Nguy cơ nào đến từ việc có lây nhiễm chéo Covid-19 ra nhân viên y tế?
Một bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư đã mắc Covid-19 dù đầy đủ thiết bị bảo hộ. Việt Nam phải làm gì để bảo vệ các nhân viên y tế – tài nguyên quý giá nhất của mọi quốc gia, khi đương đầu với dịch?
Các nhân viên y tế đang phải làm việc kiệt sức trong những ngày này. Ảnh Đậu Tiến Đạt
Nhân viên y tế bị nhiễm bệnh làm suy yếu cả hệ thống phòng dịch
Việc có ít nhất 3 nhân viên y tế của Việt Nam mắc Covid-19, trong đó có 1 bác sĩ 29 tuổi bị lây nhiễm chéo, đã làm dấy lên những lo ngại.
Cùng với 3 người dương tính với SARS-CoV-2, là hàng trăm nhân viên y tế khác phải cách ly (riêng Bệnh viện Bạch Mai đã có 150 y, bác sĩ bị cách ly liên quan đến 2 điều dưỡng mắc bệnh). Trước đó, tại Bệnh viện Hồng Ngọc và Bệnh viện Xanh-pôn (Hà Nội) cũng đã có 31 y, bác sĩ bị cách ly, khi 2 bệnh nhân nhiễm Covid-19 đến khám.
Việc hệ thống y tế vốn đã chạy căng sức trong mùa dịch, còn phải chịu tổn thất vì y, bác sĩ nhiễm bệnh đã được thế giới chỉ ra là một trong những yếu huyệt của các quốc gia, kể cả các quốc gia phát triển, trong đương đầu với dịch bệnh.
The Lancet, tạp chí y khoa lâu đời và danh tiếng nhất trên thế giới, dẫn số liệu từ Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, cho thấy đến đầu tháng 3, đã có hơn 3.300 nhân viên y tế nước này mắc Covid-19. Theo truyền thông Trung Quốc, vào cuối tháng 2, ít nhất đã có 22 người tử vong.
Tại Ý, 20% nhân viên y tế đối phó với dịch đã bị nhiễm bệnh, và một số đã tử vong.
Ngày 19.3, Reuters dẫn nguồn từ một báo cáo được công bố bởi GIMBE – một tập đoàn y học của Ý, cho biết ít nhất 2.629 nhân viên y tế của nước này đã bị nhiễm SARS-Cov-2, kể từ khi dịch bắt đầu bùng phát vào tháng 2, chiếm 8,3% tổng số ca bệnh.
Con số đã khiến hệ thống y tế vốn đang căng như dây đàn của Ý bị sốc. Tỷ lệ nhân viên y tế bị nhiễm bệnh ở Ý gần gấp đôi số lượng được ghi nhận trong cùng thời điểm của Trung Quốc (thời điểm khoảng 3.200 ca tử vong).
Video đang HOT
Theo số liệu được công bố trên JAMA Network Open, tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ, nhân viên y tế bị nhiễm bệnh ở Trung Quốc chiếm 3,8% trong tổng số các trường hợp.
Tại Mỹ, tờ Washington Post hôm 18.3 dẫn tin từ “một quan chức liên bang giấu tên”, cho biết chính phủ nước này đã nhận được báo cáo về hơn 60 ca nhiễm bệnh trong các nhân viên y tế, trong đó hơn 10 người có liên quan đến du lịch (tương tự bệnh nhân thứ 86 của Việt Nam).
Nếu hệ thống y tế hiện đại của các quốc gia phát triển cũng gặp vấn đề như vậy, các quốc gia đang phát triển càng phải cẩn trọng hơn gấp bội.
Hệ thống y tế sẽ phải hoạt động quá tải vài tháng nữa
Báo cáo của nhân viên y tế từ Ý cho thấy, họ kiệt sức cả về thể chất và tinh thần. Ngoài nguy cơ cao của việc nhiễm virus, họ còn bị dằn vặt bởi những quyết định khó khăn, nỗi đau mất bệnh nhân và đồng nghiệp.
Tại Ý, sự bùng phát của đại dịch đã khiến các bệnh viện rơi vào tình trạng căng thẳng chưa có tiền lệ, kể từ sau Thế chiến thứ hai.
