Nguy cơ trẻ mắc viêm da cơ địa khi giao mùa
Thời tiết giao mùa khiến không ít người gặp các bệnh lý về da. Trong đó, số bệnh nhi mắc viêm da cơ địa có xu hướng tăng đáng kể vào thời gian này.
Bác sĩ thăm khám trẻ mắc viêm da cơ địa tại Bệnh viện Da liễu Trung ương. Ảnh: BVCC
Da hanh khô trong mùa Thu Đông
Tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, bé N.L.P (18 tháng tuổi, trú tại Thạch Thất, Hà Nội) được bà và mẹ đưa đi khám. Trẻ vào viện với khuôn mặt xước đỏ, thậm chí có vết xước mưng mủ.
Mẹ bé P cho hay: “Con được chẩn đoán viêm da cơ địa từ 1 tháng tuổi, gãi đến đâu mẩn ngứa nổi lan đến đó. Thời tiết càng khô hanh con lại càng ngứa. Mấy hôm nay, con lại bắt đầu ngứa nhiều, vì lo lắng nên gia đình tôi đưa con đi thăm khám”.
Vừa dỗ con khóc, chị P.T.P. (Ba Đình, Hà Nội) cho biết suốt 3 ngày qua, con trai 13 tháng tuổi của chị thường quấy khóc và đưa tay cào mặt do ngứa.
“Vài hôm nay hai bên má của bé khô, ửng đỏ, con khóc quấy và ngứa rất nhiều. Các bác sĩ vừa thăm khám và chẩn đoán bé mắc viêm da cơ địa ở má”, chị P., mẹ bệnh nhi chia sẻ.
Chia sẻ về vấn đề này, BSCKII Nguyễn Thùy Linh – Phó Trưởng khoa Điều trị bệnh da phụ nữ và trẻ em, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết: Bước vào mùa Thu Đông, làn da của chúng ta trở nên hanh khô, giảm sức đề kháng. Từ đó, dẫn đến da bị suy yếu, kích ứng hay gặp các bệnh lý như viêm da, chàm, dị ứng, nấm da, vảy nến…
“Trong số này, dù chưa có thống kê cụ thể, nhưng sơ bộ cho thấy thời điểm này tình trạng trẻ mắc viêm da cơ địa gia tăng đáng kể. Đa phần có biểu hiện da khô quá, ngứa ngáy khó chịu và càng gãi càng ngứa, gây tổn thương da trầm trọng hơn”, chuyên gia cho biết.
Video đang HOT
Bác sĩ Thùy Linh lý giải, tổn thương điển hình của viêm da cơ địa ở trẻ nhỏ là các đám da đỏ bên trên có mụn nước nhỏ li ti tập trung thành đám rất ngứa. Những mụn nước này rất dễ vỡ, chảy dịch vàng. Nếu không được điều trị sẽ bị nhiễm trùng, tạo nên các vảy tiết màu vàng nâu trên da.
Tổn thương thường ở hai má, cằm và cẳng chân. Tình trạng này kéo dài mà không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách sẽ làm vảy tiết dày lên, lan ra toàn bộ vùng đầu mặt của trẻ. Nặng hơn nữa có thể gây ra tình trạng đỏ da toàn thân.
Đây là biến chứng nặng nhất trong chuyên ngành da liễu. Bởi, khi đó, những trao đổi chất qua da tăng lên cực mạnh, khiến cơ thể bị mất năng lượng nhiều, mất protein, mất nước toàn cơ thể. Bệnh nhân có thể bị rối loạn điện giải hoặc nguy hiểm tính mạng nếu không được điều trị, chăm sóc kịp thời.
Nguy cơ nhiễm trùng thứ phát
Trong khi đó, BSCKII Nguyễn Thanh Thùy – Trưởng khoa Điều trị bệnh da phụ nữ và trẻ em, Bệnh viện Da liễu Trung ương cảnh báo, mặc dù viêm da cơ địa là bệnh không lây, nhưng nếu không được điều trị có thể dẫn đến tình trạng nhiễm trùng thứ phát do vi khuẩn, virus.
