Nguy cơ Mỹ phát động chiến tranh với Iran
Các bên liên quan đều có lợi ích tại Vùng Vịnh nên không muốn chiến tranh, nhưng vẫn tồn tại nguy cơ tính toán sai lầm dẫn tới xung đột.
Hai nhà máy lọc dầu lớn nhất Arab Saudi cuối tuần trước bị tấn công, khiến không ít nhà quan sát lo sợ nó có thể là mồi lửa châm ngòi cho “thùng thuốc súng” ở Trung Đông. Nỗi lo ngại càng lớn hơn khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump kiên quyết cho rằng Iran đứng sau sự việc, trong khi Tehran phủ nhận mọi cáo buộc.
Giới quan sát cho rằng “thùng thuốc súng” có phát nổ hay không phụ thuộc rất lớn vào phản ứng của ba nước Arab Saudi, Iran và Mỹ, những quốc gia đều có lợi ích lớn trong việc tránh để xảy ra một cuộc chiến tranh tổng lực.
Khói đen bốc lên từ nhà máy dầu ở Abqaiq, Arab Saudi, sau vụ tấn công ngày 14/9. Ảnh: AFP.
Theo Austin Carson, phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Chicago, Arab Saudi chắc chắn không muốn dùng biện pháp quân sự trả đũa công khai Iran khi không có những bằng chứng xác đáng về vai trò của Tehran trong sự việc.
Giới chức Riyadh được cho là chưa bị thuyết phục bởi những thông tin tình báo được phía Mỹ chia sẻ, trong đó cho rằng tên lửa nhắm vào nhà máy dầu Arab Saudi được phóng từ lãnh thổ Iran. Giới phân tích cho rằng điều này phản ánh cách tiếp cận cẩn trọng của Riyadh đối với vấn đề.
Vụ tấn công đã cho thấy các nhà máy lọc dầu chiến lược của Arab Saudi dễ tổn thương đến mức nào trước các đòn tấn công của đối phương. Bởi vậy, Riyadh có lẽ không muốn đối diện với một kịch bản xung đột leo thang thành chiến tranh và hứng chịu tổn thất nặng nề từ các đòn tập kích bằng tên lửa của Iran vào cơ sở hạ tầng chiến lược của mình.
Sự ổn định chính trị và xã hội của Arab Saudi cũng là một yếu tố mà giới lãnh đạo nước này cần cân nhắc khi mà mối đe dọa bất ổn nội bộ từ cộng đồng người thiểu số Shiite vẫn luôn hiện hữu.
Dù chi tiêu lớn cho quân sự, Arab Saudi vẫn không thể thắng thế trong cuộc xung đột tại Yemen, vốn ít nguy hiểm và phức tạp hơn nhiều so với tình hình Iran. Vì vậy, dù Riyadh ủng hộ nhiệt tình chiến lược “gây áp lực tối đa” lên Tehran, họ chắc chắn không mong muốn một cuộc chiến tranh thực sự nổ ra.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo lại ngay lập tức đổ lỗi cho Iran sau khi có thông tin về vụ tấn công hai nhà máy lọc dầu. Mỹ sau đó mới công bố những thông tin tình báo và ảnh vệ tinh để hỗ trợ cho cáo buộc của ông. Giới phân tích cho rằng nhiều khả năng cộng đồng tình báo Mỹ đã biết về cuộc tấn công trước khi nó xảy ra hoặc đã xác định cụ thể được bên chịu trách nhiệm thông qua những bằng chứng chưa công khai.
Nhưng điều gây bất ngờ là trong dòng tweet về cuộc tấn công tối 15/9, Tổng thống Donald Trump lại không nêu tên Iran và giao trọng trách quyết định phản ứng như thế nào vào tay Arab Saudi, chứng tỏ quan điểm của Washington về cách đối phó với Tehran chưa thực sự rõ ràng.
Đổ lỗi cho Iran dường như là cách để Mỹ chuẩn bị cho những động thái đáp trả bằng vũ lực. Ngay cả khi không trả đũa quân sự, Nhà Trắng có lẽ tin rằng việc quy kết trách nhiệm sẽ giúp chứng minh tính đúng đắn của chiến lược “gây áp lực tối đa” lên Iran bằng các biện pháp trừng phạt.
