Người Xê đăng hết “gửi” trâu bò cho… núi rừng
Bằng nguồn vốn ưu đãi của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Đăk Tô (Kon Tum), 10 gia đình nông dân xã Văn Lem đã tiên phong triển khai thành công mô hình chăn nuôi theo nhóm hộ. Điều này đang hứa hẹn mở ra một cung cách chăn nuôi hiệu quả cho đồng bào dân tộc thiểu số địa phương.
Vượt lên tập quán lạc hậu
Cứ đinh ninh với cái nắng chát chúa giữa trưa, anh A Ku sẽ có nhà. Vậy mà không. Tới nhà, vợ anh bảo chúng tôi ngồi chờ để đi gọi anh về. A Ku đang cải tạo miếng ruộng hoang gần lũng suối để trồng cỏ nuôi bò. Đây là chuyện lạ trước giờ mới có ở làng Tê Ben…
A Ku chăm sóc đàn bò phát triển từ vốn vay Ngân hàng CSXH. Ảnh: Ngọc Tấn
Người Xê Đăng từ bao đời nay, trâu bò vẫn gửi núi rừng, mặc chúng tự kiếm ăn, mặc chúng tự sinh sôi nảy nở. Những năm gần đây, rừng lùi xa, nhưng việc nuôi nấng trâu, bò ở xã Văn Lem bà con vẫn “nhờ trời” là chính… Trồng cỏ cho trâu, bò ăn đã là sự lạ, lập nhóm nuôi trâu bò lại càng lạ hơn.
Tầm 10 phút thì A Ku đã có mặt ở nhà. A Ku kể, chuyện bắt đầu từ tháng 9.2015, Huyện đoàn Đăk Tô muốn chọn một số đoàn viên ưu tú để lập các mô hình sản xuất điểm. 7 đoàn viên làng Tê Ben và 3 đoàn viên làng Đăk Xin cùng được chọn. Họ bàn bạc và thấy phù hợp nhất là mô hình trồng cỏ nuôi bò. Tuy nhiên, vấn đề nan giải là vốn đầu tư. Tất cả họ đều vừa lập gia đình, ngoài vài sào đất rẫy của cha mẹ cho, chưa ai có tài sản gì đáng giá… Đang lúc cả nhóm tưởng đã hết cách thì Ngân hàng CSXH huyện Đăk Tô đứng ra cho vay vốn.
Video đang HOT
“Với những ưu điểm của nhóm nuôi bò của A Ku, sắp tới xã sẽ vận dụng lồng ghép các nguồn vốn chính sách – đặc biệt là nguồn vốn của Ngân hàng CSXH để nhân rộng mô hình”. Ông Lê Thành Thọ – Chủ tịch UBND xã Văn Lem
“Mỗi hộ chúng tôi được vay 20 triệu đồng, đủ mua 1 con bò sinh sản tốt – nhóm trưởng A Ku kể. Thời hạn cho vay là 3 năm. Nếu khó khăn ngân hàng sẽ gia hạn thêm nửa chu kỳ, trong khi lãi suất thấp. Nói để mừng, chưa hết một phần ba thời hạn cho vay, bò của nhóm hộ chúng tôi đã đẻ được cả thảy 6 con bê. Dự tính hết chu kỳ vay, mỗi bò mẹ sẽ có 3 con. Với giá bò như hiện nay, chỉ cần bán một bò con, chúng tôi cũng đủ trả vốn ngân hàng…”.
Sẽ nhân rộng mô hình
Cứ như A Ku kể thì anh đích thực là “tổng chỉ huy” của nhóm – từ việc theo dõi, đốc thúc các thành viên tạo nguồn thức ăn, chăm sóc, vệ sinh chuồng trại đến tiêm phòng dịch bệnh… Dưới A Ku có 1 nhóm phó giúp sức. Định kỳ, các thành viên trong nhóm lại gặp nhau để báo cáo tình hình, trao đổi các biện pháp kỹ thuật, giải đáp thắc mắc…
Do mối liên kết giữa các thành viên được thiết lập chặt chẽ, có người điều hành nên nếu dịch bệnh xảy ra, báo kịp thời là cán bộ thú y nắm ngay được thông tin để xử lý. “Hồi đầu, anh em trong nhóm chưa hiểu nên còn dè dặt. Giờ thì ai cũng thấy nhóm là điểm tựa vững chắc” – A Ku phấn khởi nói.
Ông Lê Thành Thọ – Chủ tịch UBND xã Văn Lem, người đã ủng hộ và theo dõi chặt chẽ việc triển khai mô hình ngay từ đầu cũng rất tâm đắc. Theo ông Thọ, Văn Lem là một xã rất có thế mạnh về chăn nuôi nhưng trình độ sản xuất, tổ chức phát triển kinh tế của đồng bào còn rất hạn chế. Áp dụng khoa học kỹ thuật theo cách “cầm tay chỉ việc”, tương trợ lẫn nhau như mô hình nhóm hộ rất phù hợp với phong tục, tập quán của đồng bào. Tổ chức chăn nuôi theo nhóm hộ chính là tiền đề để thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, tạo mối liên kết để từ sản xuất nhỏ lẻ tiến tới sản xuất hàng hóa quy mô; nâng dần trình độ, tổ chức sản xuất cho đồng bào…
Theo Danviet
Lão nông thu lãi 500 triệu đồng mỗi năm từ chăn nuôi
Trên mảnh đất cằn cỗi, lão nông Lê Xuân Quang (53 tuổi, trú thôn Thọ Lộc 2, xã Nhơn Thọ, thị xã An Nhơn, Bình Định) vay mượn, thuê đất mở trang trại chăn nuôi. Sau 10 năm, giờ đây ông Quang đã có tổng doanh thu trên 1,5 tỷ đồng mỗi năm.
