Nguy cơ gần trăm hộ dân trắng tay vì gửi “tiết kiệm” ở doanh nghiệp vàng
Khi gửi tiền vào Doanh nghiệp tư nhân vàng bạc Phúc Nhiên, khách hàng được cấp một cuốn sổ tiết kiệm. Số tiền gửi vào doanh nghiệp của người dân lên tới hơn 30 tỷ đồng, thế nhưng thời điểm này họ đang có nguy cơ mất trắng khi chủ doanh nghiệp tuyên bố vỡ nợ, không trả tiền.
Hàng chục tỷ đồng tiền gửi có nguy cơ “bốc hơi”
Trong đơn gửi báo Dân trí, 83 hộ dân ở các xã Bảo Thành, Sơn Thành, Vĩnh Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An) và xã Nghi Văn (huyện Nghi Lộc) cho biết, do tin tưởng chủ Doanh nghiệp tư nhân vàng bạc Phúc Nhiên (gọi tắt là Doanh nghiệp Phúc Nhiên, xóm 10, Bảo Thành) nên đã gửi vào đây một số tiền rất lớn.
Đơn 83 hộ dân gửi báo Dân trí tố cáo Doanh nghiệp tư nhân vàng bạc Phúc Nhiên có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền hơn 30 tỷ đồng
Việc gửi tiền diễn ra từ năm 2015. Khi gửi, người dân được cấp một cuốn sổ tiết kiệm có đóng dấu của doanh nghiệp ghi rõ số tiền, mức lãi suất, kỳ hạn gửi cùng lời hứa hẹn “rút lúc nào cũng được”. Tuy nhiên, khi người dân có nhu cầu rút tiền thì bị chủ doanh nghiệp này lần lữa không trả. Năm 2017, doanh nghiệp này tuyên bố vỡ nợ và từ chối tất toán các sổ tiết kiệm cho những hộ dân nói trên.
Theo thống kê của 83 hộ dân có tên trong đơn thì tổng số tiền họ gửi nhưng không được trả tại doanh nghiệp này lên tới hơn 30 tỷ đồng, trong đó có hơn 14 tỷ đồng, 257.254 USD, 142.550 Ero và 9.100 Bảng.
Ông Võ Đức Thái (bên trái) tố cáo chủ Doanh nghiệp Phúc Nhiên chiếm đoạt 1,2 tỷ đồng thông qua hình thức gửi tiết kiệm
Ông Võ Đức Thái (xóm 18, xã Nghi Văn) gửi vào doanh nghiệp này 29.100 Ero và 245 triệu đồng (tương đương 1,2 tỷ đồng). Đây là toàn bộ số tiền con ông Thái đi xuất khẩu lao động gửi về nhờ bố mẹ giữ giùm.
“Bà Tạ Thị Nhiên (chủ Doanh nghiệp Phúc Nhiên) bảo tôi tiền chưa sử dụng thì mang qua gửi, ở đây cũng như ngân hàng. Tin tưởng gia đình bà Nhiên có cửa hàng kinh doanh vàng to, thủ tục gửi tiền, rút tiền nhanh gọn, mức lãi suất lại cao hơn ngân hàng từ 0,8-1% /năm nên tôi mang tiền đến gửi. Năm 2017, nghe tin ông Phúc, bà Nhiên tuyên bố vỡ nợ, tôi lên rút tiền thì họ bảo sẽ trả cho tôi 300 triệu, số nợ còn lại thì xé sổ, nếu không đồng ý thì coi như không có đồng nào. Gần 1 tỷ bạc của tôi mà họ nói nhẹ nhàng như không”, ông Thái bức xúc.
Ông Lê Anh Đào cũng đang có nguy cơ mất trắng hơn 120 triệu đồng khi gửi tiết kiệm tại Doanh nghiệp Phúc Nhiên
Cũng giống như ông Thái, ông Lê Anh Đào (SN 1956, xóm 4, Sơn Thành, Yên Thành) gửi doanh nghiệp vàng bạc Phúc Nhiên tổng số tiền 80 triệu đồng và 2.000 USD. Hiện ông Đào cũng đang có nguy cơ bị mất trắng số tiền này bởi chủ doanh nghiệp đã tuyên bố vỡ nợ.
“Không những không trả lại tiền mà vợ chồng ông Phúc, bà Nhiên còn nhiều lần thách thức chúng tôi”, ông Thái cho hay.
