Nguy cơ biến mất một số nhóm người dân tộc thiểu số do bệnh tan máu bẩm sinh
Bệnh tan máu bẩm sinh (thalassemia) nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những biến chứng suy tim, tiểu đường, thai lưu, đẻ non… Đồng thời giảm chất lượng sống, tuổi thọ của người bệnh, suy thoái giống nòi. Một số vùng dân tộc rất ít người, nguy cơ biến mất sẽ đến nếu không có giải pháp phòng bệnh.
Vùng dân tộc thiểu số 60%-80% mang gen bệnh
TS. Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học-truyền máu Trung ương chia sẻ: Theo khảo sát do Viện tiến hành cho thấy, có khoảng 13% người dân nước ta mang gen bệnh thalassemia. Ở vùng thấp 7% hoặc thấp hơn như đồng bào dân tộc Kinh tỷ lệ thấp hơn, còn ở đồng bào dân tộc miền núi rơi vào 20%-40%. Cá biệt có 1 số rất ít dân tộc rất ít người tỉ lệ mang gien bệnh 60%-80%.
Cụ thể, tại các tỉnh miền núi, tỷ lệ người dân mang gen bệnh còn cao hơn như: Dân tộc Tày là 26,1%; dân tộc Dao là 25,5%; hay dân tộc Nùng là 24,7%. Đặc biệt ở Sơn La có dân tộc Xinh-Mun là dân tộc rất ít người thì tỉ lệ mang gen bệnh tan máu bẩm sinh lại lên tới hơn 80%.
Nếu cộng đồng cứ 2 người có 1 người mang gen thì khả năng họ lấy nhau rất cao (30%-40%). Nếu 2 người mang gen gặp nhau khả năng sinh ra trẻ bị bệnh 25%. Trong cộng đồng nhiều người mang gen cao khả năng lấy nhau cao và sinh ra trẻ mắc bệnh cao.
“Thói quen hôn nhân cận huyết hoặc chỉ lấy người trong cộng đồng của họ thì tỷ lệ sinh ra các cháu bé mắc bệnh cao. Cần sớm can thiệp, đến cộng đồng đó nói chuyện, bảo họ giao lưu với các tộc người khác có người khỏe mạnh để giảm dần sự lưu cữu của gen đó trong cộng đồng nhằm giảm được tỷ lệ sinh ra các cháu bé mang bệnh”.
Theo TS. Bạch Quốc Khánh, những viễn cảnh mất dần tộc người thiểu số hoàn toàn có thể phòng tránh được. “Biện pháp đơn giản đó là vận động những bạn trẻ chủ động khám và xét nghiệm sàng lọc bệnh này trước khi kết hôn”. Việc triển khai khám, xét nghiệm sàng lọc trước hôn nhân rất đơn giản và chi phí rất thấp, chỉ 100.000 đồng. Thế nhưng, để thay đổi được nhận thức, ứng xử của cộng đồng với căn bệnh này lại là điều không dễ.
Khó khăn nhất để giảm tỷ lệ mắc bệnh là làm người ta hiểu được mối nguy hiểm của việc không nghĩ mình có thể mang gen; làm cách để thay đổi nhận thức của cộng đồng về căn bệnh này, để cộng đồng nhận thức được mình mang gien, có thể mang gien thì sinh ra những cháu bé bị bệnh.
“Quan trọng phải đưa vào chương trình giáo dục sức khỏe của học sinh phổ thông. Thậm chí các chương trình sinh hoạt ngoại khóa của sinh viên-lứa tuổi tiền hồn nhân để họ biết mình mang gen hay không và thái độ như thế nào khi mang gen. Hiểu được câu chuyện đó họ sẽ đi làm xét nghiệm xem có mang gen không thì những chuyện khác sẽ được giải quyết, sẽ giảm được các cháu bị bệnh”, TS. Bạch Quốc Khánh nhấn mạnh.
Video đang HOT
TS. Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học-truyền máu Trung ương thăm, tặng quà cho bệnh nhân thalassemia tại Lạng Sơn. Ảnh: T.A
Cần tuyên truyền trực tiếp tới từng người dân
Đối với cộng đồng, Viện trưởng Viện Huyết học-truyền máu Trung ương cho rằng, cần triển khai chương trình chung trên toàn quốc. Trước mắt xây dựng thông tư với bên dân số, Bộ Y tế yêu cầu sàng lọc trước sinh/sơ sinh và tiếp theo là sàng lọc trước hôn nhân. Với vùng sâu vùng xa vẫn khó khăn để sàng lọc.