Video đang HOT
Theo bình luận viên Gideon Rachman từ Financial Times, nếu Mỹ vẫn tiếp tục kiên quyết cáo buộc Iran đứng sau vụ tấn công, họ sẽ đáp trả bằng hành động quân sự. Nhưng các lãnh đạo Mỹ có thể sẽ phải cân nhắc kỹ trước thực tế rằng vụ tấn công vào hai nhà máy lọc dầu ở Arab Saudi đã khiến giá dầu thế giới tăng 20%. Một cuộc xung đột quy mô lớn với Iran nhiều khả năng sẽ gây xáo động lớn hơn nhiều với thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Tầm quan trọng của dầu mỏ Vùng Vịnh đối với toàn cầu đã được minh chứng rõ nét qua cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973, khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) ra quyết định ngừng xuất khẩu dầu sang các nước ủng hộ Israel trong cuộc chiến tranh Yom Kippur, cụ thể là Mỹ. Nó khiến giá dầu tăng gấp 4 lần, tác động nghiêm trọng tới các thị trường và nền kinh tế thế giới.
Gần 30 năm sau cuộc chiến tranh Vùng Vịnh đầu tiên, các nền kinh tế phương Tây đã giảm bớt tương đối khả năng bị tổn thương khi nguồn dầu từ khu vực bị gián đoạn. Mỹ đã gia tăng sản xuất dầu đá phiến dẫn tới việc lượng dầu Mỹ nhập khẩu từ Arab Saudi giờ đây chỉ bằng 1/3 so với năm 2003.
Nhưng ít bị tổn thương hơn không đồng nghĩa với bất khả xâm phạm. Arab Saudi vẫn là nhà xuất khẩu dầu số một thế giới nên nếu nguồn cung từ nước này bị gián đoạn, người tiêu dùng và các ngành công nghiệp toàn cầu sẽ nhanh chóng cảm nhận được tác động.
Iran cũng có lý do để tránh một cuộc xung đột toàn diện, thứ sẽ khiến nước này phơi mình trước hỏa lực từ các quốc gia láng giềng được vũ trang tốt ở Vùng Vịnh và trên hết là các cuộc tấn công từ Mỹ.
Những tháng qua, Iran đã thực hiện hàng loạt động thái khiêu khích như bắt tàu dầu phương Tây hay khuyến khích phiến quân Houthi ở Yemen tấn công các mục tiêu mềm tại Arab Saudi. Nhưng các nhà quan sát phương Tây đánh giá những hành động đó chỉ là một phần trong nỗ lực của Iran nhằm chứng minh rằng họ không bất lực trước các đòn trừng phạt. Người Iran dường như còn muốn giành đòn bẩy lợi thế trước các cuộc đàm phán có thể được nối lại trong tương lai với Mỹ.
Nhìn chung, tất cả các bên liên quan đều có những lợi ích kinh tế và chiến lược khiến họ không muốn mạo hiểm sa chân xuống bờ vực chiến tranh. Tuy nhiên, lãnh đạo ba nước cũng nhiều lần thể hiện tính thất thường và cảm tính trong các quyết định, nên nguy cơ tính toán sai lần dẫn đến thổi bùng xung đột chưa hoàn toàn bị xóa bỏ, Rachman nhận xét.
Arab Saudi đã cho thấy khuynh hướng dễ đưa ra quyết định sai lầm của mình qua quyết định can thiệp quân sự vào Yemen hồi năm 2015 và hậu quả là những bất ổn hiện nay họ phải đối mặt. Với Iran, nếu thực sự ra lệnh tiến hành cuộc tấn công nhằm vào nhà máy dầu Arab Saudi, Tehran đã chấp nhận rủi ro với những hệ quả khó kiểm soát.
Trong khi đó, Tổng thống Trump sẵn sàng xé bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran nhưng sau đó lại sa thải cố vấn “diều hâu” nhất của mình về vấn đề Iran. Những hành động này cho thấy dường như bản thân ông chủ Nhà Trắng cũng đang hỗn loạn về chính sách Iran.
