Nguồn nước Ô Môn Xà No và Nam Măng Thít đảm bảo chất lượng tưới
Theo Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, nguồn nước tại các hệ thống Ô Môn – Xà No, Nam Măng Thít đã đảm bảo chất lượng tưới, nhưng hạn mặn vẫn đang gay gắt.
Một tuyến kênh thuộc hệ thống công trình thủy lợi Ô Môn – Xà No. Ảnh: HEC II.
Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam cho biết, trong kỳ quan trắc ngày 24/4/2020 tại hệ thống công trình thủy lợi Ô Môn – Xà No, kết quả cho thấy chưa có sự xuất hiện của ô nhiễm hữu cơ, ô nhiễm vi sinh cũng giảm so với kỳ thực đo trước. Nguồn nước tại 13/13 vị trí quan trắc xếp loại chất lượng nước tốt, phù hợp với đa số các mục đích sử dụng theo kết quả tính chỉ số chất lượng nước (WQI).
Độ mặn tuy không cao nhưng có xu hướng tăng nhẹ trên toàn hệ thống. Thành phần giá trị tổng chất rắn lơ lửng (TSS) và độ đục có xu hướng giảm ở đa số các vị trí, trừ hai vị trí OX5 (kênh KH8, gần kênh Tô Ma) và OX10 (cống Xẻo Xào) tăng mạnh, vượt ngưỡng giới hạn cho phép.
Nhìn chung tại thời điểm quan trắc, ô nhiễm dinh dưỡng chưa xảy ra ở hầu hết các vị trí. Tuy nhiên, hàm lượng nitrit tại một số vị trí vượt ngưỡng khá cao như vị trí OX7 (giao giữa kênh lộ 62 và KH9), OX9 (Cống KH8-C) và OX13 (cầu Đoàn Kết, TP. Vị Thanh), cần khuyến cáo người dân lưu ý khi sử dụng nước trực tiếp.
Dự báo trong thời gian tiếp theo, nhìn chung chất lượng nước dựa trên các yếu tố dự báo đảm bảo phục vụ cho tưới tiêu. Một số khu vực nội đồng giáp nước, và khu vực tập trung đông dân cư như các vị trí OX10, OX5, OX7, và khu vực sau các cống đóng ngăn mặn khu vực huyện Gò Quao tỉnh Kiên Giang như vị trí OX8 (cống KH9-C), chất lượng nước xấu hơn khu vực các trạm còn lại.
Hiện đang trong mùa khô, nắng nóng kéo dài, xâm nhập mặn diễn ra gay gắt. Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam đề nghị các địa phương trong hệ thống thủy lợi Ô Môn – Xà No theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết và tình hình xâm nhập mặn để có các biện pháp vận hành công trình lấy nước phục vụ sản xuất hiệu quả nhưng vẫn đảm bảo được môi trường nước.
Video đang HOT
Tại hệ thống thủy lợi Nam Măng Thít, các kết quả quan trắc cho thấy nguồn nước đang có dấu hiệu tích tụ ô nhiễm dinh dưỡng tại các vị trí cống ngăn mặn hơn là các vị trí khác.
Cần lưu ý khi sử dụng nước trực tiếp ở một số vị trí có ô nhiễm dinh dưỡng cao như MT7 (rạch Cần Chông), MT9 (cống Trà Cú) và MT10 (cống La Ban).
Tại thời điểm quan trắc nhìn chung các vị trí chưa ghi nhận ô nhiễm hữu cơ, tuy nhiên hàm lượng oxy hòa tan tại một số vị trí cống ngăn mặn còn khá thấp.
Kết quả quan trắc ngày 24/4/2020 cho thấy hàm lượng Clorua có xu hướng giảm, trừ một số vị trí MT1 (đầu sông Trà Ngoa), MT4 (Càng Long) và MT12 (Trà Ôn).
Tuy nhiên, ở các cống ngăn mặn hàm lượng Clorua vẫn còn ở mức khá cao và vượt ngưỡng giới hạn cho phép, cần lưu ý khuyến cáo người dân khi sử dụng cho các hoạt động tưới tiêu.
Qua kết quả dự báo, nhìn chung chất lượng nước dựa trên các yếu tố dự báo vẫn đảm bảo phục vụ cho tưới tiêu. Tuy nhiên cần lưu ý một số khu vực nội đồng giáp nước và sau các cống vận hành đóng ngăn mặn dài ngày như khu vực các vị trí MT7, MT9, MT10 và MT11 (Cầu Ngang) có giá trị nhu cầu oxy sinh hóa (BOD5 và hàm lượng amoni (NH4) ở mức cao và vượt qua ngưỡng A2 – QCVN08-MT:2015
Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam kiến nghị các địa phương trong hệ thống thủy lợi Nam Măng Thít cần thực hiện việc theo dõi thường xuyên diễn biến mặn tại các vị trí trên sông chính để kịp thời vận hành mở cống lấy nước cho sản xuất và tạo dòng chảy giảm tích tụ ô nhiễm.
Hiện nay trên khu vực nội đồng và cuối nguồn thiếu nước ngọt trầm trọng do mặn lên cao trên sông chính, không lấy được nước ngọt vào bên trong, mực nước đệm trong nội đồng xuống thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn cho phép. Chính vì vậy, các địa phương cần có các biện pháp tưới tiết kiệm trong điều kiện khó khăn về nguồn nước như hiện nay.
Chính quyền địa phương cần khuyến cáo các hộ nuôi thủy sản ở vùng ngập mặn, ven biển thuộc 4 huyện Duyên Hải, Cầu Ngang, Trà Cú và Châu Thành, xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường, và theo dõi tình trạng dịch bệnh của thủy sản.