Vì vậy, với đồng bào dân tộc, vùng sâu/ vùng xa phải tuyên truyền trực tiếp đến từng người dân thông qua cán bộ dân số. Muốn vậy, những cán bộ dân số phải hiểu được thông tin về bệnh mới truyền thông được… Cần có chiến lược tổng thể phát triển kinh tế với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có dân số.
Hiện Viện Huyết học-truyền máu Trung ương đang xây dựng văn bản pháp luật liên quan đến sàng lọc trước sinh, sơ sinh và tiến tới tới sàng lọc trước hôn nhân. Viện phối hợp với ngành y tế một số tỉnh có đồng bào dân tộc mang gen cao để tổ chức tập huấn, tuyên truyền giáo dục sức khỏe cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân.
Bệnh thalassemia có các biểu hiệu thường gặp là hay mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, da xanh, nhợt nhạt hơn bình thường, da và vùng củng mạc mắt vàng, trẻ chậm lớn, dậy thì muộn, khó thở khi gắng sức hay vận động mạnh, nhịp tim nhanh.
Biểu hiện của trường hợp nặng bệnh tan máu bẩm sinh là biến dạng mặt do phì đại xương: u xương trán, phì đại xương gò má, tạo nên “bộ mặt tan máu bẩm sinh” (trán dô, gò má dô, mũi tẹt, răng hô), xương giòn, dễ gãy, gan, lá lách to, có khi kèm sỏi mật, có thể gây nhiễm trùng nặng.
Với mức độ thiếu máu nhẹ có thể cơ thể thích nghi được, nhưng thiếu máu nặng, thiếu máu kéo dài thì cơ thể người bệnh sẽ không có khả năng thích nghi được. Chính vì thế các cơ quan khác trong cơ thể sẽ phải làm việc nặng lên dẫn đến suy tim, sạm da, tiểu đường, suy gan… Đặc biệt, nhiều trường hợp thai chết lưu trong bụng mẹ hoặc tử vong ngay sau khi sinh.
Biện pháp để giảm trẻ mắc bệnh hiệu quả là kiểm tra gen trước hôn nhân, sàng lọc trước sinh và cấy phôi. Sàng lọc trước sinh sẽ tư vấn khi thai phụ mang thai tuần 14-16 muộn nhất tuần 20 làm chẩn đoán xem cháu bé đó có bị bệnh hay chỉ mang gen. Nếu cháu bé bị bệnh thì tư vấn đình chỉ thai, còn chỉ mang gen thì sinh ra bình thường. Hoặc thụ tinh nhân tạo trước khi cấy, lựa chọn những phôi chỉ mang gen hoặc phôi không bị bệnh, sau khi chọn sẽ cấy buồng tử cung, giam bớt nguy cơ đình chỉ thai nghén khi thai đã 14-16-20 tuần, TS. Bạch Quốc Khánh cho biết.
Thịnh An
Theo PL&ĐS
Nữ bác sĩ truyền "năng lượng" sống
Gắn bó với đơn vị điều trị bệnh tan máu bẩm sinh (thalassemia) từ ngày đầu thành lập, TS.BS.Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm Thalassemia, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã trải qua nhiều thăng trầm để vừa làm bác sĩ điều trị, vừa là người nhà người bệnh, truyền năng lượng sống cho những bệnh nhân mắc phải căn bệnh quái ác này.
Thalassemia từ lâu đã là nỗi buồn, nỗi ám ảnh của những gia đình không may có con mắc phải căn bệnh này. Thế nhưng, có một nữ bác sĩ, suốt nhiều năm qua luôn đồng hành cùng những bệnh nhân tan máu bẩm sinh. Mỗi ngày chị đều truyền thêm cho bệnh nhân niềm tin, niềm hy vọng vào cuộc sống, còn đối với những bệnh nhân ở Trung tâm Thalassemia, bóng dáng bác sĩ Hà đã quen thuộc, gần gũi như chính người nhà của họ.