Theo Vũ Hoàng (VNE)
Xung đột Mỹ-Iran tăng nhiệt, Trung Đông nóng giãy
Vụ tấn công vào các nhà máy lọc dầu của Ảrập Xêút là một biến cố nghiêm trọng, có thể hủy hoại các nỗ lực ngoại giao và làm leo thang đối đầu giữa Iran với Mỹ và các nước đồng minh ở Trung Đông.
Các vụ tấn công bằng máy bay không người lái sáng sớm ngày 14/9 nhắm vào hai trong số các cơ sở lọc dầu lớn nhất của công ty Aramco ở Khurais và Abqaiq, miền đông Ảrập Xêút đã gây hỏa hoạn nghiêm trọng, làm ngưng sản xuất tới 5,7 triệu thùng dầu thô mỗi ngày, tương đương 1/2 sản lượng dầu của toàn nước này hay 5% nguồn cung hàng ngày trên toàn cầu.
Lửa bao trùm nhà máy tại Abqaiq của công ty lọc dầu quốc doanh Ảrập Xêút Aramco sau vụ tấn công sáng sớm ngày 14/9. Ảnh: cityam.com
Đây được coi là vụ tập kích lớn nhất nhắm vào cơ sở hạ tầng quan trọng của một quốc gia đồng minh Mỹ tại Trung Đông. Các chuyên gia đánh giá, tổn thất sẽ mất nhiều tuần thay vì chỉ vài ngày để khắc phục và nhiều khả năng sẽ làm tăng vọt giá dầu trên thị trường quốc tế. Sự cố cũng dấy lên nhiều lo ngại về an ninh cho các nguồn cung dầu mỏ trên thế giới.
Tranh cãi về thủ phạm gây sự cố chấn động
Ngay sau các cuộc tấn công, lực lượng vũ trang nổi dậy Houthi, nhóm chống lại liên minh quân sự ủng hộ chính phủ Yemen, do Ảrập Xêút dẫn đầu và được Mỹ hậu thuẫn suốt hơn 4 năm qua, đã tuyên bố nhận trách nhiệm. Nhóm nổi dậy khẳng định, họ có "quyền" trả đũa các cuộc không kích và tấn công vào dân thường Yemen.
Một phát ngôn viên Houthi tiết lộ, nhóm đã thực hiện các vụ tấn công thông qua sử dụng 10 máy bay không người lái bắn phá cũng như "sự hợp tác" của các phần tử bên trong Ảrập Xêút, ám chỉ những đối tượng người Shi'ite bất mãn ở tỉnh Đông giàu dầu mỏ của Ảrập Xêút cũng có thể dính líu đến sự cố.
Tuy nhiên, cả Mỹ và Ảrập Xêút rõ ràng không tin tuyên bố của Houthi, với lí do các vụ tấn công quy mô lớn và chính xác đến mức như vậy tương đương sự gia tăng đột biến khả năng chiến đấu của nhóm nổi dậy.
Theo CNN, suốt 2 năm vừa qua, các tay súng Houthi đã phóng hàng chục máy bay không người lái cùng vô số tên lửa đạn đạo tầm ngắn nhắm vào Ảrập Xêút. Song, rất nhiều trong số chúng đã bị các hệ thống phòng không của Ảrập Xêút bắn chặn thành công. Số khác rơi xuống một cách vô hại. Chỉ có vài quả tên lửa đủ sức gây thương vong và hư hại hạn chế.
Các nhà phân tích quân sự phương Tây chỉ ra rằng, các máy bay không người lái (UAV) của Houthi ra đời dựa trên mẫu của Iran. Chúng chủ yếu chỉ là UAV tầm ngắn với khả năng bay tối đa 300km.
