Ngưỡng chịu đựng cuối cùng của người vợ
“Mình bị trầm cảm rồi thì phải”, Yến thảng thốt nghĩ. Đột nhiên, cô có ý muốn cầm cái phích đầy nước nóng ném choang xuống nền nhà.
Dỗ mãi mới ru được con ngủ, Yến tranh thủ lau dọn nhà cửa, giặt quần áo, cắm nồi cơm. Làm được ngần đấy việc đã thấy mình vĩ đại lắm rồi. Thế mà chồng vẫn nhìn vợ như “của nợ”. Nhà có con nhỏ, tránh sao khỏi mùi sữa, mùi nước tiểu. Đã có lúc Yến phân trần: “Em vừa ôm con, vừa làm việc nhà, chỉ cố được đến thế thôi” thì Tuấn dài giọng: “Cứ làm như cả nước có mỗi mình em đẻ con không bằng”.
Mỗi tháng, Tuấn đưa cho vợ một khoản tiền, bảo: “Tiêu ít thôi, còn để dành phòng việc này việc khác”. Đến khoản sữa bỉm cho con, Yến cũng phải tiết kiệm, nào dám tiêu gì cho riêng mình. Cứ có tiền là Yến trích ra 1/5 để gửi tiết kiệm. Một hôm, đang giờ hành chính, Tuấn đột ngột về nhà, bảo Yến gom hết tiền để anh cho bạn vay. Yến nói: “Trong nhà chỉ đủ để chi tiêu từ giờ tới cuối tháng. Tiền tiết kiệm thì cũng phải đầu tháng sau mới rút ra được, anh hỏi bạn anh xem có vay ai khác được không, mình rút tiền ra giờ thì lãi suất chả được bao nhiêu”. Tuấn không đủ kiên nhẫn lắng nghe, gầm lên: “Tiền của tôi chứ của cô đâu mà cứ nói nhiều!”. Rồi Tuấn đóng sầm cửa, đi ra ngoài. Đứa con đang ngủ, giật mình khóc thét lên. Trong lòng Yến cũng như vừa có một cánh cửa đóng sầm lại. Đâu rồi, cái gọi là “của chồng, công vợ”?
Những lời nói, hành động vô cảm của chồng từng chút một cứa vào tim người vợ trẻ
Lúc Yến bị cơ quan cho nghỉ việc, Tuấn từng an ủi: “Thôi, em ở nhà cho tới khi con cứng cáp rồi tìm việc khác. Giờ thuê người thì nhà chật, mà con mình để ai bế cũng không an tâm. Làm giàu mới khó chứ nuôi hai mẹ con em, anh thừa sức”. Vì những lời ấy mà Yến yên tâm ở nhà ôm con. Rồi vì những câu nói vô tình kia mà giờ đây Yến nuôi khao khát gửi con đi nhà trẻ sớm để tìm việc làm mới. Bình thường, Tuấn rất nhã nhặn, song, những hôm anh mệt, những hôm anh có việc căng thẳng ở cơ quan, Tuấn đều mang cái khó chịu ấy về, trút lên đầu vợ.
Cuối năm, Tuấn mời bạn về nhà ăn Tất niên. Yến biết mình chẳng thể chu toàn cho bữa tiệc khi con thơ nheo nhóc nên đã đặt món qua mạng. Khách nhìn thấy mâm cơm có nhiều món ngon, xuýt xoa khen Yến đảm đang, Tuấn nửa đùa nửa thật: “Vợ tớ chỉ giỏi tiêu tiền chứ lấy đâu ra mà đảm. Toàn đồ đi mua về cả đấy. Để vợ tớ nấu thì bữa hôm nay chỉ có các món luộc: gạo luộc, rau luộc và thịt luộc”. Không khí đột nhiên chìm xuống, chỉ còn tiếng bát đũa chạm nhau lách cách. Yến lấy cớ con quấy, ôm đứa nhỏ vào buồng nằm. Nếu còn ngồi lại, rất có thể cô sẽ hất đổ cả mâm cơm xuống đất.
