Nguy cơ Đồng bằng sông Cửu Long biến mất khỏi Trái đất như thế nào?
Theo các nghiên cứu quốc tế, ĐBSCL, đồng bằng sông Nile, đồng bằng Ganges (Bangladesh) là 3 đồng bằng chịu tác động mạnh nhất của nước biển dâng. Trong đó ĐBSCL sẽ là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Nếu mực nước dâng cao 2 m cuối thế kỷ này, khu vực ĐBSCL sẽ mất đi gần 1/2 diện tích đất liền, thậm chí trong vòng 100 năm nữa, ĐBSCL có thể biến mất khỏi bề mặt Trái đất.
Đập thuỷ điện trên sông Mekong, đoạn chảy qua Trung Quốc.
Tại Diễn đàn Mekong về Nước, Năng Lượng và Lương thực (GMF) 2017 vừa diễn ra tại Myanmar, các chuyên gia, học giả uy tín đến từ nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế đã chỉ ra tình hình nghiêm trọng và đề xuất những giải pháp cấp bách để bảo vệ sinh thái, môi trường tại vùng hạ lưu sông Mekong, cũng như sinh kế của hàng triệu người dân tại khu vực này.
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), vùng hạ lưu sông Mekong vốn hiền hòa, ít mưa bão, là nơi cư trú của hơn 20 triệu người dân, là vùng sản xuất nông nghiệp chủ lực của Việt Nam. Tuy nhiên, ĐBSCL đang phải đối phó với nhiều thách thức, đe dọa tới sự phát triển và sự tồn vong của khu vực này.
ĐBSCL bị thu hẹp, nguy cơ biến mất
Theo GS Đào Trọng Tứ, Trung tâm tư vấn phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi với biển đối khí hậu (CEWAREC), những tháng đầu năm 2016, ĐBSCL đã chứng kiến những tác động nghiêm trọng do lưu lượng dòng chảy giảm mạnh, thấp nhất trong vòng 90 năm.
Hiện tượng xâm nhập mặn đã xuất hiện và diễn ra hết sức phức tạp, hầu hết các cửa sông mặn xâm nhập sâu 50-70 km ảnh hưởng tới gần 40% diện tích ĐBSCL, gần 200.000 ha lúa và vườn cây ăn trái bị thiệt hại, 155.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt.
Không chỉ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các đợt hạn hán, xâm nhập mặn vùng ĐBSCL của Việt Nam cũng đang phải đối mặt với tình trạng nước biển dâng. Hiện tại, mỗi ngày vùng ĐBSCL đang mất diện tích tương đương 1,4 sân bóng đá.
Theo các nghiên cứu quốc tế, ĐBSCL, đồng bằng sông Nile, đồng bằng Ganges (Bangladesh) là 3 đồng bằng chịu tác động mạnh nhất của nước biển dâng. Trong đó ĐBSCL sẽ là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Nếu mực nước dâng cao 2 m cuối thế kỷ này, khu vực ĐBSCL sẽ mất đi gần 1/2 diện tích đất liền, thậm chí trong vòng 100 năm nữa, ĐBSCL có thể biến mất khỏi bề mặt Trái đất.
Nghiên cứu, đánh giá về tình trạng trên, giới khoa học đã chỉ ra 2 nguyên nhân chính. Một là, quá trình biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ trên toàn cầu. Hai là, ảnh hưởng của việc khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn châu thổ sông Mekong.
Video đang HOT
Về việc khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn, giới chuyên môn đã chỉ ra hai hoạt động chính góp phần làm nghiêm trọng tình hình tại vùng ĐBSCL. Đó là việc xây dựng đập thủy điện trên lưu vực sông Mekong và các dự án chuyển nước sông Mekong sang lưu vực sông khác.
Số liệu thống kê cho thấy 144 đập thủy điện đã, đang triển khai xây dựng hoặc đưa vào vận hành, trong đó có những đập thủy điện lớn được xây dựng trên dòng chính của sông Mekong. Những đập này sau khi hoàn thành sẽ gây tác động mạnh đến dòng chảy, chế độ lũ, phù sa bùn cát, dinh dưỡng, biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn, từ đó tác động đến nhiều lĩnh vực có liên quan như thủy sản, đa dạng sinh học, giao thông thủy, nông nghiệp, sinh kế và kinh tế.
