Nguy cơ từ cách tung đòn hỏa mù đối phó Triều Tiên của Trump
“Đòn gió” của Trump có thể khiến Triều Tiên nhượng bộ, nhưng cũng làm các lãnh đạo thế giới khó đoán được chính sách đối ngoại thực sự của Mỹ.
Tên lửa đạn đạo Triều Tiên trong một lễ duyệt binh. Ảnh: Reuters
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên cuối tuần qua lên đến đỉnh điểm, khi Mỹ tuyên bố đã điều một cụm tàu sân bay chiến đấu tới ngoài khơi Triều Tiên, trong khi Bình Nhưỡng thề sẽ đáp trả bằng mọi biện pháp, kể cả vũ khí hạt nhân, nếu bị tấn công. Dư luận lo sợ chỉ một tính toán sai lầm nhỏ cũng có thể đẩy khu vực vào một cuộc chiến tranh hạt nhân hủy diệt.
Thế nhưng cuối cùng đã không có gì xảy ra khi Bình Nhưỡng quyết định không thử hạt nhân lần thứ 6. Ngày 16/4, Triều Tiên phóng thử một tên lửa tầm trung, nhưng không thành công, khiến Mỹ và Trung Quốc không có động thái đáp trả nào.
Theo bình luận viên John Everard của CNN, lời giải thích thỏa đáng nhất cho tình huống này là Triều Tiên đã chịu nhún, từ bỏ kế hoạch thử hạt nhân vào “Ngày Mặt trời”, sau khi đánh giá rằng nguy cơ hứng chịu đòn tấn công trả đũa là quá lớn.
Lãnh đạo Triều Tiên có thể đã tính toán rằng việc tiến hành một vụ thử hạt nhân hay tên lửa đạn đạo tầm xa là quá mạo hiểm, nên họ đã chọn giải pháp an toàn hơn là phóng thử tên lửa tầm trung, động thái giúp Bình Nhưỡng chứng tỏ rằng họ không hề lùi bước trước sức ép từ nước ngoài, đồng thời không châm ngòi cho phản ứng giận dữ của quốc tế.
Nhưng cụm tàu sân bay USS Carl Vinson mà Bình Nhưỡng cho rằng đang “rình rập” trước cửa nhà, sẵn sàng tung đòn tấn công phủ đầu vào hôm 15/4, trên thực tế lại đang ở cách biển Nhật Bản hơn 5.000 km. Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng “hạm đội hùng hậu” này đang đến gần Triều Tiên là không chính xác.
Everard cho rằng đây có thể là một “đòn gió” của Tổng thống Mỹ Donald Trump, với mục đích trước mắt là ngăn chặn bước phát triển mới trong chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Theo các chuyên gia quân sự, để hoàn thiện được vũ khí hạt nhân, Triều Tiên bắt buộc phải thử chúng trên thực địa. Một khi Bình Nhưỡng không dám thử hạt nhân vì lo sợ hậu quả, chương trình hạt nhân của họ về cơ bản là đã bị ngừng trệ.
Việc sử dụng tàu sân bay Carl Vinson như một lá bài để gây sức ép với Triều Tiên được cho là kết quả của chính sách mới của chính quyền Trump, đó là tăng cường sức ép lên Bình Nhưỡng thay vì theo đuổi đàm phán để nước này từ bỏ chương trình hạt nhân.
Nói không đi đôi với làm
Tàu sân bay USS Carl Vinson không có mặt ở biển Nhật Bản trong tuần qua như ông Trump tuyên bố. Ảnh: US Navy
Cho đến nay, chính sách này của ông Trump đã thể hiện được sự thành công nhất định, tháo gỡ một trong những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trên bán đảo Triều Tiên, Everard nhận định.
Tuy nhiên, nhiều quan sát viên lo ngại rằng trong khi giải quyết được mối đe dọa hạt nhân Triều Tiên về ngắn hạn, cách đe dọa sử dụng vũ lực kiểu “hư hư thực thực” của ông Trump có thể gây ra những tác động tiêu cực đối với Mỹ về lâu dài, làm gia tăng nguy cơ tính toán sai lầm khi các quốc gia tìm cách đối phó với một tổng thống Mỹ ngày càng khó lường, theo NYTimes.
Video đang HOT
“Bắc Kinh, Moscow, Tehran đều đang phải điều chỉnh chiến lược của mình – bạn không thể phủ nhận điều đó – bởi họ không biết ông Trump sẽ phản ứng thế nào”, Thượng nghị sĩ Mark Warner thuộc Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ, nói.