Khi đại dịch leo thang, việc thiếu trang thiết bị bảo hộ cá nhân cho nhân viên y tế là mối lo chính. Mặc dù nhiều quốc gia đã dành ưu tiên nguồn lực cho nhân viên y tế, nhưng thiếu hụt trang thiết bị bảo hộ đang diễn ra ở hầu khắp mọi nơi. Một số nhân viên y tế phải đợi thiết bị, trong khi các bệnh nhân nhiễm Covid-19 vẫn xuất hiện; hoặc được cung cấp thiết bị không đạt yêu cầu.
Ngay tại Ý, Pháp, những quốc gia châu Âu giàu có, thậm chí cả Mỹ, thiết bị bảo hộ đã trở nên hết sức khan hiếm. Hôm 22.3, Giám đốc Viện Nghiên cứu bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ, tiến sĩ Fauci, đã khuyến cáo người dân không nên cố gắng để được xét nghiệm SARS-CoV-2, vì nước này phải dành nguồn lực để bảo vệ các nhân viên y tế, bởi nhân viên y tế càng bị nhiễm bệnh thì khả năng phản ứng của hệ thống y tế càng kém.
Bên cạnh những lo lắng cho an toàn của cá nhân họ, nhân viên y tế cũng trăn trở nỗi lo về việc có thể lây nhiễm cho gia đình mình. Những nhân viên y tế có cha mẹ già, con nhỏ cũng bị tác động bởi việc đóng cửa trường học, chính sách “giãn cách xã hội” (social distancing), sự thiếu hụt thực phẩm và các đồ thiết yếu.
Hệ thống y tế toàn cầu có thể sẽ phải hoạt động quá công suất trong nhiều tháng nữa, ở Việt Nam cũng vậy. Các nhân viên y tế, không giống như phòng bệnh hay máy thở, không thể được “sản xuất” cấp kỳ hoặc chạy với 100% công suất trong thời gian dài. Do đó, trong phản ứng toàn cầu với dịch bệnh, sự an toàn của nhân viên y tế phải được đảm bảo.
Hiện nay, ngành y tế Việt Nam mới kêu gọi người dân “đồng hành”, hạn chế đi lại, bảo vệ chính mình; chưa có các khuyến cáo giảm khám chữa các bệnh không cấp bách, giảm xét nghiệm, để tiết kiệm thiết bị y tế như các quốc gia phương Tây. Tuy nhiên, sự chuẩn bị không bao giờ là quá sớm.
Số ca nghi nhiễm cao nhất trong tuần
Tính đến 8h ngày 21/3, cả nước có 196 người nghi ngờ nhiễm nCoV và hơn 36.000 người từ vùng dịch về được theo dõi sức khỏe.
Đây là con số nghi nhiễm cao nhất trong tuần. Trong số này, có 184 người mới cách ly trong ngày, 12 trường hợp cũ tiếp tục theo dõi. Số liệu do Trung tâm Đáp ứng Khẩn cấp Sự kiện Y tế Công cộng Việt Nam tổng hợp từ tất cả tỉnh thành.
Hôm qua, 25 chuyến bay sẽ đưa 2.585 hành khách từ nước ngoài về sân bay Nội Bài, tăng đột biến so với những ngày trước. Đây đều là người Việt ở châu Âu và khu vực ASEAN đổ về nước trước khi nhiều quốc gia phong tỏa để phòng chống Covid-19.
Cả nước có hơn 36.000 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe. Trong đó hơn 25.000 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú. Tuy nhiên, đây chỉ là người có yếu tố dịch tễ về bệnh chứ không có các triệu chứng như ho, sốt, khó thở, chưa xác định mắc bệnh.
Ngành y tế yêu cầu những người trên 21 chuyến bay có nCoV liên hệ ngay Trung tâm Kiểm soát bệnh tật địa phương để được hướng dẫn theo dõi sức khỏe, giảm nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng.
Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế ,chiều 20/3 yêu cầu các bệnh viện hạn chế tiếp xúc gần giữa nhân viên y tế và người bệnh trong cơ sở khám chữa bệnh sau khi có hai nữ điều dưỡng ở Trung tâm Bệnh Nhiệt đới thuộc Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, dương tính nCoV.
