Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội giúp trên 45.000 hộ dân tại Hà Nam thoát nghèo
Chiều 31/3, đoàn công tác của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam do ông Dương Quyết Thắng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam làm Trưởng đoàn đã làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Nam về tình hình thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn.
Ông Dương Quyết Thắng, Tổng Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc.
Theo bà Lê Thị Kim Dung, Phó Giám đốc phụ trách chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hà Nam, trên địa bàn tỉnh Hà Nam đang triển khai thực hiện 10 chương trình tín dụng chính sách. Tổng dư nợ đến 28/2/2022 đạt hơn 2.281 tỷ đồng với gần 46.200 khách hàng đang còn dư nợ. Tổng doanh số cho vay đạt hơn 7.700 tỷ đồng với trên 404.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Chất lượng tín dụng không ngừng được củng cố và nâng cao, đến 28/2/2022, nợ xấu chỉ chiếm 0,18% tổng dư nợ.
Hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã góp phần tích cực vào việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 giảm từ 5,81% năm 2015 xuống còn 1,55% năm 2021.
Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp trên 45.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; tạo và duy trì việc làm cho 30.000 lao động; trên 1.100 lao động được vay vốn đi xuất khẩu lao động; hơn 55.000 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn trang trải chi phí học tập; hỗ trợ xây dựng và sửa chữa gần 3.500 ngôi nhà cho hộ nghèo…
Từ hiệu quả hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Hà Nam thời gian qua đã khắc phục các hạn chế của chính sách hỗ trợ cho không, tạo chuyển biến cơ bản về nhận thức của người nghèo, từ mặc cảm tự ti, ỷ lại, sợ vay vốn không biết cách sử dụng vốn đến ý thức vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
Mặt khác, hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã góp phần đẩy lùi tệ nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn, tạo niềm tin của người dân đối với chính quyền địa phương.
Video đang HOT
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Dương Quyết Thắng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Nam tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; tổ chức triển khai kịp thời, đúng quy định, có hiệu quả các chương trình tín dụng theo Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội của Chính phủ tại địa phương; ưu tiên bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng chính sách xã hội để thực hiện đề án cho vay nhà ở xã hội và đề án cho vay hỗ trợ việc làm.
Bên cạnh đó, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam Dương Quyết Thắng đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Nam chỉ đạo các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương các cấp và các tổ chức chính trị – xã hội trong việc củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội, thường xuyên điều tra, rà soát đối tượng đủ điều kiện vay vốn theo quy định; phối hợp lồng ghép các mô hình, chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn với chương trình tín dụng chính sách xã hội, giúp người vay sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả.
Công đoàn Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam tặng tỉnh Hà Nam 500 triệu đồng để xây dựng nhà đại đoàn kết.
Thay mặt Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Nam, bà Lê Thị Thủy, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam đã tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đoàn công tác, đồng thời cho biết, để nâng cao hơn nữa hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội, tỉnh Hà Nam đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam tiếp tục đồng hành cùng với tỉnh trong thực hiện các chương trình tín dụng chính sách; tăng cường nguồn vốn từ Trung ương để hỗ trợ cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn.
Về phía tỉnh Hà Nam, cấp ủy, chính quyền tỉnh sẽ tiếp tục tiếp tục thực hiện hiệu Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư, Chỉ thị số 06-CT/TU ngày 07/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các Nghị quyết, Kế hoạch của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với tín dụng chính sách xã hội.
Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, của tỉnh về tín dụng chính sách xã hội đến các tầng lớp nhân dân; nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội trong mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương; xây dựng, triển khai các Đề án hỗ trợ vốn tín dụng chính sách phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh; cân đối, bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương để cùng với nguồn vốn của Trung ương thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, thu hút đầu tư, tạo công ăn việc làm cho người lao động.
Tận dụng lợi thế từ nguồn vay để thoát nghèo
Theo Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Long An, thông qua phương thức cho vay ủy thác, hiện Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đang quản lý trên 1.750 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng gần 43% dư nợ ủy thác của Chi nhánh ngân hàng.
Với bản tính chịu thương chịu khó, phụ nữ tỉnh Long An tận dụng tối đa lợi thế từ nguồn vay để vươn lên thoát nghèo hoặc làm giàu từ nguồn vốn vay.
