Nguy cơ dịch COVID-19 xâm nhập cộng đồng: Không thể chủ quan
Ngày 17/5, Bộ Y tế cho biết có thêm 2 ca dương tính với SARS-CoV-2, nâng tổng số ca bệnh lên 320. Đáng chú ý, Bệnh viện Đa khoa Thái Bình đã chuyển 12 bệnh nhân lên điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư.
Hiện Việt Nam đã qua 31 ngày không phát hiện ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. Tuy nhiên nguy cơ dịch xâm nhập cộng đồng vẫn hiện hữu.
Điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 ảnh: THái Hà
Liên tiếp các ca nhập cảnh nhiễm bệnh
Ca bệnh 319 là nam giới, 26 tuổi, (huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng). Ngày 13/5, từ Liên bang Nga về nước trên chuyến bay VN0062, nhập cảnh sân bay Vân Đồn và được chuyển cách ly tập trung ngay tại Trường Quân sự tỉnh Thái Bình cơ sở 1. Ngày 16/5 bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư. Bệnh nhân số 320 là nam giới, 29 tuổi (huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định).
Ngày 13/5, từ Liên bang Nga về nước trên chuyến bay VN0062, nhập cảnh sân bay Vân Đồn và được chuyển cách ly tập trung ngay tại Trường Quân sự tỉnh Thái Bình cơ sở 1.
Ngày 15/5 bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm, ngày 16/5 có kết quả dương tính SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình.
Trong số 12 ca bệnh chuyển từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư có 2 ca bị viêm phổi. Hiện Việt Nam đã có 260 bệnh nhân được chữa khỏi, tương ứng với tỷ lệ khỏi bệnh đạt 82%. Còn 60 bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế tuyến trung ương và tuyến tỉnh. Đa số các bệnh nhân đều có sức khỏe ổn định. Tính đến 18h ngày 17/5, Việt Nam có tổng cộng 180 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.
Video đang HOT
Tiểu Ban điều trị, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho biết, đến chiều 17/5 tình hình sức khỏe của bệnh nhân 91 là nam phi công người Anh diễn biến lâm sàng cải thiện tốt hơn. Kết quả xét nghiệm virus SARS-CoV-2 của bệnh nhân này đã âm tính 10 ngày liên tiếp. Bệnh nhân hiện không sốt, có đáp ứng khi kích thích, không ra máu, tiểu tốt, EF bình thường, không tràn khí màng phổi (bệnh nhân đã ngừng dẫn lưu màng phổi từ ngày 16/5), diện đông đặc phổi không tăng lên (hiện diện đông đặc 2 phổi của bệnh nhân khoảng 90%), men gan bình thường.
Tuy nhiên, bệnh nhân còn phải dùng noradrenalin, giãn thất phải, phổi còn đông đặc, bạch cầu máu còn tăng, còn phải dùng kháng sinh, kháng nấm, tăng GGT (tổn thương gan do thuốc), còn phải lọc máu ECMO. Bệnh nhân đã trải qua 60 ngày điều trị, trong đó có 42 ngày sử dụng máy ECMO. Đây là bệnh nhân nặng nhất đến thời điểm này. Ê-kíp đang nỗ lực nâng sức khỏe phi công Anh để có thể chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy chuẩn bị cho ca ghép phổi.
Không thể chủ quan
Ngày 17/5, tại Hà Nội, Hệ thống Zema Việt Nam đã công bố quy trình dịch tễ phòng COVID-19 do PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam tư vấn xây dựng theo quy chuẩn của Bộ Y tế. Ông Phu cho biết, những ca nhập cảnh về nước không thể lây lan ra cộng đồng. Hiện, năng lực cách ly, xét nghiệm, phát hiện ca bệnh của Việt Nam vẫn bảo đảm. Ngành Y tế vẫn đang áp dụng phương châm “4 tại chỗ” vì thế những ca bệnh nhẹ được điều trị tại tuyến dưới, chỉ những ca nặng mới chuyển tuyến trên.
