Nguy cơ số ca mắc và tử vong vì bệnh dại tăng
Theo Hệ thống giám sát dịch bệnh (Bộ Y tế) chỉ 2 tháng đầu năm 2024, đã ghi nhận gần 20 ca tử vong do dại và nghi dại ở 13 tỉnh, thành phố trên cả nước, tăng 10 ca so với cùng kỳ năm ngoái.
Bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp ngăn ngừa bệnh duy nhất là tiêm vaccine.
Liên tiếp ghi nhận các ca tử vong
Trong những ngày gần đây, các trường hợp tử vong vì bệnh dại được ghi nhận tại nhiều địa phương trên cả nước. Theo đó, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Thuận cho biết, tỉnh vừa ghi nhận một trường hợp tử vong nghi do bệnh dại là bé gái T.T.H.T. (4 tuổi).
Qua điều tra dịch tễ, ngày 7/2, bé gái này bị con chó của nhà hàng xóm tấn công. Người nhà đã đưa bé đi điều trị bằng phương pháp đắp lá mà không xử lý vết thương bằng xà phòng, không đi tiêm phòng vaccine dại, huyết thanh kháng dại. Đến ngày 13/2, bé gái có dấu hiệu lừ đừ, nôn ói. Ngày 14/2, bé được nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa khu vực La Gi; sau đó được chuyển vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM. Tại đây, bệnh nhân được chuẩn đoán bệnh dại với nhiều triệu chứng. Ngày 15/2, bệnh nhân tử vong.
Tại Đắk Lắk, theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh này cho biết, địa phương vừa ghi nhận thêm 1 trường hợp tử vong do bệnh dại (trường hợp thứ 3 tử vong do bệnh dại từ đầu năm 2024) là anh V.V.T., (sinh năm 1971) phát bệnh ngày 14/2 với triệu chứng đau đầu, sốt. Ngày 18/2 anh T. được gia đình đưa lên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên trong tình trạng sốt cao, sợ nước. Sau khi thăm khám, các bác sĩ chuẩn đoán bệnh nhân bị bệnh dại lên cơn và chuyển tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM. Ngày 19/2 bệnh nhân tử vong.
Cùng thời gian này, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Phú Yên cho biết, trên địa bàn tỉnh vừa có thêm một trường hợp tử vong do bệnh dại. Theo đó, đầu tháng 2/2024, ông N.V.Đ. (sinh năm 1964) bị chó cắn vào bàn tay trái, vết thương trầy xước, chảy máu nhưng không đi tiêm vaccine phòng dại. Sau đó, ông Đ. bắt đầu xuất hiện triệu chứng mệt mỏi, có triệu chứng sợ nước, sợ gió nên được người nhà đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên. Đến ngày 8/2, ông N.V.Đ. tử vong.
Theo kết quả thống kê từ Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC, chỉ trong 2 tuần đầu tiên sau Tết (từ ngày 13/2 đến ngày 26/2/2024), hàng trăm trung tâm thuộc Hệ thống tiêm chủng VNVC đã ghi nhận số lượng người đến các trung tâm tiêm chủng để tiêm ngừa vaccine phòng bệnh dại tăng cao, vượt hơn 300% so với thời điểm trước Tết.
Trong đó, số người đến tiêm vaccine ngừa dại nhằm dự phòng dại sau phơi nhiễm, sau khi bị chó, mèo, các loại vật nuôi tấn công (cắn, cào, liếm…) tăng hơn 3 lần và số người đến tiêm vaccine ngừa dại nhằm dự phòng trước phơi nhiễm, trước khi bị chó, mèo, các loại vật nuôi tấn công tăng cao gấp 2 lần.
Mọi năm, số người bị động vật tấn công và đến các cơ sở tiêm chủng để tiêm phòng vaccine ngừa dại thường tăng cao vào mùa hè. Tuy nhiên, vào năm nay nhu cầu sử dụng vaccine dại vào mùa sớm hơn mọi năm. Nhiều chuyên gia cảnh báo, với diễn biến dịch tễ của bệnh dại ở thời điểm hiện tại, nếu không được kiểm soát và can thiệp kịp thời các biện pháp dự phòng, đe dọa nguy cơ số ca mắc và tử vong sẽ tăng vọt trong năm nay.
Thời gian ủ bệnh khó lường
Video đang HOT
BS.CKI Bạch Thị Chính – Giám đốc Y khoa, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC cho biết: Dại là bệnh lý truyền nhiễm cấp tính, do virus dại gây ra và lây truyền từ động vật sang người thông qua vết cắn/cào hoặc liếm vào vết thương hở. Bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thần kinh trung ương, một khi phát bệnh, tỷ lệ tử vong gần 100% và hiện vẫn chưa có bất kỳ phương pháp hay loại thuốc nào có thể điều trị đặc hiệu bệnh dại.
