Nguy cơ cháy lớn, nhiều chủ kho hàng, nhà xưởng vẫn không biết sợ
Trên địa bàn Hà Nội có hàng nghìn khu nhà xưởng, kho bãi đang hoạt động nhưng phần lớn không đạt yêu cầu về an toàn phòng cháy, chữa cháy, đặt ra nguy cơ hỏa hoạn bất cứ lúc nào…
Hiện trường vụ cháy kho 109 đường Trường Chinh
Bị xử lý vẫn không khắc phục
Ngay sau khi xảy ra vụ cháy ngày 17-6 thiêu rụi gần 2.000 m2 nhà kho tại số 109 đường Trường Chinh, quận Thanh Xuân, Hà Nội, Cảnh sát PCCC số 8 quận Hoàng Mai đã tiến hành rà soát các khu nhà xưởng, kho bãi trên địa bàn.
Sáng 22-6, đoàn kiểm tra có mặt tại nhà kho số 21 thuộc khu X2, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, bắt gặp nhân viên kho vải đang hàn xì ngay trước những đống chất liệu dễ cháy. Khi tổ công tác nhắc phải che chắn cẩn thận, đề phòng nguy cơ hỏa hoạn, người này thậm chí còn tỏ vẻ bất hợp tác.
Tiến hành kiểm tra kho chứa hàng thuộc Công ty xuất nhập khẩu A.M.C, mặc dù đã có thông báo từ trước nhưng người có trách nhiệm đã vắng mặt, chỉ còn 2 nữ nhân viên làm việc và cùng trả lời… không biết gì về an toàn PCCC. Nhà kho của công ty này chuyên cất giữ thuốc bảo vệ thực vật, được chứa trong các thùng carton, thùng xốp chất cao đến tận mái tôn.
Điều đáng nói, những lần kiểm tra trước, cơ quan cảnh sát PCCC đã xử lý đơn vị này 7 lỗi vi phạm liên quan đến an toàn PCCC; và trong lần kiểm tra này, các lỗi vi phạm cũ vẫn chưa được khắc phục, như: trang bị phương tiện PCCC không đầy đủ; không trang bị bình chữa cháy xe đẩy MFZT35; không có giải pháp ngăn chặn cháy lan giữa công ty và các đơn vị lân cận; cửa sắt tại lối thoát nạn là cửa đẩy sang hai bên không đảm bảo an toàn PCCC; chưa có giải pháp cho lối thoát nạn thứ hai tại kho hàng công ty; hệ thống điện lắp đặt tại kho hàng không đảm bảo an toàn PCCC…
Video đang HOT
Hiện trường vụ cháy kho giấy tại quận Thanh Xuân
Quy trách nhiệm người đứng đầu cơ sở
Khoảng tháng 10-2014, tại địa điểm lô E5 là khu nhà xưởng trên phố Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy xảy ra hỏa hoạn gây thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng. Những tưởng sau khi sự cố xảy ra, chủ cơ sở phải có ý thức hơn, tuân thủ những quy định về an toàn PCCC. Tuy nhiên, theo thông tin của Phòng Cảnh sát PCCC số 3, nơi đây vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ.
Bởi lý do, khu vực có diện tích hàng nghìn mét vuông này vốn không có công năng làm nơi kinh doanh xe ô tô, nhà xưởng, làm đồ mộc, hàn hơi, nhưng hiện vẫn bị sử dụng vào mục đích này. Thậm chí dù kinh doanh vật liệu dễ cháy, nổ, nhưng thiết bị an toàn về cháy nổ gần như không có, hệ thống điện không đảm bảo…
Tương tự vi phạm tại khu vực kho trên phố Dương Đình Nghệ, còn có khu nhà xưởng tại địa bàn Cầu Diễn, thuộc quận Nam Từ Liêm. Khu nhà kho này, trong năm 2015 đã xảy ra nhiều vụ cháy liên quan đến việc sử dụng nguồn điện. Thế nhưng, vẫn những lỗi ấy, đến nay nhiều chủ nhà kho dù đã được lực lượng chữa cháy khuyến cáo, nhưng không khắc phục. Trong những lần kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện 45 trường hợp vi phạm và hướng dẫn cơ sở cần khắc phục ngay những tồn tại thiếu sót liên quan đến việc đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ.
Đại tá Lê Chí Cao, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 3 – quận Cầu Giấy cho biết: “Thực trạng một số cơ sở xây dựng nhà xưởng, kho tạm không đảm bảo PCCC trên các khu đất thuộc quy hoạch hoặc thuộc dự án treo… do chủ đầu tư và các đơn vị thuê mặt bằng đã không đầu tư trang thiết bị PCCC. Các cơ sở chưa được thẩm duyệt thiết kế về PCCC hoặc có thẩm duyệt nhưng khi cho thuê đã thay đổi tính chất sử dụng nhưng chưa được thẩm duyệt lại về PCCC. Công tác nghiệm thu về PCCC cũng chưa hoàn tất do nhiều đơn vị chưa thẩm duyệt hoặc thi công không đúng thiết kế được thẩm duyệt hoặc thay đổi mục đích sử dụng nhưng chưa được thẩm duyệt về PCCC”.
Theo báo cáo năm 2015, địa bàn Hà Nội xảy ra 159 vụ cháy và 1.000 sự cố cháy, khiến 8 người tử vong, bị thương 29 người, thiệt hại tài sản khoảng 40 tỷ đồng; trong đó, số vụ cháy nhà kho, xưởng chiếm gần 50%. Sở dĩ nhiều nhà xưởng, kho bãi tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao là do hầu hết hạng mục đều tạm bợ, không được chủ nhân đầu tư trang thiết bị phương tiện PCCC.
Trong khi đó còn nhiều khu vực do chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng nhưng không nâng cấp, cải tạo hệ thống an toàn PCCC, do đó khi đưa vào hoạt động sẽ dẫn đến hỏa hoạn. Để khắc phục thực trạng này, ngoài việc tuyên truyền quy định an toàn PCCC với các cơ sở, cơ quan chức năng cần phải xử lý nghiêm vi phạm, trong đó xác định trách nhiệm đối với cả đơn vị cho thuê đất, nhà xưởng.
Theo_An ninh thủ đô
Nguy cơ hỏa hoạn tại phố cổ Hà Nội: Sợ hiệu ứng domino
Thói quen sinh hoạt như ủ bếp than tổ ong trong nhà qua đêm, cùng với hệ thống đường điện ngày càng quá tải, khiến nguy cơ cháy nổ ở khu phố cổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội luôn trong tình trạng báo động.
Ngõ 47 Hàng Bạc - nơi từng xảy ra cháy cách đây chưa lâu
"Bán" mình cho... lửa
Chia sẻ những suy nghĩ, cảm nhận này với người bạn sinh sống tại phố Cầu Gỗ, tôi lập tức bị chê "lạc hậu". Anh bạn tôi quả quyết đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, cứ đi vào bất kỳ con ngõ nào trong khu phố cổ sẽ không chỉ thấy cảnh ủ bếp than, mà họ còn "dính" cả ban thờ vào vách tường, tận dụng cả dây điện để... phơi quần áo.
Tận mắt chứng kiến hệ thống lưới điện sinh hoạt ở phố cổ, tôi thực sự phát hoảng. Mặc dù đã khoác bên ngoài lớp sơn, vôi, nhưng những ngôi nhà cũ kỹ được sửa chữa, cải tạo vẫn không giấu được các đường điện như ma trận. Nhiều người dân sinh sống ở đây khi được Cảnh sát PCCC mời đến nghe tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng thoát nạn khi xảy ra sự cố cháy nổ đã nêu lý do bận không đi được; thậm chí có người cho rằng càng biết càng... lo hơn.
Khi được hỏi về cách phòng ngừa nguy cơ hỏa hoạn, ông Nguyễn Văn Thịnh, sinh sống nhiều năm tại căn hộ trên tầng 2, khu tập thể đường sắt ngõ 15 phố Hàng Điếu cho biết: "Nhà tôi có 4 người sinh hoạt trong 9m2. Hàng ngày nấu cơm dùng bếp than tổ ong xách ra lối đi chung; dùng xong để dẹp sang một bên trả lối đi lại cho người tầng trên. Bao giờ cháy hẵng hay". Đó chỉ là một trong những vô vàn nguy cơ tiềm ẩn gây cháy đang rình rập phố cổ Hà Nội.
Bà Nguyễn Thị Quế, 66 tuổi trú tại số nhà 47 Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, nơi xảy ra vụ cháy thiêu rụi toàn bộ căn nhà cổ làm bằng gỗ, nhớ lại: "Vụ hỏa hoạn xảy ra cách đây 5 năm mà giờ nghĩ lại tôi vẫn sợ. Khi ấy tôi đang ở ngoài cửa, ngọn lửa ngùn ngụt thốc từ trong ra bao trùm tất cả. Mọi người hoảng loạn chạy đè lên nhau, rất may không có ai bị thương". Kết quả khám nghiệm vụ hỏa hoạn về sau thể hiện, hiện trường là con ngõ dài 45m, chiều rộng 91cm; điểm cháy là ngôi nhà làm bằng gỗ. Thời điểm cháy, nếu có mặt đông đủ người của 5 hộ trong ngõ này thì thiệt hại sẽ khôn lường.
Ngõ nhỏ, phố nhỏ, nguy cơ xảy cháy lớn
Vụ hỏa hoạn xảy ra vào cuối tháng 10 vừa qua tại phố Hàng Mã, lực lượng PCCC chỉ chậm một chút nữa là những ngôi nhà lân cận cũng sẽ thành tro. Theo Đại tá Trần Văn Vụ, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 1 - Hoàn Kiếm, nguyên nhân cháy do chập bộ lưu điện cửa cuốn khi chủ nhà đi vắng. Lực lượng cứu hỏa đã phải phá cửa từ tầng 2 dùng thang tiếp cận hiện trường phun vòi rồng vào tâm lửa.
Đó là hiện trường còn tiếp cận được xe cứu hỏa dễ dàng và vào thời điểm giao thông phố cổ thông thoáng. Còn trên thực tế, không phải khu vực nào trên phố cổ cũng thuận lợi như vậy. Nhiều ngôi nhà đã xuống cấp, cũ kỹ, nếu không may xảy ra hỏa hoạn rất có thể không chỉ thiệt hại vì cháy mà còn đổ sập như hiệu ứng domino.
Đưa ra cảnh báo nguy cơ cháy ở khu vực phố cổ, Đại tá Trần Văn Vụ lo ngại về tuyến phố đi bộ vào những ngày cuối tuần. Nếu không may xảy ra hỏa hoạn vào thời điểm chợ đêm hay giờ cao điểm mua bán, xe chữa cháy sẽ rất khó tiếp cận và hậu quả sẽ khôn lường. Nhằm phòng ngừa, giảm thiểu nguy cơ cháy, chỉ huy Phòng Cảnh sát PCCC số 1 cho biết, đơn vị đã chủ động kế hoạch tuyên truyền an toàn PCCC tại khu vực phố cổ về đêm. Trong đó tập trung cảnh báo hệ thống điện quá tải tại nhà hàng, quán xá.
Theo thống kê của cơ quan Cảnh sát PCCC, trên địa bàn quận Hoàn Kiếm có hơn 1.700 ngõ nhỏ, trong đó có 30 tuyến phố xe chữa cháy không thể tiếp cận. Khu phố cổ chỉ có 17 trụ cấp nước phục vụ chữa cháy, quá ít so với mật độ dân cư, chưa kể nhiều trụ do dùng chung nguồn nước sinh hoạt của người dân nên áp lực nước rất yếu, thậm chí nhiều khi... không có nước.
Theo_An ninh thủ đô
Công bố nguyên nhân tai nạn thảm khốc ở đèo Prenn Nguyên nhân tai nạn là do xe ô tô mang BKS 60B-029.68 đổ đèo với tốc độ cao, rà phanh nhiều, không sử dụng phanh động cơ phù hợp nên gây trượt, sinh nhiệt làm cháy má phanh khiến hệ thống phanh không bảo đảm, dẫn đến tai nạn. Vụ tai nạn đã khiến 7 người tử vong tại chỗ Sở GTVT tỉnh...