Trong số 83 hộ dân làm đơn tố cáo chủ Doanh nghiệp Phúc Nhiên lừa đảo chiếm đoạt tài sản có cả anh họ của ông Phúc là ông Trần Bá Thao (xóm 13, xã Sơn Thành). Ông Thao lắc đầu ngao ngán: “Tôi bán con trâu được 43 triệu đồng, con gửi về 2.000 USD để làm vốn lấy vợ, chưa dùng đến. Nghe lời hứa hẹn của vợ chồng chú ấy lại thấy có cả sổ tiết kiệm đóng dấu đỏ của doanh nghiệp kèm lời quảng cáo “giống như ngân hàng” nên tôi mới tin tưởng để gửi tiền.
Video đang HOT
Gửi 43 triệu đồng và 2.000 USD tại Doanh nghiệp Phúc Nhiên nhưng khi doanh nghiệp này tuyên bố vỡ nợ ông Trần Bá Thao nhận được lời đề nghị nhận về 25 triệu đồng, số tiền còn lại “xí xóa”(?)
Năm 2016, tôi cần tiền để lo công chuyện thì vợ chồng Nhiên bảo sang năm lấy. Đến năm 2017 thì hai vợ chồng tuyên bố vỡ nợ, bảo chỉ trả cho tôi 25 triệu thôi, số còn lại “xí xóa”. Nhiều lần tôi đến đòi nhưng họ nhất định không chịu trả”.
Doanh nghiệp huy động tiền gửi trái phép?
Sau nhiều lần đòi trả lại tiền không được, nhiều khách hàng của vợ chồng ông Phúc, bà Nhiên đã gửi đơn tố cáo hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của vợ chồng này lên Công an huyện Yên Thành.
“Đơn chúng tôi gửi đến nay đã được 9 tháng nhưng phía công an vẫn chưa có động tĩnh gì. Họ nói đây giao dịch dân sự nên không có căn cứ xử lý hình sự”, một người dân có tên trong đơn tố cáo cho biết.
Căn nhà của ông Trần Văn Phúc tại xóm 10, xã Bảo Thành đồng thời là trụ sở Doanh nghiệp Phúc Nhiên đóng cửa, tháo biển hiệu
Trung tá Phạm Ngọc Cảnh – Trưởng Công an huyện Yên Thành xác nhận đơn vị đã nhận nhiều đơn của người dân tố cáo chủ doanh nghiệp Phúc Nhiên chiếm đoạt tiền. Tuy nhiên, ông Trưởng Công an huyện đang bận họp, ngoài ông ra không ai có thể trả lời báo chí được và từ chối cung cấp thông tin thêm.
Thời điểm chúng tôi có mặt, trụ sở Doanh nghiệp Phúc Nhiên kiêm nhà ở của ông Phúc, bà Nhiên đã đóng cửa, tháo biển hiệu. Ông Nguyễn Trọng Nam – Phó trưởng Công an xã Bảo Thành cho biết thời gian gần đây có đông người dân tụ tập tại trụ sở Doanh nghiệp Phúc Nhiên đòi nợ gây mất ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Công an xã cũng nhận được nhiều đơn tố cáo chủ doanh nghiệp này lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân.
Cuốn sổ tiết kiệm được Doanh nghiệp Phúc Nhiên phát hành để huy động tiền gửi từ người dân
Theo thông tin từ Sở KH&ĐT Nghệ An thì Doanh nghiệp tư nhân vàng bạc Phúc Nhiên do ông Trần Văn Phúc làm giám đốc, được cấp phép hoạt động trung gian tiền tệ (dịch vụ cầm đồ, nhận tiền chi trả ngoại tệ theo giấy phép); bán buôn kim loại và quặng kim loại (mua bán vàng bạc trang sức, mỹ nghệ, đá quý); gia công cơ khí, xử lý và tráng phủ kim loại (gia công, chế tác vàng bạc trang sức, mỹ nghệ, đá quý) và sản xuất kim loại màu, kim loại quý (sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ).
“Theo thông tin trên hệ thống đăng kí kinh doanh mà chúng tôi đang quản lí thì Doanh nghiệp tư nhân vàng bạc Phúc Nhiên không được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực huy động tiền gửi tiết kiệm. Trên hệ thống quản lý thì doanh nghiệp này vẫn đang hoạt động chứ chưa đóng cửa”, ông Hà Văn Đạt – Phó phòng Đăng kí kinh doanh, Sở KH&ĐT Nghệ An thông tin.
Bên trong cuốn sổ tiết kiệm có các thông số như tên người gửi tiền, mức lãi suất, kỳ hạn… có đóng dấu của Doanh nghiệp Phúc Nhiên
Về hoạt động huy động tiền gửi của Doanh nghiệp Phúc Nhiên, ông Đoàn Mạnh Hà – Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An khẳng định: “Khoản 2, Điều 8, Luật các tổ chức tín dụng ghi rõ “Nghiêm cấm cá nhân, tổ chức không phải là tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động ngân hàng, trừ giao dịch ký quỹ, giao dịch mua, bán lại chứng khoán của công ty chứng khoán”.
