Nguy cơ Hải quân Trung- Mỹ đối đầu nhau ở Biển Đông vẫn hiển hiện
Bất chấp thỏa thuận đạt được về tránh va chạm trên biển, nguy cơ Hải quân Trung- Mỹ đối đầu nhau ở Biển Đông được cho là vẫn lơ lừng trên đầu.
Những “tiền lệ” đáng lo ngại
Theo Reuters, năm 2013, tàu USS Cowpens mang tên lửa dẫn đường của Mỹ đã phải “đánh lái hết cỡ” mới có thể tránh được một tàu Hải quân Trung Quốc đang tìm cách chặn đường mình ở Biển Đông.
Tàu USS Cowpens (đi đầu) của Mỹ. Ảnh AP
Một năm sau, Mỹ lại cáo buộc một máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã áp sát một trong các máy bay thuộc lực lượng Hải quân nước này ở khoảng cách chưa đầy 9m. Nhà Trắng lúc đó đã “bày tỏ quan ngại sâu sắc về hành vi khiêu khích này”.
Đây mới chỉ là sự cố nguy hiểm mà cả Bắc Kinh và Washington đều muốn tránh thông qua việc đạt được thỏa thuận thiết lập một mạng lưới liên lạc giữa quân đội hai nước.
Tuy nhiên, những thỏa thuận sẵn có chủ yếu đều không mang tính ràng buộc, có những ngoại lệ và được cả Mỹ và Trung Quốc diễn giải một cách hoàn toàn khác nhau. Điều này dẫn đến việc leo thang căng thẳng ở Biển Đông nhất là trong bối cảnh Mỹ đang phô diễn sức mạnh Hải quân của mình nhằm đối phó với những yêu sách về chủ quyền trên biển phi lý của Trung Quốc.
Thách thức mạnh mẽ nhất mà Mỹ đưa ra với Trung Quốc chính là việc đưa tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Lassen áp sát vào khu vực 12 hải lý xung quanh các bãi đá mà nước này cải tạo phi pháp ở Biển Đông. Các quan chức Mỹ khẳng định, vụ điều tàu USS Lassen ngày 27/10 sẽ là vụ đầu tiên trong hàng loạt các cuộc tuần tra để “đảm bảo an ninh hàng hải” trong khu vực sắp tới.
Một trong những thỏa thuận đáng lưu ý giữa Mỹ và Trung Quốc là Bộ Quy tắc về Tránh Đối đầu bất ngờ trên Biển (CUES) mà hai bên cùng các quốc gia Tây Thái Bình Dương đã ký năm 2014. CUES đặt ra một lọat các quy tắc, bao gồm tốc độ, khoảng cách an toàn, cũng như ngôn ngữ được sử dụng để liên lạc giữa các tàu và cần phải làm gì nếu một chiếc tàu gặp nạn.
Mỹ- Trung “chĩa ngón tay” về phía đối phương
Giới chức Mỹ khẳng định, họ đã làm mọi điều có thể để đảm bảo rằng, những sự cố như năm 2013 và 2014 sẽ không lặp lại nữa.
Trong khi đó, truyền thông Trung Quốc cáo buộc, tàu của Mỹ đã cố tình có những hành động gây hấn năm 2013. Trung Quốc cũng bác bỏ cáo buộc của Mỹ rằng máy bay của mình đã có hành động khiêu khích năm 2014 và nhấn mạnh, phi công của họ đã giữ khoảng cách an toàn.
Đáng lo ngại hơn nữa là CUES không hề có cơ chế áp đặt các bên phải tuân thủ và lại có quá nhiều lỗ hổng. Theo các chuyên gia quân sự. CUES không được áp dụng cho các tàu tuần duyên và các tàu dân sự mà Trung Quốc đang sử dụng với số lượng tăng lên rất nhanh để áp đặt yêu sách chủ quyền của mình.
Video đang HOT
Một số chuyên gia còn bày tỏ lo ngại rằng, liệu các quy tắc này có được áp dụng đối với mọi vùng biển hay chỉ ở những nơi được cả hai bên chấp thuận như là vùng biển quốc tế bởi sẽ có những “vùng xám tiềm tàng”, như khu vực tàu USS Lassen đi qua.
Tàu khu trục USS Lassen (đi đầu) cùng nhiều tàu khác trong Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ. Ảnh AP
“Tôi không nghĩ rằng chúng ta có thể hy vọng các chỉ dẫn của CUES có thể đủ để tránh nguy cơ đối đầu tiềm tàng”, ông Michael O’Hanlon, chuyên gia về an ninh quốc gia tại Viện Brookings nhận định.