“Đây có thể là điều hay trong ngắn hạn”, ông nói thêm, “nhưng đó không phải là một chiến lược dài hơi thực sự để thể hiện khả năng lãnh đạo trong một thế giới vốn đang thiếu đi vai trò lãnh đạo của Mỹ”. “Trung Quốc, Nga và Iran đều có những chiến lược lâu dài thực sự của mình. Tại sao chúng ta lại không có?”, ông Warner đặt câu hỏi.
Tổng thống Trump đã khiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lặng người và cả thế giới sửng sốt khi ra lệnh không kích bằng tên lửa hành trình nhắm vào Syria. Nhưng sau màn phô diễn sức mạnh ấn tượng đó, sự cố liên quan đến hành trình của tàu Carl Vinson lại cho thấy giữa Nhà Trắng và Lầu Năm Góc chưa thực sự xây dựng được mối liên hệ kịp thời, vững chắc.
“Lời nói phải đi đôi với việc làm”, Thượng nghị sĩ Jack Reed, cựu thành viên lực lượng biệt kích Mỹ và hiện là ủy viên Ủy ban Quân vụ Thượng viện, tuyên bố. “Nếu đó chỉ là lời lừa gạt, nó thực sự rất nguy hiểm. Nếu đó là vì Tổng thống không được thông tin đầy đủ, nó cũng là rắc rối lớn”.
Dư luận Hàn Quốc, một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở Đông Á, cũng cảm thấy như bị phản bội khi biết được sự thật về hành trình của tàu Carl Vinson. Báo chí nước này giật những dòng tít như “Lời dối trá của Trump về tàu Carl Vinson”, trong khi các nghị sĩ Hàn Quốc cảnh báo rằng họ có thể sẽ không bao giờ tin lời Tổng thống Mỹ nữa.
Các nhà ngoại giao cho rằng những ồn ào quanh hành trình của tàu Carl Vinson cho thấy sự bất nhất trong lời nói và hành động của Tổng thống Mỹ, khiến các lãnh đạo thế giới rất khó để đưa ra bất cứ kết luận nào đủ chắc chắn về chính sách đối ngoại của nước này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP
Theo Antony Blinken, phó cố vấn an ninh quốc gia dưới thời Tổng thống Obama, khoảng trống giữa lời nói và hành động của ông Trump có thể khiến nước Mỹ gặp khó khăn hơn trong giải quyết những cuộc khủng hoảng tương lai, khi đối phương không còn tin vào những lời đe dọa sử dụng vũ lực của Mỹ.
“Ông ấy tạo ra nguy cơ làm nảy sinh tính toán sai lầm dựa trên những lời nói khoa trương của mình. Nước Mỹ vẫn luôn cho rằng sẽ tốt hơn nếu nói nhỏ nhưng mang theo cây gậy lớn”, Blinken nhấn mạnh.
Trí Dũng
Theo VNE
Không phải Triều Tiên - Syria, Tomahawk Mỹ đang nhằm vào đâu?
Không phải Triều Tiên và Syria, các tên lửa hành trình Tomahawk của Hoa Kỳ đã chuyển hướng sang một mục tiêu mới mà ít ai nghĩ đến.
Ai Cập nhờ Mỹ tấn công tên lửa vào mục tiêu IS ở Sinai
Ngày 7/4 vừa qua, 59 quả tên lửa hành trình Tomahawk phóng từ 2 khu trục hạm lớp Arleigh Burker của hải quân Mỹ đã phá hủy 1 phần 5 số máy bay của không quân Syria tại căn cứ không quân Shayrat, để đáp trả "vụ tấn công hóa học của Assad đối với thường dân Syria ở tỉnh Idlib".
Trong tuần qua, hầu hết mọi chuyên gia đều nhận định rằng, các tên lửa hành trình Tomahawk Mỹ đang nhằm vào Triều Tiên, sau khi Nhà Trắng tuyên bố điều 3 biên đội tàu sân bay CVN-68 USS Nimitz, CVN-70 USS Carl Vinson và CVN-76 USS Ronald Reagan đến khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, cho đến ngày 19/4, CVN-70 vẫn đang ở vùng biển Ấn Độ Dương để tham gia các cuộc tập trận và tuần tra chung với hải quân Australia; còn CVN-68 và CVN-76 không biết bao giờ mới khởi hành đến châu Á-Thái Bình Dương.
