Nguy cơ tai biến khi hút mỡ nâng ngực
Ngoài những tai biến do gây tê hoặc gây mê, quá trình cấy ghép mỡ tự thân cũng có thể gây thuyên tắc mạch – do tế bào mỡ hoặc cục máu đông lọt vào mạch máu – đe dọa tính mạng người bệnh…
Bơm mỡ (fat injection) hay còn gọi là cấy ghép mỡ (fat grafting), hay cấy chuyển mỡ (fat transfer) là kỹ thuật thẩm mỹ đã được sử dụng từ lâu để làm đẹp. Để chính xác hơn phải gọi tên đầy đủ là bơm mỡ tự thân, là kỹ thuật hút lấy mỡ từ một vùng nào đó của cơ thể để bơm vào một vùng khác với mục đích làm tăng khối lượng để làm đẹp theo yêu cầu.
Chẳng hạn, hút mỡ từ nơi có nhiều mỡ dư thừa như bụng, mông, đùi, sau đó được xử lý tinh lọc để bơm trở lại những vùng cơ thể khác như làm tăng kích thước vú, mông; bù đắp các khuyết lõm do sẹo; làm đầy nếp nhăn ở mặt, chỉnh hình má môi cằm theo ý muốn…
Bơm mỡ tự thân để làm đẹp là kỹ thuật đã có từ lâu trên thế giới. Ảnh minh họa: allvoices.
Ngày nay có rất nhiều chất liệu làm đầy được chế tạo để bơm vào cơ thể. Tuy nhiên, các chất làm đầy nhân tạo kết quả thường ngắn hạn (1-2 năm) và khá đắt đỏ. Vì vậy mỡ tự thân được coi là chất làm đầy tự nhiên có nhiều ưu điểm và đáp ứng tốt các yêu cầu làm đẹp. Do những ưu thế đó mà trong hơn 10 năm gần đây phương pháp bơm mỡ được sử dụng rộng rãi trong thẩm mỹ.
Phương pháp bơm bằng mỡ tự thân có nhiều ưu điểm:
- Nguồn chất liệu dồi dào: Trên cơ thể mỗi người lượng mỡ dư thừa được tích lũy tăng dần theo thời gian và đáp ứng dư thừa cho mọi yêu cầu khối lượng làm đẹp.
-Lợi ích của lấy mỡ không chỉ là để bơm làm đẹp vùng khác mà còn giúp lấy bớt mỡ dư thừa để phục hồi lại vóc dáng thẩm mỹ vùng lấy mỡ.
- Kỹ thuật hút mỡ, bơm mỡ cũng không quá khó khăn với các bác sĩ đã được huấn luyện đầy đủ.
-Do lấy từ cơ thể và có khối lượng dồi dào nên chi phí cấy mỡ là rẻ nhất so với sử dụng các chất làm đầy khác. Vì là chất liệu tự thân nên không gây phản ứng có hại gì cho cơ thể.
Tuy nhiên, việc áp dụng kỹ thuật này cũng có những thăng trầm. Thập kỷ những năm 1980, ngay cả Hiệp hội các bác sĩ Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Mỹ ASPS cũng không ủng hộ, thậm chí Hội ASPS đã ra tuyên bố chống lại việc cấy ghép mỡ để nâng ngực vì lý do gây khó khăn cho việc chẩn đoán chính xác hình ảnh ung thư vú. Nhưng các nghiên cúu lâm sàng cho thấy kết quả “cấy mỡ nâng ngực” hoàn toàn không ảnh hưởng tới việc chẩn đoán ung thư vú nên kỹ thuật này lại được áp dụng và ngày càng phổ biến. Theo điều tra mới nhất của Hiệp hội ASPS, có gần 90% các bác sĩ hội viên của Hội thường xuyên sử dụng kỹ thuật cấy ghép mỡ để nâng ngực và làm đẹp nói chung.
Video đang HOT
Chỉ định ứng dụng của bơm mỡ trong thẩm mỹ: làm đầy các nếp nhăn trên mặt, làm đầy các khuyết lõm ở mặt (sẹo lõm, hốc má, hốc mắt…), chỉnh hình làm đầy má, môi, cằm…; làm đầy các khuyết lõm cơ thể do chấn thương hay bệnh lý; làm đầy ngực sau phẫu thuật ung thư ngực ở phụ nữ; nâng ngực, mông (làm tăng khối lượng)…
Kỹ thuật thực hiện
- Gây mê toàn thân hoặc gây tê tại chỗ tùy theo yêu cầu thủ thuật, tùy khối lượng mỡ cần lấy và vùng cần bơm mỡ. Ví dụ bơm mỡ cho các yêu cầu vùng mặt chỉ cần gây tê tại chỗ; ở ngực và mông có thể gây tê tại chỗ nếu bơm khối lượng nhỏ
- Hút mỡ bằng dụng cụ chuyên dụng. Nếu không có máy cũng có thể hút thủ công bằng ống hút và bơm tiêm bình thường.
