Nguy cơ bùng phát dịch tại trại di cư Hy Lạp, số ca tử vong trong ngày tại Tây Ban Nha cao kỷ lục
Hy Lạp đã phong tỏa một khu trại di cư sau khi 20 người di cư tại trại này có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Đáng chú ý, tất cả những ca bệnh này đều không có triệu chứng mắc Covid-19.
Một góc trại di cư Ritsona. (Ảnh: Reuters)
Bộ Di trú Hy Lạp cho biết, đây là những trường hợp mắc Covid-19 đầu tiên tại trại di cư ở nước này. Theo Bộ này, nhà chức trách sẽ hạn chế mọi hoạt động ra vào trại di cư Ritsona, nơi chứa hàng trăm người di cư cách Athens 75 km về phía đông bắc, trong vòng 14 ngày. Trại di cư Ritsona đã có khu vực cách ly dành riêng cho người bệnh Covid-19.
Từ khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên vào cuối tháng 2 vừa qua, Hy Lạp đã ghi nhận 1.415 ca bệnh, trong đó 50 người đã tử vong. Ngày 2-4, Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis dự báo tháng 4-2020 sẽ là tháng quan trọng nhất trong cuộc chiến chống lại sự lây lan của Covid-19. Ông kêu gọi người dân nước này ở nhà trong khi các nhà hàng, quán bar, sân chơi, trường học, trung tâm thương mại, trường đại học, phòng tập thể hình… phải đóng cửa.
Thủ tướng Mitsotakis thừa nhận rằng, các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế nước này. Mục tiêu của các biện pháp hiện nay là giúp Hy Lạp có thêm thời gian ngăn chặn dịch bệnh và bảo đảm hệ thống y tế công cộng của nước này có thể chống chịu trong đại dịch.
Trong tình hình phức tạp hiện nay, các cơ quan cứu trợ một lần nữa kêu gọi các nước châu Âu phối hợp hành động để giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư. Ủy viên phụ trách vấn đề nội vụ của Liên hiệp châu Âu (EU) Ylva Johansson cho rằng, các ca nhiễm là người di cư tại Hy Lạp là tín hiệu cảnh báo rõ ràng về những điều có thể xảy ra nếu virus SARS-CoV-2 tràn vào các trại tị nạn đông đúc trên đảo của Hy Lạp. Thủ tướng Mitsotakis nhấn mạnh Hy Lạp sẵn sàng bảo vệ các đảo của nước này, nhưng ông vẫn hối thúc EU hỗ trợ nước này nhiều hơn nữa.
Video đang HOT
Số ca tử vong tại Tây Ban Nha vượt mức 10 nghìn
Đêm 1-4, Tây Ban Nha đã ghi nhận số ca tử vong cao kỷ lục (950 ca), nâng tổng số người chết do Covid-19 tại nước này vượt mức 10 nghìn. Hiện Tây Ban Nha là nước có số ca tử vong cao thứ hai thế giới, chỉ đứng sau Italy (13.155 ca). Số ca bệnh tại nước này đang ở mức 110.238. Tỷ lệ người mắc Covid-19 tại Tây Ban Nha đã tăng 20% vào ngày 25-3 và sau đó giảm dần.
Chính phủ Tây Ban Nha đã ban bố lệnh phong tỏa toàn quốc từ ngày 14-3 và chỉ cho phép người dân ra khỏi nhà nếu có việc thật sự cần thiết. Trong tuần này, Tây Ban Nha quyết định siết chặt các biện pháp hạn chế đi lại và chỉ cho phép những người làm việc trong ngành nghề then chốt đi làm.
Anh tăng cường sản xuất vật tư y tế
Hiệp hội Y khoa Anh cảnh báo, các bác sĩ của tổ chức này có thể sẽ phải đưa ra nhiều quyết định khó khăn do khan hiếm vật tư y tế. “Các nhân viên y tế có thể phải ngừng điều trị cho một số bệnh nhân để điều trị cho người bệnh có cơ hội sống sót cao hơn”, Hiệp hội Y khoa Anh cho biết. Dịch vụ Y tế quốc gia Anh (NHS) hiện có sẵn khoảng 8.000 máy thở và sẽ nhập thêm máy thở từ nước ngoài.
