Nguy cơ mất các bãi biển đẹp nhất Việt Nam
Cửa Đại, một trong những bờ biển đẹp nhất Việt Nam có nguy cơ biến mất bởi hiện tượng xói lở diễn ra ngày càng nghiêm trọng, trong khi các giải pháp đưa ra chưa hiệu quả. Các bãi biển khác cũng trong tình cảnh tương tự.
Nằm cách đô thị cổ Hội An 5 km về phía Đông, Cửa Đại là bãi tắm đẹp của tỉnh Quảng Nam và được bầu chọn là một trong 20 bãi biển đẹp nhất thế giới. Bãi tắm này rộng khoảng vài chục ha với dải cát trắng mịn, nước trong xanh, sóng nhỏ và luôn được mặt trời chiếu sáng. Tuy nhiên, hơn 3 km bờ biển Cửa Đại đang bị sạt lở nặng nề, một số khách sạn, khu nghỉ dưỡng trước kia xây cách mép nước khoảng 150 mét giờ đây biển đã tiến sát công trình. Một số dự án xây dựng dang dở phải bỏ hoang.
Để bảo vệ đất đai và các công trình, tất cả khách sạn, khu nghỉ dưỡng tại Cửa Đại đã phải xây kè bảo vệ bờ. Nhưng các kè này đang phát huy rất ít tác dụng, thậm chí còn tác động xấu tới cảnh quan chung. Thành phố Hội An đang sử dụng giải pháp đóng cừ lá sen (cừ thép) để ngăn xói lở. Các chuyên gia cảnh báo nếu không có giải pháp thích hợp, xói lở có thể sẽ làm mất toàn bộ dải đất ven biển của Hội An nói chung và bãi biển Cửa Đại nói riêng.
Nước biển ngày càng lấn sâu vào đất liền ở Hội An khiến nhiều ngôi nhà chòi tại các khu nghỉ dưỡng bị đổ sụp. Ảnh: Tiến Hùng.
Các bãi biển ở Phú Yên những năm gần đây cũng luôn trong tình trạng báo động về xói lở. Xóm Rớ (phường Phú Đông, TP Tuy Hòa) là nơi thường xuyên bị triều cường và nước biển xâm thực. Cách đây ít hôm hiện tượng này tái diễn. Dù không gây thiệt hại về người, nhưng sóng biển đã “gặm” vào đất liền hàng trăm mét, đánh sập hàng chục mét kè chắn sóng bằng đá hộc, đe dọa an toàn của nhiều hộ dân.
Khoảng giữa tháng 10 năm nay, triều cường xuất hiện ở khu vực trên với những cột sóng cao 3-4 mét, đánh sập toàn bộ nhà anh Trương Tấn Hùng; làm sập tường hàng chục nhà dân ven biển và một cơ sở sản xuất tôm giống; gần 200 mét đường Đinh Tiên Hoàng bị cát biển bồi lấp dày hơn 50 cm.
Năm ngoái, Phú Yên đã đầu tư 12 tỷ đồng xây dựng kè chống xói lở bờ biển với chiều dài gần 700 mét để cứu hàng trăm hộ dân. Nhưng ngay khi xây xong, kè này bị sóng biển đánh sập. Mới đây, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình kè chống xói lở ven biển khu vực này, với tổng đầu tư là 151 tỷ đồng. Biện pháp đưa ra là kè áp mái kết hợp với hệ thống mỏ hàn, đỉnh kè kết hợp làm đường giao thông, chân kè bằng cấu kiện bê tông đúc sẵn kết hợp đổ đá.
Cửa Đại (Quảng Nam), Phú Yên là điển hình chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của xói lở biển. Nhiều nơi khác ở miền Trung, biển đã lấn sâu vào đất liền gần 100 mét như Bình Định, Khánh Hòa, Đà Nẵng.
Video đang HOT
Theo Viện nghiên cứu biển và hải đảo thì miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận – nơi sở hữu những bãi biển đẹp, có giá trị kinh tế cao – lại bị xói lở mạnh. Khu vực này dài 1.765 km, trong đó tổng chiều dài đường bờ biển bị xói lở là 392 km, trung bình cứ 6 km thì có một đoạn bị xói lở.
“Những năm gần đây, tình hình xói lở bờ biển miền Trung ngày càng phức tạp do thiếu hụt nguồn cung cấp cát từ các cửa sông, lượng cát bồi vào mùa hè không đủ bù đắp lượng cát xói lở vào mùa đông”, tiến sĩ Vũ Thanh Ca, Viện trưởng Viện nghiên cứu biển và hải đảo nói.
Mũi Cà Mau có nguy cơ biến mất do xâm thực từ biển. Ảnh: Vũ Thành Ca.
Không chỉ miền Trung, xói lở biển cũng đang xảy ra tại nhiều địa phương ở miền Bắc và miền Nam. Gò Công Đông (Tiền Giang) là trường hợp điển hình. Trước kia, một số khu vực ven biển có rừng ngập mặn ở cách đê biển hiện nay tới 800 mét, nhưng mấy chục năm gần đây xói lở bờ biển đã làm toàn bộ rừng ngập mặn bị đổ xuống biển và ở một số vị trí, biển đã tiến sát vào chân đê. Tốc độ biển tiến trung bình hàng năm khoảng 30 mét. Dù địa phương đã xây dựng kè bảo vệ bờ với chiều dài trên 3 km và hàng năm các đoạn kè này được tu bổ nhưng nhiều đoạn bờ vẫn đang xảy ra xói lở, gây sạt lở kè.