Với 3 trại chăn nuôi heo thịt, bò sinh sản, gà, vịt... lão nông Lê Xuân Quang (xã Nhơn Thọ, thị xã An Nhơn) thu lãi 500 triệu đồng mỗi năm
Vốn là nhà nông, vài sào ruộng và chăn nuôi vài con lợn, con gà, có tằn tiện đến mấy cũng chỉ đủ chi tiêu qua ngày, còn việc con cái học hành thì càng khó khăn. Năm 2005, với tổng số vốn khởi điểm 300 triệu đồng từ tích góp và vay vốn ngân hàng, ông mạnh dạn thuê 1 ha đất cằn cỗi bỏ hoang để xây dựng 3 trang trại chăn nuôi. Ban đầu, do vốn ít, kinh nghiệm còn non, ông nuôi mỗi thứ một ít chỉ vài chục con heo thịt, 2 con bò sinh sản, 1.000 con vịt đẻ... theo kiểu lấy ngắn nuôi dài. Khi có lãi, ông bắt đầu chăn nuôi số lượng lớn và thuê nhân công về làm cho trang trại.
Giờ đây, trang trại của ông với 1.500 con heo thịt/lứa (xuất 2 lứa mỗi năm), 600 con gà, 6 con bò sinh sản (mỗi năm xuất bán 3 con)... Ngoài ra, ông còn trồng trên 1 ha keo lai. Nhờ vậy, tổng doanh thu từ trang trại mỗi năm khoảng 1,5 tỷ đồng, trừ chi phí vẫn còn lãi ròng khoảng 500 triệu mỗi năm.
Theo ông Quang, ngoài việc tiêm phòng vật nuôi theo định kỳ, trang trại còn xây dựng hẳn căn phòng sát trùng (gồm thuốc sát trùng, hố voi, đồ bảo hộ...) để những ai muốn vào khu vực chăn nuôi, kể cả ông đều phải qua phòng sát trùng này. Đó chính là bí quyết giúp ông chăn nuôi thành công.
"Phòng bệnh hơn chữa bệnh, nếu để có bệnh mới chữa thì coi như mất lãi, thậm chí cả vốn bỏ ra. Vì thế, việc khử trùng rất quan trọng bởi môi trường sống không ô nhiễm thì vật nuôi mới tránh được các mầm bệnh từ bên ngoài. Nhờ quy định này mà 10 năm chăn nuôi tôi chưa bao giờ nếm mùi thua lỗ", ông Quang chia sẻ.
Ngoài ra, để tạo đầu ra sản phẩm ổn định, nhiều năm nay ông đã phối hợp với một doanh nghiệp phát triển đàn heo thịt hơn 3.000 con/năm. Theo đó, trang trại ông sẽ được hỗ trợ thức ăn, kỹ thuật chăm sóc, thuốc phòng, trừ bệnh... và cả đầu ra của sản phẩm. "Chăn nuôi lớn phải tính toán, chứ không thể đánh liều. Khi có đầu ra ổn định, mình không phải lo khi giá cả thị trường biến động", ông Quang khẳng định.
Nhờ vào phát triển chăn nuôi quy mô lớn mà trang trại ông Quang còn góp phần giải quyết cho nhiều lao động nghèo tại địa phương có thu nhập cao, ổn định. Hiện trang trại ông đang thuê 6-8 nhân công làm thường xuyên với mức lương 3 triệu đồng/tháng.
Muốn vào khu chăn nuôi phải qua phòng khử trùng nhằm tránh dịch bệnh lây lan từ bên ngoài
Không chỉ làm giàu cho gia đình, nhiều hộ nông dân khó khăn muốn học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi, ông Quang đều tận tình chia sẻ để tìm được con giống, cách thức chăm sóc, kỹ thuật chăn nuôi và thị trường sản phẩm giá cao.
Ông Phan Hữu Vinh - Chủ tịch Hội nông dân xã Nhơn Thọ, cho biết: Bình quân mỗi năm trang trại của ông Quang thu về hơn 500 triệu đồng. Ông Quang không chỉ là hội viên tiên phong trong phong trào xây dựng nông thôn mới mà nhiều năm liền mà ông còn đạt được danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh. Ngoài ra, mỗi năm ông giúp đỡ được 1 hộ dân tại địa phương thoát nghèo và giải quyết lao động thường xuyên tại vùng nông thôn.
Vũ - Công
Theo Dantri
Chuyện hiếm: Cả làng cùng nhau mua ôtô Ở làng này, hầu như nhà nào cũng sắm ôtô. Nhà chị Đại, ngoài chiếc xe tải phục vụ làm ăn, vợ chồng chị cũng quyết định bán chiếc xe cũ để "lên đời" xe mới với giá hơn 1 tỷ đồng. Thủ phủ của gà đẻ trứng Nằm trên một quả đồi ngay cửa ngõ thành phố Vĩnh Yên, cách Hà Nội...