Nguy cơ suy tuyến thượng thận do lạm dụng corticoid
Khi người bệnh sử dụng corticoid liều cao với thời gian dài, sẽ gây ra hậu quả là suy tuyến thượng thận (Rối loạn chức năng tuyến thượng thận).
Dễ dàng mua thuốc chứa corticoid
Thông tin từ Bệnh viện Nội tiết Trung ương, những năm gần đây, số lượng bệnh nhân nhập viện vì suy tuyến thượng thận ngày càng lớn. Tình trạng suy tuyến thượng thận có thể đến do những nguyên nhân khác nhau. Trong đó, phần lớn người bệnh liên quan đến việc lạm dụng corticoid.
Trong thực tế, thuốc chứa corticoid được sử dụng để điều trị viêm khớp dạng thấp, bệnh viêm ruột, hen suyễn, dị ứng và nhiều tình trạng khác hoặc cũng được sử dụng để ngăn ngừa đào thải nội tạng ở người nhận cấy ghép bằng cách giúp ngăn chặn hệ thống miễn dịch…
Tuy nhiên, nhiều người bệnh tự ý sử dụng corticoid mua một cách dễ dàng tại các quầy thuốc, hoặc truyền tai nhau các thuốc nam dạng bột không theo đơn chỉ định của bác sĩ.
Khi người bệnh sử dụng corticoid liều cao với thời gian dài, sẽ gây ra hậu quả là suy tuyến thượng thận (Rối loạn chức năng tuyến thượng thận).
Triệu chứng gợi ý suy thượng thận thường không điển hình như chán ăn, buồn nôn và sụt cân, thay đổi kiểu hình cơ thể, nặng mặt. Một số trường hợp nặng có thể gây ra suy thượng thận cấp với hạ huyết áp, có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị bù corticoid kịp thời.
Để chẩn đoán suy thượng thận cần được thực hiện trong bệnh viện với các bác sỹ chuyên khoa Nội tiết thông qua biểu hiện lâm sàng và xét nghiệm sinh hóa máu gồm: cortisol và ACTH buổi sáng 8h.
Khi đã có dấu hiệu nghi ngờ, người bệnh sẽ được làm nghiệm pháp Synacthen và hoặc nghiệm pháp hạ đường máu để đánh giá sự toàn vẹn trục dưới đồi – tuyến yên – tuyến thượng thận và một số xét nghiệm khác như: sinh hóa máu, glucose, chức năng gan, thận, kali máu.
Cách điều trị: Điều trị suy thuợng thận (nguyên phát và thứ phát) là bù hydrocortisol với liều 15 – 30 mg/ngày chia 2 lần sáng 2/3 liều – chiều 1/3 liều. Đối với suy thượng thận nguyên phát (bệnh Addison) phải bù thêm mineral glucocorticoid.
Video đang HOT
Một số nguyên tắc khi sử dụng corticoid
Để giảm thiểu tác dụng phụ của corticoid, bệnh viện khuyến cáo, cần tuân thủ một số nguyên tắc như: Chỉ sử dụng thuốc corticoid theo chỉ định của bác sĩ. Theo dõi chặt chẽ để đề phòng và phát hiện sớm các dấu hiệu tác dụng phụ.
Sử dụng lượng vừa đủ để kiểm soát bệnh, không nên tự ý tăng liều khi chưa có sự cho phép của bác sỹ.
Giảm liều dần dần theo đơn bác sỹ kê toa.
Đến bệnh viện theo dõi huyết áp và lượng đường trong máu thường xuyên để tiến hành điều trị nếu cần thiết.
Theo dõi mật độ xương bằng các xét nghiệm định kỳ và uống thuốc cũng như thực phẩm bổ sung để giúp xương chắc khỏe.
Suy tuyến thượng thận thường gặp ở Việt Nam với nguyên nhân dùng corticoid kéo dài, thường gặp trên bệnh nhân mắc các bệnh lý về xương – khớp, dị ứng, viêm da, hen suyễn, ức chế miễn dịch,…
Do đó, người bệnh nếu có bệnh lý trên phải được bác sỹ chuyên khoa khám và chỉ định thuốc, không nên tự ý sử dụng thuốc corticoid.
