Nguy cơ gặp chứng COVID-19 kéo dài sau khi nhiễm biến thể Omicron
Giống như các biến thể virus SARS-CoV-2 trước đó, các bác sĩ cho rằng người nhiễm biến thể Omicron cũng có thể gặp những ảnh hưởng lâu dài sau khi hồi phục.
Người phụ nữ đi ngang qua bức tranh COVID-19 trên một con phố ở Mumbai, Ấn Độ. Ảnh: Reuters
Theo hãng tin AP, nhiều tuần sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2, một số bệnh nhân đã được chẩn đoán gặp chứng COVID-19 kéo dài. Chuyên gia Maria Van Kerkhove của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết các tác động của hội chứng này thường xuất hiện khoảng 90 ngày sau khi các triệu chứng của bệnh COVID-19 biến mất.
Bà Kerkhove cho biết bà chưa thấy bất kỳ nghiên cứu nào chỉ ra tỉ lệ người gặp chứng COVID-19 kéo dài sau khi nhiễm Omicron thay đổi so với các biến thể trước đó. Tiến sĩ Linda Geng tại Đại học Stanford, người đồng chỉ đạo một trong nhiều phòng khám chuyên điều trị chứng COVID-19 kéo dài, nói rằng mặc dù bà không thể chắc chắn, nhưng rất có thể sẽ có một làn sóng bệnh nhân mới liên quan đến hội chứng này. “Chúng ta cần phải thận trọng và chuẩn bị cho tình huống đó”, bà nói.
Video đang HOT
Nhìn chung, một số ước tính cho thấy trên 1/3 số người sống sót sau COVID-19 sẽ phát triển một số triệu chứng COVID-19 kéo dài. Các triệu chứng bao gồm mệt mỏi, sương mù não, khó thở, lo lắng và nhiều vấn đề khác. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng COVID-19 kéo dài có nhiều nguy cơ xảy ra đối với những người phải nhập viện sau khi nhiễm bệnh, nhưng một số nhà khoa học cho biết tình trạng này cũng có thể xảy ra ngay cả ở người chỉ mắc bệnh nhẹ.
Omicron đã giành chiến thắng trong cuộc đua trở thành biến thể thống trị toàn cầu, chỉ một thời gian ngắn sau khi được phát hiện ở phía nam châu Phi vào cuối năm ngoái. Dù biến thể này gây ra bệnh nhẹ hơn so với chủng Delta, nhưng nó vẫn khiến nhiều bệnh viện chịu áp lực vì quá tải.
Trong khi đó, các nhà khoa học đang chạy đua để tìm ra nguyên nhân đằng sau tình trạng bí ẩn này. Một số giả thuyết cho rằng COVID-19 kéo dài có thể là tình trạng rối loạn tự miễn dịch sau khi mắc bệnh. Các nhà khoa học khác cho rằng có lẽ các virus tiềm ẩn trong cơ thể đã được kích hoạt trở lại sau khi người nhiễm virus SARS-CoV-2 khỏi bệnh.
Các nhà khoa học cũng đang nghiên cứu liệu vaccine có thể giải quyết tình trạng này hay không. Một nhóm nghiên cứu của Đại học Yale đang nghiên cứu xem tiêm chủng có thể làm giảm các triệu chứng COVID-19 kéo dài hay không. Hai nghiên cứu khác đã đưa ra bằng chứng ban đầu rằng việc tiêm vaccine trước khi nhiễm virus có thể giúp ngăn ngừa chứng COVID-19 kéo dài hoặc ít nhất là giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh.
4 yếu tố xác định mắc hội chứng 'COVID kéo dài'
Theo một nghiên cứu mới đăng tải ngày 26/1 trên tạp chí Cell, một ấn phẩm khoa học đã được thẩm định, có 4 yếu tố chính để xác định một người có bị hội chứng "COVID kéo dài" (Long COVID) hay không.
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Worcester, Massachusetts, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Nghiên cứu có tiêu đề "Nhiều yếu tố sớm dự báo Di chứng sau khi mắc cấp tính COVID-19 (PASC)" đã khai thác sâu hơn vào hiện tượng PASC hay còn gọi là "COVID kéo dài", tức là những triệu chứng xuất hiện trong một thời gian dài ở các bệnh nhân COVID-19 đã khỏi bệnh, trong đó có mất vị giác và khó thở.
Trong nghiên cứu, hàng chục nhà khoa học trên thế giới đã tiến hành theo dõi trên 209 bệnh nhân COVID-19. Kết quả cho thấy có 4 yếu tố quan trọng để xác định có mắc hội chứng "COVID kéo dài" hay không, bao gồm mắc tiểu đường tuýp 2, SARS-CoV-2 RNAemia, nhiễm trùng máu do virus Epstein-Barr và một số trường hợp tự kháng thể.
SARS-CoV-2 RNAemia là một hiện tượng khi chuỗi virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào huyết thanh của bệnh nhân. Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ, virus SARS-CoV-2 nhân bản trong các tế bào, cả ở trong máu và trong quá trình nhân bản, virus này làm thay đổi môi trường trong máu. Trong trường hợp bệnh nhân mắc "COVID kéo dài", virus SARS-CoV-2 không rời huyết thanh của bệnh nhân.
Trong khi đó, nhiễm trùng máu do virus Epstein-Barr (EBV) có thể gây mệt mỏi và sưng hạch bạch huyết. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, EBV "nằm im" trong cơ thể của bạn, song có thể hoạt động trở lại khi bạn về già. Một nghiên cứu đăng trên Scientific Reports cho rằng việc tái kích hoạt EBV sẽ có liên quan tới việc làm cho bệnh nhân COVID-19 trở bệnh nặng. Trong khi đó, nghiên cứu mới đăng tải trên Cell cho rằng việc tái kích hoạt EBV được cho là gián tiếp tương quan với "COVID kéo dài" PASC thông qua việc đo độ kháng thể.
Cuối cùng, sự tồn tại của các tự kháng thể nhất định được cho là gây ra tình trạng hệ thống miễn dịch hoạt động nhầm lẫn và bệnh nhân COVID-19 tử vong cũng như có liên quan tới hội chứng "COVID kéo dài". Các tự kháng thể đã nhầm lẫn tấn công vào các bộ phận khỏe mạnh trong cơ thể, khiến một số người có nguy cơ phát triển các bệnh tự miễn dịch như bệnh viêm khớp dạng thấp. Các tự kháng thể được cho là "bỏ qua" virus SARS-CoV-2, do vậy, các bệnh nhân COVID-19 phải trải qua một giai đoạn dài các triệu chứng của bệnh.
Theo Chủ tịch Viện Sinh học hệ thống, Jim Heath, việc xác nhận những yếu tố có thể gây "COVID kéo dài" là bước đầu tiên hướng tới việc điều trị thực sự hội chứng này.
Ngăn chặn nguy cơ của hội chứng 'COVID kéo dài' Làn sóng dịch bệnh mới do biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây ra có thể đẩy tỷ lệ những người bị "COVID kéo dài" (Long COVID), tức là chịu những di chứng dai dẳng ảnh hưởng tới nhiều hệ cơ quan cơ thể sau khi khỏi bệnh, tăng cao trong thời gian tới. Cảnh báo mới của các nhà khoa học cho...