: "K-pop đã bắt đầu đạt được chất lượng của nhạc pop Mỹ. Âm nhạc mà chúng tôi đang sản xuất hiện nay cũng là những lại âm nhạc sản xuất khá nổi tiếng và chính bản thân các ca sĩ cũng thể hiện cho thấy rất nhiều tài năng".
Tháng 9 năm ngoái, một buổi biểu diễn được SM Entertainment, công ty giải trí lớn nhất tại Hàn Quốc, tổ chức tại Los Angeles với những nhóm nhạc nổi tiếng nhất của họ, bao gồm cả SNSD và Super Junior. Tất cả 15.000 vé cho buổi biểu diễn đã được bán hết sạch trước cả tháng. Và đó chỉ là chiến lược mà các công ty giải trí bắt đầu sử dụng trong việc tấn công vào thị trường của mình.
Vào ngày 13/01, thời Báo Wall Street rằng các ca sĩ và nhóm nhạc Hàn Quốc đang sử dụng mạng xã hội để quảng bá âm nhạc của họ. Theo bài báo: "Các video trên YouTube đang thu hút và đạt lực kéo mạnh mẽ trong thị trường mới nổi, nơi nhà sản xuất nội địa đang tìm kiếm phương thức tốn ít tiền để tiếp cận khán giả ở nước ngoài và tạo ra nhu cầu cho các nghệ sĩ của mình, mà không cần phải mở văn phòng hay ký hợp đồng với các đối tác của các hãng băng đĩa ở các nước khác".
Được biết SM Entertainment đã sử dụng các trang web chia sẻ video để "phát tán" video của các nghệ sỹ mình quản lý. Và thậm chí hai đối thủ cạnh tranh lớn nhất tại Hàn Quốc là YG Entertainment và JYP Productions, cùng với khoảng hai chục hãng băng đĩa nhỏ hơn đã làm điều tương tự.
Trong khi đó, sự quan tâm chú ý đến K-pop của khán giả đang tăng lên cũng đã thu hút được các nhà sản xuất Mỹ. EP mới của Wonder Girls, sẽ ra mắt tại Mỹ vào tháng 3, được sản xuất bởi Rodney Jerkins, nhạc sỹ/nhà sản xuất nổi tiếng với các tác phẩm cùng thực hiện với ông hoàng nhạc pop quá cố Michael Jackson. Album của JYJ, bộ ba gồm các thành viên cũ của nhóm nhạc DBSK, được sản xuất bởi Warner Music Group với sự tham gia của ca sĩ hip-hop nổi tiếng Kanye West.
Trong một nghiên cứu gần đây, tờ JoongAng Ilbo muốn kiểm tra sự phổ biến của K-pop qua khảo sát 923 video clip của các nghệ sỹ Hàn Quốc đã được tải lên YouTube năm 2010, thuộc ba công ty quản lý lớn SM Entertainment, YG Entertainment và JYP Entertainment. Kết quả cho thấy các video của các nghệ sĩ Hàn Quốc có 793,57 triệu lượt truy cập từ người dân ở các quốc gia khác trên toàn thế giới. Hơn 500 triệu lượt xem là từ lục địa châu Á, 120 triệu từ các lục địa Mỹ Châu và 55 triệu người từ châu Âu.
Lee Won Jin, giám đốc quản lý của Google Hàn Quốc, nói: "Qua thực tế video của K-pop đã có gần 800 triệu lượt truy cập từ người xem trên toàn thế giới, chứng minh rằng K-pop có tiềm năng để thành công trong bất kỳ thị trường nào".
Minh Trang
Theo 2sao
Làn sóng Hallyu thứ 3 trên đất Nhật Việc nhóm nhạc nữ SNSD lọt vào top 5 của bảng xếp hạng danh giá nhất Nhật Bản không chỉ có ý nghĩa của riêng nhóm nhạc này. Với single tiếng Nhật đầu tay, Genie phát hành vào ngày 8/9 vừa qua, nhóm nhạc nữ SNSD ngay lập tức giành được vị trí cao trên thị trường J-Pop. Genie ngay sau khi phát...