Nguy cơ tiềm ẩn sau việc ép, uốn, nhuộm tóc
Không ít người đẹp bị viêm da, dị ứng, thậm chí “đầu không còn sợi tóc” vì nhuộm tóc và duỗi tóc để tân trang sắc đẹp.
Việc buông lỏng quản lý và tình trạng mất kiểm soát đối với các loại mỹ phẩm hiện nay là một trong những nguyên nhân khiến người đi làm đẹp… chết dở.
Không ít người phải nhập viện vì làm tóc (Ảnh mang tính minh họa).
Vào viện vì làm tóc, nhuộm tóc
Thấy tóc xù xì, cuối tháng 12-2009, chị Nguyễn Thị Thơ, 27 tuổi ở quận 3 đến một hiệu làm tóc trên đường Phạm Ngọc Thạch để duỗi tóc. Sau khi làm đẹp tóc được 10 ngày, da đầu chị Thơ phát ngứa, sau đó tóc rụng dần. Bác sĩ Huỳnh Huy Hoàng -Trưởng khoa lâm sàng 2 BV Da liễu TPHCM cho biết, chị Thơ nhập viện được chẩn đoán đầu tóc hói toàn phần, phải điều trị tích cực.
Bác sĩ Hoàng cho biết, những năm gần đây, số bệnh nhân bị dị ứng, nấm móng tay, nấm da đầu phải vào viện Da liễu TPHCM chữa trị do các biến chứng từ làm tóc, dùng mỹ phẩm tăng lên đột biến.
Thống kê từ BV Da liễu TPHCM cho thấy, mỗi tháng nơi đây tiếp nhận khoảng 50 trường hợp đến thăm khám và điều trị do dị ứng mỹ phẩm làm đẹp tóc, nhuộm tóc gây nên.
Đầu tháng 5 vừa qua, BV Da liễu cũng tiếp nhận ông Phan H. T., 40 tuổi nhập viện trong tình trạng toàn bộ vùng da đầu chảy nước, bệnh nhân than ngứa ngáy và không thể ngủ được.
Theo các bác sĩ ghi nhận thì trước đó không lâu, bệnh nhân này đi nhuộm tóc, sau khi nhuộm chừng 10 phút, ông T, phát hoảng vì da đầu rát bỏng, ngứa ngáy, rồi chảy nước, buộc ông phải nhập viện. Tại khoa khám da liễu, các bác sĩ cho biết, da vùng đầu của ông T. đã phù nề và chảy nước.
Bác sĩ Lê Văn Thọ-Trưởng khoa khám bệnh BV Da liễu TPHCM thông tin, những trường hợp viêm nặng như trên không hiếm gặp ở BV Da liễu. “Họ phải chịu sự điều trị dài ngày và mất tự tin khi tiếp xúc với người khác. Tuy nhiên, dựa trên lời khai của bệnh nhân và triệu chứng lâm sàng rất khó chẩn đoán là hoá chất gì để cho thuốc tương ứng” – Bác sĩ Thọ nói.
Mịt mờ mỹ phẩm làm tóc
Video đang HOT
Trong vai một người mở một Salon tóc, tôi tìm đến các chợ Tân Bình, Kim Biên và Bình Tây- nơi chuyên cung ứng sỉ các loại phụ liệu tóc. Tại ki ốt số 19 ở chợ Kim Biên, quận 5, một phụ nữ giới thiệu nơi đây có đủ các loại thuốc duỗi, nhuộm, dầu hấp tóc, dầu dưỡng tóc… của Tây – Tàu với giá rất ưu đãi, được nhiều cửa hiệu làm tóc ở TPHCM và các tỉnh tin dùng. Tuy nhiên, theo người này hàng bán chạy nhất cũng là hàng Trung Quốc vì giá rẻ và nó làm tóc đẹp tức thời nên các cửa hiệu làm tóc rất thích.
Mỹ phẩm làm tóc không nguồn gốc vẫn bán tràn lan ở chợ Bình Tây . Ảnh: L.N
Mặc dù sản phẩm Revlon xuất xứ Trung Quốc nhưng để bán được hàng, các chủ ki ốt thường cho rằng, đây là hàng của Thái Lan hoặc Mỹ. Thuốc nhuộm Revlon do Mỹ sản xuất với giá 300.000 – 400.000 đồng/ hộp. Nhưng các ki ốt ở chợ Bình Tây, quận 6 giới thiệu các sản phẩm Revlon xuất xứ từ Mỹ lại có giá bán rẻ mạt (chỉ 50.000 – 65.000 đồng/hộp); thuốc Kanas của Thái cũng có giá 130.000 đồng/hộp, trong khi thuốc này thực sự được sản xuất từ Thái có giá trên 200.000 đồng/ hộp.
Tại một cơ sở bán phụ liệu tóc ở chợ Bình Tây, ngoài một số sản phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc, nhiều cửa hàng còn bán một số thuốc nhuộm, duỗi dạng lít, bịch đựng trong các can nhựa và cho biết đây là loại tự pha chế từ tá dược và thuốc ép tóc với giá chỉ 10.000 – 15.000 đồng/lít.
“Các loại thuốc nhuộm, duỗi này tiêu thụ mạnh ở một số chợ tại TPHCM, một số tỉnh miền Tây, miền Đông và đôi khi cũng có một số thương lái Tây Nguyên xuống mua” – một chủ cửa hàng cho biết. Ở các điểm bán sỉ chợ Bình Tây, chúng tôi còn thấy sự xuất hiện của loại thuốc nhuộm tóc “3 cô gái” xuất xứ Trung Quốc, chỉ có giá 20.000 đồng/hộp.
