Nguy cơ Philippines trở thành thành trì mới của IS tại châu Á
Việc hàng chục phần tử thánh chiến nước ngoài sát cánh cùng các tay súng phiến quân thân tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trong cuộc bạo loạn tại Philippines tuần qua cho thấy Manila có thể đang trở thành một thành trì mới của IS tại châu Á.
Quân đội Philippines dốc toàn lực giành lại thành phố từ tay phiến quân thân IS
Nhóm khủng bố khét tiếng Abu Sayyaf tại Philippines (Ảnh: BBC)
Theo Reuters, trong tuần qua, hàng chục phần tử thánh chiến nước ngoài đã tham gia chiến đấu cùng các tay súng của nhóm phiến quân Maute từng thề trung thành với IS để chống lại lực lượng quân đội chính phủ tại thành phố Marawi, miền nam Philippines. Đây là bằng chứng cho thấy khu vực bất ổn này đang nhanh chóng trở thành một thành trì mới của IS tại châu Á.
Một nguồn tin tình báo của Philippines cho biết, trong số 400-500 tay súng phiến quân tấn công thành phố Marawi trên đảo Mindanao hôm 23/5, có tới 40 tên đến từ nước ngoài, trong đó có các quốc gia ở khu vực Trung Đông. Theo nguồn tin trên, các phần tử thánh chiến nước ngoài đổ về Marawi gồm người Indonesia, Malaysia, Pakistan, Ả rập Xê út, Yemen, Ấn Độ, Maroc và một người mang hộ chiếu Thổ Nhĩ Kỳ.
Tình trạng bạo loạn tại Marawi bùng phát vào chiều 23/5 sau khi lực lượng quân đội Philippines đột kích nơi ẩn náu của Isnilon Hapilon, thủ lĩnh của nhóm phiến quân Abu Sayyaf tại Philippines. Hapilon cũng đồng thời là phần tử đứng đầu nhánh IS tại Philippines. Tính đến nay đã có tới 100 người thiệt mạng trong các cuộc giao tranh, và quân đội Philippines cũng đang dốc toàn lực để giành lại quyền kiểm soát tại các khu vực mà nhóm phiến quân đang chiếm đóng.
Ông Rohan Gunaratna, chuyên gia an ninh tại Viện nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam của Singapore, nhận định: “IS đang bị thu hẹp địa bàn tại Iraq và Syria, đồng thời phân tán rải rác ở khu vực châu Á và Trung Đông. Một trong những khu vực mà chúng đang mở rộng địa bàn là Đông Nam Á, và Philippines là trọng tâm của quá trình mở rộng này”.
Khu vực Mindanao bất ổn tại Philippines
Các tay súng thuộc nhóm phiến quân nổi loạn xuất hiện trên các đường phố tại Marawi, Philippines chiều 23/5 (Ảnh: Sun Star)
Trong hàng chục năm qua, khu vực Mindanao của Philippines đã trở thành địa bàn hoạt động của tệ nạn cướp bóc, các đợt nổi dậy của phiến quân và các phong trào ly khai. Tuy nhiên, các quan chức Philippines từ lâu đã cảnh báo rằng chính tình trạng nghèo đói, vô pháp luật cũng như sự lỏng lẻo của an ninh biên giới ở những khu vực đông dân Hồi giáo của Mindanao đã biến nơi này trở thành một căn cứ của các phần tử cực đoan đến từ Đông Nam Á và những nơi khác, đặc biệt là các tay súng bị đánh bật ra khỏi cuộc chiến ở Iraq và Syria.
Mặc dù IS và các nhóm thân với tổ chức này từng lên tiếng nhận trách nhiệm về nhiều vụ tấn công ở Đông Nam Á trong vòng 2 năm qua, nhưng cuộc giao tranh tại thành phố Marawi trong tuần qua là cuộc đối đầu kéo dài đầu tiên giữa các tay súng trung thành với IS và lực lượng an ninh Philippines.
Video đang HOT
Năm 2016, các phiến quân Đông Nam Á chiến đấu cho IS ở Syria đã công bố đoạn video kêu gọi các “đồng hương” tham gia vào cuộc chiến ở miền nam Philippines hoặc tiến hành các cuộc tấn công khủng bố ngay tại quê hương họ, thay vì tìm đường sang Syria tham chiến.