“Các chỉ dẫn này chỉ nhằm tránh xảy ra đối đầu do bất cẩn hoặc do một bên khiêu khích quá đà trong vùng biển quốc tế”, ông O’Hanlon nói thêm.
Không chỉ thông qua CUES, Mỹ và Trung Quốc năm 2014 cũng đã ký một biên bản ghi nhớ (MOU) đề ra những quy tắc về cách ứng xử khi hai bên chạm mặt trên không và trên biển.
Bà Bonnie Glaser, cố vấn cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho biết, MOU năm 2014 áp dụng cho tất cả các trường hợp tàu và máy bay Hải quân Mỹ và Trung Quốc trong trường hợp chạm mặt nhau.
“Dĩ nhiên, các quy định này sẽ bị bỏ qua nếu một bên cố tình muốn như vậy và điều này có thể dẫn đến những sự cố đáng tiếc. Dù vậy, bên gây hấn sẽ không chịu hậu quả gì ngay cả khi vi phạm những thỏa thuận nói trên”, bà Glaser nói.
Trong cuộc điện đàm từ xa ngày 29/10, Đô đốc Trung Quốc Wu Shengli đã “nhắn nhủ” với Đô đốc Mỹ John Richardson rằng, khi tàu USS Lassen tiến vào vùng biển mà Trung Quốc ngang nhiên cho rằng mình có chủ quyền, tàu Hải quân Trung Quốc đã phát lệnh cảnh cáo tàu khu trục Mỹ vài lần theo thỏa thuận CUES.
Ông Wu cáo buộc: “Những cảnh báo này đã bị tàu Mỹ phớt lờ và Hải quân Trung Quốc cảm thấy quan ngại sâu sắc”.
Các chuyên gia trong khu vực đều cho rằng, Trung Quốc đã quá mập mờ về yêu sách chủ quyền mà Trung Quốc cố tình áp đặt trên các bãi đá mà nước này đang cải tạo phi pháp ở Biển Đông.Trung Quốc bị tố “mập mờ về yêu sách chủ quyền”
Trong khi CUES đề ra những chỉ dẫn nhằm tránh đối đầu giữa tàu của các nước, các quy định rộng hơn đều được ghi rõ trong Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS)- một vấn đề cũng gây tranh cãi giữa Mỹ và Trung Quốc.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy rất nhiều công trình được Trung Quốc xây dựng trái phép trên một bãi đá mà nước này cải tạo phi pháp ở Biển Đông. Ảnh EPA
UCLOS cho phép các quốc gia ven biển thiết lập vùng lãnh hải 12 hải lý tính từ bờ biển của mình và vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý. Trong EEZ của mình, các quốc gia có quyền khai thác tài nguyên và đánh bắt thủy hải sản nhưng tàu các nước khác có quyền tự do đi lại trong khu vực này.
Tuy nhiên, khác biệt lớn nhất giữa Mỹ và Trung Quốc là việc liệu tàu và máy bay quân sự các nước có được bay qua khu vực EEZ hay không?
Trung Quốc đã nhiều lần lên tiếng phản đối việc Mỹ tiến hành các hoạt động quân sự ngay cả khi hoạt động này nằm bên ngoài lãnh hải mà Trung Quốc ngang nhiên áp đặt. Trong khi đó, Washington khẳng định, các hoạt động quân sự của mình trong EEZ của nước khác được chấp thuận theo quy định của UNCLOS./.
Theo VOV Online
Đằng sau 'nước cờ' tàu chiến Mỹ áp sát đảo nhân tạo
Cạnh tranh lợi ích chiến lược của hai siêu cường ở Biển Đông nằm ở vị trí độc tôn của Mỹ thông qua tự do hàng hải và lợi ích cốt lõi của TQ thể hiện ở biểu tượng đường lưỡi bò.
Cuối cùng Tổng thống Obama đã thực hiện lời hứa trong phát biểu trước Chủ tịch TQ Tập Cận Bình trong chuyến thăm Mỹ tháng trước: tàu thuyền và máy bay Mỹ sẽ bay, bơi và hoạt động bất cứ nơi nào luật quốc tế cho phép. Ngày 27/10/2015, Mỹ đã cho tàu khu trục hạm USS Lassen đi vào vùng biển 12 hải lý xung quanh các bãi Xu bi và Vành Khăn, 2 trong 7 điểm TQ đã tiến hành mở rộng và xây dựng các đảo nhân tạo trong nhiều tháng qua.