Khi đã có rối loạn chức năng tuyến thượng thận cần đi khám bác sĩ Nội tiết – Đái tháo đường để kiểm soát tình trạng bệnh, không để xảy ra suy tuyến thượng thận.
Lạm dụng thuốc chứa corticoid: Hành vi 'tự sát'
Thuốc corticoid là nhóm thuốc chống viêm, giảm đau, chống dị ứng, ức chế miễn dịch và được áp dụng trong điều trị của nhiều chuyên khoa khác nhau.
Bệnh nhân nhập viện do lạm dụng corticoid. Ảnh: BVCC
Thuốc corticoid là nhóm thuốc chống viêm, giảm đau, chống dị ứng, ức chế miễn dịch và được áp dụng trong điều trị của nhiều chuyên khoa khác nhau. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều bệnh viện đã phải cấp cứu không ít nạn nhân lạm dụng corticoid với những biến chứng rất nguy hiểm.
Chết hụt do tự làm... bác sĩ
Bà N.T.H. (76 tuổi, Long Biên, Hà Nội) được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Tâm Anh Hà Nội trong tình trạng tụt huyết áp, lơ mơ, sốt cao, đau hông lưng trái. Bà H. có bệnh lý nền tăng huyết áp, đái tháo đường trên 10 năm, điều trị không thường xuyên. Do bị thoái hóa khớp vai nên bà thường xuyên tự mua và sử dụng thuốc giảm đau có chứa corticoid.
Các bác sĩ nhận định đây là một trường hợp suy giảm miễn dịch do lạm dụng corticoid, người bệnh bị sốc nhiễm khuẩn, suy đa cơ quan kết hợp nhiễm khuẩn tiết niệu, viêm phổi, đái tháo đường, tăng huyết áp, suy thượng thận do thuốc dẫn đến tình trạng rất nặng có nguy cơ tử vong cao.
Trường hợp thứ hai là bà N.T.M. (69 tuổi, Hà Nội) có tiền sử viêm khớp dạng thấp 8 năm. Bà M. thường tiêm giảm đau tại phòng khám tư nhỏ, kết hợp uống thuốc Đông y. Gần đây, bà tới BVĐK Tâm Anh Hà Nội khám trong tình trạng sốt cao, ho, khò khè, khó thở, rét run, nhịp thở nhanh...
Bà M. được chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết, viêm thùy giữa phổi phải nghi ngờ do phế cầu, căn nguyên mắc vi khuẩn kháng thuốc.
TS.BS Lê Bá Ngọc, Trưởng khoa Nội tổng hợp BVĐK Tâm Anh cho biết, do người bệnh tự ý sử dụng thuốc giảm đau, thuốc Nam, thuốc Bắc có chứa corticoid kéo dài gây tăng huyết áp, suy thượng thận, đái tháo đường. Đây cũng là yếu tố khiến người bệnh suy giảm miễn dịch, dễ mắc vi khuẩn do lây chéo khi đến khám chữa bệnh nhiều lần ở những cơ sở y tế thiếu uy tín.
Theo số liệu thống kê từ Khoa Nội tổng hợp - BVĐK Tâm Anh Hà Nội, số bệnh nhân nhập viện với tình trạng suy thượng thận vì lạm dụng corticoid gần đây tăng nhanh.
Đáng chú ý, trong bối cảnh dịch bệnh đau mắt đỏ hoành hành trên phạm vi cả nước thời gian vừa qua, không ít trường hợp đã phải nhập viện trong tình trạng giảm, thậm chí là mất thị lực cũng bởi nguyên do người bệnh tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid.
Đang được điều trị tại Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, bệnh nhân N.H.T. (55 tuổi, Hà Nội) cho biết, thời gian trước đây mắt trái chị xuất hiện tình trạng bị ngứa và chảy nước mắt. Ra hiệu thuốc gần nhà, chị được tư vấn sử dụng một loại thuốc tra mắt chứa hoạt chất tobramycin và dexamethasone.
"Đến nay, tôi đã sử dụng cả chục lọ, người bán thuốc cũng không cảnh báo về việc sử dụng thường xuyên. Gần đây, mắt trái của tôi nhìn mờ hơn hẳn, khi che mắt phải, thị lực mắt trái gần như mất hoàn toàn" - bệnh nhân chia sẻ.
