Nguồn cung vật tư y tế Trung Quốc có thể khan hiếm trong thời hạn ngắn
Bắc Kinh siết chặt quy định về xuất khẩu vật tư y tế sau khi nhiều nước châu Âu phàn nàn về chất lượng khẩu trang và kít thử Covid-19 của Trung Quốc.
Trung Quốc, nước sản xuất khẩu trang, áo choàng bảo vệ và dụng cụ xét nghiệm lớn nhất thế giới, thu hút nhiều sự chú ý trên báo chí bởi chiến dịch “ngoại trang khẩu trang” và việc đẩy mạnh xuất khẩu và viện trợ thiết bị y tế phòng chống Covid-19 trên toàn thế giới. Song trong thời hạn ngắn, xuất khẩu dụng cụ bảo hộ nhân viên y tế (PPE) từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này có thể giảm đáng kể. Đó là vì Bắc Kinh đã thắt chặt các quy định về chất lượng sau một vài lô hàng “đầy tai tiếng”.
Nhiều công ty Trung Quốc đã có hợp đồng với bạn hàng quốc tế song không thể thực hiện giao hàng. Ảnh: belga
Trong tháng 3, Hà Lan đã quyết định thu hồi 600.000 khẩu trang FFP2 của Trung Quốc từ các bệnh viện vì các khẩu trang này không đạt được tiêu chuẩn chất lượng bảo vệ cần thiết. UZ Gent, bệnh viện hàng đầu của Bỉ, cũng quyết định không dùng trên 3000 khẩu trang Trung Quốc mà bệnh viện này được cấp phát cũng vì vấn đề chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Slovakia và Ai Len đã đặt mua kit thử Covid-19 song các bộ kit này cho kết quả với độ chính xác thấp. Thủ tướng Slovakia Igor Matovic thậm chí đã nặng lời nói: “Tốt hơn chúng tôi nên vứt chúng ngay xuống sông Danube”.
Ban đầu, Trung Quốc phủ nhận vật tư y tế Trung Quốc có vấn đề, song nước này sau đó đã nhanh chóng siết thặt các quy định về xuất khẩu vật tư y tế. Tại Trung Quốc có rất nhiều công ty hoạt động bất hợp pháp nên không có gì đáng ngạc nhiên khi Bắc Kinh muốn tăng cường sự kiểm soát. Từ nay trở đi, mỗi công ty xuất khẩu PPE cần phải đạt 2 điều kiện: có giấy chứng nhận đăng ký sản phẩm thiết bị y tế của chính phủ Trung Quốc và bằng chứng lô hàng xuất khẩu đạt yêu cầu chất lượng của nước nhập khẩu.
Đây có thể coi là một tín hiệu tích cực, song theo chuyên gia về luật thương mại Steve Dickinson trên diễn đàn China Law Blog vấn đề không đơn giản như vậy. ‘Nhiều doanh nghiệp tuy đã hoạt động hợp pháp song chưa bao giờ đăng ký tại Trung Quốc vì các công ty này chỉ xuất khẩu’, ông nói. Vì vậy, các công ty này không có giấy chứng nhận đăng ký sản phẩm thiết bị y tế. Các công ty này cũng không thể có ngay được giấy phép của Cơ quan Quản lý Sản phẩm Y tế Quốc gia nên cũng không thể xuất hàng của mình ra nước ngoài. Ngược lại, các công ty đã có giấy chứng nhận về bán vật tư y tế trên thị trường Trung Quốc lại không tham gia hoạt động xuất khẩu. “Các công ty này không biết cần phải bắt đầu thủ tục đăng ký xin giấy chứng nhận CE (chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn về sức khoẻ, an toàn và môi trường của EU) như thế nào. Điều này sẽ khiến cung cấp vật tư y tế Trung Quốc bị hạn chế”, ông Dickinson cho hay.
