Nguồn nước ngầm không phải cứ thích là khoan
Để bảo vệ nguồn nước ngầm và hạn chế trình trạng khai thác mạch nước ngầm vô tội vạ, Luật Tài nguyên nước năm 2012 nghiêm cấm hành vi thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước và hành nghề khoan nước dưới đất trái phép.
Khoan giếng có phải xin phép?
Trước thắc mắc của nhiều người dân về việc có cần xin phép khi tự khoan giếng phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt của gia đình, hoặc nước tưới cho cây trồng, Luật sư Lưu Hồng Khanh (Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai) cho hay, việc khoan giếng để phục vụ cho sinh hoạt, phục vụ sản xuất ở những vùng nông thôn và khu dân cư khi chưa có hệ thống nước sạch sinh hoạt, hồ đập phục vụ cho tưới tiêu là khá phổ biến. Tuy nhiên, việc khoan giếng nhằm mục đích gì cũng cần tuân thủ các quy định của pháp luật.
Một hộ dân ở xã Xuân Bắc (huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) khoan giếng để có nước tưới vườn cây. Ảnh: D.Q
Video đang HOT
Điều 22, Nghị định 36 quy định, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100-500 nghìn đồng đối với một trong các hành vi: Không thông báo, báo cáo kết quả trám lấp giếng không sử dụng đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định; không thực hiện trám lấp giếng sau khi đã sử dụng xong hoặc bị hỏng (cho từng giếng) đối với trường hợp không phải cấp giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng nước dưới đất.
Luật sư Khanh cho biết thêm, căn cứ Điểm b, Khoản 1, Điều 44 (Luật Tài nguyên nước năm 2012) và Điểm a, b, Khoản 2, Điều 16 (Nghị định 201/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước năm 2012) thì khai thác nước dưới đất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với quy mô từ 10m3/ngày đêm trở lên thì người dân phải xin cấp phép. Trường hợp khai thác nước không phải xin phép, không phải đăng ký: Khai thác nước dưới đất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với quy mô không vượt quá 10m3/ngày đêm (với điều kiện ở các vùng mà mực nước không bị suy giảm).
Bên cạnh đó, Điều 4 Thông tư 27/2014/TT-BTNMT ngày 30/5/2014 của Bộ TNMT về việc đăng ký khai thác nước dưới đất, mẫu hồ sơ cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép tài nguyên nước quy định, khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất bao gồm: Khu vực có mực nước dưới đất bị suy giảm 3 năm liên tục và có nguy cơ hạ thấp hơn mực nước hạ thấp cho phép. Khu vực bị sụt lún đất, biến dạng công trình do khai thác nước dưới đất gây ra. Khu vực đô thị, khu dân cư nông thôn nằm trong vùng có đá vôi hoặc nằm trong vùng có cấu trúc nền đất yếu. Khu đô thị, khu dân cư tập trung ở nông thôn, khu chế xuất, khu, cụm công nghiệp tập trung, làng nghề đã được đấu nối với hệ thống cấp nước tập trung và bảo đảm cung cấp nước ổn định cả về số lượng và chất lượng…
Xử phạt nặng hành vi khoan giếng trái phép
Để xử lý hành vi khoan giếng trái phép, Nghị định 36/2020/NĐ-CP (Nghị định 36) ngày 24/3/2020 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản như sau: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100-500 nghìn đồng đối với hành vi thăm dò, khai thác nước dưới đất thuộc các trường hợp phải đăng ký mà không đăng ký theo quy định.
Nghị định 36 cũng quy định phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với một trong các hành vi khai thác, sử dụng tài nguyên nước không có giấy phép như: Khai thác, sử dụng nước dưới đất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với lưu lượng từ 30m3/ngày đêm đến dưới 50m3/ngày đêm; khai thác, sử dụng nước mặt cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản với lưu lượng trên 0,1m3/giây đến dưới 0,2 m3/giây; khai thác, sử dụng nước mặt cho các mục đích kinh doanh, dịch vụ và sản xuất phi nông nghiệp với lưu lượng trên 100m3/ngày đêm đến dưới 1.000m3/ngày đêm.
Nghị định 36 còn quy định, hành vi vi phạm quy định về hành nghề khoan nước dưới đất. “Do đó, người dân có nhu cầu khoan giếng và hành nghề khoan giếng phải nắm rõ các quy định trên để tránh bị phạt nặng hoặc làm ảnh hưởng tới nguồn nước ngầm, làm cho nguồn nước ngầm cạn kiệt, sử dụng nguồn nước ngầm lãng phí” – luật sư Khanh cho biết.
Đề xuất đầu tư thêm trạm đo mưa
Nhận định tầm quan trọng của hệ thống đo mưa đối với việc nâng cao chất lượng các bản tin cảnh báo thời tiết, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đang đề xuất tỉnh tăng cường mật độ của các trạm đo mưa trên địa bàn.