Ngoài ra, Chính phủ yêu cầu dừng các đường bay đón khách nước ngoài và hạn chế tối đa người nhập cảnh Việt Nam. Mọi hành khách đến Việt Nam phải cách ly tập trung 14 ngày, từ 0h ngày 21/3.
Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 khẳng định Việt Nam "tăng cường tốc độ ứng phó", do tình hình Covid-19 trên thế giới đang xấu đi rất nhanh.
Hà Nội đến tối 20/3 ghi nhận 27 ca Covid-19, cao nhất cả nước. Hơn 700 trường hợp tiếp xúc gần đang giám sát y tế, gần 8.000 trường hợp đang theo dõi tại cộng đồng. Trong đó, 150 điều dưỡng và bác sĩ tiếp xúc gần (F1) được cách ly.
Hôm qua, bệnh viện Hồng Ngọc hết cách ly. Nhân viên y tế và người bệnh tại bệnh viện đều xét nghiệm âm tính nCoV, cách ly đủ 14 ngày. Phố Trúc Bạch cũng được dỡ phong tỏa.
TP HCM ghi nhận 20 ca dương tính, trong đó 3 người đã khỏi bệnh từ tháng trước. Bệnh nhân 32 xét nghiệm âm tính lần một. Những bệnh nhân còn lại sức khỏe đều ổn định.
Thành phố hiện có hơn 4500 trường hợp đang cách ly tập trung; 703 trường hợp được theo dõi, cách ly tại nhà.
Đà Nẵng tiếp tục giám sát tại cộng đồng hơn 100 người. 141 trường hợp tiếp xúc gần được cách ly tại các trung tâm y tế quận huyện. Ngoài ra còn gần 400 người cách ly tại nhà, tất cả sức khỏe bình thường. Bốn trường hợp dương tính đang được theo dõi tại bệnh viện tỉnh, không còn sốt, ho, sức khỏe ổn định.
Trong ngày 20/3, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã giám sát 9 tàu bay, 4 tàu biểu, với 258 người nhập cảnh. Tất cả đều khai báo y tế.
Cần Thơ hiện cách ly tập trung 20 người; 485 người cách ly tại địa bàn, nơi cư trú; 329 trường hợp hoàn thành cách ly 14 ngày, trở về địa phương. Ngoài ra, 5 trường hợp tiếp xúc gần "Bệnh nhân 76" ở Cần Thơ đã có xét nghiệm âm tính và tiếp tục cách ly theo quy định.
Quảng Ninh ghi nhận 6 trường hợp dương tính; hơn 700 người đang được cách ly tại nhà và nơi cư trú. Thành phố lập 8 chốt phòng chống Covid-19 ở cửa ngõ nối Quảng Ninh với Hải Phòng, Hải Dương, Lạng Sơn và Bắc Giang, phòng ngừa lây nhiễm dịch bệnh.
Nhân viên y tế tại Trung tâm cách ly Trường quân sự Bộ tư lệnh thủ đô, Hà Nội tháng 3/2019. Ảnh: Giang Huy
Đến nay, tổng số ca Covid-19 ở Việt Nam là 91, trong đó 17 người đã khỏi bệnh bao gồm 16 ca hồi phục từ tháng trước, một bệnh nhân xuất viện ngày 20/3. Các ca bệnh xâm nhập chủ yếu từ châu Âu và Mỹ, sau đó lây lan cộng đồng. 15 tỉnh, thành ghi nhận có trường hợp dương tính với Covid-19.
Sức khỏe hầu hết bệnh nhân ổn định, hai ca nặng đều trên 60 tuổi và có bệnh nền. Có 5 bệnh nhân kết quả xét nghiệm âm tính ít nhất một lần.
Thùy An
Bệnh viện Hồng Ngọc hết cách ly Nhân viên y tế và người bệnh tại Bệnh viện Hồng Ngọc đều xét nghiệm âm tính nCoV, cách ly đủ 14 ngày nên hết phong tỏa. Ảnh minh họa Bệnh viện Hồng Ngọc phải ngừng tiếp nhận bệnh nhân và cách ly các nhân viên y tế từ ngày 7/3 do đã khám ban đầu cho "bệnh nhân 17" Nguyễn Hồng Nhung....