81 nhà xuất khẩu PPE tạm thời phải ‘đứng ngoài cuộc chơi’
Tờ South China Morning Post số ra ngày 2/4 cũng đã xác nhận ‘chỉ có 21 trong 102 công ty xuất khẩu PPE có giấy chứng nhận CE đã đăng ký ở Trung Quốc.’ 81 doanh nghiệp còn lại chưa có giấy chứng nhận đăng ký sản phẩm thiết bị y tế và cần phải làm thủ tục này. Ngoài ra, khái niệm về vật tư được quy định trong pháp luật còn mơ hồ nên việc thông quan đối với vật tư y tế xuất khẩu tại cửa khẩu Trung Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.
Video đang HOT
Theo ông Dickinson, người mua cần phải rất chú ý đến nhãn sản phẩm và khuyến cáo việc diễn đạt luật ở mỗi cảng có thể là khác nhau. ‘Tại Trung Quốc, luật sẽ luôn diễn đạt: căn cứ vào ví dụ thực tế. Điều đó có thể kéo dài hàng tuần. Nếu bạn muốn nhận hàng PPE lúc này ở Trung Quốc, bạn cần có sự hướng dẫn về chuyên môn”, ông Dickinson nói.
Tình trạng ách tắc
Chủ tịch Hiệp hội Chẩn đoán In Vitro Trung Quốc, ông Song Haibo, cho hay các quy định mới này sẽ có ảnh hưởng. Ông cho biết: “Nhiều công ty đã có hợp đồng với bạn hàng quốc tế không thể thực hiện giao hàng sẽ dẫn tới kiện tụng về pháp lý”. Theo tờ South China Morning Post, thủ tục xin giấy chứng nhận tại Trung Quốc có thể kéo dài từ 1-3 năm.
Trước đây, vấn đề là tiêu chuẩn chất lượng và ở phía người mua vì không thực hiện đủ yêu cầu trên cơ sở dữ liệu phức tạp bằng tiếng Trung. Song hiện nay, quy định mới sẽ tạo ra tình trạng ách tắc trong hoạt động xuất khẩu vật tư y tế của Trung Quốc. Theo lời ông Dickinson: “Nhiều người cho rằng Trung Quốc không làm điều này để bảo vệ các nước khác mà để có đủ nguồn dự trữ đề phòng cho làn sóng lây nhiễm mới nếu xảy ra. Song dù với động cơ gì, thì ảnh hưởng đến nguồn cung vật tư y tế Trung Quốc trên thị trường thế giới là như nhau”./.
CTV Xuân Hương
Bộ trưởng Brazil: Covid-19 là 'âm mưu của Trung Quốc'
Bộ trưởng Giáo dục Brazil Weintraub cáo buộc Covid-19 là âm mưu "thống trị thế giới" của Trung Quốc, động thái khiến Bắc Kinh tức giận.
Bộ trưởng Giáo dục Brazil Abraham Weintraub chỉ trích trong một bài đăng trên Twitter hôm 4/4 rằng Covid-19 giúp Trung Quốc "thống trị thế giới" và các nhà sản xuất khẩu trang nước này kiếm bộn tiền.
"Về mặt địa chính trị, ai sẽ trở nên mạnh hơn từ cuộc khủng hoảng toàn cầu này", Weintraub viết. "Ai ở Brazil thông đồng với kế hoạch không thể sai lầm này để thống trị thế giới".
Trong bài đăng gốc bằng tiếng Bồ Đào Nha, Weintraub thay thế chữ "r" trong Brazil thành chữ "L", đọc thành BLazin để chế nhạo cách đọc tiếng Anh của người Trung Quốc. Ông xóa bài đăng này hôm 5/4.
Một giáo viên của SENAI (Dịch Vụ Đào tạo Công nghiệp Quốc gia Brazil) đang sửa máy thở bị hỏng trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát ở Sao Paulo, Brazil, hôm 6/4. Ảnh: Reuters.
Đại sứ quán Trung Quốc ở Brazil, nơi từng tranh cãi với con trai Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro hồi tháng trước khi ông này so sánh cách xử lý dịch bệnh của Trung Quốc với thảm họa hạt nhân Chernobyl, đã lên tiếng phản đối Bộ trưởng Weintraub hôm 6/4.
"Những tuyên bố hoàn toàn vô lý và bần tiện đó, cùng đặc tính phân biệt chủng tộc và toan tính ngầm, đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực trong phát triển lành mạnh quan hệ song phương", đại sứ quán Trung Quốc tại Brazil thông báo trên Twitter. "Chính phủ Trung Quốc chờ lời giải thích chính thức từ Brazil", đại sứ Trung Quốc tại Brazil Dương Vạn Minh đăng Twitter.