Đối chiếu với giấy phép hoạt động của Doanh nghiệp Phúc Nhiên có thể thấy rằng doanh nghiệp này không được cấp phép trong hoạt động ngân hàng. Do vậy, doanh nghiệp này phát hành sổ tiết kiệm, huy động tiền gửi trong dân là trái phép”.
Ông Nguyễn Trọng Nam – Phó trưởng Công an xã Bảo Thành cho biết việc người dân kéo đến Doanh nghiệp Phúc Nhiên đòi nợ gây mất an ninh trật tự trên địa bàn. Công an xã Bảo Thành kiến nghị Công an huyện Yên Thành sớm có kết luận vụ việc để ổn định tình hình
“Mỗi khi người dân đến đòi nợ, chúng tôi lại phải cử lực lượng ra phối hợp với Công an huyện để đảm bảo an ninh trật tự, dân họ không hiểu lại chửi là chúng tôi đi bảo vệ những kẻ lừa đảo. Chúng tôi cũng đã có kiến nghị Công an huyện sớm kết luận vụ việc để ổn định tình hình trật tự trên địa bàn. Hiện hai vợ chồng ông Phúc, bà Nhiên vẫn đang ở nhà nhưng không thấy kinh doanh buôn bán nữa”, ông Nguyễn Trọng Nam nói.
Hoàng Lam
Theo Dantri
Nước mắt trùm ma túy 3 lần trốn trại
Trong thời gian thi hành bản án cướp tài sản, Phạm Văn Hùng 3 lần trốn khỏi trại giam. Biệt danh "Hùng trốn" gắn với gã từ đó. Sau khi ra tù, Hùng thiết lập một đường dây ma túy từ Lào vào Việt Nam và bị bắt trong một chuyến hàng trị giá nhiều tỉ đồng.
Được dẫn giải vào phòng xét xử, Phạm Văn Hùng (SN 1970, trú xã Phú Thành, Yên Thành, Nghệ An) cố tỏ ra cứng cỏi, vẫy tay chào người thân rồi ngồi xuống ghế. Hùng và các đồng phạm của mình đều bị cùm chân bằng xích sắt. Phạm Văn Hùng đang đối mặt với bản án cao nhất là tử hình khi bị cáo buộc mua bán 20 bánh heroin và hơn 2kg ma túy tổng hợp.
Trùm ma túy từng nhiều lần ra tù vào tội, 3 lần trốn trại mắt đỏ hoe khi thấy người thân khóc tại phòng xét xử
Lúc này, người thân và bạn bè của Hùng đã có mặt tại phòng xét xử. Hùng ngoái lại, hỏi thăm vì sao không thấy bố đến dự. Những tiếng nức nở vang lên. Mấy người phụ nữ ngồi hàng ghế đầu, cách Hùng tầm 2m bắt đầu khóc òa. Hùng xin phép cán bộ dẫn giải đứng dậy, quay về hướng người thân để trấn an.
"Tôi có tội với pháp luật nhưng với anh em, bạn bè tôi không có gì sai. Các anh công an cũng đã hết sức tạo điều kiện rồi, mong anh em, bạn bè đừng xúc động, đừng làm ồn ào ảnh hưởng đến phiên tòa để cơ quan tố tụng làm việc", gã nói.
Hùng ngồi xuống, mắt dán chặt vào sợi xích sắt dưới chân. Gã rơm rớm nước mắt khi phía dưới một người phụ nữ trẻ vì quá xúc động, liên tục nấc lên. Khó có ai nghĩ rằng, gã đàn ông này đã từng vào tù ra tội, 3 lần trốn khỏi trại giam và điều hành đường dây ma túy xuyên quốc gia với số lượng lớn.
22 tuổi, Phạm Văn Hùng đã nếm mùi tù tội khi bị tuyên phạt 6 năm tù về tội "Cướp tài sản công dân" và "Trộm cắp tài sản công dân". Ngồi tù chưa "ấm chỗ" thì Hùng vượt ngục và bị bắt lại. Lần này, Hùng bị TAND tỉnh Nghệ An tuyên phạt 2 năm về tội "Trốn khỏi nơi giam", nâng mức án phải thi hành lên 8 năm tù.
Chưa thi hành được một nửa án thì Hùng lại trốn trại. Sau khi trốn được ra ngoài, Hùng gây ra một vụ cướp tài sản và bị bắt giữ. Năm 1996, TAND tỉnh Nghệ An tuyên phạt Phạm Văn Hùng 15 năm tù về tội "Cướp tài sản công dân" và 4 năm tù về tội "Trốn khỏi nơi giam".