Đáng lo hơn, nhiều cha mẹ mắc sai lầm, nghĩ triệu chứng mẩn ngứa là bệnh đơn giản, chỉ cần tắm nước lá cho mát dịu, sau đó tự mua thuốc về bôi, bệnh sẽ ổn. Song, những phụ huynh này không biết rằng, việc lạm dụng bôi thuốc sẽ ảnh hưởng khôn lường. Thậm chí, nhiều bệnh nhi phải nhập viện vì tổn thương da nặng.
“Khi bị viêm da cơ địa, trẻ sẽ có biểu hiện khô da, mẩn đỏ, ngứa ngáy gây khó chịu. Cha mẹ bôi thuốc cho con, thấy trẻ đỡ ngay sau vài ngày và cứ nghĩ sẽ ổn. Tuy nhiên, cha mẹ không hề biết thuốc đó là corticoid, làm dịu ngứa rất nhanh”, bác sĩ Thùy nhấn mạnh.
Bởi, nếu lạm dụng lâu ngày, thuốc sẽ gây những tác dụng phụ như rạn da, teo da, rậm lông và kèm các yếu tố nhiễm khuẩn khác, gây biểu hiện mẩn ngứa toàn thân. Dùng thuốc kéo dài sẽ dẫn đến việc điều trị khó khăn hơn.
Bác sĩ Vũ Nguyệt Minh – Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm lâm sàng, Bệnh viện Da liễu Trung ương cũng nêu thực trạng, 10 bệnh nhân thì có đến 9 người từng ra hiệu thuốc nói viêm da và được bán cho loại thuốc chứa cả corticoid, kháng sinh, kháng nấm.
“Chúng tôi thường gọi là thuốc 3 thành phần. Thông thường, thuốc chứa corticoid là thuốc kháng viêm không đặc hiệu, giúp giảm triệu chứng viêm da rất nhanh. Tuy nhiên, không phải viêm da nào cũng được chỉ định dùng. Chưa kể đến việc tự ý điều trị kéo dài, làm tổn thương trên da nặng hơn dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh, tác dụng phụ và thậm chí gây biến chứng”, bác sĩ Minh cảnh báo.
Các chuyên gia khuyến cáo, để điều trị viêm da cơ địa, việc chăm sóc da cho trẻ là rất quan trọng, giúp bệnh được ổn định và tránh tái phát. Điều này cần sự tỉ mỉ khi chăm sóc và sự hợp tác chặt chẽ giữa thầy thuốc và cha mẹ của trẻ.
Cha mẹ không nên bôi, tắm cho trẻ bằng các nước lá không rõ nguồn gốc. Bởi, đây chính là nguyên nhân làm tình trạng bệnh của trẻ nặng thêm. Luôn luôn chú ý loại bỏ các yếu tố kích ứng làm cho tình trạng của bệnh nặng lên ví dụ như bụi, mạt nhà, phấn hoa, lông súc vật… Không nên cho trẻ ăn các loại thực phẩm có nguy cơ gây dị ứng hoặc thực phẩm lạ.
Ngoài ra, những trẻ bị viêm da cơ địa nên được tắm bằng những loại sữa tắm dịu nhẹ, ít kích ứng và có tính chất dưỡng ẩm. Đồng thời, tắm nước không quá nóng và không nên ngâm trẻ quá lâu.
Bác sĩ nhấn mạnh, khi thấy trẻ có biểu hiện mẩn đỏ, khô da nhiều, cha mẹ cần đưa con đến các cơ sở y tế chuyên khoa. Từ đó, được thăm khám xác định căn nguyên, điều trị kịp thời, tránh xảy ra biến chứng.
Nhiều người than trời vì kiến ba khoang
Trang bị lưới chống côn trùng, chuyển từ đèn huỳnh quang sang đèn vàng để tránh " thu hút" kiến ba khoang nhưng chị M.T (Hà Nội) vẫn là nạn nhân của loại côn trùng này.
Chung cư cao tầng cũng có kiến ba khoang
Chìa cánh tay có vết thương khá lớn đang dần đóng vảy, chị M.T (ở Hà Đông, Hà Nội) cho biết chỉ qua một đêm, từ nốt nhỏ như muỗi cắn, vết phỏng rát do kiến ba khoang lan rộng ra. "Sau vài ngày, khu vực vết thương thâm tím nhìn như sắp hoại tử, tôi vội đến bệnh viện. Giờ phần phỏng đã se và đóng vảy. Chắc sẽ để lại vết sẹo lớn trên tay", chị T nói.