Bộ Giáo dục Brazil từ chối bình luận vấn đề này, ông Weintraub cũng không phản hồi yêu cầu bình luận về tuyên bố của đại sứ quán Trung Quốc.
Trong cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh sau đó, ông nói mình không phân biệt chủng tộc, chỉ bày tỏ thái độ trước cách Trung Quốc xử lý đại dịch và cáo buộc nhà sản xuất khẩu trang Trung Quốc trục lợi.
Weintraub khẳng định chỉ xin lỗi nếu Brazil mua được máy thở cho các bệnh viện ở trường đại học với giá chấp nhận được.
"Họ hãy giao 1.000 máy thở đến các bệnh viện trong các trường đại học ở Brazil rồi tôi sẽ tới đại sứ quán và nói 'Tôi là thằng ngu'", ông nói trong cuộc phỏng vấn với đài Bandeirantes sáng 6/4.
Covid-19 đang gây áp lực mới lên quan hệ giữa Brazil với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của nước này và nhà sản xuất vật tư y tế lớn nhất thế giới, cho thấy sự bất đồng trong chính quyền của Tổng thống Bolsonaro.
Weintraub là một trong nhiều cố vấn của Bolsonaro, trong đó có con trai của Tổng thống và Ngoại trưởng Ernesto Araujo, lên tiếng kêu gọi nước này liên minh chặt chẽ hơn với Mỹ và thận trọng với Trung Quốc, đối tác chính mua hàng nông sản và quặng sắt của Brazil.
Tuần trước, Bộ trưởng Y tế Luiz Henrique Mandetta cho biết Trung Quốc đã bỏ qua một số đơn đặt hàng của Brazil sau khi Mỹ điều hơn 20 máy bay chở hàng tới Trung Quốc để mua những sản phẩm tương tự.
Bolsonaro nhiều lần nói Covid-19 là "bệnh cúm nhỏ", làm dấy lên các xung đột chính trị khi ông phản đối quyết định hạn chế đi lại của thống đốc các bang, điều mà ông coi là thảm họa kinh tế.
Khi số người chết vì dịch tăng, nhiều cuộc thăm dò dư luận cho thấy phần lớn người Brazil ủng hộ lệnh hạn chế để ngăn chặn nCoV lây lan.
Bộ Y tế Brazil hôm 5/4 thông báo số ca nhiễm mới ở nước này đã tăng gấp đôi so với 5 ngày trước đó lên 11.130, còn số ca tử vong cũng tăng gấp đôi lên 486 kể từ ngày 1/4.
Sao Paulo, bang đông dân nhất Bazil, ghi nhận hơn một nửa số người chết ở nước này. Joao Doria, thống đốc bang Sao Paolo, hôm qua đã gia hạn các biện pháp ngăn chặn dịch thêm 15 ngày tới 22/4, tuyên bố cảnh sát có quyền giải tán các cuộc tụ tập đông người ở nơi công cộng.
Covid-19 đẩy thế giới vào cuộc chiến vật tư y tế. Nhiều quốc gia, đặc biệt là các vùng dịch lớn như Mỹ và châu Âu, lâm vào tình trạng thiếu khẩu trang vì hầu hết không thể sản xuất hàng triệu khẩu trang mà nhân viên y tế cần mỗi ngày. Các nước gần như đang trông đợi vào những lô hàng khẩu trang từ Trung Quốc và các nhà sản xuất khác ở châu Á.
Hồng Hạnh - Huyền Lê
Bài học chống COVID-19: Miễn phí xét nghiệm và điều trị Các nước cần chuẩn bị nguồn lực tài chính, không để chi phí cản trở người dân xét nghiệm và điều trị COVID-19. Việc xét nghiệm, điều trị COVID-19 ở Trung Quốc được miễn phí. Dịch COVID-19 đã lan ra hơn 100 quốc gia với tâm dịch mới đã chuyển sang châu Âu, thay vì Trung Quốc như ban đầu. Số người chết,...