Nguy cơ lớn
Thông tin về 6 trường hợp tử vong vì virus cúm gia cầm H7N9 ở Trung Quốc không thể không khiến người ta phải giật mình, lo lắng. Dù nước ta chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm loại virus cúm gia cầm mới này, nhưng khi mà gia cầm nhập lậu từ biên giới phía Bắc còn chưa được loại trừ thì không có gì bảo đảm chủng virus nguy hiểm này không theo chân gà lậu vào nội địa tác oai tác quái.
Mức độ nguy hiểm của virus cúm gia cầm H7N9 cực kỳ nguy hiểm. Cơ chế lây lan virus H7N9 chủ yếu là từ chất thải của gia cầm ra môi trường và từ môi trường lây lan sang người. Đặc biệt với những người trực tiếp giết mổ, chế biến gia cầm, nguy cơ lây nhiễm rất lớn. Bằng chứng là tất cả 14 người mắc cúm A/H7N9 tại Trung Quốc đều làm công việc liên quan đến giết mổ gia cầm, có các biểu hiện ho, chóng mặt, sốt, khó thở…
Theo ghi nhận tại nơi khởi phát dịch tại Trung Quốc thì có tới 6 trong số 14 ca mắc cúm H7N9 tử vong, trường hợp còn lại vẫn trong tình trạng nguy kịch. Tỉ lệ tử vong cùng mức độ nguy hiểm của loại virus cúm gia cầm này làm liên tưởng tới dịch cúm A/ H5N1 từng hoành hành ở nước ta.
Vì thế không thể không lo lắng về những hiểm họa từ gà nhập lậu Trung Quốc. Trên diễn đàn Quốc hội cuối năm ngoái, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân từng chỉ ra 5 tác hại của gà nhập lậu phải kiên quyết xử lý, trong đó có việc mang virus cúm lây sang gà nội địa. Việc nhập lậu này đã được hạn chế đáng kể, nhưng chưa thể khẳng định đã hoàn thành mục tiêu “ngăn chặn cơ bản” gà nhập lậu.
Video đang HOT
Theo Cục Chăn nuôi, Bộ NN-PTNT ngày 3-4 cho biết mỗi ngày vẫn có từ 3 đến 5 tấn gà thải, loại nhập lậu về chợ gia cầm đầu mối Hà Vĩ lớn nhất Hà Nội. Trong đó, có lần cơ quan chức năng bắt được cả xe tải chở hàng tấn gà nhập lậu từ Trung Quốc về Việt Nam.
Trước thông tin xuất hiện chủng virus cúm gia cầm mới H7N9 ở Trung Quốc, Bộ Y tế đã yêu cầu các sở y tế đẩy mạnh triển khai tốt công tác kiểm dịch y tế biên giới, giám sát chặt chẽ đối với người nhập cảnh, xử lý y tế kịp thời đối với các trường hợp nghi mắc bệnh, đặc biệt chú ý khách nhập cảnh từ vùng có ca bệnh. Tăng cường giám sát, kiểm tra nhập khẩu gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới, ngăn ngừa nhập lậu gia cầm không được kiểm dịch xâm nhập vào Việt Nam cũng là điều cần phải làm quyết liệt.
Từ dịch cúm A/H5N1 đến mối họa cúm H7N9 đang lơ lửng lúc này. Phòng chống gia cầm nhập lậu ở thời điểm này, vì thế, phải quyết liệt như phòng chống một mối nguy họa lớn nhất. Nguy cơ lây lan virus cúm H7N9 từ Trung Quốc vào Việt Nam là rất lớn. Và những người Việt Nam buôn lậu gia cầm từ Trung Quốc hãy nghĩ đến đồng loại của mình, trong đó có cả những người thân của mình
Theo ANTD
Virus cúm A/H5N1đã biến đổi
Mới đây, Bộ NN&PTNT cảnh báo về loại virus H5N1 mới xuất hiện có sự khác biệt với những virus 2.3.2.1 (cả nhóm A, B) gây bệnh ở nước ta năm 2011. Nhóm virus này có khả năng khiến dịch cúm gia cầm tiếp tục lan rộng trong thời gian tới là rất cao. Tuy nhiên, trao đổi với báo chí, PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho rằng đây chỉ là sự biến đổi bình thường.