Cũng theo BS Chính, bệnh dại có thời gian ủ bệnh cực kỳ phức tạp, có thể chỉ từ 7 – 10 ngày sau khi bị động vật tấn công hoặc kéo dài đến vài tuần, thậm chí vài năm, phụ thuộc vào tình trạng và vị trí của vết cắn. Vết thương càng sâu, càng nặng, càng gần hệ thần kinh trung ương như đầu, mặt, cổ và các vị trí nhạy cảm, nhiều dây thần kinh cảm giác như đầu các chi, bộ phận sinh dục ngoài… có thời gian ủ bệnh càng ngắn.
Tại Việt Nam, virus dại lưu hành quanh năm, ở hầu hết tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong khi đó, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp ngăn ngừa bệnh duy nhất là vaccine. Sau khi xâm nhập vào cơ thể, virus dại nhanh chóng nhân số lượng lên nhiều lần và bắt đầu di chuyển dọc theo các dây thần kinh, tiến thẳng lên não với tốc độ từ 12 – 24mm mỗi ngày. Vì vậy, mọi người cần tiêm chủng càng sớm càng tốt, không nên chờ đến khi chó, mèo chết mới chích ngừa.
Về lo lắng tiêm phòng dại có thể gây suy giảm trí nhớ, BS Chính cho biết, Việt Nam đang có 2 loại phòng dại gồm Verorab (Pháp) và Abhayrab (Ấn Độ). Vaccine được sản xuất theo công nghệ mới, hiện đại không chứa các tế bào thần kinh nên không ảnh hưởng đến sức khỏe và trí nhớ, không chống chỉ định với phụ nữ mang thai và cho con bú. Do đó, mọi người không nên e sợ tác dụng phụ, bỏ lỡ thời gian tiêm phòng dại.
Ông Phan Trọng Lân- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng nhấn mạnh, bệnh dại là căn bệnh rất nguy hiểm và hiện nay thuốc điều trị vẫn chưa được nghiên cứu thành công.
Phần lớn người tử vong do bệnh dại là do chủ quan không tiêm vaccine phòng dại trong khi đây là căn bệnh có thể được phòng ngừa bằng vaccine.
Ông Lân lưu ý khi bị động vật cắn, cào, liếm vào vết thương hở, mọi người cần xử trí vết thương đúng cách, trước khi tiêm chủng. Vết thương cần được rửa kỹ bằng nước và xà phòng liên tục trong 15 phút, sau đó tiếp tục rửa bằng cồn 45-70%, cồn iốt để giảm thiểu lượng virus dại tại vết cắn. Mọi người không sử dụng các phương pháp dân gian như nặn máu, uống thuốc đông y, đắp lá vào vết thương… Những cách điều trị này không giúp cơ thể đào thải virus dại mà có khả năng gây nhiễm trùng vết thương và khiến virus xâm nhập nhanh hơn.
Nếu bị chó mèo cắn, phác đồ của người chưa từng tiêm vaccine gồm 5 mũi vào các ngày 0-3-7-14-28 (đối với đường tiêm bắp) hoặc 4 mũi vào các ngày 0-3-7-28 (đối với đường tiêm trong da). Trường hợp phơi nhiễm độ III cần phối hợp tiêm huyết thanh kháng dại. Trường hợp đã chủ động tiêm vaccine phòng ngừa từ trước, mọi người chỉ cần tiêm 3 mũi vaccine (các ngày 0-7-28) đã có miễn dịch với bệnh. Nếu bị chó mèo cắn sau tiêm, dù vết thương nặng, mọi người chỉ cần chích ngừa thêm 2 mũi (hai ngày 0 và 3), không cần dùng huyết thanh kháng dại.
Biểu hiện lạ lùng khi người bệnh lên cơn dại
Một triệu chứng điển hình của bệnh dại là sợ nước. Nỗi sợ hãi này khiến người bệnh không thể nuốt chất lỏng và phản ứng dữ dội khi nhìn thấy nước.
Sợ nước là triệu chứng muộn của bệnh dại, khiến người bệnh thấy khó khăn khi nuốt. Ảnh minh họa: Pexels.
Nếu một người chẳng may bị chó cắn, mèo cào nhưng không tiêm phòng sau một thời gian và xuất hiện biểu hiện sợ nước, điều này cảnh báo gần như chắc chắn virus dại đã đến thời điểm phát triệu chứng.
Phát bệnh do virus dại có lẽ là một trong những nỗi đau khó chịu nhất mà con người trải qua, cho đến khi tim ngừng đập.
Căn bệnh nguy hiểm
Các chuyên gia y tế thế giới xếp loại virus gây bệnh dại là một trong những căn bệnh nguy hiểm nhất trong lịch sử, ngang hàng với những căn bệnh khủng khiếp như Ebola, bệnh than, dịch hạch và đậu mùa, theo Discovery Magazine.
Sau khi nạn nhân bị nhiễm bệnh, các triệu chứng của bệnh dại có thể xuất hiện sau ít nhất là một tuần hoặc có thể một năm, vì virus ủ bệnh và xâm nhập vào não và tủy sống. Tuy nhiên, khi nó đến hệ thống thần kinh trung ương, các triệu chứng sẽ bắt đầu xuất hiện.