Theo dược sĩ Phạm Hữu Hiền – Tổng thư ký Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM thì những công bố từ Viện Sức khoẻ và An toàn Nghề nghiệp Hoa Kỳ cho thấy đã tìm thấy 800 hoá chất dùng trong mỹ phẩm đã từng được báo cáo là độc chất. Trong đó có nhiều chất có nguồn gốc từ hắc ín, phenylendiamin, benzenne đã được nhà sản xuất đưa vào sản phẩm dầu gội đầu, nhất là thuốc làm đẹp tóc. Những chất trên rất độc nên nguy cơ gây tai biến rất cao.
Làm đẹp: May nhờ rủi chịu
Ngoài tiếp nhận nạn nhân của mỹ phẩm làm tóc, trong những năm qua, BV Da liễu TPHCM cũng thường tiếp nhận bệnh nhân là những thợ làm tóc, thợ phụ trong các tiệm uốn tóc, làm móng. Đa số thợ làm tóc, làm sơn móng mắc các bệnh ngoài da như viêm da, nấm…
Theo thống kê của BV này, trong năm 2007, có 23.031 người bị viêm da do tiếp xúc dị ứng đến bệnh viện thăm khám, điều trị thì năm 2008 số bệnh nhân đã tăng lên 31.415 người. Trong năm 2009 đến nay nơi đây cũng tiếp nhận hơn 40.000 người đến cầu cứu bệnh viện vì mỹ phẩm làm tóc.
Thạc sĩ Phan Kim Ngọc – Trưởng phòng thí nghiệm ĐH KH tự nhiên TPHCM, cho biết các chất nhuộm màu khi thấm sâu vào chân tóc mang theo hoạt chất paraphenylendiamine có khả năng gây ung thư. Chưa kể loại thuốc nhuộm như Begen có chứa hóa chất Benzenne có thể gây ngộ độc chì, có khi thấm qua da nếu nhuộm quá nhiều lần trong một tháng.
Bác sĩ Trần Ngọc Ánh – Giảng viên ĐH Y Phạm Ngọc Thạch TPHCM cho rằng, mức độ tổn thương lên sức khoẻ bệnh nhân không phụ thuộc lượng thuốc bỏ lên đầu ít hay nhiều mà là tuỳ thuộc cơ địa của bệnh nhân, tiền sử dị ứng và nồng độ thuốc.
Tháng 3-2010, Trung Quốc phát hiện 5 loại thuốc nhuộm tóc có chứa chất lentine có thể gây ung thư gồm: Revlon Color Silk, Ecosystem No 1 Hari Colorant, Sewame Eshine Colorants, Kangchen 3 in1 và Ouwaiya. Đây đều là những nhãn hiệu thuốc nhuộm tóc phổ biến sản xuất tại Trung Quốc.
Theo Tiền phong
Chớ xem thường
Hến hốt hoảng:
- Chú Ốc và bác Nghêu vẫn xơi cơm hộp à?
- Ngày nào mà chả thế.
- Bác Nghêu ơi, không bình thường đâu, có nguy cơ tiềm ẩn đấy.
Nghêu thắc mắc:
- Xơi cơm hộp tiện lợi, khỏi phải nấu nướng. Có gì mà không bình thường chứ.
- Vâng, xơi xong rồi ném cả hộp, muỗng, đũa... khỏi rửa, đỡ nhọc công và uổng phí thời gian.
Hến cười nhạt:
- Chú Ốc này, tôi đâu phản đối chuyện ăn cơm hộp, vấn đề là cái hộp xốp đựng cơm, hộp nhựa đựng canh đấy chứ.
- Sao thế?
- Hộp xốp, hộp nhựa gia công không đủ quy cách là sản phẩm tái chế, quá trình làm phải pha nhiều phụ gia, hóa chất công nghiệp, có rất nhiều tạp chất, kim loại nặng, các độc chất khác...
Ốc hắng giọng:
- Chậc, loại bao bì đựng thức ăn này rất phổ biến từ quán cóc đến nhà hàng. Nếu nó độc hại thế thì người ta làm ra sản phẩm này làm gì?
- Lẽ ra sản phẩm phải được cơ quan chức năng kiểm định. Nhưng hầu như loại bao bì này không đăng ký chất lượng, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, không nhãn hiệu và không cả nơi sản xuất.
Nghêu gãi tai:
- Có sao đâu, hộp xốp, hộp nhựa trắng tinh, đẹp, tiện lợi...
- Nhưng bác biết không, loại hộp xốp, hộp nhựa này đựng thức ăn nóng trên 60 độ C là không an toàn đấy, vì độc tố có thể nhiễm vào thức ăn, gây độc cho người sử dụng.
- Cô Hến nói làm tôi giật mình, lâu nay tôi có biết gì đâu.
Ốc gật gù:
- Các nhà khoa học người ta đã lên tiếng cảnh báo đấy. Tốt nhất là nên thận trọng khi sử dụng hộp xốp, hộp nhựa để đựng thức ăn nóng. Và cần phải biết rõ xuất xứ trước khi sử dụng.
- Thế thì phải khuyến cáo rộng rãi chứ. Muộn còn hơn không - Hến sốt ruột.
Theo Đào Cốc Lục Tiên