Giao thừa, Yến rót rượu ra 2 cái ly, mời chồng. Tuấn trố mắt nhìn vợ. Bình thường, cô chỉ ngửi rượu cũng muốn say. Giờ đang cho con bú lại đòi uống. Yến cười nhạt: “Anh lại định nói em chẳng có trách nhiệm gì với con, đúng không? Em đọc sách rồi, một ly rượu nhẹ chẳng ảnh hưởng gì đến sữa mẹ đâu, nên cứ để em uống. Từ lúc em nghỉ làm tới giờ, trong nhà mình không còn chữ vui vẻ, yêu thương, thông cảm, mà em nhìn đâu cũng chỉ toàn chữ tiền. Em không làm ra tiền, em không biết tiết kiệm tiền, em chỉ giỏi tiêu tiền. Em nhận em sai. Sang năm mới, em sẽ gửi con về quê cho ông bà nội, để em đi làm, sửa sai. Chứ giờ con bé quá, nhà trẻ người ta chưa nhận”.
Trước những áp lực trong cuộc sống, thái độ tôn trọng của chồng rất quan trọng với những người vợ
Video đang HOT
Hai má Yến bừng đỏ, mắt cô long lanh, trông như đang lên cơn sốt. Tuấn chưa kịp nói gì thì con đã khóc ầm lên trong buồng. Bình thường, Yến sẽ là người lao vào với con. Nhưng hôm ấy, Yến như không nghe thấy gì. Cô cứ lặng lẽ cầm chén rượu, mắt nhìn vào đâu đó, trông rất vô hồn. Tuấn bế con ra. Đứa bé không có hơi sữa của mẹ, càng được thể khóc to. Yến vẫn ngồi im. Tuấn luống cuống nựng con, luống cuống ru hời, trong đầu anh đã kịp hình dung ra đứa bé sẽ thế nào nếu dự định của Yến thành sự thật. Con anh mới 4 tháng tuổi. Xa mẹ nửa ngày đã khó, huống hồ là gửi về quê cho ông bà tuổi “gần đất xa trời”. Anh cũng kịp nhớ lại những lời mình từng nói với Yến. Kịp nhận ra rằng mình đã tạo nên một vết thương trong lòng vợ.
Ai bảo “lời nói gió bay”. Lời nói đi qua tâm trí một người, có khi nó mang đến tình yêu thương, có khi là nỗi buồn sâu thẳm. Như nỗi buồn mà Yến đang mang trong ánh mắt xa xôi kia. Tuấn tự hứa sẽ phải sớm thay đổi!
Lựa lời chia sẻ cùng nhau
- Trước khi phán xét người khác, hãy thử đặt mình vào vị trí của “nửa kia”.
- Không nói trong lúc nóng giận.
- Trong cuộc sống vợ chồng, ngoài tình yêu thương còn cần cả sự tôn trọng. Đừng để lời nói thiếu suy nghĩ chạm đến lòng tự trọng của bạn đời.
Theo Tam Nhi
Thế giới phụ nữ – Phụ nữ Việt Nam
Mẹ chồng - nàng dâu 'đại chiến' chỉ vì cho con đi nhà trẻ
Cà rốt sinh thiếu tháng nên thường xuyên nằm viện, thế mà cũng chỉ hai vợ chồng thay phiên nhau chăm con chứ bên nội cũng chẳng ngó ngàng tới.
Nhìn mẹ chồng ngúng nguẩy bỏ đi mà Loan tức chảy nước mắt. Loan và Thành cưới nhau tới gần cả năm mới có con nên cả hai đều rất thương bé. Nhưng khi ấy, bên nội đã có tới 4 đứa cháu nên sự ra đời và lớn lên của Cà rốt chẳng có gì quan trọng. Cà rốt sinh thiếu tháng nên thường xuyên nằm viện, thế mà cũng chỉ hai vợ chồng thay phiên nhau chăm con chứ bên nội cũng chẳng ngó ngàng tới. Vậy mà tới khi gửi bé đi học thì Loan không ngờ đã gây ra chiến tranh thật sự giữa cô và mẹ chồng.