Hành động trấn an đúng lúc
Mỹ đã tiến hành hoạt động này một cách bài bản, tính toán các yêu cầu chính trị, ngoại giao và quân sự, nhằm mục tiêu bắn tín hiệu không hài lòng với những gì TQ đã làm ở Biển Đông, xong cũng không chọc giận Trung Quốc.
Mỹ không sử dụng tàu sân bay mà chỉ phái một tàu khu trục và hai máy bay tuần thám hộ tống để thực hiện hoạt động thường ngày về quyền tự do hàng hải, hàng không. Mỹ cũng không đi gần cả 7 đảo nhân tạo mà chỉ chọn 2 đảo mà các điều kiện tự nhiên trước khi được TQ tôn tạo ghi nhận chúng là các bãi chỉ nổi khi thủy triều thấp nhất.
Mỹ đã thông báo trước cho các nước liên quan như Ấn Độ, Australia, Nhật Bản, Philippines và Việt Nam, và không loại trừ cả TQ về ý định tiến hành của mình. Điều này tạo thế cho Mỹ khi đối nghịch với các hoạt động âm thầm xây đảo nhân tạo của TQ trong thời gian qua. Nó cũng giành được thiện cảm từ những nước có quan điểm tàu quân sự nước ngoài khi đi qua lãnh hải của một nước phải xin phép như Việt Nam.
Hoạt động được tiến hành trước chuyến thăm châu Á của TT Obama tháng sau. Có thể nói đây là một hành động đúng lúc để trấn an các đồng minh và bạn bè Mỹ, đồng thời đủ thời gian để cảm nhận phản ứng của TQ, có kế hoạch đối phó và không làm chệch hướng các cuộc gặp cấp cao.
Hoạt động này của Mỹ chỉ có hiệu quả nếu nó được tiến hành thường xuyên, phù hợp với luật pháp quốc tế. Trước các thách thức và hành động coi thường, thậm chí sửa đổi luật pháp quốc tế theo ý mình của TQ, Mỹ không còn lựa chọn nào là phải thực hiện quyền tự do hàng hải của tàu quân sự tại Biển Đông nếu không muốn mất vị thế lãnh đạo và đồng minh.
Tàu khu trục Mỹ USS Lassen (phải) trong một cuộc tập trận hồi tháng 3/2015. Ảnh: Reuters.
Nguy cơ một thỏa hiệp nếu Mỹ không cương quyết
Sẽ có ít nhất năm câu hỏi: việc làm của Mỹ có phù hợp luật quốc tế? phản ứng của TQ thế nào? Mỹ sẽ tiếp tục ra sao? Phản ứng của các nước? và điều gì sẽ xảy ra tiếp theo cho Biển Đông: chiến tranh, va chạm hay một hình thái status quo (nguyên trạng) mới?
Công ước Luật biển không cho phép biến một bãi chỉ nổi khi thủy triều thấp nhất thành đảo nhân tạo làm cơ sở đòi có lãnh hải 12 hải lý như một đảo đá tự nhiên. Các bãi mà TQ chiếm đóng đều nằm trên vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia khác, bị chiếm bằng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Các đảo nhân tạo chỉ có vòng cung an toàn 500 m, nên hoạt động đi qua của tàu thuyền bên ngoài 500m là hợp pháp.
Cho dù luật quốc tế còn có những điểm xám để các nước tìm cách giải thích có lợi cho mình, thì hành động đi ngoài 500m các đảo nhân tạo của tàu hải quân Mỹ là một hoạt động hợp pháp, cả từ góc độ công ước và tập quán quốc tế. Nó chỉ bị thách thức khi TQ đòi hỏi toàn bộ Biển Đông theo hình đường lưỡi bò, ngăn cản quyền tự do hàng hải của tàu thuyền.
Mỹ nêu cao bảo vệ tự do hàng hải nhưng lại tuyên bố trung lập, không lên án chính thức đường yêu sách lưỡi bò không cơ sở pháp lý của TQ. Cạnh tranh lợi ích chiến lược của hai siêu cường ở Biển Đông và rộng ra là Thái Bình Dương nằm ở vị trí độc tôn của Mỹ thông qua tự do hàng hải và lợi ích cốt lõi của TQ thể hiện ở biểu tượng đường lưỡi bò. Xung đột xung quanh đảo nhân tạo chỉ là hình thức nổi của tảng băng này.
Khác với các tuyên bố hung hăng của các nhà ngoại giao và tướng lĩnh TQ, phản ứng của TQ cũng có mức độ. Ngoại trưởng TQ Vương Nghị sáng 27/10 "khuyên phía Mỹ hãy suy nghĩ kỹ trước khi hành động, không nên khinh suất, không nên vô cớ gây chuyện". Tàu hải quân TQ đã bám đuôi và cảnh báo khu trục hạm Lassen nhưng không xảy ra va chạm giữa hai bên.