Tại Anh, các hãng hàng không vũ trụ, Formula One và các công ty kỹ thuật hy vọng sẽ nhanh chóng sản xuất ít nhất 1.500 máy thở trong một tuần. Trong khi đó, giới chức nước này đang chạy đua với thời gian để tăng cường số lượng vật tư y tế có thể giúp cứu sống những người nhiễm virus SARS-CoV-2. Anh đã đặt mua hơn 10 nghìn máy thở từ các tập đoàn như Ford, Airbus và McLaren. Hiện, Anh có gần 29.500 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó hơn 2.300 người đã qua đời.
Bồ Đào Nha gia hạn tình trạng khẩn thêm 15 ngày
Quốc hội Bồ Đào Nha hôm nay đã chấp thuận gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm 15 ngày trong bối cảnh số ca tử vong do Covid-19 tại nước này đã vượt mức 200. “Nếu cách đây 15 ngày, việc ra sắc lệnh tình trạng khẩn cấp là cần thiết, thì việc chúng ta rất cần làm hôm nay là phải gia hạn sắc lệnh này… Mọi nỗ lực chúng ta đã triển khai gần đây sẽ không hiệu quả nếu chúng ta không tiếp tục thực hiện”, Thủ tướng Antonio Costa phát biểu ý kiến trước Quốc hội.
Bồ Đào Nha đã ghi nhận hơn 9.000 ca nhiễm và 209 ca tử vong do Covid-19. Giới chức nước này dự đoán dịch bệnh sẽ đạt đỉnh điểm vào cuối tháng 5.
HOÀNG HÀ
Mỹ hết sạch kho dự trữ y tế khẩn cấp
Kho dự trữ vật tư y tế khẩn cấp của Mỹ đã cạn kiệt để đáp ứng nhu cầu cấp bách của các bang trên khắp cả nước đang chiến đấu với đại dịch Covid-19.
Chính phủ liên bang gần như đã rút hết kho dự trữ vật tư y tế khẩn cấp như khẩu trang, áo bảo hộ và găng tay, khi thống đốc các bang cầu xin thiết bị bảo hộ cá nhân cho các nhân viên y tế trong các bệnh viện, một quan chức chính quyền cho biết, New York Times đưa tin.
Quan chức này cho biết, cơ quan quản lý khẩn cấp liên bang đã giao hơn 11 triệu khẩu trang N95, 5,2 triệu tấm che mặt, 22 triệu găng tay và 7.140 máy thở, làm cạn kiệt kho dự trữ khẩn cấp.
Dù không còn thiết bị bảo hộ cá nhân trong kho dự trữ còn sót lại ở các bang, quan chức này cho biết chính quyền liên bang vẫn còn 9.400 máy thở đã sẵn sàng chuyển cho các bang. Kho dự trữ cạn kiệt khiến chính phủ liên bang phải cạnh tranh với các tiểu bang và công ty tư nhân để mua thêm thiết bị y tế.
Đội ngũ y tế các bang đang thiếu hụt nghiêm trọng các thiết bị bảo hộ cá nhân. Ảnh: New York Times.
Thống đốc các bang đang tiếp tục cố gắng tìm nguồn cung thiết bị y tế cho các đội ngũ y tế ở các bệnh viện đang tràn ngập bệnh nhân. "Thực sự hy vọng duy nhất cho các tiểu bang vào thời điểm này là khả năng cung cấp của chính phủ liên bang", Andrew Cuomo, Thống đốc bang New York, nói hôm 1/4.
Thống đốc Cuomo cho biết sẽ thảo luận về các quyền lực của Đạo luật Sản xuất quốc phòng, cho phép tổng thống mua các thiết bị quan trọng.
Trong khi chính quyền Tổng thống Donald Trump sử dụng đạo luật Sản xuất quốc phòng để ưu tiên sản xuất máy thở, do quá trình chế tạo phức tạp, thống đốc Cuomo nói rằng luật này cũng nên được áp dụng để sản xuất áo bảo hộ, vốn rất quan trọng để bảo vệ các nhân viên y tế khỏi nguy cơ lây nhiễm.
Trung Hiếu
Nuôi 5 con trong hoàn cảnh nghèo khó, người mẹ vẫn may khẩu trang miễn phí tặng người dân Tuy không giàu có, thậm chí còn có hoàn cảnh khó khăn nhưng hành động của người phụ nữ này vẫn khiến rất nhiều người cảm phục. Trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ tại nhiều quốc gia, rất nhiều nơi đã rơi vào tình trạng khan hiếm và thiếu thốn vật tư y tế, những đồ dùng cần thiết cho...