Doanh nghiệp ký hợp đồng hỗ trợ vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội Chi nhánh Long An. Ảnh minh họa: Thanh Bình/TTXVN
Vay vốn để phát triển kinh tế gia đình
Hộ chị Nguyễn Thị Bạch Phượng là một trong vài hộ còn làm nhiều bánh tráng nhất Làng nghề bánh tráng Nhơn Hòa, phường 5, thành phố Tân An, tỉnh Long An. Chị nối nghề gia đình chồng từ gần 30 năm qua và duy trì đến nay. Hiện nhà chị có 2 lò tráng bánh lớn, mỗi ngày tráng 40 - 50 kg gạo, tạo việc làm thường xuyên cho 2 người.
Theo chị Phượng, trước đây làm quy mô ít nhưng từ khi được vay vốn ngân hàng chính sách, cơ sở bánh tráng được mở rộng và có vốn mua nhiều nguyên liệu, nguồn hàng ổn định hơn. Chị đã đầu tư xây thêm lò, mua liếp phơi bánh, mua gạo bằng tiền mặt. Hiện chị đang vay Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Long An 50 triệu đồng, đã trả được 16 triệu đồng. Chị mong muốn nếu được vay vốn nhiều hơn sẽ mua được nhiều gạo và tráng nhiều bánh dự trữ để ổn định nguồn hàng và chủ động được đầu ra.
"Hồi xưa mua gạo chịu không à, ở đây 10 lò mua gạo chịu 10 lò, nhờ vốn chính sách mua gạo bằng tiền mặt nên rẻ hơn 1 tấn được 2 triệu đồng. Nhờ vốn chính sách bà con mình mau phát triển, khá giả hơn hồi xưa" - chị Nguyễn Thị Bạch Phượng cho hay.
Không chỉ tạo việc làm cho mình mà các chị em khi đã có công việc ổn định lại giúp đỡ nhiều người khác có việc làm. Bà Lê Thị Kim Em, ở thành phố Tân An lúc trẻ đi làm công nhân công ty may, gần tới tuổi về hưu, sẵn có tay nghề, bà mở cơ sở may gia công túi xách tại nhà. Ban đầu có chiếc máy may nhỏ, bà nhận một ít hàng may gia công, sau nhận thấy nhu cầu đơn hàng nhiều, bà mạnh dạn vay vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh Long An thông qua ủy thác Hội phụ nữ. Lần lượt bà Em đã vay đáo hạn 3 lần: 30 triệu, 50 triệu và hiện là 80 triệu đồng. Nhờ vậy bà sắm được 2 chiếc máy may để may tại nhà, một chiếc máy lập trình và 2 máy may hỗ trợ 2 chị khó khăn không có máy nhận hàng gia công của bà mang về may tại nhà. Bà mong muốn lần tới được vay vốn Ngân hàng Chính sách để tiếp tục mua máy may hỗ trợ chị em khó khăn.
"Nếu mà có thêm vốn thì tập trung mua máy may cho nhiều người nhận hơn, vì đã có nhiều chị em hỏi mà không có máy. Cô tính mua thêm mấy máy để giải quyết công ăn việc làm cho chị em và mình có thêm thu nhập. Có khả năng nữa cô tính mua máy lập trình khoảng 60 - 70 triệu đồng giúp may ra sản lượng rất nhiều" - bà Lê Thị Kim Em chia sẻ.
Chị Trần Thị Ngọc Hận, Chủ tịch Hội phụ nữ phường 5, thành phố Tân An làm công tác phụ nữ từ năm 2007 tới nay. Khi đó chi hội đang quản lý nguồn vốn vay chính sách là 5 tỷ đồng, nhưng hiện nay đã quản lý trên 17 tỷ đồng với 342 hộ vay, chia làm 6 tổ. Mỗi tổ một chị quản lý 55-60 hộ. Chị Hận cho biết, nguồn vốn giúp chị em rất nhiều trong đầu tư chăn nuôi bò, nuôi heo nái, làm nghề bánh tráng... từ đó có thêm thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo.
Hiện mức vay của chị em tại địa bàn từ 30 - 100 triệu đồng, việc vay vốn nhiều thuận lợi, không có gì khó khăn. Các chi tổ phụ nữ tận tình tư vấn, tuyên truyền, động viên chị em vay vốn thoát nghèo hoặc làm giàu. Đồng thời, nắm sát địa bàn, quản lý tốt nguồn vốn chị em đã vay nên thời gian hoạt động vừa qua các tổ vay vốn của chị em phường 5 không có nợ quá hạn, không có người bỏ địa phương sau khi vay vốn.
