Nguy cơ vỡ trận dịch tả lợn châu Phi, Thủ tướng ra công điện khẩn
Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi khiến hơn 2 triệu con lợn buộc phải tiêu hủy, 52 tỉnh xuất hiện các ổ dịch, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có công điện yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt các biện pháp Phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi.
Nội dung Công điện nêu rõ: Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhưng thời gian qua vẫn còn những tồn tại, bất cập, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác phòng, chống bệnh DTLCP như: Tổ chức xử lý tiêu hủy lợn bệnh chưa kịp thời, không bảo đảm yêu cầu, làm lây lan dịch bệnh, gây ô nhiễm môi trường và gây bức xúc cho cộng đồng; Một số địa phương đã có hiện tượng trục lợi chính sách hỗ trợ tiêu hủy lợn.
Nhiều địa phương tiêu hủy lợn bị dịch tả lợn châu Phi chưa đúng cách.
Hệ thống thú y chưa được kiện toàn, củng cố theo đúng quy định của Luật thú y, chưa chủ động tham mưu có hiệu quả cho chính quyền cơ sở, chưa chủ động giám sát, tổ chức thực hiện nghiêm các giải pháp về thú y; Công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật chưa đúng với quy định, không thực hiện kiểm dịch tại nơi xuất phát, không kiểm soát chặt chẽ dẫn đến chủ phương tiện vận chuyển tự phá hủy niêm phong, bán lợn bệnh, lợn nghi mắc bệnh trong quá trình vận chuyển.
Để khắc phục tình trạng trên và chủ động triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành trung ương, đặc biệt là cấp ủy đảng và chính quyền các cấp ở địa phương tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, quyết liệt chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống, dập dịch với phương châm “phòng, chống dịch như chống giặc”, “phòng là chính, cơ sở và người dân là chính”.
Chỉ đạo chính quyền cơ sở, cơ quan chuyên môn các cấp của địa phương tổ chức giám sát chặt chẽ, kịp thời phát hiện, xử lý tiêu hủy lợn bệnh theo đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, hạn chế lây lan dịch bệnh, không để xảy ra ô nhiễm môi trường gây bức xúc cho cộng đồng. Các cấp địa phương từ tỉnh đến huyện, xã, thôn, doanh nghiệp chăn nuôi và hộ gia đình phải có kế hoạch phòng chống dịch phù hợp với tình hình cụ thể.
Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp trục lợi chính sách hỗ trợ tiêu hủy lợn bệnh, các trường hợp khai không đúng về số lượng và trọng lượng lợn buộc phải tiêu hủy theo quy định.
Video đang HOT
Khẩn trương kiện toàn, củng cố hệ thống thú y các cấp theo đúng quy định của Luật thú y, tăng cường năng lực hệ thống thú y đảm bảo thực thi nhiệm vụ và chủ động tham mưu cho chính quyền cơ sở; chủ động tổ chức giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý lợn bệnh; tổ chức kiểm soát vận chuyển, kiểm soát giết mổ lợn theo đúng quy định;
Tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh, sát trùng phòng dịch, không sử dụng thức ăn dư thừa để cho lợn ăn; các trang trại, hộ chăn nuôi lớn không chủ quan, tăng cường hơn nữa các biện pháp an toàn sinh học để bảo vệ đàn lợn đặc biệt đàn giống để tái đàn sau khi hết dịch.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, hướng dẫn kiểm tra, đôn đốc các địa phương đẩy mạnh cấu trúc lại ngành chăn nuôi, đa dạng hóa vật nuôi, trước mắt tập trung phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, thủy sản,… để bù đắp thiếu hụt sản phẩm thịt lợn nhằm phục vụ tốt đời sống người dân.
Các Bộ, ngành và từng thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống bệnh DTLCP tổ chức các đoàn công tác đến đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thực hiện tại các địa phương.
Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại trên 3.000 xã, phường, thị trấn của 52 tỉnh, thành phố, buộc phải tiêu hủy tổng số trên 2 triệu con lợn. Nguy cơ bệnh DTLCP tiếp tục phát sinh, lây lan nhanh đến các địa phương chưa có dịch; tái phát tại các địa phương đã qua 30 ngày; xâm nhiễm vào các cơ sở chăn nuôi lợn tập trung, quy mô lớn là rất cao, dẫn đến buộc phải tiêu hủy nhiều lợn trong thời gian tới.
Theo Danviet
Kênh rạch chằng chịt, miền Tây khó đối phó với dịch tả lợn châu Phi
Trước những diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi ở khu vực Đông và Tây Nam Bộ, Bộ NNPTNT vừa có Công văn số 3707/BNN-TY gửi các tỉnh, thành phố trong khu vực yêu cầu tăng cường các biện pháp phòng chống dịch.
