Nguy cơ bùng phát Covid-19 tại Nam Á
Nhiều quốc gia nghèo tại Nam Á khó áp dụng biện pháp kiểm soát Covid-19 như các nước phát triển, gây nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
Giới chức y tế các nước Nam Á thông báo hàng loạt ca nhiễm nCoV mới trong ngày 16/3, gây lo ngại về nguy cơ Covid-19 bùng phát và làm quá tải cơ sở y tế lạc hậu tại khu vực chiếm tới một phần tư dân số thế giới.
Nam Á trước đó ít chịu ảnh hưởng từ Covid-19 so với phần còn lại của châu Á và châu Âu. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo biện pháp kiểm soát dịch quyết liệt tại những nước như Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ không thể thực hiện ở các quốc gia nghèo, đông dân ở Nam Á.
Kiểm tra thân nhiệt tại ga tàu ở thủ đô Karachi của Pakistan hôm 16/3. Ảnh: AFP.
“Rất khó để áp dụng hình thức ‘giữ khoảng cách xã hội’ giống các nước phát triển như Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt là tại các khu ổ chuột. Môi trường sinh sống tại đó rất đông đúc, gần như không thể yêu cầu người dân giữ khoảng cách với nhau”, Giridhara R Babu, chuyên gia dịch bệnh thuộc Viện Y tế Cộng đồng Ấn Độ ở thành phố Bengaluru, nhận xét.
Số ca nhiễm nCoV tại Pakistan đã tăng vọt trong ngày 16/3, từ 53 lên 136 chỉ trong một ngày. Phần lớn trường hợp được phát hiện ở tỉnh miền nam Sindh, nơi các bệnh nhân vừa trở về từ Iran, ổ dịch lớn thứu ba thế giới.
Saeed Ghani, quan chức chính quyền tỉnh Sindh, cho biết các cơ sở cách ly ở tỉnh Baluchistan giáp với biên giới Iran đều không đáp ứng yêu cầu, khiến số lượng ca nhiễm nCoV tăng nhanh. “Trong hơn 100 mẫu xét nghiệm, có tới 50 mẫu cho kết quả dương tính. Đó là con số khổng lồ”, ông nói thêm.
Afghanistan hôm nay ghi nhận 21 ca nhiễm nCoV, tăng 5 trường hợp so với ngày 1/3. Phần lớn bệnh nhân sống tại tỉnh Herat giáp với Iran, nơi hàng nghìn người Afghanistan vượt qua biên giới mỗi ngày để rời Iran. Giá vé đi lại từ biên giới Iran đến thủ phủ Herat đã tăng gấp 4 lần kể từ khi Covid-19 bùng phát.
Video đang HOT
“Chúng tôi cầu xin các chính trị gia và chính quyền trung ương xem xét nghiêm túc tình trạng này. Chúng tôi cần lương thực, thuốc men và cơ sở hạ tầng cơ bản để giải quyết vấn đề”, thống đốc tỉnh Herat Abdul Rahim Qayomi nói.
Cơ sở hạ tầng y tế Afghanistan đã bị hủy hoại sau hàng chục năm xung đột và thiếu vốn đầu tư. Điều này sẽ gây nhiều khó khăn cho nỗ lực đối phó Covid-19.
Nhân viên y tế đo thân nhiệt một người dân tại trung tâm Kabul hôm 9/3. Ảnh: AFP.
Matin Noorzai, người bán buôn tại một chợ đầu mối ở thủ đô Kabul, cho biết nhu cầu hàng hóa đang tăng cao chưa từng thấy, trong khi giá thực phẩm cũng leo thang do nhiều người dân tích trữ nhu yếu phẩm. “Nếu tình hình tiếp diễn như thế này, tôi chắc chắn là chợ sẽ cạn thực phẩm trong tuần sau”, ông cho hay.
Số ca nhiễm tại Sri Lanka tăng gần gấp đôi, từ 10 lên 18 trong ngày 15/3. Ấn Độ cũng ghi nhận 110 trường hợp dương tính nCoV, trong khi con số này ở Maldives và Bangladesh lần lượt là 13 và 8.