Ảnh minh họa
Khi Cà rốt được 15 tháng, bé mới biết đi nên rất nghịch ngợm, bà ngoại tuổi đã cao nên không thể chạy theo nổi cậu bé. Bí đường, Loan đánh bạo hỏi mẹ chồng thì nhận lại câu: "Tìm chỗ mà gửi, mẹ không rảnh, giữ mấy đứa lớn kia rồi giờ tới thằng nhỏ. Mẹ không giữ nổi".
Nghe mẹ chồng nói mà Loan thấy ấm ức, khó chịu. Tại sao trước đây bà giữ được những đứa cháu khác, còn Cà rốt thì bà lại không chịu giữ giúp. Cô cũng đâu phải dạng con dâu hung hỗn với gia đình chồng, thậm chí ở xóm, dòng họ nhà chồng và cả mẹ chồng cũng hay khen cô. Có lần cô còn nghe mẹ chồng nói với bà cô rằng trong những đứa con dâu, bà thương nhất là cô. Vậy mà không chịu giữ giúp bé để vợ chồng cô đi làm.
Tuy khó chịu nhưng Loan cũng không dám thể hiện ra mặt, chỉ nhẹ nhàng nhờ mẹ hỏi thăm giúp có chỗ nào an toàn, người giữ bé hiền lành thì chỉ cho cô, tiền bạc không quan trọng, chỉ cần giữ bé tốt là được. Thấy mẹ chồng cô ậm ừ đồng ý, cô cũng yên tâm.
Thế nhưng cả tuần trôi qua vẫn không nghe mẹ chồng đả động gì tới việc này, trong khi bà ngoại ngày nào cũng than đau lưng vì phải chạy theo giữ cháu. Bấm bụng, Loan hỏi mẹ chồng thì những lời mẹ chồng nói giống như mũi dao đâm vào trái tim và tình yêu thương cô dành cho bà. "Bà ngoại giữ được thì để cho bà ngoại giữ, việc gì phải gửi nó. Nó còn nhỏ, gởi lại tốn tiền mà không an toàn như người nhà giữ được. Mẹ thấy cứ để ngoại giữ cho tới khi đủ tuổi đi học luôn con à".
Hóa ra, vì thấy bà ngoại thương cháu quá nên mẹ chồng cô có ý lợi dụng, trong khi mẹ Loan thường hay đau lưng, tuổi lại cao hơn mẹ chồng cô. Mẹ chồng Loan cũng chẳng phải bận rộn gì cho cam, chỉ chăm mấy con heo mà suốt ngày than thở, kêu mệt. Thương mẹ, Loan đành nói với chồng tự tìm chỗ mà gửi con cho bà ngoại bớt cực. Hỏi thăm nhiều người, cuối cùng hai vợ chồng quyết định cho con học trường dòng của các sơ bên nhà thờ.
Vừa nghe Loan nói gửi con học trường dòng, mẹ chồng cô đã thay đổi thái độ ngay tức thì. Bà lớn tiếng mắng cô giữa bữa ăn có mặt những chị em bạn dâu khác mà không hề nghĩ đến cảm giác của cô: "Trường dòng khác gì nhà tù, thằng nhỏ có phải phạm nhân đâu mà đưa vào trong đó. Tụi mày làm gì cũng không hỏi ý kiến ai, đã bảo để cho bà ngoại giữ. Gửi đi cho mấy bà sơ đánh thằng nhỏ cho tụi mày vừa lòng",
Chồng Loan nghe mẹ nói thế thì dằn mạnh chén cơm xuống bàn cãi lại: "Hồi trước nhờ mẹ hỏi giúp sao mẹ không hỏi, giờ tụi con quyết định thì mẹ mắng mỏ này kia. Nói như mẹ thì những đứa trẻ bên trường đều là phạm nhân hết sao. Bà ngoại nó đâu phải khỏe mạnh như mẹ, tại sao mẹ không giữ. Mẹ không giữ được thì cũng đừng xen vào chuyện này nữa".