Hồi tháng 1 năm nay, một ủy ban của Liên Hợp Quốc phát hiện Houthi đã sử dụng các UAV tầm xa hơn, cho phép nhóm tấn công vào các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Ảrập Xêút và Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE). Song, ngay cả như vậy, tầm bay tối đa của hệ thống có biệt danh UAV-X này cũng chỉ nằm trong khoảng 1.200- 1500km, phụ thuộc vào điều kiện gió. Trong khi khoảng cách từ các vùng đất nhóm Houthi nắm quyền kiểm soát ở Yemen đến Abqaiq ít nhất là 1.300km.
Hai nguồn thạo tin cuối ngày 14/9 nói, các dấu hiệu ban đầu ám chỉ UAV và các tên lửa không phóng đi từ Yemen, mà nhiều khả năng từ miền nam Iraq.
Thực tế, các tay súng nổi dậy thân Iran đang cố thủ vững chắc ở miền nam Iraq. Lực lượng Quds, một đơn vị chuyên trách các hoạt động ở nước ngoài của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) được cho đang có mặt tại đây. Hồi đầu năm nay, một số nhà phân tích trong khu vực tin một cuộc tấn công bằng UAV vào trạm bơm ở Afif, miền bắc Ảrập Xêút cũng do các tay súng ở Iraq gây ra dù không có bằng chứng xác thực.
Tuy nhiên, chính phủ Iraq ngày 15/9 đã ra tuyên bố bác bỏ các thông tin cho rằng lãnh thổ của họ được dùng để tấn công các cơ sở dầu mỏ của Ảrập Xêút.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng đăng đàn Twitter nhấn mạnh: "Iran vừa thực hiện vụ tấn công chưa từng có tiền lệ vào nguồn cung năng lượng của thế giới. Hiện không có bằng chứng các vụ tấn công bắt nguồn từ Yemen". Trong một diễn biến mới nhất, liên minh quân sự do Ảrập Xêút dẫn đầu nhằm chống lại nhóm Houthi ở Yemen thông báo, kết quả điều tra sơ bộ hé lộ vụ tấn công vào các nhà máy của Aramco sử dụng vũ khí được sản xuất tại Iran.
Tất nhiên, Tehran đã thẳng thừng bác bỏ cáo buộc từ Washington, đồng thời tố cáo ngược Washington đang "dựng chuyện" để lấy cớ tấn công quốc gia Hồi giáo. Giới chức Iran nhấn mạnh, nước này đã chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh tổng lực. Chỉ huy lực lượng Không quân của IRGC thậm chí cảnh báo, tất cả các căn cứ cũng như tàu sân bay Mỹ trong phạm vi bán kính 2.000km xung quanh Iran, đều nằm trong tầm ngắm của các tên lửa nước này.
Biến cố thổi bùng căng thẳng
Giới phân tích nhận định, ngay cả khi các lực lượng của Tehran không trực tiếp dính líu đến vụ tấn công vào các nhà máy lọc dầu Aramco, biến cố dường như đang làm leo thang sự đối đầu giữa Iran với Mỹ và các nước đồng minh ở "điểm nóng" Trung Đông.
Tình hình khu vực thời gian gần đây được coi là đang sa lầy vào một cuộc đối đầu nguy hiểm, trong bối cảnh xuất hiện nhiều vụ phá hoại, bắt giữ tàu chở dầu nước ngoài ở Vùng Vịnh, hàng loạt vụ không kích vào thành trì của phe nổi dậy người Shi'ite ở Iraq và sự bất ổn ngày càng nghiêm trọng ở Yemen.
Dù không chỉ rõ đối tượng nào gây ra vụ tấn công các nhà máy lọc dầu và khí đốt ở Ảrập Xêút, nhưng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thông báo, quân đội Do Thái sẵn sàng tấn công các phần tử thân Iran ở bất cứ nơi nào họ bị xem là tạo mối đe dọa, kể cả ở Iraq. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố, Washington biết thủ phạm gây sự cố cuối tuần qua và đã "nạp đạn, lên nòng" để sẵn sàng đối phó dù vẫn chờ nghe ý kiến từ Riyadh.
Giới quan sát bày tỏ lo ngại, biến cố Aramco có thể hủy hoại cả những nỗ lực ngoại giao và cơ hội đàm phán giữa Washington và Tehran liên quan đến vấn đề hạt nhân.