An Giang chủ động phòng, chống thiên tai, giông, lốc
Để giảm thiểu thiệt hại về tính mạng, tài sản của người dân do thiên tai gây ra, các ngành chức năng đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm ứng phó kịp thời trong thời gian tới, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của người dân.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi An Giang Lương Huy Khanh, những tháng đầu năm 2020, nguồn nước từ thượng nguồn sông Mekong chuyển về thấp, nên mực nước trên các sông, kênh, rạch xuống thấp hơn cùng kỳ năm 2016 từ 10-50cm. Nắng nóng với nhiệt độ 35-36,5oC trong tháng 3 và những ngày đầu tháng 4 gây khó khăn cho công tác bơm tưới, làm tăng chi phí bơm tưới của nông dân. Bên cạnh đó, độ mặn tăng chậm duy trì ở mức từ 0,1-0,22, thấp hơn cùng thời kỳ năm 2016 (1,1 - 1,3).
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 6 điểm sụp lún, sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch (tại các địa phương như: TX. Tân Châu (1 điểm), An Phú (2 điểm), Chợ Mới (1 điểm), Châu Phú (2 điểm), tăng 3 vụ so cùng kỳ năm 2019. Chiều dài sạt lở 97m, ảnh hưởng đến 8 căn nhà phải di dời khẩn cấp. Ước thiệt hại khoảng 175 triệu đồng...
Tháng 4 cũng là tháng giao mùa nên tình hình thời tiết diễn biến phức tạp. Trong đó, mưa kèm theo giông, lốc, sét rất nguy hiểm đến tính mạng và tài sản người dân. Mưa kèm theo giông, lốc làm thiệt hại 56 căn nhà tại các địa phương: Tri Tôn, Phú Tân, An Phú, Tịnh Biên, Châu Thành, TX. Tân Châu và TP. Châu Đốc.
Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi An Giang Lương Huy Khanh cho biết, mặc dù tình hình thiên tai diễn biến thất thường nhưng các địa phương chủ động phòng ngừa, ứng phó nên đã khắc phục được hậu quả, giúp người dân ổn định sản xuất và cuộc sống.
Kiểm tra hệ thống thủy lợi nhằm đảm bảo sản xuất cho nông dân
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn và các cơ quan chuyên môn, nắng nóng (35-360C) sẽ còn tiếp tục xuất hiện khoảng 2 đợt từ nay đến giữa tháng 5. Thời kỳ chuyển mùa mưa vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5 thường kèm theo hiện tượng thời tiết nguy hiểm như: giông, lốc, sét...
Ngoài ra, năm nay ít khả năng xuất hiện lũ sớm, đỉnh lũ các trạm của tỉnh ở mức báo động I đến báo động II. Riêng TP. Long Xuyên ở mức xấp xỉ và cao hơn báo động III (từ 5-15cm) và đây là diễn biến lũ của Long Xuyên trong những năm tiếp theo.
Trước những diễn biến thất thường của thời tiết, nhằm chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do các hiện tượng thiên tai gây ra, Chi cục Thủy lợi An Giang khuyến cáo các địa phương theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết để thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, nhân dân chủ động phòng tránh.
Đối với nắng nóng, các địa phương cần tập trung tuyên truyền, khuyến cáo nông dân không nên xuống giống sớm đối với diện tích đất vùng cao không có hệ thống thủy lợi, không chủ động được nguồn nước, phụ thuộc vào nước mưa. Đặc biệt là ở 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên.
Đối với mưa kèm giông, lốc, sét, các địa phương cần thông tin kịp thời về cảnh báo thời tiết trên các phương tiện truyền thông để người dân chủ động phòng tránh. Củng cố lực lượng phòng, chống thiên tai tại các địa phương. Rà soát, thống kê những hộ dân có nhà tạm bợ, nhà bán kiên cố; xác định các khu vực thường xuyên xảy ra giông, lốc và các khu vực dễ bị ảnh hưởng do giông, lốc... để tuyên truyền, vận động người dân thực hiện việc chằng, chống nhà cửa trước mùa mưa bão. Đồng thời, vận động, huy động nguồn lực xã hội về vật tư, kết hợp với lực lượng xung kích để hỗ trợ những hộ nghèo, hộ khó khăn duy tu, sửa chữa, neo chằng nhà cửa đảm bảo an toàn.
Mùa mưa là thời điểm tình hình sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch xảy ra nhiều hơn. Đặc biệt là những cơn mưa lớn đầu mùa sau thời gian khô hạn kéo dài, mực nước thấp, tình hình sạt lở diễn ra phức tạp hơn.
Do đó, các địa phương cần theo dõi các khu vực cảnh báo sạt lở đặc biệt nguy hiểm và nguy hiểm để chủ động tuyên truyền, vận động và hỗ trợ nhân dân di dời ra khỏi khu vực sạt lở, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản.
Theo dự báo, lũ năm nay không lớn, đối với các vùng sản xuất vụ thu đông cần xử lý, khắc phục ngay các cống dưới đê không đảm bảo an toàn hay bị rò rỉ... Từng bước cải tạo nâng cấp hệ thống vận hành của các cống. Đồng thời, kiểm tra, vận hành thử tải các trạm bơm tiêu nhằm chủ động ứng phó với các tình huống mưa với lượng nước lớn như vừa qua. Từ đó, giúp các địa phương kịp thời bơm tiêu chống úng trong vụ hè thu và thu đông sắp tới...