Hùng được chuyển ra Thanh Hóa thi hành án nhưng chỉ chưa đầy 4 tháng sau gã lại thực hiện tiếp một vụ vượt ngục. Lần này, TAND huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) tuyên phạt Phạm Văn Hùng 5 năm tù về tội "Trốn khỏi nơi giam" cộng vào bản án cũ.
Tháng 6/2011, Phạm Văn Hùng chấp hành xong hình phạt.
Phạm Văn Hùng cố ngoái lại dặn dò người thân "đừng xúc động quá" khi được dẫn giải trở lại trại giam
Sau gần 20 năm ăn cơm tù và 3 lần thử vận may bằng cách vượt ngục nhưng không thành, Phạm Văn Hùng không tu tỉnh mà tiếp tục dấn thân vào con đường phạm tội. Sau thời gian khá dài nuôi mộng làm giàu bằng nghề đỏ đen nhưng liên tiếp thua lỗ, Hùng quyết định "làm ăn lớn" bằng cách thiết lập đường dây mua bán ma túy từ Lào vào Việt Nam.
Đường dây ma túy do Hùng điều hành được hình thành từ năm 2015 cùng với sự hỗ trợ của Phạm Văn Tùng (SN 1990, trú xã Phú Thành, Yên Thành), cháu gọi Hùng bằng chú.
Mối cung cấp hàng trắng cho Hùng ở bên Lào. Hùng thuê Lô Văn Sao (SN 1983, trú xã Lục Dạ, huyện Con Cuông, Nghệ An) - một kẻ từng khai thác gỗ lậu, thông thuộc địa hình trực tiếp giao tiền cho bên bán và nhận ma túy từ khu vực biên giới Việt - Lào đưa vào sâu trong nội địa trước khi giao cho Hùng.
Sau 2 chuyến trót lọt, tháng 6/2017, nhu cầu tăng cao, Hùng quyết định đặt mua 20 bánh heroin, 1kg ma túy đá và hơn 1kg ma túy tổng hợp với giá 153.000 USD từ bạn hàng người Lào. Hùng trả trước 70.000 USD và 300 triệu đồng, số còn lại sẽ thanh toán sau khi bán được hàng.
Theo sự phân công của Hùng, ngày 30/9/2017, Lô Văn Sao đến khu vực biên giới Việt - Lào thuộc huyện Anh Sơn (Nghệ An) trao tiền và nhận ma túy từ người Lào. Rạng sáng ngày 1/10/2017, sau khi nhận số ma túy trên từ Sao, Hùng bảo Phạm Văn Tùng vận chuyển số ma túy trên về xuôi bằng xe máy, còn gã sẽ điều khiển ô tô đi trước cảnh giới.
Khi đến địa phận xã Nam Sơn, Đô Lương thì hai chú cháu Hùng bị bắt giữ cùng với tang vật là 20 bánh heroin (tương đương 7kg) và hơn 2,1 kg ma túy đá, ma túy tổng hợp. Biết Hùng bị bắt, sáng cung ngày Lô Văn Sao cũng bị bắt giữ.
Trong quá trình điều tra, Phạm Văn Hùng khai đang cất giấu một lượng lớn ma túy tại nhà riêng của mình nhưng khi tổ chức khám xét, cơ quan chức năng không tìm ra số ma túy này.
Phạm Văn Hùng, Lô Văn Sao bị Viện KSND tỉnh Nghệ An truy tố ra trước tòa án để xét xử tội "Mua bán trái phép chất ma túy"; Phạm Văn Tùng bị truy tố tội "Vận chuyển trái phép chất ma túy".
Sáng ngày 21/3, TAND tỉnh Nghệ An đưa vụ án ra xét xử nhưng do vắng hai luật sư bào chữa cho các bị cáo cũng như một nhân chứng quan trọng nên phiên tòa bị hoãn.
Phạm Văn Hùng được đưa ra xe trở lại trại giam. Đôi mắt gã đỏ hoe. Ngay cửa phòng xét xử, một người phụ nữ trẻ phủ phục xuống, khóc không thành tiếng.
Hoàng Lam
Theo Dantri
Giáo viên liên tiếp bị hành hung: Bộ Giáo dục nói gì? Sự việc giáo viên bị ép quỳ, bị học sinh bóp cổ chưa lắng xuống thì mới đây, một thầy giáo ở Nghệ An đã bị người nhà học sinh đấm gãy mũi. Ngay trong đêm 15.3, Bộ GDĐT đã có văn bản gửi Sở GDĐT Nghệ An đề nghị cơ quan này vào cuộc. Cụ thể, ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng...