Nguy cơ dễ gặp với mứt, ô mai thủ công
Các loại mứt hoa quả, ô mai thủ công đang được bày bán nhiều tại chợ, thường là không nhãn mác. Chuyên gia cảnh báo chúng tiềm ẩn nhiều hóa chất có hại.
Phần lớn sản phẩm này được bày bán trong các chợ đầu mối như Đồng Xuân, Long Biên…
Làm mứt tại một cơ sở thủ công ở làng nghề Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Hòa.
Phó giáo sư Trần Đáng (nguyên Cục trưởng An toàn Thực phẩm) nhận định, các loại mứt, ô mai thủ công thường không được giám sát chặt chẽ trong khâu sản xuất, kiểm nghiệm, nên dễ nhiễm hóa chất độc hại. Chúng có thể gặp vấn đề ở nhiều khâu, cụ thể:
- Từ nguồn nguyên liệu sản xuất, kỹ thuật trồng có thể gây ra biến đổi gene, khiến củ, quả như cà rốt, bí… to hơn bình thường. Người trồng cũng sẽ không ngại dùng các thuốc kích thích, phun hóa chất bảo vệ thực vật trong quá trình chăm sóc. Ngoài ra, hoa quả không được bảo quản có thể bị dập, thối, nấm mốc, từ đó sản sinh ra chất orchratoxin có khả năng gây ung thư gan.
- Vấn đề cơ sở chế biến cũng rất đáng để lưu tâm. “Nhiều cơ sở chế biến nhỏ lẻ, thủ công, hầu hết làm bằng tay chân khiến hoa quả bị ô nhiễm, mất vệ sinh mà chỉ tận mắt quan sát ta mới thấy”, ông Đáng khẳng định.
Người dân nên cảnh giác với các loại mứt, ô mai bán dạng cân, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ảnh: Nguyễn Hòa.
- Quá trình chế biến dùng quá nhiều loại phẩm màu, chất bảo quản ngoài quy định của Bộ Y tế, không tốt cho sức khỏe. “Tất nhiên là phải có phẩm màu thì mới có màu đẹp, bắt mắt, phải sử dụng chất bảo quản thì mới giữ mứt, ô mai được lâu, nhưng người sản xuất thường dùng quá mức cho phép để đạt lợi nhuận cao…”, phó giáo sư Đáng lưu ý.
- Cuối cùng là quá trình vận chuyển lưu thông những loại mứt, ô mai này. Có thể ngay trong quá trình chuyển hàng về khu vực tiêu thụ thì chúng đã bị mốc, bị hỏng nhưng người bán không ngần ngại làm mới chúng.
Video đang HOT
“Chẳng thiếu những chuyện mứt, ô mai mốc được lau đi rồi lại dán giấy bóng và bán. Nếu ai ăn phải những thứ bị nấm mốc này đều rất nguy hiểm. Trong điều kiện môi trường ẩm rất có khả năng vi sinh vật bị ô nhiễm dưới dạng nha bào, nhiều sản phẩm tự bị hư hỏng trong quá trình chuyển hóa…”, PGS Trần Đáng cho biết.
Từ đó, người tiêu dùng có khả năng mắc một số bệnh tật. Vị chuyên gia về thực phẩm cảnh báo thường thấy nhất là ngộ độc cấp tính. Biểu hiện của nó là đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau đầu, chóng mặt. Nhưng nguy hiểm hơn là ngộ độc mãn tính. Nếu hấp thụ quá nhiều những loại mứt, ô mai này, chất độc tích lũy nhiều và dày lên, gây ngộ độc cho gan. Nấm mốc và chất bảo quản là nguyên nhân chủ yếu gây ung thư và các bệnh về máu, xương, thận.
Chung nhận định với phó giáo sư Trần Đáng, phó giáo sư Hà Văn Thuyết(nguyên giảng viên bộ môn Công nghệ thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội) khẳng định: “Nguồn nguyên liệu để làm mứt Tết, ô mai rất khó kiểm soát, vì thế có khả năng bị nhiễm thuốc trừ sâu, phân bón… Ngoài ra, còn là nguồn hóa chất, chất đường sử dụng nhiều không đúng quy định, quá mức cho phép…, từ đó chứa nhiều độc tố gây bệnh mà dễ thấy nhất là ngộ độc thực phẩm”.
Các chuyên gia khuyên người tiêu dùng chỉ nên mua những sản phẩm đã được cơ quan y tế cấp giấy phép đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. “Mọi người đừng bao giờ quên đọc nhãn mác, hạn sử dụng…, cần phải biết rõ nguồn gốc, có đảm bảo dùng hay không thì hãy mua. Mỗi người hãy tự phát huy tính thông thái của mình thông qua việc nhìn, ngửi, nếm để xem có nấm mốc hay không, có ngon hay không… rồi hãy quyết định”, phó giáo sư Đáng nói.
Ông cũng khuyên mỗi gia đình có thể tự chế biến sản phẩm theo sách hướng dẫn, vừa không sử dụng nhiều chất cấm, chất bảo quản, vừa đảm bảo nguyên liệu sạch, rõ nguồn gốc lại khỏe mạnh.
Theo VNE
Rùng mình cảnh chôn sấu, quất đến thối làm mứt
Hàng chục hộ dân đào hố sâu chừng 3- 5m, rộng chừng 2-3m2, rải vôi bột rồi phủ lên lớp nilong cáu bẩn, sau đó chôn chanh, quất, sấu xuống hố, phủ lớp muối lên, để cả chục ngày bốc mùi hôi nồng nặc, rồi đem bán cho các cơ sở khác làm ô mai, mứt.
Đó là cảnh quy trình ủ chanh, quất, sấu... để làm ô mai, mứt của hàng chục hộ dân thuộc địa bàn xã Đồng Mai (quận Hà Đông - Hà Nội). Theo tìm hiểu của PV, thì phần lớn các cơ sở ủ quất, sấu thối ở đây xuất khẩu đi Trung Quốc, cơ sở đặt hàng trong nước chỉ chiếm số ít.
Trong vai một cơ sở cần tìm mua quất, sấu khô để làm ô mai, PV Infonet đã tìm về Đồng Mai để tìm hiểu quy trình làm nguyên liệu ô mai, mứt. Tiếp cận được chị T, một cơ sở chuyên ủ quất, sấu làm ô mai, mứt, chị T vừa trả lời vừa dò xét, chú cần mua nhiều không? Cơ sở địa chỉ ở đâu? Nếu đặt mua để lại số điện thoại, khi nào có mẻ ủ mới ra, tôi sẽ gọi điện cho!
Hàng tấn quất bốc mùi được người làm nghề phơi khô để làm ô mai
PV hỏi về quy trình làm nguyên liệu ở đây, chị T cho rằng, những mẻ ủ nguyên liệu này đã có cơ sở đặt hàng từ đầu năm và những hộ làm nghề cả chục năm nay chuyên ủ sấu, quất cho các cơ sở làm ô mai, mứt.
PV được tận mắt chứng kiến quy trình ủ quất, sấu thối của cơ sở chị T. Bước chân vào đây, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Ruồi nhặng bay vo ve, mùi khó chịu và ô nhiễm vậy khiến bất cứ ai bước chân vào đây cũng thấy rợn người... bởi cảnh quá mất vệ sinh.
Quy trình ủ quất, sấu thối ở đây rất lạ đời. Người dân đào hố sâu chừng 3 -5m, rộng chừng 2 -3m2, rồi dựng vài tấm prôximăng che nắng, che mưa. Sau đó rắc lớp vôi bột rồi rải nilong lên, đổ quất, sấu, chanh... xuống ủ. Khi đã đổ một lớp quất, sấu, chanh người làm nghề phủ 1 lớp muối lên trên và cứ để như vậy chừng 10 ngày khi sấu, quất, chanh chảy nước, bốc mùi, vỏ thâm xì rồi "vớt" lên phơi khô.
Nhìn hình ảnh này không ít người rùng mình khi nghĩ đến ô mai, mứt tết.
Sau khi người làm nghề "vớt" những đống quả dưới hố đem đi phơi, nhưng không hề có động tác vệ sinh hố đất hay lớp nilong trải đựng sấu, quất, chanh ủ mà chỉ phơi khôi qua loa, để vài hôm lại cho ủ mẻ khác.
PV tìm vào cơ sở của anh H, một người làm nghề ủ sấu, quất, chanh thối nhiều năm qua. Dựng xe bước vào sân, chúng tôi chứng kiến cả sân các loại quả này đã thối, chuyển màu thâm thâm, bốc mùi khó chịu được anh H đánh thành từng luống phơi ở sân. Theo anh H, anh mới "vớt" quả lên hôm trước, chưa được nắng, phải phơi vài hôm nắng to thì "hàng" khô quắt lại rồi đóng tải nilong bán cho các cơ sở làm ô mai, làm mứt...
PV đặt vấn đề mua lại một vài tấn để làm ô mai, mứt. Anh H không ngừng giới thiệu sản phẩm của cơ sở mình làm ra cho chúng tôi biết. Quy trình làm cũng tương tự cơ sở của chị T, nhưng quy mô của anh H lớn hơn. Theo anh H, vào những mùa này, hàng tiêu thụ rất chậm. Chỉ vào những tháng cuối năm, nhu cầu làm mứt, ô mai tăng cao. Người ta gọi điện về đây đặt mua hàng chục tấn một...
Nhưng theo anh H, vào những tháng cuối năm, người làm nghề chúng tôi không được nắng để phơi khô sản phẩm. Vì vậy, chúng tôi phải tranh thủ mùa nắng ráo làm để tích trữ rồi bán cho những cơ sở trong nước và nước ngoài.
Những chiếc hố sâu được người làm nghề đào để ủ quất, sấu làm ô mai.
Nguyên liệu chính của những cơ sở này là mua nguyên liệu sấu xanh, quả quất, chanh đóng thành từng tải chuyển về sau đó người ta "vô tư" đổ xuống hố. Người ta thu mua chỉ vài ba trăm ngàn đồng đến gần 1 triệu/tấn quất, sấu nguyên liệu... Sau quá trình "chế biến" có thể xuất xưởng tới vài triệu đồng/tấn, tùy từng loại quả, giá khác nhau. Quy trình vận chuyển những quả dập, thối, nát... đều được người làm nghề ở đây tận dụng đưa hết xuống ủ muối. Sau vài ngày, bốc mùi hôi thối, nồng nặc cả một khu vực...
Lấy lý do đi tìm hiểu tham khảo vài cơ sở khác, PV rời cơ sở của anh H. Anh H không quên nhắn nhủ: "Các chú cứ đi tìm hiểu kỹ đi, quyết được thì quay lại đặt hàng của anh. Đảm bảo giá rẻ hơn và chất lượng hơn..."
Một vài hình ảnh làm nghề ô mai, mứt:
Quất, sấu được đưa xuống hố, lẫn cả muối trắng.
Những chiếc hố được che chắn sơ sài
Sau khoảng 10 ngày, người ta vớt nguyên liệu làm ô mai lên đây
Theo Infonet
[Chế biến] - Mứt cà rốt Với cách tự làm mứt cà rốt được biến tấu này, bạn có món mứt thật mới lạ và bắt mắt, dạng sợi nhìn như mứt dừa nhưng thực ra lại là mứt cà rốt! Bạn cần chuẩn bị những nguyên liệu sau để tự làm mứt cà rốt: 3 củ cà rốt (1 củ tím, 2 củ màu cam) Đường với khối...