Trả lời phỏng vấn của Người phát ngôn BNG TQ Lục Khảng 27/10/2015 một lần nữa quả quyết nước ông có chủ quyền không thể tranh cãi đối với Nam Sa (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) và vùng nước tiếp giáp và việc xây dựng trên lãnh thổ của mình là bình thường.
Rõ ràng TQ không xuất phát từ Công ước Luật biển để giải quyết mà từ yêu sách đường lưỡi bò. Nếu TQ tiếp tục khẳng định đường lưỡi bò mà Chính phủ Mỹ không chính thức phản đối sẽ dẫn tới hệ luỵ tàu quân sự Mỹ hoạt động trong vùng nội thủy hoặc ít nhất vùng nước của quốc gia ven biển sẽ phải xin phép. Từ chủ động tàu hải quân Mỹ sẽ có thể rơi vào thế bị động do các nhà chính trị Mỹ vẫn do dự.
Cả hai bên đều đã đi đến đỉnh của những lời đe dọa khó rút, nhưng cũng đều không muốn đi quá giới hạn chiến tranh, khi tương quan lực lượng và các yếu tố trên bàn cân chính trị còn nhiều ràng buộc.
Philippines, Australia đã lên tiếng ủng hộ duy trì quyền tự do hàng hải ở Biển Đông. Song các mối ràng buộc kinh tế và quan tâm khác vẫn là rào cản để các nước này một lòng cử tàu cùng tuần tra với Mỹ. Nếu Mỹ cương quyết thành lập một liên minh chống lại những yêu sách quá đáng trên Biển Đông, sự ủng hộ của các nước này chắc sẽ có những bước tiến.
Là một quốc gia luôn kêu gọi giải quyết các bất đồng bằng biện pháp hoà bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật biển LHQ, Việt Nam chắc chắn sẽ hoan nghênh quyền tự do hàng hải của tàu quân sự nước ngoài đi bên ngoài giới hạn 500 m từ các công trình nhân tạo trên các bãi chỉ nổi khi thuỷ triều thấp nhất và không làm gì ảnh hưởng đến chủ quyền, an ninh và trật tự trên biển.
Các bình luận quốc tế đều nói nhiều khả năng va chạm dẫn tới xung đột và một bên sẽ phải nhượng bộ. Một số lo ngại TQ sẽ lấy cớ này để tăng cường quân sự hoá các đảo nhân tạo, tuyên bố lập Vùng nhận diện phòng không.
Mỹ đã đi một nước cờ cương quyết "xuất tượng đánh tốt" trong khi TQ sẽ sử dụng sở trường cờ vây hạn chế sức mạnh đối phương. Hành động của Mỹ buộc các nước liên quan trong đó có cả Mỹ đánh giá có lập trường rõ ràng hơn trong vấn đề Biển Đông.
Song nếu Mỹ không tiếp tục cương quyết và nhìn nhận thủ phạm chính gây nên bất ổn và ảnh hưởng đến quyền tự do hàng hải là đường lưỡi bò của TQ thì một khả năng hiện hữu, tình hình sẽ dẫn tới một "status quo" (nguyên trạng) mới so với năm 2002 - một thoả hiệp tôn trọng quyền tự do hàng hải và sự hiện diện của đảo nhân tạo.
Cuộc cờ trên Biển Đông không chỉ có Mỹ và TQ, hai đối thủ chính. Các nước nhỏ có quyền lợi trên Biển Đông đều mong muốn hoà bình, ổn định và sự tôn trọng luật pháp quốc tế, hành xử có trách nhiệm của các nước lớn. Thế giới đã đổi thay và việc bắt tay nhau bỏ qua quyền lợi các nước nhỏ không thể được lặp lại như lịch sử trong khu vực này. Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc Việt Nam và mọi bất đồng tranh chấp trên Biển phải tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt Công ước luật biển 1982
Theo VietNamNet
Không ngại gia tăng căng thẳng với Trung Quốc, Mỹ quyết vào Biển Đông Việc Mỹ sắp đưa tàu hoặc máy bay chiến đấu tuần tra gần các đảo bị Trung Quốc cải tạo phi pháp ở Biển Đông sẽ khiến quan hệ Mỹ-Trung thêm sóng gió. Sẽ tiến hành nhưng khó thường xuyên Reuters dẫn lời các chuyên gia an ninh khẳng định, việc tuần tra mà Mỹ tuyên bố "nhằm bảo vệ tự do hàng...