Nguy cơ bùng phát Covid-19 mạnh ở miền Tây nếu bỏ quên “bài học” TPHCM
Theo chuyên gia dịch tễ, nếu các tỉnh miền Tây không rút kinh nghiệm về vấn đề xét nghiệm, cách ly mà TPHCM đã trải qua thì rất dễ dẫn đến nguy cơ bùng phát đợt dịch Covid-19 mới.
Những ngày qua, số ca nhiễm Covid-19 liên tục tăng ở nhiều tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long – thời điểm mà TPHCM và các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai đã nới lỏng các biện pháp giãn cách, hàng chục ngàn người lao động tìm cách về quê.
Còn chưa đầy 200 giường trống
Thông tin với Dân trí , ông Trần Văn Khải, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng cho biết, từ ngày 22/9 đến nay, Sóc Trăng đã tiếp nhận 43.441 người tự phát về từ các tỉnh, thành phố. Trong đó, tỉnh đã cách ly tập trung 14.306 người, cách ly tại nhà 29.135 trường hợp.
Đáng chú ý, trong hàng chục ngàn lượt người về quê đã phát hiện 468 ca dương tính SARS-CoV-2. Một số trường hợp về không khai báo y tế, sau đó đi làm công nhật hàng ngày cho doanh nghiệp, làm phát sinh ổ dịch rất lớn tại xã Tài Văn, huyện Trần Đề. Đến thời điểm hiện nay, Sóc Trăng đã ban hành quyết định thiết lập 68 vùng, khu vực cách ly y tế để phòng chống dịch.
Theo thống kê, đến chiều 20/10, toàn tỉnh Sóc Trăng còn 2.275 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị. Tuy nhiên, tất cả 28 cơ sở thu dung điều trị F0 tại địa phương chỉ có tổng cộng 2.347 giường, tức còn chưa đầy 200 giường trống.
Do đó, Sóc Trăng đang khẩn trương triển khai thêm 3 bệnh viện dã chiến với tổng số 1.000 giường bệnh, nhằm đối phó với kịch bản bệnh nhân Covid-19 gia tăng. Một điều đáng lo ngại khác là tỉnh này mới có 42.958 người đã tiêm 2 mũi vaccine ngừa Covid-19, chỉ chiếm 5% số dân trên 18 tuổi.
Một khu cách ly tập trung phòng chống dịch Covid-19 tại Sóc Trăng (Ảnh: Hoàng Lê).
Lãnh đạo ngành y tế Sóc Trăng nhận định, việc đảm bảo năng lực cách ly ở nhiều địa phương còn bị động do lượng người đổ về quê quá lớn. Các cơ sở cách ly chủ yếu trưng dụng từ trường học nên không đảm bảo các điều kiện, nguy cơ lây nhiễm chéo khá cao.
Mặc khác, những người được cách ly tại nhà nếu không được kiểm soát tốt sẽ có nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Trong khi đó, nhân lực y tế, năng lực điều trị F0 tại tuyến huyện và trang thiết bị vật tư y tế, sinh phẩm… chống dịch đều chưa đáp ứng, tiến độ tiêm vaccine nhiều nơi vẫn chậm.
Video đang HOT
Còn tại Cà Mau, ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh cho biết, từ thời điểm 1/10 đã có khoảng 31.000 người dân đổ về quê, đi kèm số lượng F0 phát hiện rất nhiều. Cà Mau mới chỉ có hơn 381.000 người được tiêm vaccine mũi một (chiếm 33% dân số) và khoảng 66.400 người tiêm đủ 2 mũi (chưa đến 6% dân số).
Lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau đã gửi công văn kiến nghị Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Y tế ưu tiên phân bổ vaccine và xem xét bổ sung đội ngũ y bác sĩ, máy móc, thiết bị phục vụ điều trị Covid-19 cho tỉnh.
Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp ở địa phương, mới đây Đoàn công tác của Bệnh viện Chợ Rẫy gồm 6 thành viên “tinh nhuệ” đã lên đường đến hỗ trợ Cà Mau. Chiều ngày 19/10, Đoàn đã phối hợp với Sở Y tế tỉnh tổ chức buổi tập huấn trực tuyến cho đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng tham gia phòng, chống dịch toàn tỉnh về các công tác phân tầng, theo dõi và điều trị Covid-19 theo mức độ nặng…
Đoàn công tác Bệnh viện Chợ Rẫy đến hỗ trợ Cà Mau chống dịch Covid-19 (Ảnh: BVCC).
Tương tự, đoàn công tác của Bệnh viện Điều trị Covid-19 Trưng Vương (TPHCM) gồm 10 bác sĩ, điều dưỡng đã lên đường đến hỗ trợ tỉnh An Giang trong công tác phòng chống dịch bệnh và chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19.
Trong ngày 20/10, An Giang ghi nhận 194 ca mắc mới, tăng 60 ca so với ngày trước đó, là một trong 3 địa phương có số F0 tăng cao nhất trong 24 giờ.
Đừng quên “bài học” TPHCM
Trao đổi với phóng viên, TS.BS Hoàng Quốc Cường, Phó Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, Tổ trưởng tổ công tác Bộ Y tế hỗ trợ tỉnh Long An chống dịch vừa hoàn thành nhiệm vụ, nhận định với số người lao động về quá nhiều, kèm theo phát hiện nhiều ca mắc trong cộng đồng, một số tỉnh thành miền Tây như Sóc Trăng có nguy cơ cao bùng dịch.
Thời gian tới, ngay khi các địa phương và Bộ Y tế có yêu cầu chi viện, Viện Pasteur sẽ thành lập Đoàn công tác để hỗ trợ về công tác xét nghiệm, điều tra dịch tễ, điều trị cho các tỉnh.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia dịch tễ, nguyên Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM), cảnh báo các tỉnh miền Tây cần nhìn đợt bùng phát dịch lần thứ 4 tại TPHCM vừa qua để rút ra bài học kinh nghiệm, tránh lặp lại những sai lầm.
Nếu gom người dân vào khu cách ly hoặc kể cả tập trung xét nghiệm, tiêm vaccine mà không đảm bảo giãn cách an toàn thì dịch sẽ bùng phát. Nhất là trong bối cảnh biến chủng Delta gây nguy cơ lây nhiễm rất lớn.
Các chuyên gia nhận định một số tỉnh miền Tây có nguy cơ bùng dịch Covid-19 (Ảnh: Hoàng Lê).
Theo bác sĩ Khanh, người lao động từ TPHCM hay các tỉnh khác là các đối tượng ở bên ngoài về, cần được hướng dẫn việc khai báo y tế một cách chủ động để kiểm soát. Tùy tình hình và cấp độ dịch thực tế, nếu họ đủ điều kiện thì địa phương nên ưu tiên cho cách ly tại nhà và tiến hành theo dõi.
Bởi nếu cứ tìm cách cách ly tập trung sẽ làm cho họ mang tâm lý sợ, giấu thông tin khi khai báo, thậm chí trốn cách ly. “Tuyệt đối đừng để lây nhiễm chéo khi xét nghiệm, trong khu cách ly, khi chích ngừa” – bác sĩ Khanh khuyến cáo.
Các chuyên gia dự báo, trong thời gian tới nếu vẫn có số lượng lớn người dân từ các tỉnh trở về địa phương và không khai báo y tế đầy đủ, thì ca F0 mới trong cộng đồng có thể tiếp tục được phát hiện hàng loạt.
Các tỉnh miền Tây cần điều chỉnh phương án đảm bảo công tác phòng, chống dịch phù hợp với diễn biến thực tế; tiếp tục mở rộng các khu cách ly điều trị F0 không triệu chứng, nâng cao năng lực y tế, nhất là năng lực lấy mẫu, truy vết, xét nghiệm, điều trị.
Điều quan trọng là phải đẩy nhanh tiến độ phủ vaccine phòng Covid-19 cho người dân, nhất là đối tượng có nguy cơ cao.
Nhiều nông sản miền Tây tăng giá mạnh
Mít, nhãn, chanh tại các tỉnh miền Tây hiện tăng giá gấp 2 đến 4 lần so với thời điểm nông sản ùn ứ do kiểm soát đi lại.