- Phần mỡ hút ra được đưa vào xử lý. Nếu hút bằng máy thì mỡ sẽ được tự động chuyển vào bộ phận quay ly tâm siêu tốc để tách riêng các phần: phần tế bào gốc, phần tế bào mỡ trưởng thành, phần huyết tương và phần tạp chất loại bỏ.
Sau khi ly tâm nếu chỉ dùng tế bào gốc mỡ (cho các yêu cầu thẩm mỹ cần khối lượng nhỏ như các nếp nhăn trên mặt hoặc mí mắt) thì các phần khác sẽ bị loại bỏ. Nếu cần dùng khối lượng nhiều thì sử dụng cả tế bào gốc và tế bào trưởng thành, chỉ loại bỏ tạp chất.
Tùy theo yêu cầu có thể bổ sung các chất cần thiết như vitamin, collagen, nguyên tố vi lượng…
- Bơm phần mỡ đã được tinh lọc vào nơi có nhu cầu bằng kim tiêm chuyên biệt với từng kích cỡ thích hợp cho từng vùng. Chú ý bơm đúng lớp – bơm vào vị trí của cấu trúc mỡ dưới da.
- Masage vùng vừa bơm mỡ để khối mỡ dàn đều và mềm mại.
Những tai biến có thể có do bơm mỡ và biện pháp phòng ngừa
- Tai biến do gây tê gây mê: phản ứng thuốc tê và ngộ độc thuốc mê.
- Thuyên tắc mạch do tế bào mỡ hoặc cục máu đông lọt vào mạch máu và di chuyển gây tắc mạch. Sẽ nguy hiểm đến tính mạng nếu thuyên tắc mạch ở não và phổi. Theo các tác giả quốc tế tỷ lệ tử vong do thuyên tắc mạch là 5-10%.
- Chấn thương do sai sót khi thao tác kỹ thuật gây tổn thương thần kinh, mạch máu. Lưu ý khi bơm mỡ vùng ngực nếu gây thủng màng phổi có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Trên đây là những tai biến có thể đe dọa sinh mạng nếu không được xử lý kịp thời và chính xác.
Một số biến chứng khác có thể phòng ngừa nếu làm thận trọng và nếu có cũng không gây nguy hiểm cho bệnh nhân:
-Nhiễm trùng do không đảm bảo điều kiện vô trùng khi thực hiện.
-Kết quả thẩm mỹ hạn chế hoặc không đạt do bác sĩ chỉ định và đánh giá thiếu chính xác, thiếu kinh nghiệm.
-Biến dạng tại chỗ nơi hút mỡ hoặc nơi bơm mỡ, do kỹ thuật hút và bơm không chuẩn xác và chăm sóc không tốt sau khi làm.
-Sưng nề, bầm tím, tê bì… là những biến chứng có thể gặp sau khi làm với những mức độ khác nhau nhưng thường không nghiêm trọng và sẽ hết dần sau 1-2 tuần.
- Hoại tử mỡ tại chỗ thường do lượng mỡ bơm vào quá nhiều so với khả năng nuôi dưỡng tại chỗ. Thông thường với khối lượng lớn, tế bào mỡ bơm vào sẽ khó được nuôi dưỡng đầy đủ nên theo các chuyên gia tỷ lệ mỡ sống sau 3 tháng thường chỉ đạt 50-70%.Lương mỡ bơm vào càng ít thì tỷ lệ sống càng cao. Về nguyên tắc với những nếp nhăn trên mặt chỉ cần một lần bơm với 2-5 cc mỡ, nhưng với nơi cần khối lượng lớn như ngực, mông (100-200 cc) thì chắc chắc phải làm 2-3 lần, cách nhau tối thiểu 3 tháng. Nếu bơm quá nhiều sẽ có tình trạng hoại tử mỡ do thiếu nuôi dưỡng, mà nếu bị thêm nhiễm trùng nữa thì hậu quả rất nặng nề.
Để ngăn ngừa tai biến, hạn chế rủi ro và xử lý kịp thời hiệu quả khi có sự cố xảy ra khi thực hiện kỹ thuật bơm mỡ, cả thầy thuốc và bệnh nhân cần làm tốt những yêu cầu sau:
- Kỹ thuật cấy mỡ làm đẹp và bơm mỡ nâng ngực nói riêng phải được tiến hành trong môi trường vô trùng tuyệt đối với những trang thiết bị chuyên dụng và chỉ được bơm một khối lượng phù hợp để đảm bảo. Đã có trường hợp bệnh nhân cấy ghép mỡ bị viêm nhiễm hoại tử tại vùng cấy, dẫn đến không những cấy ghép không đạt kết quả mà còn gây tổn thương biến dạng cả bộ phận cần làm đẹp.