Nặng lòng vì căn bệnh cần điều trị suốt đời
Bác sĩ Hà được phân công phụ trách Trung tâm Thalassemia mới thành lập năm 2011. Những ngày đầu khi lượng bệnh nhân ít, chỉ chừng 50 bệnh nhân nhưng họ hầu hết đều còn hoang mang về bệnh và sống thiếu niềm tin. Dù căn bệnh này đã được Việt Nam biết tới từ những năm 60, nhưng đã có rất nhiều đứa trẻ sinh ra mang gen bệnh từ sự thiếu hiểu biết của những ông bố, bà mẹ. Bác sĩ Hà kể, thời điểm ấy rất hiếm người đến khám và tư vấn vì họ sợ mang gen bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hà thăm khám cho bệnh nhân.
Là người đồng hành trong việc điều trị căn bệnh thalassime, bác sĩ Hà cho biết, hiện nay, số lượng bệnh nhân mới mắc phải căn bệnh nguy hiểm này vẫn tăng lên. Đáng lo ngại, những bệnh nhân mới là trẻ em dưới 10 tuổi chiếm tới 29% trên tổng số 2.398 bệnh nhân đến khám năm 2018. Điều này là do số lượng người mang gen bệnh trong cộng đồng rất cao và thông tin bệnh vẫn chưa được tất cả người dân biết đến. Bởi vậy, để kiểm soát tốt bệnh thalassemia, người dân cần phải thực hiện hai việc song song, đó là điều trị tốt cho bệnh nhân và phòng ngừa hiệu quả để không có trẻ em sinh ra mắc phải căn bệnh này.
Theo bác sĩ Hà thông tin, tan máu bẩm sinh là căn bệnh di truyền bẩm sinh cần điều trị suốt đời, nhưng có rất nhiều người không biết mình mang gen bệnh. Nhiều người kết hôn, sinh con bình thường nên không bao giờ ngờ tới mình mang gen bệnh. Những trường hợp này may mắn là bởi vợ/chồng không mang gen. Nhưng không phải ai cũng có xác xuất như trên, mà hàng chục nghìn người mang gen bệnh đã kết hôn với người cũng mang gen bệnh. Kết quả họ sinh ra những đứa con mắc bệnh thalassemia, căn bệnh bẩm sinh di truyền không có thuốc chữa. "Người mắc bệnh thalassemia phải truyền máu cả đời. Nếu trẻ điều trị muộn, điều trị không đúng phác đồ sẽ gây ra rất nhiều biến chứng như: Mũi bị tẹt, răng hô, ngực nhô, thấp bé, xạm da... Có nhiều trẻ đã tử vong sớm vì căn bệnh này", bác sĩ Hà phân tích.
Đơn cử, trường hợp một cháu nhỏ 7 tháng tuổi ở Đông Anh (Hà Nội) vào nhập viện điều trị thalassemia. "Nếu như ở vùng sâu, vùng xa không nói, nhưng ở ngay Thủ đô vẫn còn có những em bé mang căn bệnh này được sinh ra. Căn nguyên là do nhiều người dân chưa được tiếp cận với thông tin về bệnh thalassemia nên chưa biết để phòng tránh và sàng lọc trước sinh.Đây là một điều thiệt thòi cho chính tương lai của những đứa trẻ" - bác sĩ Hà chia sẻ.
Đặc biệt, phần lớn bệnh nhân đến viện điều trị muộn, biến chứng sang tim, gan, nội tiết. Có nhiều bệnh nhân ngoài 20 tuổi nhưng lại chỉ nhỏ như đứa trẻ lên 7 - 8, khuôn mặt bị biến dạng.Bên cạnh đó, người bệnh thalassemia có nỗi băn khoăn mà không phải ai cũng thấu hiểu, sợ hàng xóm biết mình mang gen di truyền bệnh, sợ bị xa lánh, nỗi buồn của bậc làm cha mẹ khi sinh ra con mắc bệnh...
Bởi vậy, cùng với những nỗ lực cập nhật về phương pháp điều trị, các bác sĩ tại Trung tâm đã tốn không ít thời gian, tâm sức để vừa làm bác sĩ điều trị, vừa làm người nhà người bệnh, giải thích cho họ về tình trạng bệnh, không được giấu bệnh và phải thật sự hiểu về bệnh mới sinh ra những đứa con không bị bệnh. Khi đã hiểu về bệnh dù không thể chữa khỏi nhưng vẫn có thể sống khỏe mạnh với bệnh, nhiều người đã sống tích cực, lạc quan hơn.