Thủ đô New Delhi và nhiều bang tại Ấn Độ đã yêu cầu hộp đêm và gym đóng cửa, đồng thời cấm những sự kiện tập hợp trên 50 người. Bangladesh đã hủy các trận đấu cricket quốc tế và đóng cửa mọi trường học đến hết tháng 3.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm qua đề xuất đóng góp 10 triệu USD vào dự án ngân sách khẩn cấp cho khu vực. Ông cũng khẳng định New Delhi sẵn sàng gửi các đội phản ứng nhanh và hỗ trợ chuyên môn trong cuộc điện đàm với lãnh đạo những nước Nam Á.
Covid-19 khởi phát từ Vũ Hán hồi tháng 12/2019, đã xuất hiện tại 162 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến gần 170.000 người nhiễm nCoV và hơn 6.500 người chết.
Vũ Anh (Theo Reuters)
Theo vnexpress.net
Các nước Nam Á bàn chiến lược chung đối phó với dịch COVID-19
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhấn mạnh, mặc dù tổng số ca nhiễm bệnh được báo cáo ở khu vực Nam Á là chưa tới 200 trường hợp, song các quốc gia cần duy trì cảnh giác.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Bangalore, Ấn Độ, ngày 11/3 vừa qua. (Ảnh: THX/TTXVN)
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cùng với lãnh đạo và đại diện các quốc gia thuộc Hiệp hội hợp tác khu vực Nam Á (SAARC) chiều 15/3 đã tổ chức một hội nghị thông qua cầu truyền hình để đề ra một chiến lược chung nhằm đối phó với sự bùng phát của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, đến nay đã khiến hơn 6.000 người tử vong trên thế giới.
Tham dự hội nghị, ngoài ông Modi còn có Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa, Tổng thống Maldives Ibrahim Mohamed Solih, Thủ tướng Nepal K.P. Sharma Oli, Thủ tướng Bhutan Lotay Tshering, Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani và Trợ lý đặc biệt của Thủ tướng Pakistan về Y tế Zafar Mirza.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Modi nhấn mạnh, mặc dù tổng số ca nhiễm bệnh được báo cáo ở khu vực Nam Á là chưa tới 200 trường hợp, song các quốc gia cần duy trì cảnh giác.
Khẩu hiệu của Ấn Độ trong đối phó với dịch COVID-19 là "luôn sẵn sàng nhưng không hoang mang."
Ấn Độ cũng hưởng ứng lời kêu gọi của các công dân nước này ở nước ngoài và đã sơ tán gần 1.400 người Ấn Độ từ các vùng dịch khác nhau.
Tại hội nghị, nhà lãnh đạo Ấn Độ đề xuất lập một quỹ khẩn cấp chống dịch COVID-19 và New Delhi sẽ đóng góp một khoản ban đầu trị giá 10 triệu USD.
Hội nghị thượng đỉnh trên có ý nghĩa quan trọng vì SAARC đã hầu như không hoạt động kể từ năm 2016.
Thủ tướng Modi đã từ chối tham dự hội nghị thượng đỉnh SAARC 2016, theo kế hoạch được tổ chức tại Islamabad, tiếp sau vụ tấn công khủng bố Uri do các phần tử khủng bố Pakistan gây ra.
Sau khi Bangladesh, Afghanistan và Bhutan cũng rút khỏi cuộc họp, hội nghị đã bị hủy bỏ.
Hội nghị thượng đỉnh SAARC được tổ chức hai năm một lần bởi các quốc gia thành viên theo thứ tự bảng chữ cái.
Hội nghị thượng đỉnh gần nhất được tổ chức vào năm 2014 tại Kathmandu, Nepal.
Theo vietnamplus.vn
Mỹ bắt đầu rút quân khỏi Afghanistan Tuyên bố được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đưa ra hôm 2-3 và là một phần trong tiến trình rút toàn bộ lực lượng khỏi Afghanistan sau 14 tháng nếu Taliban duy trì cam kết theo thỏa thuận. Thỏa thuận giữa chính quyền Tổng thống Donald Trump và quân nổi dậy Taliban được ký kết tại Qatar ngày 29-2, mở đường...