- Khi xảy ra tai biến bác sĩ thẩm mỹ phải tập trung ưu tiên cao nhất cho việc cấp cứu bệnh nhân, tranh thủ mọi sự hỗ trợ chuyên môn từ đồng nghiệp và bệnh viện nơi gần nhất. Trong những tiêu chí cho một Trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ tốt có một tiêu chí là chọn vị trí ở gần các bệnh viện để có được sự hỗ trợ chuyên môn nhanh chóng khi cần thiết.
- Về phía bệnh nhân cần xác định đúng đắn động cơ khi có nhu cầu phẫu thuật thẩm mỹ và phải được bác sĩ tư vấn kỹ càng để xác định việc làm này là thực cần thiết. Phẫu thuật luôn luôn là biện pháp cuối cùng sau khi mọi giải pháp làm đẹp khác không đạt yêu cầu.
- Phải tra cứu trên các trang web nghề nghiệp, tìm trên các phương tiện truyền thông và mối quan hệ xã hội để biết thông tin cần thiết về bằng cấp chuyên môn, kinh nghiệm nghề nghiệp, quá trình đào tạo chuyên môn, giấy phép hành nghề và cả về tinh thần thái độ của người bác sĩ thẩm mỹ mà mình muốn đến làm.
- Sau việc lựa chọn bác sĩ thì một yếu tố khác cũng rất quan trọng là lựa chọn cơ sở y tế mình sẽ đến làm. Ở Việt Nam hiện nay, nếu đọc quảng cáo trên báo chí và phương tiện truyền thông thì có vẻ như cấy ghép mỡ làm đẹp là công việc quá dễ dàng được thực hiện tốt 100% ở mọi thẩm mỹ viện. Tuy nhiên, thực tế không phải vậy. Đó phải là những cơ sở được cho phép phẫu thuật thẩm mỹ, có đầy đủ trang thiết bị phẫu thuật và hồi sức cấp cứu cùng với đội ngũ nhân viên y tế gây mê hồi sức, chăm sóc hậu phẫu chuyên nghiệp và tận tâm.
Thạc sĩ, bác sĩ Cao Ngọc Bích_Phó Chủ tịch Hội Phẫu thuật Thẩm mỹ TP HCM
Theo VNE
Sai lầm khi uống rượu để 'chống rét' mùa đông
Sau uống rượu, nếu bạn phải làm việc hay tập luyện thể thao trong môi trường lạnh giá sẽ dễ bị cảm, trúng gió...
Khi mùa đông đến, nhiều người cho rằng uống rượu có thể chống lại cái rét. Mỗi khi cảm thấy lạnh, họ thường nhấp vài ngụm rượu trắng để "sưởi ấm" cơ thể, nhất là khi phải làm những công việc ngoài trời hoặc vận động thể thao. Tuy nhiên, các nhà khoa học cảnh báo trên trang The Health rằng thói quen uống rượu như thế là phi khoa học, không có lợi cho sức khỏe.
Ảnh minh họa: Health.
Mặc dù sau khi uống rượu sẽ thấy cả người nóng bừng như thể được tiếp thêm năng lượng. Tuy nhiên, đây chỉ là hiện tượng mang tính tạm thời, thực tế rượu không thể giúp ta chống lại cái lạnh được.
Nhiệt năng mang tính ổn định của cơ thể chủ yếu có được từ thức ăn với đường, chất béo và protein. Còn lượng nhiệt sinh ra trong cơ thể sau khi uống rượu là rất nhỏ, sở dĩ ta có cảm giác người nóng lên sau khi uống rượu là do tác dụng kích thích của rượu gây giãn mạch máu, làm cho sự trao đổi chất trong cơ thể tăng nhanh. Thế nhưng cũng chính sự giãn nở của mạch máu toàn thân sẽ làm cho tốc độ tản nhiệt của cơ thể tăng nhanh. Nếu sau khi uống rượu phải làm việc hay tập luyện thể thao trong môi trường lạnh giá sẽ rất dễ bị cảm, trúng gió và nhiều chứng bệnh tiềm ẩn khác.
Các nhà nghiên cứu khẳng định uống rượu không có tác dụng chống lại cái lạnh như mọi người vẫn nhầm tưởng. Vì thế trước khi làm việc ở môi trường có nhiệt độ thấp, mọi người được khuyên không nên uống rượu mà nên ăn các thực phẩm giàu năng lượng và chất dinh dưỡng, chất béo, protein... Có thể uống canh nóng, trà nóng hoặc nước gừng có tác dụng ủ ấm cơ thể mà vẫn tốt cho sức khỏe.
Theo VNE
Uống rượu pha mật gấu - Coi chừng tai biến! Mật gấu có tác dụng chữa bệnh, tuy nhiên nếu sử dụng không đúng cách, dùng phải mật gấu rởm có thể gây nên những hậu quả khôn lường, thậm chí tử vong. Từ một trường hợp dị ứng rượu mật gấu Hiện nay, với nhiều người, mật gấu được cho là một thứ thuốc bổ có thể giúp nâng cao sức khỏe...