Nguy cơ Mỹ – Trung sa lầy trong căng thẳng
Gần hai thập kỷ sau khi Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc thành lập, Washington và Bắc Kinh chỉ liên lạc thông qua các cuộc họp ở Geneva và Warsaw.
“Chúng tôi đối xử với nhau như kẻ thù”, cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger phát biểu năm ngoái, nhân kỷ niệm 40 năm Mỹ – Trung bình thường hóa quan hệ. “Chúng tôi không có phương thức bình thường nào để liên lạc với chính phủ Trung Quốc, trừ một đại sứ quán ở Warsaw”.
“Đó là nơi hai bên có thể gửi thông điệp tới nhau, đồng thời là địa điểm các đại sứ thỉnh thoảng gặp mặt. 152 cuộc họp đã được tổ chức giữa các đại sứ ở Warsaw, nhưng chưa bao giờ họ đạt được bất cứ thỏa thuận nào”, Kissinger cho hay.
Giờ đây, Mỹ và Trung Quốc đã có các đại sứ quán và thường xuyên liên lạc, nhưng dường như tình hình vẫn không khá hơn nhiều so với quá khứ, khi những thỏa thuận ngày càng trở nên hiếm hoi. Hôm 23/7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo dường như tỏ ý bác bỏ di sản của Kissinger và cố tổng thống Richard Nixon trong xây dựng quan hệ với Trung Quốc, khi chỉ trích “hình mẫu cũ của sự ràng buộc mù quáng”.
Phát biểu của Pompeo đưa ra sau khi Washington ra lệnh đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc ở thành phố Houston, bang Texas, cáo buộc cơ sở ngoại giao này liên quan tới hoạt động gián điệp và đánh cắp sở hữu trí tuệ. Đáp lại, Bắc Kinh bác bỏ mọi cáo buộc, đồng thời yêu cầu đóng lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị G20 ở Osaka, Nhật Bản, hồi tháng 6/2019. Ảnh: Reuters.
Natasha Kassam, chuyên gia về Trung Quốc tại Viện nghiên cứu Lowy của Australia, cho biết những động thái trên diễn ra tại thời điểm “nhiều người tin rằng căng thẳng Mỹ – Trung không thể tồi tệ hơn được nữa”. “Mất lãnh sự quán ở Thành Đô sẽ làm hạn chế các kênh liên lạc với Bắc Kinh của Washington, cũng như khả năng giám sát và báo cáo tình hình Trung Quốc”, Kassam giải thích.
Nhiều nhà phân tích cảnh báo tình trạng căng thẳng không ngừng gia tăng, với việc loại bỏ các nhà ngoại giao cùng những kênh đối thoại, khiến hai nước khó thấu hiểu nhau hơn, tạo rào cản đối với triển vọng xuống thang trong tương lai. “Mỹ và Trung Quốc đã dành ba năm qua để phá hủy phần mềm của mối quan hệ, giờ là đến phần cứng”, Jeff Moon, cựu trợ lý đại diện thương mại Mỹ tại Trung Quốc, nhận định.
Video đang HOT
Guy Saint-Jacques, cựu đại sứ Canada ở Bắc Kinh, cho rằng việc chính quyền Tổng thống Donald Trump thúc đẩy “cuộc chia tay” kinh tế với Trung Quốc có nguy cơ “gây ra hậu quả lâu dài về địa chính trị”.
Hai nước đã phát triển mối quan hệ kinh tế gần gũi hơn bao giờ hết sau khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hồi năm 2001. Năm 2018, trước khi Trump áp một loạt đòn thuế chống lại Bắc Kinh, mở đầu thương chiến, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, với tổng giá trị thương mại là 660 tỷ USD, đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba và nguồn nhập khẩu lớn nhất của Mỹ.
Nhiều doanh nghiệp lớn của Mỹ trên mọi lĩnh vực, từ sản xuất, công nghệ tới Hollywood và bóng rổ, đều phụ thuộc vào nguồn doanh thu chính từ Trung Quốc. Vô số tổ chức văn hóa và trường học của Mỹ cũng triển khai hoạt động tại Trung Quốc. Do đó, sự ngờ vực gia tăng đặt ra rủi ro với công dân bình thường ở cả hai nước.
Trong bài phát biểu hôm 23/7, Pompeo kêu gọi các nước “cùng chí hướng” lập liên minh quốc tế đối phó Trung Quốc, nhằm gây áp lực cho Bắc Kinh về các vấn đề như Hong Kong, Tân Cương hay chính sách thương mại. Tuy nhiên, chiến thuật này được cho là không hiệu quả.