Tháng 5/2018, ông Trump đơn phương rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân quốc tế JCPOA đã ký giữa các cường quốc với Iran từ năm 2015, đồng thời tái áp đặt các biện pháp trừng phạt nhắm vào ngành công nghiệp dầu mỏ cũng như lĩnh vực tài chính, ngân hàng của quốc gia Hồi giáo. Đáp trả chiến dịch "gia tăng áp lực tối đa" này của Washington, Tehran cũng dần dần từ bỏ việc thực hiện những cam kết đã có theo JCPOA.
Giới chức Iran khẳng định sẽ không nhượng bộ "sự bắt nạt" của Mỹ, nhưng bày tỏ sẵn sàng đàm phán với chính quyền ông Trump. Nhiều hãng thông tấn đưa tin, Tổng thống Mỹ tuyên bố không loại trừ khả năng gặp người đồng cấp Iran Hassan Rouhani bên lề phiên họp thứ 74 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York. Nhà Trắng cũng xác nhận ông Trump muốn đối thoại với các lãnh đạo Iran về một thỏa thuận hạt nhân mới không cần điều kiện trước như một động thái giải tỏa chiến dịch gia tăng áp lực tối đa lên Tehran.
Việc ông Trump sa thải Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, một nhân vật có quan điểm cứng rắn về Iran mới đây từng được coi là tín hiệu tích cực, làm dấy lên hy vọng tan băng quan hệ Washington - Tehran. Song, vụ tấn công các nhà máy Aramco dường như đã dội gáo nước lạnh vào những hy vọng này.
"Có một thực tế là IRGC muốn loại trừ bất kỳ cơ hội đàm phán nào giữa Iran với Mỹ vào thời điểm điểm này. Họ không muốn các nỗ lực ngoại giao tiến triển vì sợ việc đó có thể dẫn đến việc chính phủ của Tổng thống Hassan Rouhani sẽ cam kết chấm dứt ảnh hưởng của Iran trong khu vực, làm giàu uranium và phát triển tên lửa, những nỗ lực được tin làm suy yếu sức mạnh của quốc gia Hồi giáo", một chuyên gia phân tích tình báo giấu tên có quan hệ với IRGC tiết lộ với hãng thông tấn Al Jazeera.
Dù các vấn đề nội bộ trong chính trường Iran có thể gây trở ngại cho tiến trình ngoại giao, hầu hết giới quan sát đều tin "bóng đang nằm trên sân" của Mỹ.
"Việc sa thải những nhân vật hiếu chiến như John Bolton là một bước đi đúng hướng. Nhưng nếu chính quyền Trump thực sự muốn giảm căng thẳng với Iran, họ cần ngưng các chính sách diều hâu và chiến dịch gây áp lực, vốn rốt cuộc sẽ buộc Tehran phải lựa chọn hoặc quy phục hoặc chiến đấu tới cùng", Pouya Alimagham, một sử gia về Trung Đông thời hiện đại thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Mỹ bình luận.
Erwin van Veen, một chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu xung đột Clingendael ở Hà Lan cũng tán đồng quan điểm của ông Alimagham. Ông van Veen lưu ý Iran thường có động thái "ăn miếng, trả miếng" mỗi khi Mỹ hoặc các đồng minh xúc tiến một hành động chống lại nước này.
Hiện dư luận vẫn phải chờ xem biến cố Aramco sẽ đẩy xung đột Mỹ - Iran leo thang tới mức nào và liệu có thế lực nào có thể giúp tháo ngòi nổ của "quả bom" Trung Đông hay không.
Tuấn Anh
Theo vietnamnet
Giá tăng nhưng bất ổn thị trường dầu sẽ không kéo dài sau vụ Saudi Vụ tấn công hai cơ sở dầu mỏ trọng yếu của Saudi Arabia có thể gây gián đoạn nhiều ngày và đẩy giá dầu lên cao. Nhưng các chuyên gia nói sẽ khó có một cú sốc giá dầu toàn cầu. Tổng thống Trump cho biết có thể dùng lượng dầu từ kho dự trữ khẩn cấp. Giá dầu được dự báo sẽ...