Nhà luôn đóng kín cửa, ngày nào chị T cũng lau nhà ít nhất 1 lần, sofa cũng lau hút thường xuyên, nhưng không biết kiến ba khoang xâm nhập bằng cách nào. "May mắn trong nhà có mỗi mình bị kiến ba khoang cắn, còn lũ trẻ không sao. Gia đình vừa phun thuốc và tổng vệ sinh khắp nhà", chị T cho hay.
Vết tổn thương phồng rộp do kiến ba khoang gây ra.
Có con bị thương do kiến ba khoang, chị P. N (ở Thanh Xuân, Hà Nội) kể: "Tôi ở tầng 16 chung cư mà không hiểu sao cũng có kiến ba khoang. Bé con mới 3 tuổi, bị dính độc tố từ kiến ba khoang lúc nào không hay".
Khi trên trán bé xuất hiện những nốt phỏng kéo dài, gây ngứa ngáy, đau rát, chị N mới biết chuyện. Người phụ nữ này lập tức cho con đi khám và bôi thuốc nên bé nhanh khỏi.
Theo các chuyên gia, thời điểm này đang là mùa sinh sản của kiến ba khoang. Loại kiến này thường sống ở các ruộng lúa, cỏ mục, vườn cây, bãi rác thải, công trình đang xây dựng. Chúng xuất hiện nhiều vào mùa mưa, khi độ ẩm cao.
Thích ánh đèn ban đêm nên kiến ba khoang thường bay vào trong nhà theo ánh đèn chiếu sáng, rồi đậu vào quần áo, bàn ghế, giường chiếu... Chất độc trong cơ thể kiến được giải phóng khi chúng bị tác động hoặc chà xát, gây tổn thương da người (bỏng da, viêm da).
Không tự ý điều trị vết thương
Để tránh tổn thương nặng bởi nọc độc của kiến ba khoang, BS Vũ Thanh Tuấn (Bệnh viện đa khoa Medlatec) cho hay ngay sau khi bị thương, mọi người cần loại bỏ kiến ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên tuyệt đối không dùng tay để bắt hoặc đập kiến. Việc này nhằm tránh tiếp xúc với dịch của kiến ba khoang.
Cách tốt nhất là dùng giấy lót để loại bỏ kiến. Trong trường hợp lỡ tay chà xát hoặc đập kiến trên da, mọi người cần lập tức rửa vùng da đó thật sạch để hạn chế nguy cơ tiếp xúc với chất độc từ kiến.
Sau khi bị kiến đốt, vết kiến cắn thường gây ngứa nhưng nên cần hạn chế tối đa thói quen gãi ngứa, tránh gây trầy xước, khiến tình trạng tổn thương lan rộng và nghiêm trọng hơn. Hơn nữa, khi kiến vừa cắn xong, vết cắn thường chứa nhiều vi khuẩn. Việc gãi ngứa sẽ làm tăng nguy cơ gây nhiễm trùng da.
Người bị thương cần nên rửa vết kiến cắn để bằng nước sạch, đến cơ sở y tế gần nhất để được các bác sĩ điều trị kịp thời.
Để tránh biến chứng đáng tiếc, người bị nhiễm độc từ kiến ba khoang cần dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý mua thuốc và dùng thuốc, hay áp dụng các bài thuốc dân gian.
Theo BS Tuấn, nhiều người bệnh đã phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch do áp dụng biện pháp chữa bệnh truyền miệng để xử lý các vết thương do kiến ba khoang gây ra. Đáng nói, một số bài thuốc đắp lá có thể khiến tình trạng viêm loét trở nên nghiêm trọng hơn.
Long An phát hiện ca đậu mùa khỉ đầu tiên Bệnh nhân nam, 42 tuổi, được phát hiện dương tính với virus đậu mùa khỉ hiện đang tự cách ly tại nhà ở Cần Giuộc, Long An. Sáng 11-10, Sở Y tế Long An cho biết một người đàn ông 42 tuổi ở huyện Cần Giuộc đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus đậu mùa khỉ. Đây là ca đậu...