Thêm vào đó, những bất cập trong việc vận hành các thủy điện trên sông Mekong càng làm trầm trọng hơn các tác động tiêu cực của thủy điện trên dòng chính sông Mekong, đặc biệt là việc thiếu chia sẻ thông tin về vận hành, số liệu dòng chảy, thời gian tích nước, xả lũ…
Trong khi đó, các dự án “nắn dòng, chuyển nước” sông Mekong cũng đang được các nước thượng nguồn tích cực triển khai. Cụ thể, Trung Quốc có kế hoạch đào một kênh dẫn nước từ sông Lan Thương (phần sông Mekong chảy trên lãnh thổ Trung Quốc) vào sông Dương Tử. Thái Lan được cho là đang triển khai xây dựng các hồ chứa và vận hành các máy bơm công suất lớn để lấy nước từ sông Mekong nhằm giải quyết tình trạng hạn hán và phục vụ phát triển nông nghiệp tại khu vực Đông Bắc nước này với tổng kinh phí gần 2 tỷ USD…
Bơi thuyền trên sông Mekong.
3 nguy cơ, 4 giải pháp
Báo cáo Đánh giá môi trường Tiểu vùng sông Mekong của Trung tâm Quản lý môi trường quốc tế (ICEM) nêu rõ, các dự án thủy điện trên dòng chính và các dự án chuyển nước sông Mekong sẽ gây tổn thất lớn về kinh tế, đặt ra nhiều nguy cơ tiềm tàng. Cụ thể:
-Giảm lưu lượng nước trong mùa khô; kết hợp ảnh hưởng biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao làm gia tăng xâm nhập mặn, ảnh hưởng đến nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, nhất là khu vực ĐBSCL.
-Giảm lượng phù sa bồi đắp cho đồng bằng từ 26 triệu tấn/năm hiện nay xuống 7 triệu tấn/năm; gia tăng hiện tượng xói lở bờ sông; triệt tiêu cơ hội mở rộng lãnh thổ tại đồng bằng sông Cửu Long.
-Thủy sản biển, nước ngọt, nuôi trồng bị ảnh hưởng với ước tính tổn thất từ 500 triệu USD đến 1 tỷ USD/năm; sinh kế của 14 triệu nông ngư dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Nhằm xây dựng cơ chế và tìm ra các giải pháp hiệu quả cho việc quản lý, chia sẻ và sử dụng nguồn nước sông Mekong, tại diễn đàn GMF 2017 TS. Marcel Marchand, Viện Deltares, Ha Lan và TS. Gregory Thomas, Chủ tịch Viện Di sản thiên nhiên Mỹ đã đưa ra một số giải pháp.
- Đổi mới cách thức quản lý, sử dụng nguồn nước. Mọi hoạt động phát triển kinh tế – xã hội phải dựa trên khả năng thực tế của nguồn nước, cân bằng nước, phù hợp với các xu thế diễn biến nguồn nước trong tương lai.
- Các khâu từ thiết kế đến quản lý vận hành nhà máy thủy điện ở thượng lưu cần phải xem xét hạn chế tối đa các mặt tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái ở vùng hạ lưu, đặc biệt là vùng đồng bằng châu thổ Mekong.
- Tăng cường công tác quan trắc và theo dõi việc sử dụng nguồn nước trên toàn lưu vực. Các số liệu quan trắc cần được chia sẻ cho các quốc gia trong lưu vực.
- Xây dựng cơ sở pháp lý của hợp tác quốc tế thông qua Ủy ban sông Mekong và các tổ chức quốc tế trong việc bảo đảm khai thác sử dụng công bằng hợp lý nguồn nước chung của 6 quốc gia trên lưu vực sông và bảo đảm sử dụng nước ở bất kỳ một quốc gia nào cũng không được gây thiệt hại đáng kể cho các quốc gia khác theo Công ước về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho mục đích phi giao thông thủy và thông lệ quốc tế.
Theo Danviet
Thủ tướng thị sát ảnh hưởng biến đổi khí hậu miền Tây
Chiều 26/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thị sát vùng Đông băng sông Cưu Long bằng trực thăng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thị sát vùng ĐBSCL bằng trực thăng. Ảnh: TTXVN
Cất cánh từ TP Cần Thơ, "thủ phủ" vùng Đồng bằng sông Cửu Long và bay dọc khu vực ven biển, tới tận mũi Cà Mau, chuyến thị sát nhằm chuẩn bị cho Hội nghị về phát triển bền vững ĐBSCL, thích ứng với biến đổi khí hậu mà Thủ tướng sẽ chủ trì phiên toàn thể vào ngày mai, 27/9.