Ảnh minh họa
"Tao nuôi mày lớn để mày bênh vợ mày như vậy hả? Đồ con bất hiếu, bước ra khỏi nhà này. Đi ngay". Thấy mẹ chồng lớn tiếng, chồng thì tức giận, Loan đành kéo chồng về, bỏ dở bữa ăn chung mà nước mắt cứ trào ra.
Vì bé mới bắt đầu tập quen với việc đi nhà trẻ nên khóc rất dữ dội. Trưa nào, Loan cũng phải chạy đến đón bé về nhà, rồi chiều lại trở bé qua cho bé học, còn cô đi làm. Bên nội tuyệt đối không ai đón giúp, dù chỗ làm cô cách nhà tới 15km, mà trường học lại đi ngược đường thêm 5 km nữa.
Đi về 5 ngày như thế thì Cà rốt đổ bệnh. Thế là hai vợ chồng lại tất tả chăm con. Mẹ chồng cô lên nhìn cháu qua loa rồi buông lời: "Đã nói mà không nghe, cứ để bà ngoại giữ thì đâu có chuyện gì xảy ra", Loan nghe mà lòng càng buồn hơn nhưng cô nín nhịn để không mang tiếng hỗn với mẹ chồng.
Hết bệnh, Cà rốt bắt đầu đi học lại. Trưa đó, sơ giữ bé gọi điện cho chồng cô nói tới trở bé về vì bé khóc quá, mấy bé khác không ngủ được. Chồng cô gọi cho cô tới đón bé nhưng hôm đó, trường cô lại tổ chức liên hoan nên đành nhờ ông nội đón giúp.
Chiều đi làm về, Loan đã nghe tiếng mẹ chồng mắng xa xả trong nhà:"Con ai nấy lo, hành hạ người khác mất giấc ngủ. Cứ khóc là bắt trở về, vậy gửi để làm gì. Qua đó, lấy lại tiền và xin cho nó nghỉ. Không ai rảnh đâu mà phải chịu hành hạ như vậy, trưa nắng đi tới đi lui. Để tao hỏi chỗ này, gửi giữ cả ngày mà giá tiền lại rẻ hơn chỗ đó, đi ngay đi".
Vậy là Loan phải qua trường dòng xin cho bé nghỉ. Nhưng nghe các sơ nói cũng do các sơ vô ý để bé ngủ lâu quá nên trưa bé không ngủ nữa, với lại đâu phải hôm nào cũng trở qua trở lại về như thế, chỉ khi nào cháu khóc quá mới yêu cầu gia đình thế thôi. Loan lại mềm lòng cho con tiếp tục học.
Về nói lại, mẹ chồng cô đã nhăn mặt rồi nói: "Tùy mày, nhưng từ nay về sau, không ai đi đón nó nữa đâu, hai vợ chồng mày tự mà liệu". Nhìn mẹ chồng ngúng nguẩy bỏ đi mà nước mắt Loan cứ trào ra. Cũng là cháu, tại sao bà lại đứa thương đứa ghét. Chỉ nhờ chở cháu có một hôm là làm ầm ầm mọi chuyện lên. Loan thật sự không hiểu.
Theo Trí Thức Trẻ
Tội gì không lấy chồng giàu "Đằng nào cũng là yêu thì tội gì không yêu người có tiền! Đằng nào cũng chẳng biết trước được ngày mai lòng người sẽ đổi thay ra sao thì tội gì không lấy chồng giàu có!" - một người vợ trẻ vừa lấy chồng giàu bày tỏ quan điểm của mình. ảnh minh họa Hải Yến (28 tuổi) là một cô gái...