Người đứng đầu đơn vị chống khủng bố của lực lượng cảnh sát Malaysia, Ayob Khan Mydin Pitchay, đã nêu danh tính của 4 công dân Malaysia được cho là đã sang Minadanao để gia nhập các nhóm phiến quân tại đây. Trong số này có một đối tượng là giảng viên đại học tên là Mahmud Ahma. Ahma được cho là đã sẵn sàng đảm nhận vị trí thủ lĩnh của IS ở miền nam Philippines nếu thủ lĩnh hiện nay Isnilon Hapilon bị tiêu diệt.
Trong khi đó, giới chức Indonesia cho biết 38 công dân nước này đã tới miền nam Philippines để tham gia vào các nhóm phiến quân “chân rết” của IS, trong đó có khoảng 22 người đã tham gia vào các cuộc giao tranh đối đầu với lực lượng quân đội Philippines. Trong 4 ngày đầu giao tranh tại thành phố Marawi hồi tuần trước, 8 trong số 33 phiến quân bị tiêu diệt là người nước ngoài.
Để ngăn chặn tình trạng này, một nguồn tin thuộc đội chống khủng bố của Indonesia cho biết giới chức nước này đã tăng cường giám sát ở một số khu vực để ngăn các tay súng di chuyển bằng đường biển từ Indonesia tới miền nam Philippines.
Thành Đạt
Tổng hợp
Theo Dantri
Chiến dịch truy bắt thủ lĩnh khủng bố biến thành cuộc giao tranh ác liệt
Thành phố nghèo Marawi trên đảo Mindanao phía nam Philippines trong các ngày qua bỗng biến thành điểm nóng của thế giới khi xảy ra những cuộc giao tranh dữ dội giữa quân đội Philippines và nhóm phiến quân Maute, một phân nhánh của tổ chức khủng bố Abu Sayyaf đã tuyên thệ trung thành với Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Mặc dù tình trạng thiết quân luật đã được thiết lập trên đảo Mindanao, quân đội Philippines cũng đang tổ chức chiến dịch phản công và tự tin sẽ tiêu diệt các phiến quân đang chiếm giữ Marawi trong thời gian ngắn nhất, nhưng chiến dịch táo bạo đánh chiếm Marawi và cách Maute thể hiện quyền tự trị bằng bạo lực như đốt phá nhà thờ Thiên Chúa giáo, phá nhà tù, bắt giữ nhiều cha xứ làm con tin, thậm chí hành quyết một số người không theo đạo Hồi và các sĩ quan quân đội trong thành phố, khiến không ai lại không thể liên tưởng đến một thành phố Mosul - thành trì của IS - đang mọc lên ở Đông Nam Á.
Marawi là thủ phủ tỉnh Lanao del Sur, nơi có đến 99,6% trong số dân 201.000 người theo đạo Hồi. Luật Hồi giáo (Sharia) cũng được áp dụng tại đây, trừ các hình phạt như ném đá tội nhân cho tới chết, chặt chân tay hoặc đánh roi chốn công cộng vì không phù hợp với luật pháp Philippines.
Phiến quân Maute và cờ đen của IS xuất hiện tại thành phố Marawi.
Nhóm thánh chiến cực đoan Abu Sayyaf tách ra từ Mặt trận dân tộc giải phóng Moro (MNLF), do bất đồng với chính sách của MNLF về việc theo đuổi quyền tự trị và muốn tự mình lập ra một nhà nước Hồi giáo.
Vào năm 1991, Abu Sayyaf tuyên bố chiến đấu cho một nhà nước Hồi giáo độc lập ở miền Nam Philippines. Tuy nhiên, hầu hết các hoạt động của tổ chức này mang tính chất khủng bố, giết hại, bắt cóc và tống tiền. Mỹ đã liệt tổ chức này vào danh sách các tổ chức khủng bố quốc tế.
Abdurajak Abubakar Janjalani, người lập ra Abu Sayyaf từng là một nhà thuyết giảng đạo Hồi, đã tham gia cuộc chiến tranh Liên Xô - Afghanistan. Abdurajak Abubakar Janjalani nói rằng, tại đó ông ta đã gặp Osama Bin Laden và được trùm khủng bố truyền bá tư tưởng thánh chiến.