Với quy mô lớn nhất từ trước đến nay, đây được xem là "Hội nghị Diên hồng" nhằm hiệu triệu các tư tưởng lớn giúp Chính phủ và các địa phương Tây Nam Bộ xác định các nhóm giải pháp chiến lược về chuyển đổi có quy mô lớn nhằm phát triển bền vững ĐBSCL với tầm nhìn đến 2100.
Chuyến thị sát, kéo dài hơn 2 giờ, cung cấp một góc nhìn trực quan đối với người đứng đầu Chính phủ trước những tác động ngày càng rõ nét của biến đổi khí hậu, chứ không chỉ qua các con số từ báo cáo của các bộ, ngành, tổ chức, để những quyết sách được đưa ra "trúng và đúng", với ý nghĩa sống còn cho "vựa lúa" của cả nước.
Ngoài ra, thích ứng biến đổi khí hậu cũng cần một cái nhìn tổng thể, toàn diện, "chứ không phải mạnh anh nào anh nấy làm trong khi nguồn lực còn nhiều hạn chế" như Thủ tướng từng nói trong một cuộc họp gần đây.
Trước đó, cách đây hơn 2 tháng, trong chuyến thăm Hà Lan, Thủ tướng đã bay trực thăng khảo sát quy hoạch vùng đồng bằng và quan sát các công trình trị thủy, đê biển ở một số vùng lưu vực, duyên hải trọng yếu của Hà Lan, một quốc gia điển hình về ứng phó cũng như thích ứng với biến đổi khí hậu.
Khi đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao đổi với Chính phủ Hà Lan lựa chọn vùng ĐBSCL để xây dựng một hình mẫu chuyển đổi mô hình phát triển bền vững, theo cách thức kết hợp khoa học công nghệ cao với kế thừa tri thức bản địa.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đôi vơi Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng.
Theo nhiều báo cáo, ĐBSCL được đánh giá là một trong bốn đồng bằng bị tác động mạnh nhất do biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Theo số liệu quan trắc khí tượng thủy văn ở ĐBSCL cập nhật đến năm 2014, các yếu tố khí hậu đã có những biến đổi khá rõ ràng và có sự tương đồng khá cao giữa các địa phương. Trong giai đoạn từ năm 1958 đến năm 2014, nhiệt độ trung bình năm đã tăng 0,5 độ C, nhiệt độ trong mùa khô tăng nhiều hơn so với mùa mưa. Lượng mưa năm tăng khoảng 5-20% ở đa số khu vực.
Qua theo dõi của cơ quan chức năng, khu vực ĐBSCL hiện có 550 điểm sạt lở với tổng chiều dài trên 775 km. Thời gian qua, tốc độ xói lở bờ biển khu vực ĐBSCL ngày càng nghiêm trọng. Từ năm 2005 đến nay, tốc độ xói đã vượt tốc độ bồi, làm diện tích khu vực đồng bằng giảm khoảng 300 ha một năm.
Nếu mực nước biển dâng 100 cm sẽ ảnh hưởng 38,9% diện tích đất của ĐBSCL, các tỉnh bị ảnh hưởng nhiều nhất là Hậu Giang (80,62%), Kiên Giang (76,9%).
Vùng ĐBSCL bao gồm 13 tỉnh, thành phố; diện tích khoảng 3,9 triệu ha, chiếm khoảng 12,3% diện tích tự nhiên của cả nước, 19% dân số. Đây cũng là khu vực rộng và đông dân cư thứ hai trong tất cả vùng kinh tế của cả nước (chỉ sau Đồng bằng châu thổ sông Hồng).
Theo Chính phủ
Khí hậu cực đoan, nước biển dâng tác động nghiêm trọng tới ĐBSCL "ĐBSCL là một trong bốn đồng bằng bị tác động mạnh nhất do biến đổi khí hậu, nước biển dâng. ĐBSCL đã, đang và sẽ đối mặt với nhiều tác động nghiêm trọng do biến đổi khí hậu, nước biển dâng, khí hậu cực đoan" - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh. Sáng nay (26/9), Hội nghị về phát triển bền...