Nguy cơ tái bùng phát dịch tại Mỹ do các biến thể phụ mới của Omicron
Gần 34% trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 ở Mỹ hiện nay xuất phát từ các dòng phụ BA.4 và BA.5 của biến thể Omicron.
Dữ liệu ban đầu cũng cho thấy những biến thể phụ này thoát khỏi khả năng miễn dịch hiệu quả hơn so với các biến thể trước đó của SARS-CoV-2.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Tarzana, California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Phóng viên TTXVN tại Mỹ dẫn dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) ước tính rằng 11,4% và 23,5% các trường hợp mắc COVID-19 ở Mỹ lần lượt là do các biến phụ BA.4 và BA.5 gây ra. Dữ liệu ban đầu cũng cho thấy những biến thể phụ này thoát khỏi khả năng miễn dịch hiệu quả hơn so với các biến thể trước đó của SARS-CoV-2.
Chuyên gia David Montefiori, nhà virus học và là Giáo sư Đại học Duke, cho rằng biến thể phụ BA.4 và BA.5 kém nhạy cảm hơn khoảng 3 đến 6 lần với các kháng thể trung hòa mà cơ thể tạo ra để phản ứng với nhiễm trùng và tiêm chủng.
Ông Montefiori, người đã nghiên cứu các loại virus như HIV trong hơn 30 năm, cho biết BA.4 và BA.5 về cơ bản cùng là biến thể phụ và vaccine hiện tại có hiệu quả như nhau đối với cả hai loại biến thể phụ này. Chuyên gia này cũng nói thêm sự xuất hiện của hai biến phụ này là dấu hiệu cho thấy virus SARS-CoV-2 đang tiến hóa để trở nên kém nhạy cảm hơn với các kháng thể. Trong khi đó, biến phụ BA.2.12.1 là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng gần đây trong các trường hợp mắc COVID-19 và hiện đang chiếm tới 56% ca mắc tại nước này.
Hai biến phụ mới nói trên đang gây ra một số lo ngại về một đợt dịch khác tại Mỹ. Các trường hợp mắc COVID-19 đã tăng lên trong mùa Hè khi người dân Mỹ có nhiều hoạt động. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đã dự báo về mức cao nhất là khoảng 100.000 trường hợp lây nhiễm mới mỗi ngày. Các chuyên gia tin rằng tiêm phòng và tiêm mũi tăng cường đã giúp duy trì số ca mắc ở mức thấp hơn. Ngoài ra, số ca tử vong và nhập viện không tăng đột biến do các chương trình tiêm vaccine tại Mỹ hiện nay, trong khi có nhiều ca mắc bệnh nhẹ với phần lớn các trường hợp này không bao gồm hai biến thể phụ mới.
Chuyên gia David Dowdy, nhà dịch tễ học và là giáo sư tại Đại học Johns Hopkins, cho biết sự gia tăng của BA.4 và BA.5 là “sự tiến hóa tự nhiên” của bất kỳ bệnh truyền nhiễm nào. Trong khi các bằng chứng cho thấy rằng BA.4 và BA.5 thoát khỏi các kháng thể hiệu quả hơn và bất chấp những đột biến tiếp tục xuất hiện, những biến thể phụ này không khác biệt nhiều so với biến thể Omicron ban đầu.
Nhật Bản: Chuyên gia lo ngại nguy cơ dịch COVID-19 tái bùng phát vào mùa Hè
Trong cuộc họp của Nhóm chuyên gia tư vấn đề đối sách phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản ngày 23/6, các chuyên gia đã bày tỏ quan ngại về khả năng số ca nhiễm mới tại Nhật Bản có thể tăng do hiệu quả miễn dịch sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19 giảm theo thời gian.
Du khách trên một đường phố ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, tại cuộc họp, các chuyên gia cho biết tình hình lây nhiễm COVID-19 tại Nhật Bản tiếp tục xu hướng giảm, tuy nhiên, xu hướng này đang dần chững lại và một số địa phương có dấu hiệu đi ngang, trong đó lưu ý tình hình dịch tại tỉnh Okinawa khi số ca mắc mới những ngày gần đây tăng lên và là địa phương có số ca nhiễm nhiều nhất tại Nhật Bản.
Đối với các thành phố lớn, các chuyên gia dự báo không gia tăng số ca nhiễm mới một cách đột biến. Tuy nhiên, do khả năng miễn dịch của cơ thể dần giảm theo thời gian, xu hướng tiếp xúc đông người tăng lên trong kỳ nghỉ Hè và nguy cơ xuất hiện biến thể mới sau khi Nhật Bản xác nhận các ca nhiễm biến thể BA.4 và BA.5, trong thời gian tới, số ca nhiễm mới tại Nhật Bản có thể tăng lên, gây ảnh hưởng đối với hệ thống y tế. Do đó, giới chuyên gia khuyến nghị các cơ quan quản lý cần chú ý giám sát tình hình một cách chặt chẽ.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo các địa phương của Nhật Bản tiếp tục thúc đẩy tiêm chủng vaccine mũi bổ sung và người dân cần triệt để thực hiện các biện pháp phòng dịch cơ bản như không đi ra ngoài khi tình trạng sức khỏe kém, đeo khẩu trang, sát khuẩn thường xuyên. Đối với các cơ sở y tế và trung tâm điều dưỡng, các chuyên gia đề nghị thực hiện các biện pháp phòng dịch một cách linh động, phù hợp, thúc đẩy tiêm chủng vaccine mũi 4 để phòng ngừa nguy cơ biến chứng nặng đối với những người cao tuổi.
Mỹ: Gần 1/5 người trưởng thành vẫn mắc hội chứng COVID kéo dài Các triệu chứng COVID kéo dài bao gồm mệt mỏi, tim đập nhanh, khó thở, khó nhận thức, đau thần kinh mãn tính, xuất hiện những dấu hiệu bất thường về giác quan và yếu cơ. Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại trung tâm y tế St. Mary tại Tarzana, California (Mỹ). Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN Giới chức...