Al-Qaeda đã tài trợ và huấn luyện thời kỳ đầu cho Abu Sayyaf. Khi Janjalani chết, tổ chức này chia thành hai nhóm chính mà các thủ lĩnh của chúng đều đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh với quân đội từ năm 2006-2007.
Kể từ đó, Abu Sayyaf chia thành nhiều nhánh khác nhau nhưng vẫn giữ mối liên lạc dựa trên huyết thống dòng tộc hoặc quan hệ cá nhân. Kể từ năm 2014, một số nhánh của tổ chức đã tuyên bố trung thành với Nhà nước Hồi giáo (IS). Isnilon Tontoni Hapilon, một trong những thủ lĩnh khét tiếng của Abu Sayyaf, đã được công nhận là lãnh đạo của tất cả các nhóm có liên hệ với IS ở Philippines.
Vụ chặt đầu một con tin người Malaysia năm 2015 chính là hệ quả bắt nguồn từ mâu thuẫn trong nội bộ tổ chức này, khi một trong hai nhánh đang giữ con tin này muốn đòi số tiền chuộc nhiều hơn yêu cầu ban đầu và các nhánh khác liên quan đều muốn chia chác món tiền chuộc đó.
Từ giữa năm 2015-2016, phiến quân Abu Sayyaf sống tại các đảo Jolo và Basilan đã bắt giữ 22 con tin, hầu hết là người nước ngoài, đòi hàng chục ngàn USD tiền chuộc. Không được đáp ứng, chúng chặt đầu hai con tin người Canada làm rúng động dư luận thế giới.
Quân đội và cảnh sát Philippines đã mở những cuộc tập kích, săn lùng để tiêu diệt nhóm này và tìm cách giải cứu các con tin.
Binh sĩ Philippines chi viện đến trấn áp khủng bố ở Marawi.
Cuộc đụng độ hồi đầu tháng 4-2016 giữa quân đội và Abu Sayyaf đã khiến 18 binh sĩ quân đội thiệt mạng và 56 người bị thương. Bạo lực dai dẳng và leo thang đến mức Tổng thống Philippines cũng từng cho rằng, không có giải pháp hòa bình khi đối phó với Abu Sayyaf.
Nhưng khi 10.000 quân ở miền nam Philippines không thể ngăn chặn nạn bắt cóc con tin và dân thường gặp nguy hiểm, ông ngỏ ý sẽ tiến hành thương lượng với các nhóm phiến quân.
Maute vốn chỉ là nhóm phiến quân nhỏ được thành lập vào năm 2013 nhưng đã nhiều lần đụng độ với quân đội chính phủ Philippines. Sau những cuộc trấn áp, quân đội Philippines phát hiện nhiều tài liệu huấn luyện dựa theo phương thức của IS tại căn cứ của phiến quân Maute, chứng tỏ nhóm này đang tìm cách trỗi dậy theo con đường của IS tại Mosul, Iraq vào năm 2014.
Maute là thủ phạm vụ đánh bom làm chết 15 người ở thành phố Davao miền nam Philippines (quê hương của Tổng thống Duterte) vào tháng 9-2016, cũng như mở một số cuộc tấn công vào các lực lượng chính phủ ở Lanao.
Bản thân thủ lĩnh Isnilon Hapilon là một giáo sĩ Hồi giáo nói tiếng Arab, có nhiều kinh nghiệm về tấn công theo kiểu đặc nhiệm, đang cố gắng thống nhất các nhóm chiến binh Philippines trung thành với IS. Tuyên thệ trung thành với tổ chức IS vào năm 2014, hắn đã bị thương trong một vụ không kích của quân đội Philippines hồi đầu năm nay.
Hapilon nằm trong danh sách các tên khủng bố nguy hiểm nhất thế giới và bị chính quyền Mỹ truy nã gắt gao với giải thưởng tới 5 triệu USD cho ai bắt giữ được hắn.
Bạo lực bùng phát vào đêm 23-5 sau khi quân đội Philippines đột kích vào nơi ẩn náu của tên thủ lĩnh Isnilon Hapilon. Ngày hôm sau 24-5, hơn 100 tay súng đã đáp trả cuộc đột kích của quân đội Philippines bằng cách tấn công vào một bệnh viện, đốt các ngôi nhà và treo cờ IS tại những cơ sở chúng chiếm giữ. Chúng còn tấn công và đốt cháy một nhà tù, giải thoát 107 tù nhân, trong đó có những thành viên đồng bọn và bắn phá nhiều công trình khác trong thành phố.