Bất chấp làn sóng chỉ trích trên thế giới đối với luật an ninh Hong Kong, Bắc Kinh vẫn kiên quyết thực thi đạo luật và đe dọa đáp trả nếu các nước chống lại nó. Thêm vào đó, họ cũng không đơn độc trên trường quốc tế. Bắc Kinh đang xây dựng liên minh của riêng họ với các quốc gia cùng chí hướng, có thể đối trọng với nỗ lực gây sức ép của Washington.
Trong khi 27 nước phương Tây, bao gồm Anh và Mỹ, lên án luật an ninh Hong Kong trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, 53 nước khác, bao gồm Cuba hay Pakistan, lại ký vào một tuyên bố chung ủng hộ đạo luật.
Saint-Jacques cho rằng nên khuyến khích Bắc Kinh tuân thủ quy tắc và chuẩn mực quốc tế mà chính họ từng ký kết thông qua các cơ quan như WTO. Tuy nhiên, ông lo ngại chính quyền Trump đang tạo ra sự chia rẽ mới giữa các nước có đường lối cứng rắn với Trung Quốc và những quốc gia muốn duy trì ảnh hưởng và quan hệ kinh tế.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị được cho là đang âm thầm vun đắp liên minh chống lại Mỹ. Trao đổi với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov tuần trước, ông Vương chỉ trích “tâm lý Chiến tranh Lạnh” của Mỹ, kêu gọi Nga – Trung “không chỉ thúc đẩy quan hệ song phương lên tầm cao mới, mà còn sát cánh với tất cả quốc gia có lập trường khách quan và công bằng nhằm chống lại mọi hành vi phá hoại trật tự quốc tế và đi ngược xu hướng lịch sử”.
Theo bình luận viên James Griffiths của CNN, mặc dù Trung Quốc và Mỹ đều khiến căng thẳng leo thang, Bắc Kinh phần lớn muốn điều ngược lại, đặc biệt trên mặt trận kinh tế. Tuy nhiên, chủ nghĩa dân tộc và quan điểm cứng rắn dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình khiến Trung Quốc khó có thể lùi bước hoặc tránh phản ứng công khai trước sự khiêu khích của Mỹ.
“Điều này khiến những quan chức ‘diều hâu’ với Trung Quốc trong Nhà Trắng dễ dàng khiêu khích Bắc Kinh hành động, sau đó lợi dụng việc này để biện minh cho lập trường của họ, có thể nhằm mục đích chính trị nội bộ”, Griffiths nêu ý kiến.
“Chắc chắn có lý do chính đáng để đối đầu với Trung Quốc. Tuy nhiên, tôi lo ngại rằng động thái leo thang căng thẳng này có thực sự nhằm đối đầu Trung Quốc, hay là vì cuộc bầu cử sẽ diễn ra trong 4 tháng nữa?”, Angus King, thượng nghị sĩ độc lập thuộc Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ, đề cập tới việc đóng lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston.
Thái độ cứng rắn với Trung Quốc là một trong những thông điệp chủ chốt trong chiến dịch tái tranh cử của Trump, được cho là nhằm làm nổi bật sự mềm mỏng của Joe Biden, ứng viên tổng thống đảng Dân chủ, trước Bắc Kinh.
“Trump từng nhiều lần tự hào nói rằng khi bị tấn công, ông ấy sẽ đáp trả mạnh gấp đôi. Hoàn cảnh hiện nay thúc đẩy ông ấy làm như vậy, bởi tâm lý phổ biến tại Mỹ bây giờ là cần đáp trả thái độ hung hăng của Trung Quốc thật mạnh mẽ”, Moon, người từng làm trong ngành ngoại giao Mỹ, nhận xét.
Moon nói thêm rằng Trung Quốc có thể đã “đi sai nước cờ” khi quyết định đáp trả bằng cách ra lệnh đóng cửa lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô thay vì Vũ Hán, đặc biệt nếu động thái này khiến Mỹ “ăn miếng trả miếng” gay gắt hơn. Lãnh sự quán Mỹ tại Vũ Hán vốn ngừng hoạt động suốt nhiều tháng vì Covid-19, nên lệnh đóng cửa cơ sở này sẽ không gây ra tác động thực sự, giúp tạm thời hạ nhiệt căng thẳng.
“Trung Quốc hưởng lợi từ các lãnh sự quán của họ ở Mỹ nhiều hơn so với chiều ngược lại. Trong khi các nhà ngoại giao Trung Quốc có thể tiếp cận rộng rãi xã hội mở của Mỹ, Bắc Kinh lại cản trở người Mỹ tiếp cận xã hội Trung Quốc. Do đó, Bắc Kinh sẽ chịu thiệt khi các lãnh sự quán bị đóng cửa. Tôi ngạc nhiên vì họ chọn cách leo thang căng thẳng trong tình huống này”, Moon nhận định.