Theo công văn này, trong quá trình kiểm tra, rà soát quá trình phòng chống dịch tả lợn châu Phi ở khu vực Đông và Tây Nam Bộ, Bộ NNPTNT đã rà soát và phát hiện một số tồn tại, bất cập trong công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi như: Phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, xen lẫn trong khu dân cư vẫn còn phổ biến; mật độ chăn nuôi cao, gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch.
Trong khi đó, hầu hết các chủ hộ chăn nuôi chưa lường hết mức độ nguy hiểm của dịch bệnh nên chưa áp dụng triệt để các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi; thậm chí một số hộ vẫn sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt cho đàn lợn; các hộ chăn nuôi khi phát hiện lợn bệnh không kịp thời báo với chính quyền, ngành chức năng mà tự điều trị, vứt xác lợn ra ngoài môi trường.
Cán bộ thú y vệ sinh, tiêu độc chuồng trại chăn nuôi lợn. Ảnh: Ngọc Quyên.
Công tác chủ động giám sát, phát hiện, công bố và báo cáo dịch bệnh chưa kịp thời; chưa làm tốt công tác kiểm soát giết mổ, tình trạng giết mổ lậu vẫn diễn ra thường xuyên; công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng chưa đáp ứng yêu cầu, làm chưa thường xuyên và rộng khắp; việc tiêu hủy lợn bệnh, lợn nghi mắc bệnh chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật...
Điều đáng lo ngại là, khu vực Đông và Tây Nam Bộ đang bước vào mùa mưa, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có hệ thống sông ngòi dày đặc, giao thông đường bộ và đường thủy đan xen nên rất khó kiểm soát. Theo Bộ NNPTNT, dịch tả lợn châu Phi có thể phát triển theo 3 hướng: Dịch bệnh dễ dàng phát tán, lây lan nhanh và lan tỏa đến các địa bàn chưa có dịch; tái phát các ổ dịch cũ qua 30 ngày; dịch bệnh xâm nhiễm vào các cơ sở chăn nuôi lợn tập trung, quy mô lớn.
Vì vậy, để từng bước ngăn chặn, tiến tới kiểm soát được dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi, trong công văn 3707, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến yêu cầu các địa phương trong khu vực Đông và Tây Nam Bộ cần rà soát và hoàn chỉnh ngay các phương án phòng, chống dịch ở các cấp độ khác nhau, cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp chịu trách nhiệm trước cấp ủy, chính quyền cấp trên về công tác phòng chống dịch.
Tổ chức giám sát, phát hiện sớm, xử lý sớm và kịp thời các ổ dịch; việc xử lý chôn lấp cần chú ý đến giảm thiểu tối đa các tác hại môi trường, đặc biệt là ở vùng ngập nước Tây Nam Bộ.
Tiêu hủy đàn heo ở phường Mỹ Thạnh (TP.Long Xuyên, An Giang). Ảnh: Báo An Giang.
Tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi thực hiện tốt các biện pháp an toàn sinh học, khuyến cáo người dân không sử dụng thức ăn dư thừa cho lợn ăn. Các trang trại, hộ chăn nuôi lớn không được chủ quan; cần phải tăng cường các biện pháp an toàn sinh học để bảo vệ đàn lợn; rà soát, tăng cường bảo vệ đàn lợn giống cụ kỵ, ông bà, bố mẹ,... để sau khi dịch hết dịch có con giống chất lượng để tái đàn.
Tăng cường tần suất tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi và xung quanh, đường giao thông, khu vực công cộng trên địa bàn xã hàng ngày; hướng dẫn các hộ tần suất tiêu độc khử trùng chuồng trại và môi trường xung quanh.
Kiện toàn hệ thống thú y theo chỉ đạo của Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo yêu cầu công tác phòng chống dịch bệnh.
Các địa phương tiếp tục rà soát các tuyến đường có thể vận chuyển lợn vào địa bàn (đặc biệt lưu ý đường thủy) để thành lập các tổ kiểm tra lưu động, chốt kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm.
Nghiên cứu thành lập đội tiêu hủy lợn chuyên nghiệp với phương châm xử lý nhanh, chấp hành chặt chẽ việc vệ sinh tiêu độc, tránh phát tán mầm bệnh. Tiếp tục xây dựng các vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh và xây dựng các chuỗi sản xuất sản phẩm chăn nuôi đảm bảo an toàn.
Theo thống kê, tính đến ngày 27/5, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra ở 10 tỉnh thuộc khu vực Đông và Tây Nam Bộ (Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Vĩnh Long, Hậu Giang, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ và Sóc Trăng); tổng số lợn mắc bệnh và buộc phải tiêu hủy 7.000 con, chiếm 0,11% tổng đàn trong khu vực.
Theo Danviet
Đồng Tháp phát hiện thêm ổ dịch tả lợn châu Phi Sau khi Đồng Tháp phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên tại huyện Tân Hồng, đến chiều 26/5, Đồng Tháp ghi nhận thêm một ổ dịch mới xảy ra tại hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, ông Mai Quốc Hậu, Trưởng Phòng Nông nghiệp...