Giá chanh mua tại vườn tăng lên 7.000-8.000 đồng một ký, trong khi thời điểm giá thấp nhất chỉ 2.000 đồng mỗi ký, thậm chí không bán được. Ông Phạm Minh Cường, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và Tiêu thụ chanh Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, cho biết giá chanh tăng khi giao thương thuận lợi, các thị trường lớn như TP HCM hút hàng hơn trước. Hợp tác xã đang liên kết tiêu thụ 70 ha của thành viên, hiện mỗi ngày giao 500-700 ký cho các tỉnh Đông Nam bộ.
Theo những người trồng chanh, nhà vườn thường xử lý chanh cho ra vào mùa nắng, thu hoạch từ tháng 2 đến tháng 4. Vụ thuận sau đó, chanh ra hoa tự nhiên nên giá thành cũng thấp hơn.
Thu hoạch chanh tại Đồng Tháp thời điểm giá giảm sâu chỉ 2.000 đồng mỗi ký, hiện nay giá chanh đã tăng gấp 3-4 lần. Ảnh: Kiệt Võ
Trung bình một công (1.000 m2) chanh chính vụ cho năng suất từ 2-4 tấn, người trồng có lãi khoảng 40 triệu đồng mỗi công nếu giá bán trung bình khoảng 20.000 đồng mỗi ký. Tổng diện tích chanh toàn tỉnh Đồng Tháp hơn 1.900 ha, sản lượng trung bình khoảng 24.000 tấn.
Một loại nông sản khác cũng tăng giá là mít thái, lên 30.000 đồng mỗi ký với mít loại 1, còn loại 2 giá 19.000 đồng, mít chợ giá 4.000 đồng. Mức giá này cao gấp 4 lần so với lúc mít ùn ứ cách đây 4 tháng.
Ông Nguyễn Văn Phát, trồng gần 1 ha mít Thái ở huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp cho biết, giá mít tăng, việc đi lại dễ dàng, nhiều thương lái mua mít hoạt động trở lại. "Hai đợt cắt mít vừa rồi tôi bán được 15 triệu đồng. Giá tăng nên dễ bán hơn", ông Phát cho biết.
Diện tích trồng mít thái tại Đồng Tháp đang tăng khi năm 2020 có khoảng 2.600 ha, tăng gấp đôi so với năm 2019. Trong khi đó, tổng diện tích mít ở các tỉnh phía Nam trong giai đoạn nuôi trái và thu hoạch khoảng 39.000 ha, vượt diện tích nhiều loại cây ăn trái chủ lực như sầu riêng (36.100 ha), thanh long (25.300 ha), chôm chôm (19.500 ha), nhãn (30.200 ha)...
Nhãn edor sắp thu hoạch tại một nhà vườn huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Ngọc Tài
Tương tự, nhãn edor mua tại vườn cũng tăng giá gấp đôi, dao động từ 12.000-14.000 đồng mỗi ký. Ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm Hội quán Canh Tân, xã An Nhơn, huyện Châu Thành cho biết, với giá bán này nhà vườn đã có lời.
"Khoảng 1 tháng nữa, nhiều vườn nhãn ở Châu Thành sẽ vào vụ thu hoạch, hy vọng bán được giá để nông dân gỡ gạc vụ thua lỗ lần trước", ông Thuận nói. Diện tích nhãn toàn tỉnh Đồng Tháp khoảng 5.500 ha với sản lượng khoảng 53.000 tấn.
Ngày đầu thí điểm vận tải hành khách liên tỉnh: Các tỉnh miền Tây vẫn chờ 'xin ý kiến' Dù từ ngày 10-10, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành quy định tạm thời thí điểm tổ chức hoạt động vận tải hành khách đường bộ từ 13 đến 20-10 trên toàn quốc, nhưng hiện nhiều tỉnh miền Tây vẫn còn chờ 'xin ý kiến'. Các tỉnh miền Tây vẫn chờ 'xin ý kiến' thí điểm vận tải hành khách liên...