Biến đổi của virus H5N1 chưa thể tạo ra chủng virus mới
- PV: Xin ông cho biết loại virus mới này có nguy hiểm đến sức khỏe con người hay không?
- PGS.TS Nguyễn Trần Hiển: Từ tháng 8-2011 Tổ chức Nông Lương Quốc tế (FAO) cảnh báo sự tăng trở lại của dịch cúm A/H5N1 ở các đàn chim và gia cầm do có sự biến đổi, lây truyền và lưu hành phổ biến của virus cúm A/H5N1 phân nhóm 2.3.2.1 ở nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Virus biến đổi này có đặc điểm di truyền giống với các virus 2.3.2 được phân lập trước đó (từ năm 2004). Tuy nhiên, sự biến đổi nhỏ này của virus cúm gia cầm không có gì bất thường trong quá trình tiến hóa tự nhiên của virus. Hơn nữa, đây chỉ là biến đổi nhỏ của virus tạo ra một phân nhánh mới, chứ chưa biến đổi lớn để tạo ra một chủng virus mới. Cho đến nay, ở Việt Nam chưa phát hiện được người nhiễm virus H5N1 phân nhóm mới hiện đang lưu hành ở gia cầm.
- Điều đó có nghĩa dù virus cúm A/H5N1 đã có những biến đổi nhỏ song chưa đến mức phải lo lắng?
- Ngay sau khi có sự xuất hiện phân nhóm mới này của virus cúm A/H5N1 ở nhiều nước, Tổ chức Y tế thế giới cũng thông báo rằng dựa trên các thông tin hiện có, sự biến đổi này không làm tăng các nguy cơ về y tế công cộng đối với con người. Bức tranh về cúm gia cầm ở người vẫn không thay đổi và chưa có sự lây truyền từ người sang người.
Qua theo dõi giám sát các ca bệnh nhiễm cúm A/H5N1 ở người tại nước ta, nhìn chung cho đến thời điểm hiện nay tôi chưa thấy có điều gì bất thường. Tuy nhiên vẫn cần phải tăng cường giám sát virus đang lưu hành ở gia cầm để sớm phát hiện sự thay đổi lớn hơn của virus và đưa ra các chiến lược khống chế phù hợp đối với dịch ở gia cầm và bảo vệ sức khỏe con người.
- Vậy ông có lời cảnh báo nào cho người dân?
- Nguy cơ đáng lo ngại nhất hiện nay vẫn là virus cúm A/H5N1 đang tiếp tục lưu hành và gây dịch ở gia cầm. Nó có thể tiếp tục biến đổi nhỏ trong quá trình tiến hóa tự nhiên, sắp xếp lại các gene trong quá trình nhân lên và phát triển, tái tổ hợp với các virus cúm lưu hành ở động vật và người để hình thành một chủng virus cúm mới có độc lực cao và có khả năng lây truyền từ người sang người. Do đó, ngành thú y phải phối hợp chặt chẽ với ngành y tế, cần chủ động tăng cường công tác giám sát virus cúm ở gia cầm và ở người để sớm áp dụng các biện pháp phòng chống dịch thích hợp, ngăn chặn sự lây truyền dịch ở gia cầm và từ gia cầm sang người, phát hiện sớm các phân nhóm virus mới ở gia cầm và chùm ca bệnh viêm phổi nặng bất thường ở người.
Để phòng tránh bệnh dịch này, người dân cần phải thực hiện tốt các khuyến cáo về an toàn vệ sinh trong chăn nuôi, giết mổ gia cầm, nhất là không được giết mổ và sử dụng gia cầm bệnh. Khi có người bị sốt cao liên quan đến gia cầm bị bệnh phải đến ngay cơ quan y tế để khám phát hiện và điều trị kịp thời.
Theo ANTD
Khẩn cấp triển khai biện pháp phòng chống bệnh nhiễm virus cúm A/H7N9 Trước nguy cơ dịch cúm A/H7N9 xâm nhập gây dịch, sáng 5/4, Sở Y tế Hà Nội đã họp khẩn cấp, xây dựng kế hoạch triển khai phòng, chống bệnh nhiễm trên. Sở Y tế Hà Nội lo ngại dịch bệnh H7N9 bùng phát Theo thông tin mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới và Bộ Y tế, đến nay, tại...