Tại Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, bác sĩ phát hiện mắt trái của bệnh nhân T. đã mất thị lực do sử dụng thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid trong thời gian dài.
BS Mai Thị Anh Thư, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 thông tin: "Bệnh nhân này chỉ còn nhìn thấy trong cự ly 0,5m và không có khả năng cải thiện thị lực. Việc điều trị lúc này nhằm giữ thị lực hiện tại, không thể làm mắt sáng hơn".
"Điếc không sợ súng"
Thực tế hiện nay, thuốc nhỏ mắt có chứa thành phần corticoid được bán phổ biến trên thị trường. Nhiều người khi có triệu chứng ở mắt như đau mắt đỏ, ngứa, ra gỉ mắt cộm vướng do khô mắt..., chỉ cần sử dụng loại thuốc nhỏ mắt chứa corticoid vài lần sẽ cải thiện đáng kể triệu chứng.
Tuy nhiên, việc lạm dụng thuốc nhỏ mắt chứa corticoid trong thời gian dài có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng như đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp (glaucoma, cườm nước).
BS Lương Đại Dương, Bệnh viện Mắt Hà Nội nhấn mạnh: "Các bác sĩ đã ghi nhận không ít trẻ bị ảnh hưởng thị lực do cha mẹ tùy tiện sử dụng thuốc kháng sinh điều trị đau mắt đỏ cho trẻ. Một thực trạng dễ nhận thấy ở Việt Nam, nhiều người có thói quen ra hiệu thuốc để mua thuốc thì người dược sĩ đôi khi người ta cấp thuốc nhỏ mắt lại chứa thành phần chống viêm corticoid.
Khi sử dụng thuốc chứa thành phần corticoid kéo dài có thể gây biến chứng ra những bệnh khác, ví dụ như viêm loét giác mạc, bệnh glocom gây mù lòa... Tại Bệnh viện Mắt Hà Nội tiếp nhận nhiều trường hợp lạm dụng tự ý nhỏ thuốc, sử dụng thuốc có thành phần corticoid trong thời gian dài, sau đó thị lực của trẻ bị mất thì mới được đưa đến viện để điều trị".
Theo các bác sĩ, corticoid là loại thuốc làm giảm tình trạng viêm trong cơ thể nhưng cũng làm giảm hoạt động của hệ thống miễn dịch. Corticoid hay được sử dụng trong điều trị lâm sàng các bệnh như dị ứng, ngứa, mẩn đỏ, suy thận, lupus, hen suyễn, viêm khớp..., thường làm giảm nhanh các triệu chứng nên nhiều người đã lạm dụng corticoid.
Bên cạnh những lợi ích mang lại còn rất nhiều tác dụng phụ bất lợi có thể xảy ra nếu dùng thuốc không đúng cách, như: Đái tháo đường, tăng huyết áp, loãng xương, suy tuyến vỏ thượng thận... Do đó, người bệnh nếu chưa có chỉ định điều trị corticoid thì không nên tự ý mua thuốc về sử dụng. Các bác sĩ lâm sàng thường phải cân nhắc rất nhiều khi chỉ định điều trị bằng nhóm thuốc này.
Để phát huy hiệu quả điều trị và hạn chế các tác dụng bất lợi của nhóm thuốc này, các bác sĩ khuyến cáo, người bệnh cần tuân thủ liệu trình điều trị và chỉ dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý mua thuốc điều trị.
Khi có vấn đề liên quan đến sức khỏe, người dân nên đi khám bác sĩ và sử dụng thuốc đúng theo chỉ định. Không được tự ý mua và sử dụng thuốc hoặc theo lời mách bảo của người thân, người quen vì hậu quả sẽ là khôn lường...
Tự ý ngừng thuốc điều trị, bé trai 5 tuổi nguy kịch vì huyết khối toàn bộ tĩnh mạch Mới đây, Bệnh viện Nhi Trung ương đã cứu sống thành công một bé trai 5 tuổi nguy kịch tính mạng do biến chứng của hội chứng thận hư. Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi. Ảnh: BVCC Bé T.A (5 tuổi, ở Nghệ An) mắc hội chứng thận hư kháng steroid, được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương từ tháng...