Vốn chính sách lãi suất thấp, dễ vay, dễ trả
Tổ vay vốn số 0151820 của phụ nữ xã Bình Tâm, thành phố Tân An có 60 thành viên, dư nợ khoảng 2 tỷ đồng. Trung bình mỗi hộ vay 20 đến 50 triệu đồng tùy chương trình, chị em vay chủ yếu làm nước sạch, xây nhà vệ sinh, chăn nuôi bò, trồng thanh long, buôn bán...
Mạng lưới tổ vay vốn xuống từng thôn ấp, các tổ trưởng tổ vay vốn làm cầu nối giúp chị em dễ dàng tiếp cận nguồn vốn. Hàng tháng họp tổ vào một ngày cố định, các thành viên cùng bình chọn và xét cho những chị em có nhu cầu vay. Những năm qua nguồn vốn chính sách đã tạo điều kiện cho chị em ổn định kinh tế gia đình.
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tỉnh Long An bà Đỗ Thị Kim Thắm cho biết: Đây là nguồn vốn rất quan trọng trong công tác thoát nghèo của phụ nữ, đặc biệt chương trình giảm nghèo của phụ nữ đa phần nhờ nguồn vốn này. Nguồn vốn thiết thực và qua quá trình thực hiện thấy rất hiệu quả. Theo phản ánh từ cơ sở, nguồn vốn vay tạo điều kiện cho chị em sản xuất kinh doanh, tiếp cận nguồn vốn với lãi suất thấp, hình thức trả và cách thức vay rất thuận tiện. Nhiều chị thoát nghèo bền vững, có chị vay cho con học cao đẳng, đại học... ra trường có công ăn việc làm ổn định. Thông qua nguồn vốn ủy thác của ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi cho Hội thu hút thêm hội viên; đồng thời, hội viên thêm gắn bó tin tưởng vào hoạt động Hội, nâng cao tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, đặc biệt khơi dậy tính chịu thương chịu khó, cần cù và tiết kiệm của chị em.
Theo Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Long An, thông qua phương thức cho vay ủy thác, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh quản lý khá tốt nguồn vốn nhận ủy thác. Đến nay dư nợ Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đang quản lý trên 1.750 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng gần 43% dư nợ ủy thác của Ngân hàng, với trên 1.100 tổ tiết kiệm và vay vốn, gần 49.000 hộ vay. "Với đức tính cần cù, chịu khó, tiết kiệm của người phụ nữ, nên thông qua nguồn vốn vay, chị em có điều kiện phát huy hơn nữa thế mạnh của mình, nhiều người đã làm chủ được kinh tế gia đình. Thực tế cho thấy, đa số các phương án do phụ nữ làm chủ đều đạt hiệu quả, đảm bảo khả năng trả nợ khi đến hạn. Hội Liên hiệp phụ nữ luôn là đơn vị dẫn đầu về quy mô nguồn vốn ủy thác cũng như chất lượng tín dụng" - bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Long An cho biết.
Năm 2021 mặc dù có nhiều khó khăn do dịch COVID-19, nhưng Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Long An đã bám sát chỉ đạo của Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ trong năm, đặc biệt cùng chính quyền địa phương hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, có nhiều chính sách giúp người dân trên địa bàn khắc phục khó khăn sau dịch, góp phần tích cực vào công tác phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Dư nợ toàn chi nhánh hiện nay đạt hơn 4.200 tỷ đồng. Người dân Long An tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách hết sức thuận lợi thông qua mạng lưới hơn 2.600 tổ tiết kiệm và vay vốn, bao phủ 100% các ấp, khu phố trên địa bàn tỉnh.
Với những kết quả đạt được thời gian qua khẳng định công tác phối kết hợp giữa Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh và các tổ chức Hội đoàn thể nói chung, Hội Liên hiệp phụ nữ nói riêng rất hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi.
Đặt mục tiêu đến năm 2025 có 150 sản phẩm OCOP, Hà Nam cần làm ngay những việc này Tỉnh Hà Nam đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có 150 sản phẩm OCOP được đánh giá xếp hạng từ 3 sao trở lên. Hà Nam đã có 41 sản phẩm OCOP, mục tiêu 150 sản phẩm Thực hiện Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình mỗi xã một...