Thalassemia - khó chữa nhưng dễ phòng
Theo bác sĩ Hà, thalassemia là căn bệnh khó chữa khỏi nhưng không khó phòng - không sinh ra những trẻ em mang gen bệnh. Việt Nam đã có đủ điều kiện khoa học để chẩn đoán bệnh.Tuy nhiên, điều còn thiếu là nhận thức của người dân về bệnh. Bởi vậy, bác sĩ Hà mong muốn các cán bộ tại cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu - những người gần dân nhất phải là người tuyên truyền thông tin đến người dân.
Hiện Trung tâm Thalassemia đều đặn tổ chức tư vấn thalassemia miễn phí vào 16h mỗi ngày."Tại sao chúng tôi không thu phí tư vấn, đó là để khích lệ người dân. Càng nhiều người đến tư vấn chúng tôi càng mừng, điều đó cho thấy số người đẻ con không bị bệnh sẽ càng ít đi"- bác sĩ Hà chia sẻ.Đầu năm 2019, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã có buổi ký kết thỏa thuận hợp tác tổ chức chương trình truyền thông, tư vấn, sàng lọc và chẩn đoán trước sinh bệnh thalassemia tại các khu vực có tỉ lệ mang gen cao...
Trải qua một thời gian dài tâm huyết, nguyện vọng nung nấu của các bác sĩ ở Trung tâm Thalassemia đã đi được một phần chặng đường. Giờ đây bệnh nhân, người nhà bệnh nhân không những hiểu biết sâu về bệnh, họ còn là những tuyên truyền viên tích cực. Nhiều bệnh viện, nhiều ngành chức năng đã quan tâm đến bệnh thalassemia. Đặc biệt vài năm gần đây, một số bệnh viện chuyên khoa sản đã thực hiện sàng lọc bệnh này cho các sản phụ.
Ngoài ra, cũng trong quá trình khám và điều trị cho nhiều trường hợp bệnh nhân, bác sĩ Hà và các bác sĩ trong viện đã viết cuốn sách về bệnh Thalassemia với những thông tin cực kỳ đơn giản, cơ bản cho người bệnh đọc và dễ hiểu. Để thân nhân, bệnh nhân nào tới viện cũng được phát sách để đọc hiểu bệnh cũng như được tư vấn kịp thời... tất cả nhằm hạn chế tối đa số trẻ sinh ra mắc phải căn bệnh nguy hiểm này.
Coi Trung tâm Thalassemia như mái nhà thứ hai, bác sĩ và điều dưỡng tại Trung tâm như người nhà thứ hai, những người bệnh thalassemia đã chung sống một cách hạnh phúc với bệnh. Không giấu niềm hạnh phúc vì những gì mình đã làm được, bác sĩ Hà bộc bạch: "Tôi đã truyền được năng lượng cho người bệnh, cho họ niềm tin hơn về cuộc sống nếu điều trị thường xuyên. Từ chỉ hơn 50 bệnh nhân, đến nay chúng tôi tiếp nhận số lượng bệnh nhân đông với 307 bệnh nhân nội trú và 40-50 bệnh nhân ngoại trú. Điều đó đồng nghĩa với những nỗ lực của chúng tôi trong tuyên truyền tới người dân nhận thức về căn bệnh này, cũng như vận động họ đến viện điều trị đã đạt được hiệu quả cao".
Nữ bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hà ngậm ngùi chia sẻ, nhiều đồng nghiệp của chị không thích làm chuyên về điều trị thalassemia vì đây chỉ là một loại bệnh, nguyên tắc điều trị khá đơn giản, khó có cơ hội chữa khỏi.
Họ thường thích làm những cái khó, đa dạng để thử thách bản thân hay có những niềm vui khi chữa khỏi bệnh. Nhưng niềm vui của bác sĩ Hà tìm thấy trong công việc lại chính là động viên, chứng kiến người bệnh chung sống hạnh phúc với bệnh, đi học, kết hôn, sinh con khỏe mạnh và có cuộc sống như bao người bình thường.
Nguyễn Minh
Theo laodongthudo
Tầm soát bệnh tan máu bẩm sinh trước khi sinh con Nguyễn Hồng (26 tuổi, TP Yên Bái) hỏi: "Trong gia đình chồng sắp cưới của tôi có một người thân bị bệnh tan máu bẩm sinh nên việc điều trị rất tốn kém. Tôi tìm hiểu thì được biết bệnh này có di truyền. Có cách nào để sinh con khỏe mạnh nếu chồng tôi có mang gien bệnh này?". Bác sĩ Nguyễn...