Nhiều người khẳng định nhìn thấy các tay súng ăn mặc kiểu phiến quân IS, mang súng trường tự động nghênh ngang đi ngoài phố và nã đạn vào các tòa nhà công sở chính quyền. Cảnh sát trưởng quận Malabang đang trên đường về nhà thì bị những tên phiến quân chặn lại ở một trạm kiểm soát...
Tổng giám mục Socrates Villegas, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công giáo Philippines cho biết các chiến binh Hồi giáo đã xông vào một nhà thờ Kitô giáo ở Marawi và bắt một giáo sĩ, 10 tín đồ cùng 3 nhân viên nhà thờ.
Theo lời của ông Villegas, linh mục Chito cùng những người kia đều không có vai trò nào trong xung đột ở Philippines. Villegas cũng cho biết, yêu sách của các tay súng là chính phủ phải triệt thoát lực lượng quân đội khỏi Marawi.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana thông báo: hàng chục tay súng phiến quân chiếm tòa thị chính, một nhà tù, một trường đại học và vài ngôi nhà. Phát ngôn viên Trung đoàn Bộ binh thứ nhất Philippines cho biết, khoảng 7 binh sĩ chính phủ, 13 phiến quân và một dân thường đã thiệt mạng từ khi bạo lực bùng phát hôm 23-5.
Tổng tham mưu trưởng quân đội Philippines Eduardo Ano nói với AP qua điện thoại: Quân đội chính phủ đã phong tỏa các lối ra vào chính của thành phố Marawi để ngăn Hapilon trốn thoát. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã ban hành thiết quân luật trong 60 ngày trên toàn bộ khu vực Mindanao.
Hiện thông tin về tình hình bên trong thành phố Marawi rất ít do thành phố đông người Hồi giáo này đã bị cắt điện và phiến quân có mặt khắp nơi. Hàng trăm thường dân, gồm cả trẻ em, đang lánh nạn trong một doanh trại ở Marawi, quân đội đã đưa xe tải tới di tản những người dân còn sót lại ở thành phố. Các giám mục và hồng y đã ra cầu xin phiến quân Maute đừng đem những tín đồ Cơ đốc giáo và linh mục làm lá chắn sống cho chúng.
Hãng Reuter đưa tin: Ngày 25-5, quân đội Philippines triển khai hai trực thăng gắn súng máy và khoảng 100 lính đặc biệt từng được Mỹ huấn luyện tới thành phố Marawi để giành lại quyền kiểm soát thành phố. Majul Gandamra, Thị trưởng Marawi, cho biết một số phiến quân Maute vẫn cố thủ trong các tòa nhà và chỉ có lác đác vài nơi còn tiếng súng. Binh sĩ quân đội đã cô lập các phiến quân nhưng không giao tranh.
Trong khi đó, Maute đăng ảnh lên mạng xã hội để khẳng định chúng vẫn hiện diện ở Marawi.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố sẽ tiếp tục có biện pháp cứng rắn để ngăn phiến quân cực đoan hoạt động ở Mindanao và tình trạng thiết quân luật sẽ kéo dài cho đến khi trật tự được vãn hồi tại Marawi.
Tuyên bố từ Nhà Trắng nêu rõ Mỹ vẫn là một đồng minh thân cận của Philippines và sẽ tiếp tục hợp tác với quốc gia này nhằm giải quyết những mối lo ngại về an ninh. Mỹ sẽ luôn ủng hộ và hỗ trợ các nỗ lực của Philippines trong cuộc chiến chống khủng bố...
Theo Quốc Hùng ( tổng hợp)
An ninh thế giới
Phiến quân thân IS chặt đầu cảnh sát trưởng ở Philippines Tổng thống Philippines nói rằng các chiến binh Hồi giáo đang bao vây Marawi đã chặt đầu một cảnh sát trưởng địa phương. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: AP "Cảnh sát trưởng tại Malabang đang trên đường về nhà thì bị chặn lại ở một trạm kiểm soát do những kẻ khủng bố cầm đầu. Tôi nghĩ rằng chúng đã chặt đầu...