Nguy cơ Syria và Triều Tiên bị tấn công đang dần dần bị đẩy lùi ít ra là trong thời gian ngắn tới, một phần là do các sự kiện đã lắng xuống, một phần là chính quyền Donald Trump đã chọn cho mình một mục tiêu khác, những tên lửa Mỹ đã sẵn sàng tấn công vào một mục tiêu mới.
Theo báo cáo về quân sự và chống khủng bố của DEBKAfile, Hạm đội Địa Trung Hải của Mỹ đang tiến vào vị trí sẵn sàng cho một quyết định phóng tên lửa hành trình Tomahawk để tấn công vào các căn cứ của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo ở vùng núi rừng, thuộc trung tâm của bán đảo Sinai.
Trụ sở chính của IS được tổ chức khủng bố này xây dựng cực kỳ kiên cố với một mạng lưới đường hầm và hang động chằng chịt, được kết nối với nhau ở núi Jabal Halal, thuộc trung tâm của bán đảo Sinai, được gán cho biệt danh là "Tora Bora của Sinai".
Đây là hệ thống hang động ngầm, boong-ke và các trại lính được xây dựng nằm sâu trong thung lũng Tora Bora bị tuyết phủ kín tại tỉnh Nangarhar của Afghanistan. Hệ thống hầm ngầm này dài gần 4km nằm cách thủ phủ Jalalabad của tỉnh Nangarhar 35 dặm (khoảng hơn 56km).
Ai Cập nhờ Mỹ tấn công mục tiêu IS ở vùng núi của bán đảo Sinai
Mạng lưới hang động ngầm này do chính Cục tình báo Trung ương Mỹ CIA cung cấp ngân sách cho phiến quân Hồi giáo hồi Taliban xây dựng năm 1980, để tạo ra hệ thống căn cứ kiên cố chống lại quân đội Liên Xô, sau đó chúng tiếp tục được al-Qaeda và IS sử dụng.
Cuộc tấn công cuối cùng của Ai Cập vào thành trì kiên cố của IS ở Sinnai đã diễn ra vào ngày 2/4, ngay trước khi Tổng thống El-Sisi đi Washington. Quân đội nước này tuyên bố rằng, 31 tay súng khủng bố đã bị giết và một số hang động cất trữ giữ vũ khí và đạn dược bị phá hủy.
Tuy nhiên, thiệt hại là không đáng kể để làm sụp đổ hoạt động của tổ chức khủng bố, do quân đội Ai Cập không đủ thực lực để đánh sập hệ thống hang động này, đồng thời đa phần bọn khủng bố đã trốn thoát với sự trợ giúp của các bộ tộc người Bedouin.
Tộc người du mục nói tiếng Ả Rập ở vùng sa mạc Trung Đông, đặc biệt là Bắc Phi này vốn quen thuộc với mọi ngóc ngách và những nơi hẻo lánh ở bán đảo sa mạc, đã hướng dẫn IS đến nơi an toàn trong những hang động mới ở Jabal Halal khiến quân đội Ai Cập không thể tiếp cận được.
Khu căn cứ mới của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS chỉ có thể bị phá hủy bởi các loại bom khoan hay tên lửa hành trình có đầu nổ xuyên phá trong lòng đất, mà điều này Quân đội Ai Cập không thể làm được, do đó, họ phải cầu viện đến các loại vũ khí Mỹ.
Mỹ sẽ giúp Ai Cập, tấn công Tomahawk vào IS ở Sinai?
Hiện tại, lực lượng hải quân Mỹ ở Địa Trung Hải có 4 tàu khu trục mang tên lửa hành trình Tomahawk, bao gồm USS Ross (DDG-71), USS Carney (DDG 64), USS Donald Cook (DDG 75) và USS Porter (DDG 78).
Mỗi chiếc khu trục hạm lớp Arleigh Burke này được trang bị hệ thống phóng thẳng đứng Mk41 với 64 ống phóng tên lửa đa năng, có thể phóng tên lửa chống ngầm, tên lửa phòng không hoặc tên lửa hành trình.
Khi các cuộc tấn công được xác định là các mục tiêu mặt đất mỗi ống phóng sẽ được nạp một tên lửa hành trình BGM-109 Tomahawk, cơ số tên lửa Tomahawk tối đa mỗi tàu có thể mang theo là 90 quả.
Nhóm chiến đấu mặt nước này có thể được sự hỗ trợ của một tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Ohio, với hơn 150 tên lửa hành trình loại này.