Bờ biển bán đảo Cà Mau dài 254 km thường chịu ảnh hưởng của cả chế độ thủy triều biển Đông và Tây (vịnh Thái Lan). Từ xa xưa, mũi Cà Mau là nơi có tốc độ bồi tụ lớn nhất, tạo ra dáng vẻ uyển chuyển của phần lãnh thổ đất liền Việt Nam. Có nhà khoa học từng nói quá trình bồi tụ sẽ biến Cà Mau thành dải đất chắn (barrier) một phần vịnh Thái Lan, và với tốc độ bồi như vậy nó sẽ nối với bán đảo Malaysia.
Nhưng hiện bán đảo Cà Mau đối diện với hiểm họa xói lở bờ biển và sạt lở hai bờ sông, cùng hiện tượng sụt lún mặt đất tự nhiên không đều trên toàn bộ diện tích. Tốc độ xói/sạt lở khu vực này trung bình từ 25 đến 50 mét mỗi năm, nghiêm trọng nhất là các đoạn bờ biển Gành Hào – Hố Gùi (huyện Đầm Dơi), Cửa Lớn – cửa Ông Trang. Kè biển kiên cố đang được xây dựng để bảo vệ mũi Cà Mau.
Xói lở và bồi tụ được cho là thiên tai nặng nề nhất ở dải ven biển. Việt Nam hiện có khoảng 1/5 chiều dài đường bờ biển bị xói lở với tốc độ từ vài mét tới hàng chục mét mỗi năm và hiện tượng này có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Xói lở biển sẽ ảnh hưởng đến các công trình ven bờ và hoạt động dân sinh, kinh tế ven biển, biến đổi cảnh quan môi trường. Đặc biệt, nó còn làm vỡ đê kè, gây ngập lụt trên diện rộng, dẫn đến thiệt hại nặng nề về tính mạng, tài sản.
Hương Thu
Theo VNE
Chưa xác định nguyên nhân cầu gai cát xuất hiện bất thường
Đến sáng 20/8, ngành chức năng TP Nha Trang vẫn chưa xác định được nguyên nhân vì sao cầu gai cát xuất hiện bất thường trên biển Nha Trang mấy ngày qua. Công tác cào, vớt tiếp tục được triển khai để làm sạch bãi biển trước sự "tấn công" của loại sinh vật này.
Sáng nay 20/8, các nhân viên cứu hộ thuộc Ban quản lý Vịnh Nha Trang tiếp tục công tác cào, vớt cầu gai cát để làm sạch bãi biển Nha Trang.
Cầu gai cát được người dân địa phương và du khách phát hiện cách bờ biển Nha Trang chỉ vài mét và báo cho Ban quản lý Vịnh Nha Trang cách đây 4 đến 5 ngày khi họ xuống tắm biển và bị "làm phiền".
Ngay sau khi nhận được phản ánh của người dân và du khách, Ban quản lý Vịnh Nha Trang đã cắt cử nhân viên 10-12 nhân viên cứu hộ với dụng cụ là những chiếc cào tự chế tiến hành cào, vớt cầu gai cát từ 6h30 đến 8h30 hàng ngày. Sau 4 ngày tổ chức cào, vớt, cơ quan chức năng TP Nha Trang đã thu gom ước được gần 1 tấn cầu gai cát và đưa ra bãi rác Rù Rì lớn nhất thành phố để tiêu hủy.
Cầu gai cát có hình thù bên ngoài giống như quả chôm chôm, màu xám, có lông rất cứng nhô ra như sợi cước, trên lưng có hình sao màu đen. Loại này xuất hiện nhiều theo dọc bãi biển Nha Trang (đoạn từ UBND tỉnh Khánh Hòa đến Tháp Trầm Hương, TP Nha Trang) vào sáng sớm. Sau đó, khi mặt trời lên cao thì chúng xuất hiện thưa hơn và chui xuống cát để ẩn nấp.
Theo các nhân viên Ban quản lý Vịnh Nha Trang, trước đây thỉnh thoảng vẫn bắt gặp cầu gai cát xuất hiện gần bờ biển Nha Trang, nhưng đây là lần xuất hiện dày đặc nhất kể từ trước đến nay. Một nhân viên trực tiếp tham gia trục vớt cho hay ở dưới nước cầu gai cát nằm dày đặc tựa như các thảm cỏ. Một số người dân và du khách khi vấp phải cầu gai cát cho biết có cảm giác hơi khó chịu nhưng được biết chúng không hề ảnh hưởng đến sức khỏe người.
Chỉ sau 5 đến 7 phút, nhân viên cứu hộ đã gom được khá nhiều cầu gai cát. Theo các nhà chuyên môn, cầu gai cát không có giá trị về mặt dinh dưỡng, và cách duy nhất để loại bỏ chúng trên bờ biển Nha Trang là cào, vớt đem tiêu hủy. Sau khi nhận được phản ánh, Viện Hải dương học Nha Trang đã tiến hành lấy mẫu giám định để sớm có kết luận nguyên nhân xuất hiện của loại sinh vật biển này.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Đội phó đội phụ trách cứu hộ Vịnh Nha Trang cho biết sáng 20/8, các nhân viên cứu hộ đã vớt được khoảng 1 tạ cầu gai cát. Cầu gai cát được tập kết trên một tấm bạt để chờ đơn vị môi trường thu gom, tiêu hủy.
Viết Hảo
Theo dantri
Giải mã dinh thự cổ có phong thủy đẹp nhất Đà Lạt - Tòa dinh thự này nằm trên một ngọn đồi cao nhất ngay giữa trung tâm thành phố, được giới phong thủy xem là "cao điểm long mạch" của Đà Lạt. Trong số các dinh thự cổ nổi tiếng nhất Đà Lạt, không thể không nhắc đến Dinh tỉnh trưởng, một dinh thự có vị trí được coi là đặc địa nhất của...