Nguồn tin cấp cao của Bộ Tư pháp Mỹ cho biết nước này hôm 23/7 bắt và tạm giam Juan Tang, nhà khoa học Trung Quốc trốn lệnh bắt vì gian lận visa bằng cách “cố thủ” trong lãnh sự quán ở San Francisco, tình huống cho thấy căng thẳng không có dấu hiệu giảm bớt. Trump cũng đe dọa đóng cửa thêm nhiều lãnh sự quán.
Bất cứ động thái nào như vậy cũng chắc chắn bị Bắc Kinh đáp trả, với tiền lệ ở Thành Đô, gây suy giảm khả năng tránh hiểu lầm nghiêm trọng của cả hai bên trong trường hợp khủng hoảng.
Lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô gấp rút dọn đồ
Nhân viên lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô gấp rút dọn dẹp đồ đạc và gỡ bỏ phù hiệu, một ngày sau khi Trung Quốc ra lệnh đóng cửa.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 24/7 lệnh đóng cửa lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, để đáp trả việc Mỹ đóng Tổng lãnh sự quán ở Houston. Tuy không rõ hạn chót mà Bắc Kinh yêu cầu quan chức lãnh sự quán này rời đi, nhưng hôm nay, các nhân viên Mỹ đã gấp rút đóng gói đồ đạc.
Nhiều túi rác màu đen lớn đã được các nhân viên chuyển ra phía ngoài lãnh sự quán ở Thành Đô. Các túi đen này dường như để chứa giấy tờ bị tiêu hủy, khi một chiếc túi đã bị rách và thấy có nhiều giấy vụn bên trong.
Ít nhất 10 bao tải đã được chuyển ra khỏi tòa nhà lãnh sự quán vào đầu buổi sáng nay, theo phóng viên AFP. Phù hiệu Mỹ phía trước tòa nhà cũng được các nhân viên gỡ xuống và chỉ để lại một lá cờ Mỹ.
Nhân viên gỡ phù hiệu Mỹ tại lãnh sự quán ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, hôm 25/7. Ảnh: AFP.
Vương Văn Bân, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh ngày 24/7 rằng một số nhân viên lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô "đã tiến hành các hoạt động không phù hợp với vị trí công việc của họ", gây tổn hại lợi ích an ninh của quốc gia này.
Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, các biện pháp Trung Quốc áp dụng là phản ứng chính đáng và cần thiết đối với "hành động phi lý của Mỹ, phù hợp với luật pháp quốc tế, các chuẩn mực cơ bản của quan hệ quốc tế và thông lệ ngoại giao".
Trong khi đó, quan chức Washington nói lệnh đóng cửa cơ quan ngoại giao Trung Quốc tại Houston là một thông điệp gửi tới Bắc Kinh, nhằm cảnh báo nước này chấm dứt các hoạt động đánh cắp bí mật khoa học và công nghệ của Mỹ. Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói cáo buộc của Mỹ là "vu khống hiểm độc".
Mỹ mở tổng lãnh sự quán tại thành phố Thành Đô năm 1985 để thực hiện công tác lãnh sự ở khu vực tây nam Trung Quốc, gồm các tỉnh Tứ Xuyên, Vân Nam, Quý Châu, khu tự trị Tây Tạng và Trùng Khánh. Cơ sở ngoại giao này có khoảng 200 nhân viên và được coi là có tầm quan trọng trong chiến lược của Mỹ vì liên quan đến Tây Tạng.
Căng thẳng Mỹ - Trung liên tục leo thang gần đây trong hàng loạt vấn đề, từ Covid-19, Hong Kong, Biển Đông và giờ là lệnh đóng cửa lãnh sự quán. Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Đức Heiko Maas hôm 24/7, Ngoại trưởng Vương Nghị nói chính Mỹ đã gây ra toàn bộ căng thẳng trong quan hệ Bắc Kinh - Washington.
Trung Quốc 'tiến thoái lưỡng nan' đáp trả Mỹ Bắc Kinh tuyên bố đáp trả hành động đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston của Mỹ, nhưng chắc chắn không muốn "đoạn tuyệt" với Washington. Hai tuần trước, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị kêu gọi Mỹ không đưa quan hệ hai nước tiến sát bờ vực đổ vỡ và tìm cách hợp tác trên các lĩnh vực lợi ích...