Ngoài ra, Hạm đội 5 Hoa Kỳ có một nhóm tàu chiến lớn khác, có thể được triển khai tấn công từ tận Vịnh Ba Tư và Biển Đỏ, đứng đầu là tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower (CVN 69).
Biên đội tàu hộ tống nó gồm có bốn tàu khu trục USS Nitze (DDG 94), USS Roosevelt (DDG 80), USS Mason (DDG 55), USS Mason (DDG 87) và hai tuần dương hạm tên lửa dẫn đường là USS San Jacinto (CG 56), USS Monterey (CG 61). Nhóm tàu mặt nước này được tăng cường hai tàu ngầm hạt nhân tấn công đa năng, mang vài chục tên lửa Tomahawk.
Theo các chuyên gia quân sự, lực lượng của hạm đội 5 và Hạm đội 6 Mỹ dư sức tiến hành một cuộc tiến công hủy diệt bằng tên lửa hành trình vào các mục tiêu IS ở "Tora Bora của Sinai". Vấn đề chỉ là liệu Nhà Trắng có quyết định hỗ trợ Ai Cập hay không mà thôi.
Theo giới phân tích, cuộc tấn công này đã được thảo luận trong chuyến thăm của Tổng thống Ai Cập Abdul-Fatteh El-Sisi tới Nhà Trắng vào ngày 3/4. Ông đã trình bày với Tổng thống Donald Trump về những khó khăn to lớn khi tấn công vào trụ sở chính của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo.
Quân đội Ai Cập không đủ khả năng phá hủy các hầm ngầm của IS ở Halal
Việc có tiến hành một cuộc tấn công tên lửa của Mỹ vào Trung tâm chỉ huy và hệ thống kho tàng của khủng bố IS ở bán đảo Sinai của Ai Cập có thể được nhà lãnh đạo Lầu Năm Góc James Mattis thông báo trong chuyến thăm thủ đô Cairo vào ngày 19/4.
Người Ai Cập và người Mỹ tin rằng nếu trung tâm chỉ huy IS ở hệ thống hang động Jabal Halal của bán đảo Sinai bị phá hủy, họ sẽ cắt đứt nguồn cung cấp lực lượng, vũ khí và chất nổ của khủng bố IS từ khu vực rừng núi đến cho các mạng lưới khủng bố nằm trong các khu vực dân cư đông đúc.
Thiếu nguồn tiếp viện, lực lượng khủng bố IS ở Bắc Sinai sẽ nhanh chóng suy sụp, giúp chiến dịch khủng bố của người Ai Cập sẽ nhanh chóng đạt được mục đích.
Jabal Halal cũng là trung tâm của các mạng lưới buôn lậu và trung chuyển vũ khí của IS, thông qua khu vực này, các tay súng và vũ khí, đạn dược của IS sẽ được vận chuyển từ miền nam Libya sang Sinai và Ai Cập. Việc phá hủy chúng cũng sẽ tạo ra một cú đấm mạnh vào lực lượng IS ở Lebanon, Syria và Iraq.
Hiện nay, chưa có thông tin nào về việc Nhà Trắng đã quyết định giáng đòn tấn công vào IS ở bán đảo Sinai hay chưa, tuy nhiên, các chuyên gia quân sự nhận định rằng, xét theo mối quan hệ giữa Mỹ với Ai Cập và sự cạnh tranh ảnh hưởng quyết liệt với Moscow ở đất nước này và cả khu vực Trung Đông, Washington sẽ trợ giúp Cairo.
Theo các chuyên gia quân sự, cuộc tấn công tên lửa tương lai của Mỹ vào bán đảo Sinai sẽ đẩy cuộc chiến chống IS ở Trung Đông sang một quốc gia mới là Ai Cập và rất có thể trong tương lai sẽ là Libya, khiến cục diện khu vực Trung Đông-Bắc Phi sẽ diễn biến rất khó lường.
Theo Thiên Nam
Đất Việt
Tàu sân bay "trái lệnh" đến Triều Tiên: Nhà Trắng bối rối Tàu sân bay Mỹ tuần trước không ở ngoài khơi bán đảo Triều Tiên như Washington thông báo, khiến cho người dân Hàn Quốc cảm thấy "bị lừa". Tàu sân bay Mỹ Carl Vinson chưa có mặt ở khu vực bán đảo Triều Tiên. Theo News.com.au, hai tuần trước, chính quyền Trump thông báo điều tàu sân bay USS Carl Vinson đến gần...