Cũng theo PGS.TS Trần Đắc Phu, đã 31 ngày Việt Nam không có ca mắc mới COVID -19 nào ngoài cộng đồng. Đây là một tín hiệu đáng mừng nhưng tuyệt đối không thể chủ quan để dịch bùng phát lần 2. Đặc biệt, khi bắt đầu với cuộc sống “bình thường mới”, tất cả các lĩnh vực phải có quy trình dịch tễ phù hợp để phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID -19, mặc dù trong 1 tháng qua, Việt Nam không ghi nhận trường hợp mắc mới lây nhiễm trong cộng đồng, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng hiện nay rất thấp nhưng vẫn còn tiềm ẩn. Dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường ở nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới, nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam trong thời gian tới cũng gia tăng do mở dần các đường bay quốc tế, nhiều chuyến bay đón công dân Việt Nam về nước, yêu cầu nhập cảnh cho các nhà đầu tư, chuyên gia kỹ thuật cao từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch nhập cảnh vào Việt Nam. Đặc biệt, rất khó kiểm soát triệt để được người dân qua lại biên giới đường bộ thông qua đường mòn, lối mở nên luôn thường trực nguy cơ dịch bệnh xâm nhập và lây nhiễm cho cộng đồng trong thời gian tới.
Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đề nghị người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với nhiệm “nhiệm vụ kép”, vừa phát triển kinh tế, vừa phòng chống dịch COVID-19.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định, dịch bệnh COVID-19 sẽ kéo dài nhiều tháng thậm chí là nhiều năm. Do đó, WHO khuyến nghị, Việt Nam tăng cường hơn các nỗ lực kiểm soát dịch bệnh dài hạn, như tăng cường giám sát nhóm nguy cơ, thường xuyên rà soát các biện pháp hiện có và đánh giá tình hình mới để có khuyến nghị kịp thời về giao thương…
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID -19, mặc dù trong 1 tháng qua, Việt Nam không ghi nhận trường hợp mắc mới lây nhiễm trong cộng đồng, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng hiện nay rất thấp nhưng vẫn còn tiềm ẩn nên người dân không được chủ quan.
Khó phân biệt sốt xuất huyết và COVID-19 trong ngày đầu mắc bệnh
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhấn mạnh sốt xuất huyết (SXH) và COVID-19 có triệu chứng ban đầu tương tự nhau và bác sĩ chỉ có thể phân biệt khi bệnh tình tiến triển rõ ràng hơn.
Bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết tại Hà Nội Ảnh: Như Ý
Hiện diễn biến dịch COVID-19 trên thế giới vẫn phức tạp, trong nước đang vào mùa SXH nên các chuyên gia y tế cảnh báo, người dân cần tăng cường các biện pháp, chủ động phòng, chống với quyết tâm không để xảy ra dịch chồng dịch.
Gần đây, trường hợp bệnh nhân T.N.K (ở Kiêu Kỵ, Gia Lâm, Hà Nội) có kết quả xét nghiệm ban đầu dương tính với SARS-CoV-2 khiến dư luận rất xôn xao, lo lắng. Sau đó không ít người thở phào khi Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư thông báo kết quả xét nghiệm Realtime PCR của bệnh nhân là âm tính. Xét nghiệm còn cho thấy bệnh nhân mắc SXH. Điều này càng khẳng định những dấu hiệu lâm sàng ban đầu giữa hai bệnh này rất khó phân biệt. Đây được coi như một lời cảnh báo, ngoài dịch bệnh COVID-19, dịch bệnh SXH cũng đang vào mùa.
Phân tích dịch tễ cho thấy, ở miền Bắc, hằng năm, dịch bệnh SXH thường phát triển mạnh nhất vào khoảng từ tháng 5 đến tháng 11.
Còn ở các tỉnh phía Nam, dịch có thể xảy ra quanh năm. Dù không phải người bệnh COVID-19 nào cũng có biểu hiện triệu chứng, nhưng qua ghi nhận, một điểm chung giữa người mắc COVID-19 và SXH là những biểu hiện triệu chứng đầu tiên đều sốt, có biểu hiện ho hoặc đau nhức người.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, với bệnh nhân mắc SXH hay mắc COVID-19, triệu chứng những ngày đầu khó phân biệt được. Do đó, nếu bệnh nhân có biểu hiện sốt, ho, tốt nhất nên tự cách ly với những người trong gia đình, mang khẩu trang, liên hệ nhân viên y tế tuyến gần nhất để có hướng thăm khám, điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần Kinh (Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM) cho biết, nếu trường hợp dịch chồng dịch thì sẽ gặp một số khó khăn do 2 bệnh này có biểu hiện giống nhau là sốt, đau nhức, ho. "Nếu trường hợp có triệu chứng này thì phải làm cùng lúc 2 xét nghiệm sẽ tốn công, tốn sức hơn. Chưa kể quá trình cách ly điều trị cùng lúc 2 bệnh thì sẽ khó khăn hơn. Trường hợp bệnh nhân mắc COVID-19 kèm bệnh nền liên quan thì quá trình chữa trị sẽ vô cùng phức tạp", bác sĩ Khanh cho hay.