Lúc đầu, các triệu chứng dại có vẻ giống cúm: sốt, nhức đầu, đau nhức toàn thân, có thể hơi ngứa ran hoặc ngứa ngáy ở vị trí ban đầu của vết cắn.
Sau đó, mọi thứ trở nên tồi tệ hơn khi bệnh nhân bắt đầu cảm thấy lo lắng, lú lẫn, hành vi thất thường, ảo giác. Đó là khoảng thời gian mà các triệu chứng điển hình của chứng sợ nước cũng bắt đầu xuất hiện.
Hình ảnh virus gây bệnh dại. Ảnh: Verywellhealth.
Triệu chứng sợ nước
Một khi virus đã xâm nhập vào hệ thống thần kinh trung ương, nó sẽ tàn phá cơ thể bằng mọi hình thức.
Các cơ bắt đầu co giật không chủ ý, tiến triển thành những cơn co thắt và co giật dữ dội. Tình trạng tăng tiết nước bọt (khạc nhổ quá nhiều) cũng xảy ra ở giai đoạn này, dẫn đến triệu chứng sùi bọt mép điển hình thường liên quan đến nhiễm trùng bệnh dại.
Tại thời điểm này, người bệnh bắt đầu gặp khó khăn khi nuốt. Cố gắng nuốt dù chỉ một ngụm nước - thậm chí nghĩ đến việc cố nuốt nó - cũng đủ gây ra những cơn co thắt cơ cực kỳ đau đớn.
Đây là nơi xuất hiện các triệu chứng điển hình của chứng sợ nước, mặc dù nạn nhân bệnh dại không thực sự sợ nước. Họ sợ cảm giác đau đớn khi cố nuốt, mặc dù họ có thể rất khát.
Theo Science Abc, cùng với sự hung hăng và hiếu động thái quá, bất cứ khi nào bệnh nhân dại nghĩ hoặc nhìn thấy nước, họ sẽ giật mình và phản ứng dữ dội, có thể khiến họ cắn người khác. Sự tồn tại tra tấn này có thể kéo dài trong nhiều ngày rất đau khổ trước khi tử vong vì bệnh dại.
Không phải tất cả trường hợp bệnh dại đều gây ra chứng sợ nước. Bệnh dại có 2 cách biểu hiện, tùy thuộc vào chủng virus bệnh dại mà người đó bị nhiễm.
Các loại bệnh dại là bệnh dại dữ dội và bệnh dại bại liệt. Bệnh dại dữ dội dẫn đến chứng sợ nước và hung hăng. Trong khi đó, bệnh dại bại liệt dẫn đến tê liệt các chi và nếu không được điều trị có thể dẫn đến hôn mê.
Sự thoải mái cuối cùng
Thật không may, chứng sợ nước là một triệu chứng muộn hơn của bệnh dại, xảy ra trong giai đoạn kích thích, sau đó là giai đoạn tê liệt chắc chắn gây tử vong. Co thắt dừng lại khi cơ bắp bị tê liệt.
Khi đó, người bệnh sẽ không còn mắc chứng sợ nước nữa, nhưng đó rõ ràng là sự thoải mái cuối cùng ở giai đoạn này. Bởi vì điều xảy ra tiếp theo là người bệnh rơi vào trạng thái hôn mê, sau đó tử vong.
Nếu nghi ngờ mình đã bị động vật dại cắn, cách tốt nhất để tránh chứng sợ nước - hoặc bất kỳ triệu chứng khủng khiếp nào khác của bệnh dại - là tìm kiếm sự giúp đỡ của bác sĩ và tiêm vaccine sớm nhất có thể, trong vòng 1-2 ngày sau đó.
Ngay sau khi bị cắn, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn hướng giải quyết. Tiêm vaccine phòng dại ngay sau khi bị cắn là cách tốt nhất, bên cạnh các bước làm sạch vết thương.
Nếu chưa từng tiêm phòng, người bệnh cần tiêm 4 liều trong vòng 2 tuần. Nếu đã tiêm trước đây thì chỉ cần 2 liều sau khi bị cắn. Vaccine phòng dại có thể được tiêm cùng thời gian với các loại vaccine khác và có hiệu lực trong vòng 1-2 năm.
Vaccine sẽ không còn hiệu quả khi xuất hiện các triệu chứng của bệnh.
Làm gì khi bị viêm ruột thừa? Viêm ruột thừa có thể gặp với bất kỳ ai, vào bất cứ thời điểm nào mà không báo trước. Nếu phát hiện sớm và điều trị đúng cách thì ít ảnh hưởng đến sức khỏe. Ngược lại, bệnh có thể dẫn đến những mối nguy hiểm nghiêm trọng, thậm chí là tử vong. Thời gian ủ bệnh viêm ruột thừa bao lâu?...