Toàn tỉnh có 65 trạm đo mưa
Theo lãnh đạo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Trung Bộ, đến nay, toàn tỉnh có 65 trạm đo mưa. Trong đó, ngành Khí tượng thủy văn đầu tư 39 trạm; các dự án khác đầu tư cho tỉnh 26 trạm. Bên cạnh đó, đài cũng được trang bị 12 trạm truyền tin; 3 trạm hải văn tại Trường Sa và nhiều máy móc, thiết bị, mô hình hiện đại, góp phần tăng cường hiệu quả các bản tin dự báo, cảnh báo thời tiết.
Trạm đo mưa đặt tại xã Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh.
Ông Lê Xuân Thái - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết, ngoài 39 trạm đo mưa do ngành Khí tượng thủy văn đầu tư (tự lo lắp đặt, vận hành và hoạt động từ nguồn kinh phí của đài), trong số 26 trạm đo mưa tự động do các dự án đầu tư cho tỉnh, có 16 trạm do Công ty Cổ phần Tài nguyên nước (WATEC) hỗ trợ lắp đặt, bảo trì và cung cấp số liệu. Hàng năm, UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí từ nguồn Quỹ Phòng chống thiên tai của tỉnh hợp đồng với WATEC cung cấp số liệu đo mưa nhằm cập nhật số liệu dự báo, cảnh báo phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh. Kinh phí thuê bao cung cấp số liệu là 14,4 triệu đồng/trạm/năm. 10 trạm đo mưa còn lại được Quỹ Hỗ trợ phòng tránh thiên tai miền Trung hỗ trợ lắp đặt và bàn giao cho tỉnh để tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai. Tổng giá trị gói lắp đặt do quỹ thực hiện hỗ trợ cho tỉnh là 380 triệu đồng. Việc đưa vào khai thác, sử dụng số liệu các trạm đo mưa tự động trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã giúp cung cấp số liệu liên tục về lượng mưa tại khu vực đã lắp đặt, góp phần bổ sung vào hệ thống số liệu quan trắc khí tượng, thủy văn tại các địa phương và nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai trên địa bàn tỉnh; kịp thời cung cấp các bản tin cảnh báo về mưa lũ phục vụ chỉ đạo, điều hành, ứng phó thiên tai của tỉnh. Số liệu còn được chỉnh lý, lưu trữ theo tiêu chuẩn ngành để làm cơ sở dữ liệu phục vụ các nội dung khác. Tuy nhiên hiện nay, các trạm này đã hết thời hạn hợp đồng cung cấp số liệu.
Xem xét bổ sung thêm trạm đo mưa
Theo ông Võ Anh Kiệt - Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Trung Bộ, số lượng các trạm đo mưa cùng các hệ thống đo thời tiết khác góp phần quan trọng quyết định độ chuẩn của các bản tin thời tiết, đặc biệt là dự báo, cảnh báo mưa lũ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, mật độ trung bình đảm bảo độ chính xác của hệ thống đo mưa phải là 15km 2/trạm. Hiện nay, hệ thống đo mưa trên địa bàn tỉnh chỉ mới đáp ứng 1/3 yêu cầu. Vì thế, những năm tới, tỉnh cần đầu tư thêm trạm đo mưa.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh vừa đề xuất UBND tỉnh cho phép tiếp tục sử dụng kinh phí từ Quỹ Phòng chống thiên tai để thực hiện hợp đồng cung cấp số liệu đo mưa tự động đối với các trạm đo mưa tự động được lắp đặt trên địa bàn tỉnh từ năm 2020 đến 2025, dự kiến khoảng 350 triệu đồng/năm. Đồng thời giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan rà soát nhu cầu, số lượng trạm đo mưa, tránh trùng lắp với các dự án khí tượng, thủy văn đang thực hiện trên địa bàn tỉnh và đề xuất kinh phí cụ thể, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định từ nguồn Quỹ phòng chống thiên tai để thực hiện theo các quy định hiện hành.
Mới đây, UBND tỉnh có văn bản giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Trung Bộ, căn cứ quy định của Luật Khí tượng thủy văn, đối chiếu với quy hoạch trạm đo mưa do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt trên địa bàn tỉnh, rà soát lại yêu cầu, số lượng trạm đo mưa đã có để làm việc với Sở NN-PTNT nghiên cứu, bổ sung, lắp đặt các trạm đo mưa cần thiết phục vụ nhu cầu dự báo khí tượng thủy văn đang thực hiện và vị trí lắp đặt theo quy hoạch của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Trung Bộ, báo cáo UBND tỉnh quyết định trước ngày 30-7. Giao Sở NN-PTNT lập dự toán kinh phí cụ thể, Sở Tài chính thẩm định theo đúng quy định pháp luật, trình UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí duy trì hợp đồng cung cấp dịch vụ đo mưa tự động năm 2020 từ nguồn Quỹ phòng chống thiên tai; số liệu đo mưa tại các trạm đo mưa do tỉnh hỗ trợ kinh phí đầu tư, duy trì hoạt động được chuyển giao cho Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Trung Bộ xử lý để phục vụ chung cho công tác dự báo khí tượng thủy văn trên địa bàn tỉnh.