Sốt xuất huyết vào mùa
SXH hiện đang là bệnh xảy ra rất phổ biến tại một số địa phương với nhiều người mắc bệnh, với những biểu hiện lâm sàng khá đa dạng và tỷ lệ diễn biến nặng cao. Nếu không được phát hiện, chẩn đoán sớm và xử lý kịp thời dễ dẫn đến tử vong. Bệnh do nhiễm virus Dengue cấp tính gây ra. Hiện nay, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc-xin phòng, có thể gây ra dịch lớn với nhiều người mắc làm cho công tác điều trị và phòng chống dịch gặp nhiều khó khăn.
Từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận hơn 24.000 trường hợp mắc SXH tại 58 tỉnh, thành phố, trong đó có 4 trường hợp tử vong. Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận hơn 100 ca SXH, chưa có trường hợp tử vong. Số ca mắc SXH trên địa bàn Hà Nội giảm so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, không vì thế mà người dân có thể chủ quan, lơ là, bởi nguy cơ dịch bệnh luôn hiện hữu. Riêng trong tuần qua, đã có thêm 2 ca mắc. So với cùng kỳ năm 2019, hiện số ca mắc SXH trên địa bàn thành phố giảm 55%.
Ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho hay, số ca mắc SXH giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019 là do ý thức phòng, chống dịch bệnh của người dân được nâng lên. Mùa hè năm 2020 được dự báo nắng nóng gay gắt hơn các năm trước, nhiệt độ trung bình cao, nếu kết hợp với mưa nhiều sẽ tạo thuận lợi cho muỗi truyền bệnh SXH phát triển.
Tại Hà Nội, quận Hoàng Mai, huyện Thanh Oai là những điểm nóng dịch SXH hằng năm do có mật độ dân số cao, nhiều khu nhà trọ, vệ sinh môi trường không đảm bảo. Đây là điều kiện thuận lợi để dịch SXH có nguy cơ bùng phát. Do đó, cán bộ y tế các địa phương này vừa căng sức phòng chống dịch COVID-19 vừa tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân về phòng bệnh SXH, tăng cường hệ thống giám sát côn trùng, đo chỉ số bọ gậy ở một số nơi có ổ dịch cũ.
Mới đây Chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu ngành y tế Hà Nội phòng ngừa và phun thuốc diệt muỗi, phòng dịch SXH. Tiếp tục tuyên truyền người dân không để các thiết bị, vật dụng tạo môi trường cho muỗi phát triển; đẩy mạnh các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 và dịch bệnh SXH, không để dịch chồng dịch. Luôn có tinh thần cảnh giác cao độ, sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống đối với dịch bệnh trên địa bàn. Kịp thời xét nghiệm tất cả các trường hợp khi có dấu hiệu ho, sốt, đau họng để có biện pháp xử lý phù hợp, hiệu quả (xét nghiệm nhanh, nếu phát hiện dương tính COVID-19, khẳng định lại bằng xét nghiệm RT-PCR).
Nguyên nhân chính gây bệnh SXH do vật chủ trung gian là muỗi vằn. Do đó, biện pháp dự phòng chủ yếu vẫn là tránh muỗi đốt, không để muỗi truyền bệnh sinh sôi nảy nở. Theo đó, mọi người cần nằm màn khi ngủ cả ngày và đêm để tránh bị muỗi đốt, thau rửa và loại bỏ các dụng cụ đựng nước đọng trong và ngoài nhà. Khi có triệu chứng nghi ngờ bị SXH cần đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị phù hợp, tránh các biến chứng và hậu quả đáng tiếc.
Nhiều người cho rằng chỉ bị SXH một lần trong đời, tuy nhiên, đây là quan điểm sai lầm. Thế giới lưu hành 4 tuýp virus SXH nên bệnh nhân mắc rồi vẫn có thể tái nhiễm, thậm chí lần sau còn nặng hơn lần trước do miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ có tính đặc hiệu đối với từng tuýp. Vì vậy, mỗi người có thể sẽ mắc SXH 4 lần trong đời. Nếu mới mắc SXH lần đầu, người đó có thể nhiễm bệnh thêm 3 lần nữa bởi các tuýp virus Dengue còn lại.
Cuộc chiến trước cửa tử Nhiều bệnh nhân đã ngã quỵ khi nghe bác sỹ thông báo mình mắc bệnh ung thư - "án tử", cũng có nhiều người mạnh mẽ gạt bỏ nỗi sợ hãi để tiếp tục chiến đấu giành giật sự sống cho chính mình. Với họ, cuộc chiến chống ung thư chưa bao giờ dễ dàng... Ông Phan Văn Bảy kể lại hành trình...